Trong suốt nhiệm kỳ của Donald Trump cho đến bây giờ, một câu hỏi lởn vởn trong đầu óc của mọi người là: khi có khủng hoảng nghiêm trọng, Trump sẽ hành động như thế nào? Bây giờ, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng đại dịch Coronavirus toàn cầu nói chung và trên đất Mỹ nói riêng, chúng ta đã có câu trả lời rất rõ ràng.
Vào tháng Mười Hai, năm 2019, chỉ vài tuần sau khi trận dịch khởi đầu ở Vũ Hán Trung Quốc, các viên chức về sức khỏe đã cảnh báo Trump về sự nghiêm trọng của nguy cơ này. Thế mà lời bình luận đầu tiên của Trump về việc này vào ngày 22 tháng Một, 2020, đại để rằng ông ta không có một chút lo lắng gì về con vi khuẩn này, và rằng mọi sự nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Ngày 31 tháng Một, 2020, Trump cho là quyết định giới hạn đi lại từ Trung cộng đã chế ngự được trận dịch. Rồi trong suốt tháng Hai, Trump gạt bỏ sự cảnh giác của đảng Dân Chủ về con Coronavirus này, cho đó là một trò “chơi khăm” của đảng Dân Chủ và đổ thừa sự tràn lan của virus này là do chính sách mở rộng biên giới của đảng Dân Chủ. Ngày 29 tháng Hai, cái chết đầu tiên vì Coronavirus của một công dân Mỹ trên đất Mỹ được ghi nhận.
Trong khi các nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyên dân Mỹ tự cách ly và ngưng các cuộc tụ họp thì rất nhiều những người theo Trump, trong giới báo chí cũng như trong quốc hội, tiếp tục lên tiếng theo kiểu Trump là không có gì để mà lo lắng về cơn dịch bệnh này. Điều đáng nói là cùng lúc đó, cơn dịch này tiếp tục lây lan trên khắp nước Mỹ, phần lớn không được phát hiện. Khi các quốc gia khác theo dõi và phòng ngừa các trường hợp nhiễm virus mới với xét nghiệm cả vài chục ngàn người thì CDC (Center for Disease Control and Prevention) của Mỹ chỉ có xét nghiệm không đến 500 trường hợp trong suốt cả tháng Hai.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, Dr. Anthony Fauci, đã vạch ra là chương trình xét nghiệm virus của chính phủ liên bang là một sự thất bại thảm hại, nhưng đó không phải chỉ là thất bại duy nhất của chính phủ trong chương trình phòng chống trận dịch này. Chính phủ của Trump đã bỏ qua báo động về sự thiếu hụt của dụng cụ y tế căn bản để đối phó trận dịch như mask, giường bệnh và máy trợ thở, những dụng cụ cần thiết để đối phó với con số nhập viện sẽ gia tăng vì nhiễm Coronavirus. Hơn nửa, Trump còn đấu đá với các thống đốc tiểu bang đang xin liên bang quỹ tài trợ cho sự chuẩn bị đối phó với trận dịch. Trump mặc kệ sự hỗn độn này, trả lời câu hỏi trong ngày 13 tháng Ba khi ông được hỏi là ông có nhận trách nhiệm về sự thất bại của chương trình xét nghiệm Coronavirus không, ông nói, “Không, tôi không nhận trách nhiệm gì hết”, một câu trả lời đã định nghĩa được ông và nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Với sự thiếu vắng tố chất lãnh đạo từ liên bang, các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương đứng ra lấp đầy khoảng trống này. Các thống đốc mau lẹ tự tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa trường học, các thị trưởng áp dụng các biện pháp giới hạn và các lãnh đạo cộng đồng hủy bỏ các sự kiện công cộng. Thị trưởng các thành phố lớn nhất của Mỹ cùng thiết lập một kênh để trao đổi tin tức, các biện pháp và tìm một câu trả lời thống nhất.
Khi cổ phần chứng khoán tụt xuống 12% và trận dịch toàn cầu đã trở nên một sự hoảng loạn, không còn chỉ trên lĩnh vực y tế nữa, mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế, Trump cuối cùng mới tỏ ra thức tỉnh về sự nghiêm trọng của cơn khủng hoảng này. Ngày 16 tháng Ba, Trump chấp nhận rằng trận dịch này thật ra rất trầm trọng và kêu gọi mọi người không tụ họp hơn 10 người, không đi đến bar hay nhà hàng.
Lỗi lầm chính yếu đầu tiên của Trump không phải là sự hỗn độn mà ông và chính phủ của ông gây ra trong mấy tháng vừa qua, mà đã xẩy ra cách đây hơn một năm rưởi trước khi con vi khuẩn Corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Lỗi lầm đó xẩy ra vào tháng Năm năm 2018, khi ông ra lệnh cho cố vấn về An Ninh Quốc Gia lúc bấy giờ John Bolton đóng cửa đơn vị Global Health Security Unit trong National Security Council và giáng chức các chuyên gia về đại dịch toàn cầu. Một lần nữa, câu trả lời vô trách nhiệm của Trump khi được hỏi về sự kiện này vào ngày 13 tháng 3 là, “Tôi không có làm việc này. Tôi không biết chút xíu gì về việc này hết”. Với sự ra đi của các chuyên gia về dịch bệnh trong tòa Bạch Ốc, những người còn lại phục vụ Trump trong tòa nhà này chỉ là những kẻ gọi dạ bảo vâng.
Một lý do được ngầm hiểu về sự trì trệ của Trump và chính phủ liên bang trong việc phòng chống dịch Coronavirus trong thời kỳ quyết định khi trận dịch vừa mới bắt đầu tại Mỹ là vì Trump và người của ông sợ sự rầm rộ của chiến dịch này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế nước Mỹ. Theo một nguồn tin thân cận từ tòa Bạch Ốc, chính những kẻ chú trọng về ảnh hưởng không tốt của một chiến dịch rầm rộ phòng chống cơn dịch này trên nền kinh tế Mỹ đã lái Trump theo đường hướng này, mặc dầu hai người chính được ám chỉ đến vụ việc này là bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin và giám đốc National Economic Council Kudlow đều chối nhận nguồn tin này.
Đầu tiên, bộ trưởng Health and Human Services Alex Azar được trao cho nhiệm vụ điều hợp. Rồi ngày 26 tháng 2, phó tổng thống Mike Pence thay thế bộ trưởng Alex. Ông mời Bác sĩ Deborah Birx, một chuyên gia về bệnh toàn cầu với mối liên hệ rộng lớn trên thế giới làm việc cho ông để điều hợp với các nước khác và với các tổ chức trong nước. Khi cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, ông làm việc với đảng Dân Chủ ở tiểu bang California and tiểu bang Washington, và ngay cả người của đảng dân chủ hàng đầu ở nghị viện.
Trong lúc Trump đang dò dẫm tìm kiếm vị trí của mình trong cuộc khủng hoảng này, các nhà lãnh đạo các cấp của Mỹ đã tự ý hành động. Vào ngày 13 tháng Ba, khi Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong một cuộc họp báo, nhưng đồng thời chối nhận bất cứ trách nhiệm nào trong tình trạng này, hơn 100 thị trưởng của các thành phố lớn của Mỹ đang trong một cuộc hội nghị qua điện thoại. Trong sự vắng mặt của của liên bang chỉ định, họ so sánh các ghi chép về cách chống trả lại virus, trao đổi ý kiến và bàn thảo về những ai nên bị cấm tụ họp đông đảo và vấn đề đóng hay tiếp tục mở trường học. Ngày 16 tháng Ba, cuối cùng Trâm cũng có vẻ như hiểu được sự nghiêm trọng của cơn khủng hoảng mà người dân Mỹ đang phải đối diện. Ông đồng ý với quyết định của CDC trong việc giới hạn tụ tập, kêu gọi hy sinh cho quốc gia với một giọng điệu không được khích lệ mấy.
Thực tế mà bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin phải chấp nhận bây giờ là đi đôi với cuộc khủng hoảng về sức khỏe là cuộc khủng hoảng về kinh tế. Thất nghiệp được tiên đoán là lên tới 20% nếu không có chương trình kích thích kinh tế rộng lớn từ chính phủ liên bang. Ngay cả với chương trình kích thích kinh tế này, vẫn có thể có hàng ngàn kinh doanh phải đóng cửa, hàng triệu người mất việc, và số người bị đói còn nhiều hơn thế nữa.
Ở một thời điểm nào đó trong tương lai, người ta sẽ có thể ngồi lại để tính toán lại những mất mát về sinh mạng con người cũng như những thất thoát về tài chánh do việc Trump chậm trể hành động trong cơn khủng hoảng này của Mỹ. Hiện tại, người dân Mỹ tìm được an ủi trong sự thật là, ngay cả trong sự thiếu vắng sự lãnh đạo trên tầm cở quốc gia của chính phủ Trump nói chung và thiếu hụt tư chất lãnh đạo của con người Trump nói riêng, chính người dân Mỹ đã cùng nhau đoàn kết đứng lên đối đầu với thử thách vô bờ bến này của dịch Coronavirus.
Khi một người thiển cận, bất tài, thiếu khả năng và vô trách nhiệm lãnh đạo một đất nước trong cơn khủng hoảng, người dân có thể tự chứng tỏ chính mình bằng sự kiên cường và khả năng phục hồi sau cơn khủng hoảng.
Cẩm Vân
(tổng hợp từ báo chí ở Mỹ)