Đời một con người tồn tại trong cuộc sống sinh học trung bình là 60 năm, cao là 80 năm, cao đặc biệt là 100 năm. Trong 80 năm đó ta làm những gì?
Một câu hỏi đặt ra "Ta đang sống hay đang tồn tại?"
Nếu chỉ đặt mục tiêu là tồn tại thì chỉ cần làm sao tranh đoạt và thỏa mãn những nhu cầu mà một loài động vật cần có : ăn, ngủ, làm tình và bài tiết. Để đạt được điều này con người lao vào giành và chiếm đoạt quyền lực để được ăn ngon hơn,mặc đẹp hơn, giao phối với đồng loại khác giới gợi tình hơn và được nhiều kẻ tung hô trong danh vọng, tiền tài và địa vị...
Để đạt được mục đích này trong lịch sử loài người đã cho ra đời các triều đại quân chủ. Trung Hoa dưới thời nhà Thanh là một ví dụ. Khi quyền lực trong tay, triều đình đã cải cách về ẩm thực, cung điện, thú ăn chơi...để nâng lên thành nghệ thuật và tận dụng quyền lực để hưởng thụ cho khỏi uổng một kiếp người. Từ đó trong xã hội hình thành sự bất bình đẳng của hai giống người: thượng đẳng và hạ đẳng; ông chủ và nô lệ.
Thấy được những bất công đó các nhà chính trị đã cho ra đời hình thái chính trị dân chủ và pháp trị để đưa con người về cùng một loại: san lấp khoảng cách giàu nghèo, đưa quyền lực về tay số đông bằng những thiết chế thuộc về lý trí.
Thế nhưng sang đến thời cận và hiện đại loài người vẫn bị lừa bởi quyền lực. Các chế độ độc tài cá nhân, gia đình, đảng phái vẫn nhân danh quốc gia, dân tộc để kích động người dân lao vào những cuộc chiến tranh đẫm máu để mang quyền lực về cho họ. Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc bị quyền lực lừa đau thương nhất. Từ một nước nô lệ cho ngoại bang một ngàn năm, dân tộc này chuyển sang nô lệ cho các cá nhân và gia đình trong một ngàn năm sau đó. Tiếp theo là 100 năm thực dân. Và cuối cùng là nô lệ cho một đảng phái chính trị.
Họ bị lừa bởi những thuật ngữ sáo rỗng: "độc lập""dân tộc"" dân chủ""tự do" cảm tính. Họ bị lừa bởi những thần tượng, những anh hùng giả tạo. Để rồi phải hy sinh hàng triệu người trong những cuộc chiến tàn khốc nhưng cuối cùng vẫn là kẻ thất bại.
Những kẻ họ tôn vinh trước khi nắm quyền đều hứa hẹn những điều tốt đẹp. Sau khi đạt được quyền lực đều tha hóa, đàn áp, bóc lột họ, biến họ thành công cụ để phục vụ cho sự tồn tại sinh học của chúng. Đó là vì họ chưa hiểu rằng trên đời này còn có những cơ chế có thể ngăn chặn và kiểm soát được sự tha hóa của những nhóm người này. Đó là hiến pháp, luật pháp, đa đảng, đối lập, tam quyền phân lập...
Và thế giới hiện đại cũng xuất hiện những cá nhân, đảng phái dám đứng lên liên kết những người cùng khổ để giành lại quyền làm người.
Những người này không còn tồn tại nữa mà là họ đang sống.
Họ là những Nelson Mandela, Mahatma Gandhi, Martin Luther King...những người đã đưa một dân tộc, một sắc dân thoát khỏi nô lệ cho quyền lực , trở thành những người bình đẳng với giai cấp thống trị, giàu có.
Một câu hỏi đặt ra là " Họ làm thế để được gì khi phải đánh đổi cuộc đời mình trong chốn lao tù"? Tại sao không kinh doanh, nương theo giai cấp thống trị để có địa vị, tài sản để rồi sống trong những biệt thự nguy nga, những du thuyền lộng lẫy, bỏ tiền ra mua những cô gái chân dài về phục vụ tình dục... khiến tất cả người dân phải trầm trồ ngưỡng mộ?
Câu trả lời đó là vì họ muốn sống chứ không hề muốn tồn tại.
Cuộc sống sinh học rất ngắn ngủi. Không ai đem được quyền lực, tài sản đó vào cõi vĩnh hằng. Khi chết đi tất cả mọi người đều bình đẳng. Thế nhưng các tỷ phú không thể thay đổi số phận của một dân tộc nhưng những nhà đấu tranh dân chủ thì có. Nếu không có Mandela, Nam Phi sẽ không được như ngày hôm nay. Nếu không có Martin Luther King người da đen và rất nhiều người nhập cư của nước Mỹ chưa chắc đã được hưởng một cuộc sống không có sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc...
Đất nước Việt Nam cũng thế mà thôi. Những bản án của chế độ độc tài hôm nay sẽ làm những người chỉ mơ ước sự tồn tại run sợ nhưng không làm tắt đi ý chí của những người muốn sống cho ra một con người. Họ sẽ đấu tranh, sẽ hy sinh để quyền lực không còn là độc quyền của những kẻ nói láo, để xã hội công bằng hơn.
Họ có thể bị tù 10 năm, 20 năm hoặc có thể chết trong nhà tù của các chế độ độc tài. Nhưng dù sao họ trước khi ra đi cũng đã để lại một tài sản lớn, tài sản mang đậm triết lý nhân sinh " Sống hay không sống. Tồn tại hay không tồn tại".
Cũng là bởi vì họ không muốn tồn tại như súc vật và chết đi như súc vật.