Chủ Nhật, 01/12/2020 - 13:09 —
Vậy là cụ Lê Đình Kình đã bị sát hại tại chính ngôi nhà của cụ sống cùng với con cháu trong ngôi làng nổi tiếng mang tên Đồng Tâm. Bất kể mọi nổ lực che giấu hình ảnh của cụ bằng mọi phương tiện hiện đại nhất. Sáng hôm 11 tháng 1, hai ngày sau khi tấn công và tàn phá Đồng Tâm cụ Kình đã xuất hiện trên mạng xã hội bằng một video clip do gia đình cụ phát đi với thi thể gầy gò đầy máu.
Hình ảnh của cụ giờ đây tràn đầy trên mạng xã hội và không một thế lực nào có thể chứng minh khác với sự thật trần trụi: Cụ Lê Đình Kình bị giết bằng một lực lượng hùng hậu và chuyên nghiệp mà phía sau nó là sự chỉ đạo, lên kế hoạch, hành động của Bộ Công an Việt Nam.
Mọi lý do đưa ra về cái chết này của báo chí do Cổng thông tin điện tử của công an cung cấp. Người dân có thể không tin nhưng không còn cách nào khác trước những dòng chữ trên báo chí: “Thông báo cho biết, từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”
Người Cộng sản luôn tin tưởng vào châm ngôn: “Cứ nói láo nhiều lần thì người dân sẽ tin đó là sự thật” và họ hồn nhiên lừa người dối mình. Đây là hành vi đi ngược lại với lương tri nhân loại bởi ai cũng biết rằng “Lương tri: khả năng hiểu biết, nhận thức đúng đắn điều phải trái, đúng sai hình thành ở con người qua thực tiễn cuộc sống”.
Qua cách thức mang đại quân bao vây một nhúm dân tại Đồng Tâm, Đảng đã lộ ra cái gốc “bạo lực cách mạng” luôn ngự trị tâm hồn của họ. Đảng không thấy được dù có giết được cụ Kình, người được cho là linh hồn của cuộc cách mạng giữ đất Đồng Tâm thì cũng sẽ có những cụ Kình khác trong tương lai.
Cái gốc lớn nhất của vấn đề là sự thiếu sót lương tri trong những việc Đảng làm.
Nếu có lương tri thì Đảng đã không làm những việc trái lại với cung cách thông thường mà một nhà nước pháp quyền phải tránh. Đó là ngày 15/4/2017, khi chính quyền mời những người đại diện cho người dân Đồng Tâm cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Bốn người đại diện này, trong đó có cụ Lê Đình Kình sau đó bị bắt đi mà không có giấy bắt người đưa đến tình trạng xô xát. Một thanh niên xã đã phải vào bệnh viện cấp cứu. Cụ Kình bị đạp gãy chân sau đó tàn phế hẳn phải đi xe lăn. Dân chúng xã Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người gồm CSCĐ, 1 phó trưởng công an huyện Mỹ Đức, 1 đội trưởng đội cảnh sát điều tra công an huyện Mỹ Đức và 1 Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động và một số người thuộc ban ngành khác.
Nếu có lương tri thì người Cộng sản sẽ không hứa cuội với người dân, nhất là một ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Khi ông Nguyễn Đức Chung đến Đồng Tâm ký giấy viết tay sẽ không truy cứu hành động bắt người thi hành công vụ để những người bị bắt được thả ra. Chỉ hai tháng sau thì lời hứa ấy trở thành mây bay gió thoảng.
Nếu có lương tri thì Đảng đã thấy cái ung nhọt từ luật Đất đai: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này," Cái khối ung nhọt này đang làm tan nhà nát cửa biết bao nhiêu người Việt Nam trên mọi miền đất nước. Nhưng cũng chính cái ung nhọt này đang vỗ béo cho những đảng viên cũng thiếu lương tri như Đảng. Bởi thiếu lương tri, họ sẵn sàng chà đạp mọi con người sống trên mảnh đất mà họ muốn chiếm hữu. Thiếu lương tri nên họ dụng tâm nghĩ ra mọi phương cách để gạt bỏ mọi trở ngại trong đó có cả phương cách giết người.
Nếu có lương tri thì Đảng đã ứng phó với cụ Kình cách khác.
Cụ Lê Đình Kình không phải là đứa con ghẻ của Đảng, hai vợ chồng cụ là con ruột theo Đảng gần như suốt cả cuộc đời. Gần sáu mươi tuổi Đảng, với những chức vụ lãnh đạo tại xã Đồng Tâm trong nhiều năm liền, cụ Kình hiểu biết vụ việc sân bay Miếu Môn như trong lòng bàn tay của mình. Cụ chống lại bọn quan tham tại địa phương và chống lại những kẻ bắt tay với nhóm lợi ích, ở đây là Viettel, muốn tịch thu mảnh đất mà cụ và gia đình cũng như bà con trong xã bỏ ra cả đời để canh tác. Vì thiếu lương tri Đảng không nhận ra được cái thành ý của cụ là giúp Đảng trong sạch bớt guồng máy nay đã quá rệu rã và đầy tai tiếng. Đảng không dám đối thoại một cách thành khẩn với cụ và dân làng Đồng Tâm vì Đảng tin rằng giết được cụ thì mọi chống đối sẽ tự động biến mất.
Thiếu lương tri nên Đảng không thấy cái chết của cụ Kình rúng động toàn xã hội. Hình ảnh một ông già 84 tuổi gầy gò nằm chết trên chiếc cáng được mang về từ bệnh viện đã làm thức tình bao con tim nhợt nhạt vì cơm áo.
Và đau đớn cho nhân dân nhất là cái thiếu lương tri của một ông Chủ tịch nước trước cái chết của cụ Kình: Truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất cho 3 cán bộ thuộc Bộ Công an vì đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rồi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an về việc phong liệt sĩ, truy thăng quân hàm trước thời hạn cho 3 chiến sĩ hy sinh. Ba người này hy sinh trong trận càn diệt dân tại Đồng Tâm vào sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020
Không có lương tri để phán đoán sự căm phẫn của người dân và bịt mắt lại để truy tặng huy chương cho những người bị đẩy vào chỗ cầm súng chống lại nhân dân mình là giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly giận dữ của quần chúng.
Cái chết của cụ Kình vẫn không thức tỉnh được lương tri của Bộ chính trị và vì vậy Đảng không còn hy vọng tiếp tục an hưởng những mùa gặt kế tiếp của người dân trên cánh đồng niềm tin vốn chỉ còn lèo tèo vài ba người nhận vài triệu bạc hàng tháng để lên mạng chống lại sự thật, chống lại lương tri của con người vốn khác xa cầm thú.
• canhco's blog
• Bình luận