‘‘Thầy rất đáng kính nhưng chân lý còn đáng kính trọng hơn thầy’’
Tranh luận và phản biện khoa học là điều kiện khơi thông tư duy sáng tạo và sáng kiến. Không có tranh luận và phản biện, theo lời của GS Ngô Bảo Châu, thì “xã hội đã chết lâm sàng”.
Nguyên nhân chính mà đất nước Việt Nam tụt hậu là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành độc quyền chân lý.
Nhưng văn hóa Khổng Nho là đồng minh hữu hiệu nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là đối thủ nguy hiểm nhất ngăn cản một nước Việt Nam phát triển văn minh và tiến bộ. Dưới triều đại của Đảng và đạo Khổng, chân lý được áp đặt từ trên xuống dưới. Tranh luận và phản biện là hỗn xược và trái với đạo lý ‘‘quân, sư, phụ’’. Trong gia đình, cha mẹ chỉ bảo cho con cái và ‘‘con cãi cha mẹ trăm đường con hư’’. Trong giáo dục, thầy cô phán sao là vậy. Không có thắc mắc hoặc chất vấn. Hơn 2000 năm trước đây, triết gia Aristotle đã từng nói rằng ‘‘thầy rất đáng kính nhưng chân lý còn đáng kính trọng hơn thầy’’. Trong khi đó, văn hóa phong kiến và gia trưởng đề cao sự tuân phục tuyệt đối. Không được phép nói trái ý vua, trái ý cha mẹ, trái ý thầy hoặc trái ý Đảng.
Ngụy biện
Kẻ thù lớn nhất của văn hóa tranh luận và phản biện là ngụy biện. Có nhiều hình thức ngụy biện nhưng phổ biến nhất và nguy hiểm nhất là công kích cá nhân hoặc ‘‘bỏ bóng đá người’’. Thay vì đưa ra những luận điểm đối chiếu với những điều của tác giả thì người sử dụng hình thức ngụy biện này tìm cách hạ thấp tác giả bằng hình thức sỉ nhục, chửi rủa hoặc mạ lỵ hoặc mang một điểm tiêu cực gì khác không liên quan tới vấn đề để hạ thấp uy tín của tác giả.
Một hình thức ngụy biện khác là xuyên tạc. Có nghĩa là trích dẫn một đoạn hoặc một phần ý tưởng của tác giả rồi diễn giải khác đi và có lúc hoàn toàn ngược lại để vu khống và chụp mũ tác giả. Hoặc đánh lạc hướng bằng cách đánh tráo đề tài hoặc khái quát hóa thái quá (quơ đũa cả nắm). Những người cộng sản thuộc về bậc thầy của ngụy biện. Nhưng cũng có những người sống trong một xã hội dân chủ nhưng có tư tưởng độc tài hoặc độc đoán thường hay sử dụng những hình thức ngụy biện để áp đặt quan điểm của họ thay vì sử dụng lý lẽ hoặc lập luận khoa học để thuyết phục người khác.
Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện khoa học và lành mạnh. Hầu như tất cả mọi người làm truyền thông đều theo đuổi một lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ. Những nhà truyền thông Việt Nam chân chính còn mang một trách nhiệm nặng nề đối với Tổ quốc là góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, phát triển và nhân bản dựa trên những giá trị vĩnh cửu là tôn trọng sự thật, tính khách quan và công bằng. Chúng ta không thể tranh đấu cho sự thật bằng cách sử dụng một hình thức dối trá hoặc ngụy biện này để đánh đổ một hình thức dối trá hoặc ngụy biện khác. Không thể tranh đấu cho công lý bằng cách đối xử bất công hoặc kỳ thị đối với thành phần hoặc quan điểm thiểu số trong xã hội hoặc tập thể cộng đồng.
Tựa bài status này cũng như một số câu trên được trích ra từ bài viết với tiêu đề "Xây Dựng Văn Hóa Tranh Luận” của luật sư Nguyễn Vân Thân. Bài rất hay, xin mời anh chi em xem hết bài theo link dưới đây: https://lsnguyenvanthan.blogspot.com/.../xay-dung-van-hoa...
Teresa Trần Kiều Ngọc
Nov 11/ 2020
—————————-
Xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện (Ls Nguyễn Văn Thân)
Không thể chối cãi là trong vài trăm năm qua, sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật đã nâng cao đời sống của nhân loại rất đáng kể. Từ phương tiện sản xuất, máy móc đến hệ thống giao thông, y tế và thông tin liên lạc đã biến đổi đời sống làng xã, nông nghiệp thành những đô thị công nghiệp tân tiến. Thời nay, người ta có đủ phương tiện để đi vòng quanh thế giới. Thậm chí có thể thám hiểm cả vũ trụ. Tất cả là nhờ vào khoa học và phương pháp khoa học. Mà phương pháp khoa học căn bản là dựa trên văn hóa tranh luận và phản biện. Có nghĩa là các giả thuyết và lý thuyết khoa học phải trải qua một tiến trình trắc nghiệm để loại bỏ mọi khiếm khuyết đến nỗi có thể áp dụng trong đời sống thực tế một cách hiệu quả và đạt lòng tin hầu như tuyệt đối của tất cả mọi người.
Không chỉ trong khoa học thiên nhiên mà trong khoa học xã hội cũng vậy. Các giả thuyết hoặc lý thuyết về xã hội hoặc chính trị cũng phải trải qua một tiến trình cọ xát dưới một ánh mắt hoài nghi khoa học (scientific skepticism). Chân lý không tự nhiên xuất hiện mà là kết quả của một cuộc tranh luận và phản biện liên tục không ngừng nghỉ. Mọi ý tưởng hoặc lập luận được đối chiếu từ nhiều góc cạnh khác nhau. Nhờ vào phương tiện tranh luận và phản biện khoa học mà các quốc gia văn minh và dân chủ đã thành công trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân của họ rất nhiều. Nếu một dân tộc, chẳng hạn như dân tộc Việt Nam không tạo điều kiện cho văn hóa tranh luận và phản biện có cơ hội phát triển thì có nghĩa là dân tộc đó sẽ mãi tụt hậu và bị thế giới bỏ xa. Tranh luận và phản biện là nền tảng của một xã hội dân chủ, đa nguyên và sáng tạo. Một tập thể, tổ chức cộng đồng cũng không ngoại lệ. Thiếu tranh biện lành mạnh sẽ dẫn đến kết quả là tập thể đó chấp nhận những ý tưởng cũ kỹ giáo điều không phù hợp với thực tế. Hậu quả là tập thể đó ngày càng xa rời và tự đánh mất sự hậu thuẫn của quần chúng.
Tranh luận không phải là cãi bừa hoặc tranh chấp. Chữ ‘‘luận’’ có nghĩa là người ta thi đua bằng lý luận dựa trên kiến thức và lập luận khoa học. Phản biện không phải chỉ đơn thuần là phản đối mà mục tiêu là để hoàn thiện một giả thuyết hoặc ý tưởng nào đó. Trong thể chế dân chủ, tranh luận và phản biện được thiết chế hóa qua hệ thống Quốc hội đa đảng gồm có đảng nắm quyền và đảng đối lập. Dưới hệ thống thông luật (common law system), tranh biện hoặc phản biện (adversarial system) được coi là công cụ tốt nhất để tiếp cận sự thật và công lý. Ý tưởng và lập luận thi đua với nhau. Cái nào hợp lý có tính thuyết phục cao thì sẽ đứng vững. Cái nào không hợp lý hoặc thiếu căn cứ thì sẽ bị loại. Khi tranh luận, mọi người tham gia có cơ hội học hỏi lẫn nhau tựa như hai võ sĩ thi đấu có thể mang những chiêu thức mới ra thử nghiệm xem có hiệu quả hay không. Tranh luận và phản biện khoa học là điều kiện khơi thông tư duy sáng tạo và sáng kiến. Không có tranh luận và phản biện, theo lời của GS Ngô Bảo Châu, thì “xã hội đã chết lâm sàng”.
Nguyên nhân chính mà đất nước Việt Nam tụt hậu là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành độc quyền chân lý. Chính sách của Đảng ban ra chẳng khác gì chiếu chỉ của vua. Ban Tuyên giáo có nhiệm vụ đúc kết các chiếu lệnh này và biến chúng thành giáo điều. Người nào tranh luận hoặc phản biện thì sẽ bị chụp cho cái mũ ‘‘phản động’’ hoặc ‘‘tự diễn biến’’ rồi bị Đảng bắt bỏ tù dưới những điều luật hình sự phi lý được gọi là “tuyên truyền chống nhà nước’’ trong khi Đảng kiểm soát hết tất cả các cơ quan và hệ thống truyền thông. Thật ra đây là tội khi quân của thời phong kiến xa xưa mà bây giờ Đảng áp dụng thành tội ‘‘khi Đảng’’.
Nhưng văn hóa Khổng Nho là đồng minh hữu hiệu nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng đối thủ nguy hiểm nhất ngăn cản một nước Việt Nam phát triển văn minh và tiến bộ. Dưới triều đại của Đảng và đạo Khổng, chân lý được áp đặt từ trên xuống dưới. Tranh luận và phản biện là hỗn xược và trái với đạo lý ‘‘quân, sư, phụ’’. Trong gia đình, cha mẹ chỉ bảo cho con cái và ‘‘con cãi cha mẹ trăm đường con hư’’. Trong giáo dục, thầy cô phán sao là vậy. Không có thắc mắc hoặc chất vấn. Hơn 2000 năm trước đây, triết gia Aristotle đã từng nói rằng ‘‘thầy rất đáng kính nhưng chân lý còn đáng kính trọng hơn thầy’’. Trong khi đó, văn hóa phong kiến và gia trưởng đề cao sự tuân phục tuyệt đối. Không được phép nói trái ý vua, trái ý cha mẹ, trái ý thầy hoặc trái ý Đảng.
Hoàn cảnh xã hội và địa lý cũng ảnh hưởng đến tâm lý con người. Người Việt quen sống chung gần gũi trong đại gia đình gồm có ông bà, cha mẹ, anh chị em và cô chú bác nên đề cao truyền thống ‘‘dĩ hòa vi quý’’. Phong cảnh hữu tình với những cây đa, con đò, cái cầu tre làm cho người Việt rất giàu tình cảm. Theo Hà Thị Thùy Dương, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa duy tình thể hiện qua câu nói ‘‘một trăm cái lý không bằng một tý cái tình’’. Bởi vậy, khi nghe những ý kiến trái nghịch thì dễ làm chúng ta cảm thấy rất khó chịu hoặc bị xúc phạm, tức giận rồi mặt đỏ tía tai. Tư duy gia trưởng và duy tình ăn sâu vào nếp sống và lối suy nghĩ của mọi người rồi trở thành thói quen. Từ đó dẫn đến tâm lý tránh né các vấn đề nhạy cảm. Hoặc khi tranh luận không dằn được cảm xúc đến nỗi sử dụng ngôn từ nặng nề biến cuộc tranh luận trở thành chửi lộn rồi đào sâu chia rẽ và hận thù thay vì cùng hướng dẫn nhau đi tìm chân lý.
Thật ra trong quá khứ đã từng có những cuộc tranh luận giữa các nhà Nho rất tao nhã và đẹp mắt. Điển hình là cuộc bút chiến qua 24 bài thơ xướng họa giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị. Nổi bật nhất là bài ‘‘Tôn phu nhân quy Thục’’. Chúng ta hãy thưởng thức một màn ‘‘đánh lộn’’ của các cụ nhà Nho thời xưa:
Bài xướng của Tôn Thọ Tường:
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
Bài họa của Phan Văn Trị:
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.
Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng.
Hai vai tơ tóc ngang trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!
Đây là một cuộc tranh luận quyết liệt và không tương nhượng về chính kiến giữa hai nhà Nho yêu nước. Quan điểm và lập luận hoàn toàn đối nghịch với nhau. Một bên thân Pháp và bên kia chống Pháp. Nhưng lời lẽ thể hiện thái độ nho nhã, bặt thiệp đưa nghệ thuật văn chương lên đến đỉnh cao làm cho đối thủ phải tâm phục khẩu phục.
Ngụy biện
Kẻ thù lớn nhất của văn hóa tranh luận và phản biện là ngụy biện. Có nhiều hình thức ngụy biện nhưng phổ biến nhất và nguy hiểm nhất là công kích cá nhân hoặc ‘‘bỏ bóng đá người’’. Thay vì đưa ra những luận điểm đối chiếu với những điều của tác giả thì người sử dụng hình thức ngụy biện này tìm cách hạ thấp tác giả bằng hình thức sỉ nhục, chửi rủa hoặc mạ lỵ hoặc mang một điểm tiêu cực gì khác không liên quan tới vấn đề để hạ thấp uy tín của tác giả.
Một hình thức ngụy biện khác là xuyên tạc. Có nghĩa là trích dẫn một đoạn hoặc một phần ý tưởng của tác giả rồi diễn giải khác đi và có lúc hoàn toàn ngược lại để vu khống và chụp mũ tác giả. Hoặc đánh lạc hướng bằng cách đánh tráo đề tài hoặc khái quát hóa thái quá (quơ đũa cả nắm). Những người cộng sản thuộc về bậc thầy của ngụy biện. Nhưng cũng có những người sống trong một xã hội dân chủ nhưng có tư tưởng độc tài hoặc độc đoán thường hay sử dụng những hình thức ngụy biện để áp đặt quan điểm của họ thay vì sử dụng lý lẽ hoặc lập luận khoa học để thuyết phục người khác.
Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện khoa học và lành mạnh. Hầu như tất cả mọi người làm truyền thông đều theo đuổi một lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ. Những nhà truyền thông Việt Nam chân chính còn mang một trách nhiệm nặng nề đối với Tổ quốc là góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, phát triển và nhân bản dựa trên những giá trị vĩnh cửu là tôn trọng sự thật, tính khách quan và công bằng. Chúng ta không thể tranh đấu cho sự thật bằng cách sử dụng một hình thức dối trá hoặc ngụy biện này để đánh đổ một hình thức dối trá hoặc ngụy biện khác. Không thể tranh đấu cho công lý bằng cách đối xử bất công hoặc kỳ thị đối với thành phần hoặc quan điểm thiểu số trong xã hội hoặc tập thể cộng đồng.
Trong thời đại internet hiện nay, bất cứ ai cũng có thể làm một nhà truyền thông. Có nhiều diễn đàn hầu như không có chủ bút hoặc chủ quản. Thiên hạ tha hồ phát biểu ý kiến trong đó có cả nhiều ngôn từ tục tĩu, vô văn hóa cùng với vô số hình thức ngụy biện. Do đó, không chỉ có chủ bút hoặc chủ quản mà tất cả mọi người gồm có tác giả, độc giả cũng như còm sĩ đều có trách nhiệm nhận dạng những hình thức ngụy biện để tránh né cũng như góp phần xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện khoa học và lành mạnh hầu đưa đất nước Việt Nam sánh bước cùng năm châu tiến tới một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân bản.
26/11/2016