Từ tháng Giêng năm 2020, người Mỹ đã rõi nhìn theo cơn khủng hoảng xẩy ra tại Trung Quốc qua dịch cúm Vũ Hán, rồi đến một số quốc gia khác bị lây nhiễm dịch cúm Vũ Hán như Ý, Tây Ban Nha, Nam Hàn, Iran, vân vân, với những con số người dân bị lây nhiễm và chết vì bệnh dịch gia tăng mỗi ngày. Trong tình hình chung thế giới đó, những sinh hoạt tại nước Mỹ tuy nhiên vẫn bình thường. Cho đến cuối tháng Hai, 2020 trước những thông tin bất lợi sẽ xẩy đến do đại dịch Covid-19, thì không khí hoảng loạn mới thật sự đến với người Mỹ.
Khởi đầu từ sự sụp đổ tới mức đáy của thị trường chứng khoáng Hoa Kỳ khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tống bán tháo các cổ phiếu, để tìm sự an toàn trong sự lo sợ của đại dịch Vũ Hán. Lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên sụt xuống dưới 0,5%. Lãi suất kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới 1%. Theo các chuyên gia thì tuy sự sụp đổ của thị trường Mỹ hiện nay giống cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoáng Mỹ vào năm 1987, nhưng vào năm 1987 do lo ngại về khả năng Mỹ sẽ tăng thuế đối với các thương vụ mua bán, sáp nhập đưa đến sự hình thành của nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính Mỹ. Còn các nhà đầu tư bán tháo ra cổ phiếu hiện nay là do quan ngại về sự sụp đổ của nền kinh tế qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Họ lo rằng đại dịch COVID-19 sẽ đẩy thế giới vào suy thoái, và giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tín dụng.
Kế đến là sự căng thẳng trên toàn quốc khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch COVID-19 vào hôm thứ Sáu 13 tháng 3 2020. Lệnh cách ly “Trú Ẩn Tại Gia” đã được ban hành tại 21 tiểu bang trên nước Mỹ nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Lệnh này cũng là để tránh sự quá tải cho các bệnh viện đang trong điều kiện không có đủ dụng cụ bảo hộ cho các bác sĩ và y tá cũng như không có đủ máy thở cho các bệnh nhân. Lệnh tách xa người với người và tránh hội họp cũng đã khiến cho tất cả các trường học và những cơ sở không thiết yếu tại nhiều tiểu bang trên nước Mỹ đã phải đóng cửa.
Trong không khí hoảng loạn của mỗi ngày đi qua, những thông tin thực tế đến từ truyền thông và báo chí khiến con người dễ dàng trở nên trầm cảm. Chẳng hạn như tin cho đến ngày 27 tháng 3 năm 2020, con số trên thế giới lây nhiễm với COVID-19 đã vượt trên 520,000 người, bao gồm con số trên 23,000 bệnh nhân đã chết. Ở Mỹ con số dương tính với COVID-19 là 100,000 trường hợp, vượt qua khỏi Trung Quốc và nước Ý. Số người dân nộp xin tiền thất nghiệp tại Mỹ chỉ trong một tuần qua đã lên tới 3.3 triệu người, theo báo cáo của Bộ Lao Động vào ngày thứ Năm 26 tháng 3, 2020.
Nguồn gốc sự trầm cảm, chán nản và buồn phiền của con người như nói trên có thể đến từ một số nguyên nhân. Có nguyên nhân là do sự căng thẳng, lo lắng thái quá. Chẳng hạn như sợ bị lây nhiễm, sợ sẽ phải thất nghiệp lâu dài, sợ kinh tế suy thoái, thương cảm cho những nạn nhân bất hạnh, vân vân. Có trường hợp tuyệt vọng vì đã đem hết tiền để dành, đầu tư vào thị trường chứng khoáng, nay giá cổ phiếu lao dốc thì bị trắng tay. Để đối phó với tình trạng trầm cảm trên của con người, một số nơi như các trường học đã tổ chức những buổi huấn luyện tâm lý, giúp vực dậy tinh thần của các thầy cô để các thầy cô có thể hỗ trợ các học sinh trong những lớp học trên mạng với phương châm “Bằng sự tích cực, mọi khó khăn rồi sẽ đi qua. Cùng nhau tất cả có thể vượt được những trở ngại,”
Bên cạnh những nỗi căng thẳng hằng ngày đến từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy có những bản tin rất người. Những bản tin khiến người đọc phải rung động, cảm khích về tình người, tình nhân loại. Chẳng hạn như bản tin về một vị linh mục người Ý, linh mục Giuseppe Berardelli, người đã dương tính với COVID-19, được các con chiên mua tặng cho máy thở. Một bịnh nhân trẻ khác cũng dương tính với COVID-19 nhưng lại không có máy thở vì nhà thương đã không có đủ máy để cung cấp cho anh. Vị linh mục đã quyết định nhường máy thở của ông cho bịnh nhân trẻ này. Kết quả là bịnh nhân trẻ đó đã sống và vị linh mục đã qua đời. Một câu chuyện khác, câu chuyện của một vị bác sĩ người Indonesia, tên Hadio. Bác sĩ Hadio là người năng nổ trong việc chữa trị cho các bịnh nhân COVID-19. Kết quả là ông đã bị lây nhiễm COVID-19. Biết rằng mình sẽ không qua khỏi, bác sĩ Hadio đã trở về quê thăm vợ đang mang thai và hai con lần cuối. Nhưng ông chỉ đứng trước cửa hàng rào, nhìn vợ con lần cuối rồi ra đi vì sợ lây nhiễm cho vợ con. Một câu chuyện nhân bản khác xẩy ra tại tiểu bang New York, là câu chuyện của hàng ngàn bác sĩ đã nghỉ hưu, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo đã tình nguyện trở lại làm việc hỗ trợ việc chữa trị COVID-19 tại những bịnh viện đang quá tải. Cuối cùng là một câu chuyện đáng yêu, câu chuyện của một cậu bé mắt to đen, ngây thơ, hàng ngày chỉ biết ngồi chơi với chú chó cưng trong một thùng carton trong thời gian bị giữ trong nhà do trường học bị đóng cửa để tránh bị lây nhiễm do dịch.
Cho đến nay dịch COVID-19 đã lan tràn khắp thế giới. Tổng số quốc gia bị lây nhiễm bởi dịch Vũ Hán là 203 nước cộng thêm 2 du thuyền Diamond Princess và Zaandam. Để có phương sách đối phó chung với nguy cơ của đại dịch, các cường quốc kinh tế thuộc G20 cũng như 27 lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã cùng họp khẩn qua video vào hôm thứ Năm 26 tháng 3 2020.
Trong khi đó, để đối phó với sự thiệt hại kinh tế vì sự phong tỏa các hoạt động kinh tế – xã hội do đại dịch, và với nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 1987, Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cứu trợ khẩn cấp kinh tế khổng lồ trị giá 2 nghìn tỷ đô la vào ngày thứ Sáu 28 tháng 3, 2020.
Tóm lại, sự lo lắng đơn phương của mỗi cá nhân sẽ không làm được điều gì, không thể giải quyết vấn đề gì vì tự mình hết khả năng tính toán đối phó cụ thể nhưng với sự chung tay của thế giới để giải quyết vấn nạn đại dịch, mọi khó khăn rồi sẽ đi qua. Vật chất nếu mất đi thì có thể xây dựng lại nếu con người vẫn còn khả năng và sức sống. Tính toán giải quyết vấn đề là cần và nên, nhưng lo lắng thái quá thì không nên. Có thái độ bình thản thì sẽ gìn giữ được sức khỏe và sự bình an của tâm hồn, thân thể sẽ có sức đề kháng mạnh mẽ. Trong thế giới chung quanh chúng ta vẫn có thể tìm được những niềm vui qua những điều nhân ái và tình con người đang trải rộng. Hãy giữ cho chúng ta sự hạnh phúc, thanh thản trong cơn khủng hoảng của COVID-19.