Trong ván bài cuối cùng với cố gắng lật ngược kết quả bầu cử 2020, hơn một chục Dân Biểu đồng minh của Tổng thống Trump tại Quốc hội, và một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley (R- Missouri,) người vừa tuyên bố vào ngày hôm nay, 30 tháng 12/2020 là sẽ cùng tham gia, cho biết là họ sẽ chống đối sự xác nhận chiến thắng của Joe Biden trong phiên họp Quốc Hội 6 tháng 12/2021 sắp đến. Sự chống đối của những nhà Lập pháp này dựa trên một đạo luật vào năm 1880 được gọi là Đạo luật đếm phiếu cử tri (Electoral Count Act). Luật được viết ra để hướng dẫn Quốc hội xử sự nếu có tranh chấp ở tiểu bang trong quyết định ứng viên thắng cử. Theo luật, nếu có một dân biểu nêu vấn đề tranh chấp này ra và một thượng nghị sĩ cũng đồng ý, thì cả hai viện Quốc hội sẽ bỏ phiếu xem có chấp nhận kết quả bầu cử đó hay không. Từ hai thập kỷ vừa qua Đạo luật này đã bị thử thách trong hầu hết các cuộc xác nhận kết quả bầu cử, tuy nhiên các nỗ lực chống đối đều bị thất bại.
Quốc hội có vai trò như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống?
Quốc Hội có vai trò đầu tiên và kết thúc của cuộc bầu cử. Quốc hội ấn định ngày bầu cử. Sau đó, các tiểu bang sẽ tổ chức bầu cử và chứng nhận kết quả theo các điều luật của các tiểu bang.
Sau khi các tiểu bang xác nhận kết quả bầu cử và khi các Cử tri đoàn bỏ phiếu xác định kết quả bầu cử vào ngày 14 tháng 12, các tiểu bang sẽ gửi tổng số phiếu bầu của các Cử tri đoàn của họ tới Quốc hội để được kiểm đếm và xác nhận. Điều này xảy ra vào ngày 6 tháng 1 và phần lớn chỉ mang tính hình thức, bởi vì theo quy định của luật bầu cử, Quốc hội phải coi những kết quả bầu phiếu của cử tri đoàn là “chung cuộc.” Tuy vậy có một cơ chế cho phép các nhà làm luật thách thức những kết quả bầu cử. Đó là Đạo luật về đếm phiếu cử tri, được viết từ những năm 1880.
Khi Quốc hội họp để đếm số cử tri đoàn của từng tiểu bang và xác nhận kết quả, nếu có một nhà lập pháp từ mỗi viện, Hạ viện và Thượng viện, thách thức các phiếu cử tri đoàn của tiểu bang. thì Hạ viện và Thượng viện phải tách ra họp riêng và tranh luận về thách thức đó trong tối đa hai giờ. Quốc Hội sẽ phải bỏ phiếu trong các phiên họp riêng biệt này để quyết định chấp nhận hay từ chối thách thức đối với các phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó. Họ phải làm điều này cho từng tiểu bang bị thách thức và các đồng minh của Trump đang đưa ra những dấu hiệu họ có thể thách thức kết quả ở một số tiểu bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Georgia. Vì vậy, ngày 6 tháng 1/ 2021 có thể sẽ là một ngày dài tại Quốc Hội.
Tại Hạ viện, đó là một cuộc bỏ phiếu dễ dự đoán, vì nó do đảng Dân chủ kiểm soát.
Tại Thượng viện, hai cuộc bầu cử đặc biệt ở Georgia vẫn chưa kết thúc vì vậy đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số.
Thượng nghị sĩ lãnh đạo khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện, Mitch McConnell, trong một cuộc gọi điện thoại nói chuyện chung, đã khuyên các Thượng nghị sĩ Cộng Hòa không nên tham gia việc chống đối kết quả bầu cử vào ngày 6 tháng 1/2021. Thượng nghị sĩ John Thune (R-South Dakota,) nhân vật lãnh tụ số 2 của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cũng đã nói rằng bất kỳ thách thức nào của phe Trump đều sẽ "gục xuống như một con chó bị bắn."
Về mặt pháp lý, rõ ràng là Quốc hội không có gì để thách thức. Tất cả các tiểu bang nằm trong tầm ngắm của Trump đều đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý về việc các phiếu cử tri đoàn của họ được Quốc hội công nhận, và luật liên bang quy định Quốc hội phải coi các kết quả đó là "kết luận". Vì vậy, một thử thách có khả năng kết thúc khá nhanh và tất cả những gì các đồng minh của Trump làm sẽ chỉ là trì hoãn điều không thể tránh khỏi.
Theo Adav Noti, một chuyên gia của Trung tâm Pháp lý Tranh cử (Campaign Legal Center), trong trường hợp Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ một thách thức đối với các cử tri đoàn của tiểu bang, thì điều này vẫn chưa kết thúc. Nếu tiểu bang được đề cập chỉ đề nghị Quốc hội kiểm một phiếu cử tri đoàn, như tất cả các tiểu bang đang làm, thì luật quy định Quốc hội vẫn phải chấp nhận phương án đó. Nếu có nhiều nhóm cử tri đoàn để quyết định và nếu các viện không đồng ý về việc chọn phiếu cử tri đoàn nào, thì người quyết định kết quả sẽ là thống đốc của tiểu bang. Đây là một tin tốt cho Biden, vì thống đốc của các tiểu bang mà đảng Cộng hòa đang thách thức như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania đều là đảng viên Dân chủ.
Một câu hỏi đặt ra là vai trò của phó tổng thống Pence sẽ là gì? Trong vai trò chủ tọa Thượng viện, Pence được cho là người chủ tọa khi Quốc hội nhóm họp vào ngày 6 tháng 1 để xác nhận kết quả của cử tri đoàn. Ông Noti nói rằng luật đã được viết ra để vai trò chủ tọa Quốc Hội chỉ có tính biểu tượng chứ không thể dùng quyền hạn của mình để thay đổi kết quả bầu cử. Điều đó khiến cho một số đồng minh của Tổng thống Trump như Dân biểu Louie Gohmert (R-Texas,) đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang yêu cầu điều chỉnh vai trò của Pence trong luật bầu cử những năm 1880. Họ hy vọng có thể tìm ra cách lách luật để trao cho Pence quyền quyết định kết quả bầu cử. Nghĩa là trao chiến thắng bầu cử cho Trump. Những khiếu nại kiện tụng kiểu này rất khó để cho các tòa án coi là nghiêm chỉnh về mặt pháp lý.
Trong những ngày qua Pence đã rất kín tiếng về những điều dự định làm khi chủ tọa Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1. Colby Itkowitz và Josh Dawsey của nhật báo Washington Post cho biết, tuy đã họp với Trump và các nhà lập pháp cố gắng giúp Trump lật ngược kết quả bầu cử, các phụ tá của Pence mới đây thông báo rằng Pence sẽ làm đúng theo vai trò Hiến Pháp của mình. Theo Politico, trước khi đệ đơn kiện, Gohmert đã cố gắng thuyết phục phó tổng thống Pence đồng ý lật Đạo luật về đếm phiếu cử tri, nhưng Pence đã từ chối. Người ta biết rằng Pence có chương trình cho một chuyến xuất ngoại ngay sau khi công bố Biden là tân tổng thống. Rõ ràng là Pence muốn tránh chứng kiến sự thất vọng của Trump khi y theo hiến pháp, chứ không như Trump mong muốn là một người dưới quyền phải nghe theo lệnh ông chủ phòng bầu dục Bạch cung.
Tuệ Vân
Ngày 30 tháng 12 năm 2021.