Đoạn video quay bằng điện thoại di động trong bóng tối, của một người phụ nữ ngồi trong một chiếc hơi đang đậu, dường như muốn cho thấy một điều gì đó bất thường: một người đàn ông đóng cửa một chiếc xe thùng màu trắng và sau đó đẩy một chiếc xe đẩy trên để một chiếc hộp lớn vào trung tâm bầu cử Detroit.
Trong vòng vài giờ, đoạn clip dài 90 giây đã được chia sẻ trên các trang web tin tức và YouTube bảo thủ, tạo ấn tượng rõ ràng là các phiếu bầu bất hợp pháp đã được đem lén vào sau khi hết giờ bỏ phiếu. Các đảng viên Cộng hòa tên tuổi, trong đó có Eric Trump, một trong những con trai của tổng thống, đã khuếch đại mẫu tin giả đó trên mạng xã hội. Trong vòng một ngày, số lần xem băng video đã tăng vọt lên hơn một triệu.
Đoạn video đơn lẻ đó đã là biểu tượng mạnh mẽ của việc lan truyền tin giả để gây rắc rối phiền hà cho cuộc bầu cử tổng thống mà Biden đã thắng. Bằng những videos, hình ảnh và bài đăng khác trên mạng xã hội, những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, và đáng kể nhất là chính đích thân tổng thống, đã đưa ra những nghi ngờ về kết quả bầu cử dựa trên những chuyện đã không hề xảy ra.
Mặc dù đoạn clip trên đã nhanh chóng bị bác bỏ bởi các cơ quan truyền thông và các giới chức công quyền, bởi vì người đàn ông trong video thật ra là một phóng viên mang theo thiết bị chụp hình chứ không phải là những phiếu bầu bất hợp pháp, nhưng đối với nhiều người xem, nó đã có tác dụng như chủ ý người đưa tin mong muốn.
Eric Hainline, một tài xế UPS ở Dayton, Ohio, sau khi xem đoạn video được nhiều người thích đó, cho biết những hình ảnh này đã củng cố sự hoài nghi của ông rằng cuộc bầu cử đã bị tước đoạt khỏi Trump.
Hainline, 44 tuổi, phát biểu: “Chúng tôi không còn biết tin ai nữa. Tôi nghĩ rằng niềm tin của mọi người đã bị phá hủy."
Tổng thống Trump và các đồng minh của ông đã nuôi dưỡng ý tưởng về một "cuộc bầu cử gian lận" trong nhiều tháng, quảng bá sự giả dối bởi truyền thông các loại và ngay cả bằng những vụ kiện về việc bỏ phiếu gian lận và người chết bỏ phiếu trên khắp đất nước.
Mặc dù chi tiết của những sự cáo buộc giả mạo này có thể mờ dần theo thời gian, nhưng vết sẹo mà chúng để lại trên nền dân chủ Mỹ có thể mất nhiều năm để chữa lành. Jennifer Mercieca, một nhà sử học về hùng biện chính trị tại Đại học Texas A&M nói: “Sẽ luôn có những người tin rằng Đảng Dân chủ đã đánh cắp cuộc bầu cử vào năm 2020. "Điều đó sẽ không thay đổi."
Trên thực tế, không có bằng chứng về gian lận phổ quát trong cuộc bầu cử năm 2020. Những giới chức bầu cử khẳng định không có những bất thường nghiêm trọng và cuộc bầu cử đã diễn ra tốt đẹp. Bộ trưởng Tư pháp William Barr hôm thứ Ba ngày 1 tháng 12 cũng cho biết Bộ Tư pháp đã không tìm thấy hành vi gian lận cử tri có thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống
Nhưng từ Phòng Bầu dục, Trump đã liên tục cố gắng thông tin sai với cả nước về kết quả bầu cử. Kết quả là những tiếng kêu la lớn về gian lận cử tri đã vang dội trong hệ thống truyền thông trực tuyến, nơi các trang Facebook ủng hộ Trump, các Twitter và các trang web rìa đã loan đi các tuyên bố không được kiểm soát hoặc các khiếu nại sai lạc về quy trình bỏ phiếu.
Và một trong những tin giả đó xuất hiện từ máy điện thoại của Kelly SoRelle, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở Texas. Sau khi quay video về người đàn ông với chiếc xe thùng ở Detroit, SoRelle đã đưa nó cho một người dẫn chương trình bảo thủ trên YouTube. Người này đã phóng lên chương trình của ông ta gồm 5 triệu người đăng ký theo rõi, một ngày sau cuộc bầu cử. SoRelle cũng đưa nó cho Texas Scorecard, một trang web của Empower Texans, vốn là một nhóm vận động hành lang xếp hạng các chính trị gia theo mức độ bảo thủ và được trợ cấp bởi doanh nhân miền Tây Texas Tim Dunn. Empower Texans ’PAC đã bơm hàng triệu đô la vào các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên cực đoan. Texas Scorecard đã đăng đoạn video đó lên trang web và trang YouTube của họ, thu hút được 50.000 lượt chia sẻ trên Facebook. SoRelle đã không trả lời cho sự yêu cầu bình luận.
Chẳng bao lâu nhiều người khác được nghe biết về câu chuyện. Bốn giờ sau đó, Eric Trump đã đưa lên trang tweet có 4 triệu người theo dõi của anh ta. Anh tweet “HÃY XEM: Vali và Thùng Giữ Lạnh được đưa vào Trung tâm Bỏ phiếu Detroit lúc 4 giờ sáng, Đưa vào Khu vực Kiểm đếm An toàn,”. Trong tuần tiếp theo, đã có gần 150.000 lượt đề cập đến xe đẩy, va li hoặc thùng giữ lạnh chứa phiếu bầu trong các bản tin phát sóng, blog và trên các Facebook, Twitter hoặc Instagram, theo phân tích mà công ty tình báo truyền thông Zignal Labs thực hiện cho AP.
Một phóng viên điều tra tại đài truyền hình địa phương WXYZ-TV đã nói rõ trên Twitter vào đêm đầu tiên đoạn video được đăng tải, rằng người đàn ông bí ẩn là một trong những nhà quay phim của kênh truyền hình. Anh ta đang kéo một xe thiết bị vào để giúp toán người ở bên trong trung tâm bỏ phiếu. Các bàn tán về câu chuyện bắt đầu tắt dần vào ngày 5 tháng 11 sau khi các cơ quan truyền thông báo chí kiểm tra thực tế các khiếu nại, Zignal Labs cho biết. Vào lúc đó, tuy nhiên, nhiều trang web bên rìa và các cộng sự của Trump đang bận rộn loan truyền các khẳng định mới về gian lận cử tri trên mạng.
Một số người tuyên bố 100.000 lá phiếu đã được "tìm thấy một cách kỳ diệu" ở Milwaukee vào lúc 3 giờ sáng, trong khi trên thực tế, giám đốc bầu cử của thành phố, được cảnh sát hộ tống, vừa chuyển những ổ dữ liệu với số lượng khoảng 169.000 phiếu bầu khiếm diện đến tòa án quận để kết quả có thể được tải lên. Những người khác thì cho rằng Dominion Voting Systems, một trong những công ty kỹ thuật bỏ phiếu được sử dụng rộng rãi nhất của đất nước, đã xóa hoặc chuyển phiếu bầu, một sự kiện không thể và chưa từng xảy ra, theo công ty. Điều này đã được xác nhận bởi cơ quan liên bang giám sát an ninh bầu cử.
Trong khi đó, trong các vụ kiện, tweet và bài đăng trên Facebook, chiến dịch tranh cử của Trump đã bắt đầu nêu tên các cử tri ở Georgia, Nevada và Michigan mà họ tin rằng đã chết. Trong số đó có bà James E. Blalock, một góa phụ còn sống ở Georgia đã đăng ký bỏ phiếu bằng tên sau khi kết hôn của mình.
Ở Georgia, nơi Biden trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng kể từ năm 1992, đã có những cáo buộc sai khác tràn lan trên mạng xã hội rằng máy bỏ phiếu đã xóa phiếu bầu cho Trump hoặc phiếu bầu bị ném vào thùng rác. Lấy những khẳng định sai sự thật đó làm bằng chứng, các thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm cả tổng thống, đã cáo buộc ngoại trưởng GOP của Georgia, Brad Raffensperger, là “kẻ nói dối”, người đã không loại bỏ được các phiếu bầu “bất hợp pháp” trong tiểu bang.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai 30 tháng 11/2020, Raffensperger cho biết, “Có những người đang khai thác cảm xúc của nhiều người ủng hộ Trump bằng những khiếu nại tưởng tượng, nửa sự thật, sai lệch thông tin và một cách rõ ràng là họ cũng đang đánh lừa tổng thống.”
Và ngay cả khi các tiểu bang trên khắp nước chứng nhận kết quả bầu cử cho thấy Biden đã thắng trong cuộc đua, Trump và các đồng minh thân cận nhất của ông vẫn tiếp tục chiến dịch chống lại cuộc bầu cử, khơi lại những lời nói dối được thấy rõ trước máy quay TV và các dòng tweet đêm khuya.
RosaLea Schiavone, một người ủng hộ Biden, ở San Diego, cho biết bà đã theo dõi với sự kinh hoàng, nhưng không ngạc nhiên trước các thuyết âm mưu về kết quả bầu cử mà Trump đã đưa ra. Bà lo lắng thiệt hại sẽ kéo dài hơn một chiến dịch, một nhiệm kỳ hoặc một triều tổng thống. “Nó là về nỗi sợ hãi, những gì ông ấy đang làm. Ông ấy đánh vào nỗi sợ hãi và sự ngờ vực của mọi người,” "Nó có thể làm tổn thương tất cả chúng ta." người đàn bà 71 tuổi nói.
Các diễn đàn truyền thông xã hội đã cố gắng làm chậm sự lan tỏa của một số thông tin sai lệch về cuộc bầu cử Hoa Kỳ qua sự kiểm tra tin giả trên Twitter và Facebook. Kể từ Ngày bầu cử, Twitter đã gắn cờ trên hơn 100 tweet của tổng thống về cuộc bỏ phiếu, trong đó một số tweet của tổng thống đã bị cấm không cho người xem chia sẻ, bình luận hoặc thích. Facebook đã gắn nhãn các bài đăng gây hiểu lầm của tổng thống nhưng không giới hạn khả năng chuyển đạt các thông tin sai lệch của người dùng trên diễn đàn của họ. Vào thứ Tư 2 tháng 12/ 2020 Trump đã sử dụng Twitter và Facebook để loan đi một bài diễn văn dài 46 phút gồm các khẳng định sai lệch, công kích kích liệt và chua cay cuộc bầu cử cho 100 triệu người xử dụng hai diễn đàn này.
Khi tổng thống nói rằng ông đã bị gian lận trong cuộc bầu cử này, Myra C. Ruiz, 77 tuổi, một người ủng hộ Trump sống ở New Orleans đã tin như vậy. Bất kỳ kiểm chứng thực tế nào về các tuyên bố của tổng thống cũng không thuyết phục được bà ta. “Tôi đã nghe hai ngày trước rằng Trump nói rằng ông ấy không thua cuộc bầu cử này; Ruiz nói.
Ruiz nằm trong số những người ủng hộ Trump, những người tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Một cuộc khảo sát vào tháng trước của Đại học Monmouth cho thấy gần một phần ba người Mỹ và hơn 75% những người ủng hộ Trump, tin rằng Biden chỉ thắng vì gian lận.
Theo phân tích của Zignal Labs, cho tới tuần trước, những lời nói dối xung quanh cuộc bầu cử đã tiếp tục truyền đến một số lượng khán giả lớn, với gần 2,5 triệu lượt đề cập đến gian lận cử tri và Ngưng Đánh Cắp (Stop the Steal) trên các trang web trực tuyến, các chương trình phát sóng và trang mạng xã hội cá nhân.
Lisa Fazio, giáo sư tâm lý học tại Đại học Vanderbilt, người nghiên cứu về tác động của thông tin sai lệch, cho biết rằng vì bị choáng ngợp bởi những khẳng định là có vấn đề trong cuộc bầu cử từ tổng thống từ những tường trình trên truyền thông và bài đăng trên mạng xã hội, người Mỹ ngày càng tự hỏi liệu có thể tin tưởng ở bầu cử nữa hay không. Bà Fazio nói “Có quá nhiều nhắc đi nhắc lại chuyện gian lận cử tri. “Có hai lợi ích của việc lặp lại. Một là làm người ta có thể nhớ một sự kiện. Hai là làm gia tăng niềm tin vào một khiếu nại”.
Nhưng Michael Hobson, 61 tuổi, sống ở Virginia Beach, Virginia, người đã bỏ phiếu cho Trump, đã bác bỏ phần lớn những khiếu nại mà ông nghe được từ tổng thống về cuộc bầu cử và những tường trình mà ông đã xem về gian lận cử tri trên đài truyền hình bảo thủ One America News Network. “Tôi nghĩ ông ấy đã sai,” Hobson nói. “Số lượng gian lận cử tri mà ông ấy nói dù sao cũng sẽ không tạo ra khác biệt trong kết quả bầu cử.”
(AP - Amada Seitz và David Klepper tường trình, Friday 4 tháng 12 2020/ Thế Long chuyển dịch)