01/18/2020
Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiếp tục đang sống trong không khí 'căng thẳng bao trùm', 'hoang mang', với việc tiếp tục diễn ra 'bao vây, cô lập' địa bàn này, bên cạnh các vụ 'lùng sục', 'triệu tập' người dân 'có đe dọa' diễn ra, một số nhà hoạt động và quan sát từ Việt Nam dẫn lời người dân nói với BBC hôm thứ Bảy.
"Chưa rõ có bắt thêm không, nhưng triệu tập và lùng sục chắc chắn là có... Có triệu tập và đe doa, người dân nói vậy," nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói với BBC News Tiếng Việt hôm 18/01/2020.
"Tin này nhận được sáng nay, người dân không nói gì về Tết nhất cả, không khí khủng bố bao trùm, người dân bị triệu tập, đe dọa.
"An ninh bố trí khắp xã, ngồi kín các ngã tư, các quán xá, không rõ họ thuộc bộ phận nào, họ mặc thường phục.
"Người dân không dám nói công khai họ đã bị đe dọa cụ thể ra sao vì sợ bị truy ra danh tính, sợ bị lộ.
"Điện thoại và mạng internet đã được cấp lại," nhà hoạt động này cho biết thêm.
Trước đó, hôm 17/01, từ Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động xã hội khác trong phong trào 'dân oan và khiếu kiện đất đai', nói với BBC:
"Công an vẫn đang truy bức rất là gắt gao, nhiều người lại bị bắt tiếp nữa, chứ không phải chỉ là giới hạn số người bắt như hôm đầu (09/01) đâu. Họ vẫn truy bức đến mức hầu như không thể liên lạc với ai ở Đồng Tâm.
"Người dân nói là cảnh sát cơ động vẫn phong tỏa các chốt ở ngoài làng và cho đi tìm, lùng sục từng nhà để tìm những người được cho là lãnh đạo người dân Đồng Tâm để bắt, chủ yếu là bắt những người trong tổ Đồng Thuận.
"Chiến dịch bổ sung diễn ra ngay sau khi trả xác cho cụ Kình xong thì bắt đầu là họ đưa quân vào làng để bắt, mấy hôm nay họ đi truy bức, hiện tại không thể thống kê là có bao nhiêu người bị bắt, chính người dân làng ở đấy cũng không thể thống kê là những ai bị bắt.
"Một số người đã phải rời bỏ địa phương, nên họ cũng không biết có những ai đi rời khỏi địa phương, hay là có những ai đã bị bắt rồi. Tình hình hiện tại thì người dân Đồng Tâm đang rất là hoang mang.
"Thực sự là họ đang phải đối mặt với một sự đàn áp bạo lực đến từ phía nhà cầm quyền Hà Nội, cho nên sự hoang mang và sự lo lắng cao độ đang khiến cho người dân Đồng Tâm đang rất là mệt mỏi và thiếu niềm tin vào công lý...
"Công an liên tục triệu tập người dân lên đồn, người dân cho biết là công an đang sử dụng những biện pháp đó là đe dọa, và mục tiêu trong việc đe dọa đó là không được nhận tiền, rồi không được liên lạc với bên ngoài.
"Điện thoại thì bị phá sóng, những nhà có sử dụng mạng wifi sau hôm 09/01 thì vẫn có thể vào mạng được, cho đến tận bây giờ vẫn có thể vào mạng và nghe điện thoại bình thường, thế nhưng mà sự theo dõi và giám sát của an ninh, mật vụ ở mức độ rất là gắt gao..."
BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện kiểm chứng được hết các thông tin và phản ánh trên và đang tiếp tục cố gắng tìm hiểu thêm các thông tin, diễn biến có liên quan.
Mất đất sẽ vô vọng?
Hôm thứ Sáu, 17/01, một nhà hoạt động xã hội khác, kỹ sư Lã Việt Dũng đưa ra đánh giá với BBC về tình hình tương lai gần và tới đây với người dân Đồng Tâm và xã này:
"Thứ nhất, khi họ đàn áp như vậy, thì đất của người Đồng Tâm họ đã cưỡng chế được hết rồi.
"Và tôi cho rằng sắp tới có thể rất nhanh thôi, họ sẽ xây kín lại vùng đất đó, kể cả vùng 59 ha mà người dân Đồng Tâm đang đấu tranh để đòi.
"Thứ hai là chính quyền sẽ tiếp tục khởi tố vụ án và họ sẽ gây sức ép rất lớn đến gia đình nhà ông Lê Đình Kình, để tìm mọi cách khuất phục từ vợ cụ Kình, tới những người con, người cháu, để họ dập tắt được hoàn toàn ngọn lửa đấu tranh của Đồng Tâm...
"Về người Đồng Tâm, thực sự là sẽ rất khó nói, khi mà đã mất đất họ sẽ trở nên rất là đáng thương. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân oan thời gian gần đây.
"Khi mà họ còn có đất đai, họ còn có tài sản, thì họ còn làm ra được hoa màu, còn có thu nhập để họ tiếp tục đấu tranh.
"Còn khi mà họ đã mất tất cả rồi, thì cuộc khiếu kiện của họ sẽ gần như là vô vọng, bởi vì là họ không còn tài sản nữa, họ phải lang thang, phải trông đợi vào sự giúp đỡ của cộng đồng để họ đấu tranh.
"Và thực sự mà nói là khi đã mất đất rồi, thì khiếu kiện ở Việt Nam gần như chưa có một vụ nào thành công.
"Tôi nghĩ rằng, về mặt người Đồng Tâm, không biết rằng họ có tiếp tục cuộc đấu tranh theo kiểu gọi là pháp lý với chính quyền nữa hay không, cái đó cũng phụ thuộc vào họ thôi."
'Tội phạm' hay 'anh hùng'?
Truyền thông Việt Nam các tuần đầu tiên của năm 2020 được cho là đã bị phủ bóng đen bởi tác động và hệ quả được cảm nhận trên dư luận của xã hội và cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước sau vụ bố ráp, tập kích bất ngờ trong đêm tối, rạng sáng ngày 09/1 vào xã Đồng Tâm.
Báo chí và truyền thông nhà nước dẫn các nguồn của giới chức chính quyền và Bộ Công an đưa tin cho hay một trong những người bị thiệt mạng trong vụ tập kích, ông Lê Đình Kình, cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã Đồng Tâm, đã bị 'tiêu diệt' trong lúc trên tay có 'cầm lựu đạn' và vẫn 'nắm lựu đạn trong tay' khi đã bị hạ sát.
Truyền thông nhà nước cũng dẫn nguồn từ Bộ Công an cho rằng những người chống đối chính quyền ở Đồng Tâm trong vụ việc đã 'nhận tiền và chịu sự chỉ đạo' của một số tổ chức bị nhà nước và chính quyền cáo buộc là 'phản động, khủng bố'.
Cá nhân ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, khi thiệt mạng, với nhiều dấu vết trên cơ thể dường như gợi ý rằng ông đã bị hạ sát bằng một mức độ và lực lượng sử dụng vũ lực rất cao, được cho là người lãnh đạo nhóm 'chống đối' này mà nhiều người sau vụ bố ráp đã bị bắt và khởi tố bị can như những tội phạm vi phạm luật hình sự của nhà nước.
ông Lê Đình Kình, một số nhà hoạt động trong dịp này, sau cái chết của ông, nêu quan điểm:
"Phía nhà nước coi ông Lê Đình Kình là một tội phạm, truyền thông của nhà nước thay mặt Tòa Án kết tội ông Lê Đình Kình," nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói với BBC từ Hà Nội.
"Tuy nhiên trong lòng nhân dân, thì người dân lại coi ông Lê Đình Kình là một tấm gương sáng.
"Ông Lê Đình Kình là một người nông dân anh hùng đã dám đứng lên để chống lại lực lượng quan chức tham nhũng."
Từ Hà Nội, hôm 17/01, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự nêu quan điểm với BBC:
"Về quan điểm cá nhân của tôi, ông Lê Đình Kình có thể được coi là một anh hùng dân tộc, dĩ nhiên trong giai đoạn hiện nay, những công việc mà ông Kình đã làm để bảo vệ nhân dân, nhưng mà nó lại đối nghịch với lợi ích của nhà nước.
"Cho nên chính vì sự đối nghịch của ông Lê Đình Kình đối với quan điểm của nhà nước như vậy, nên sẽ không có một hệ thống truyền thông chính thống nào dám vinh danh hay là dám công nhận khí tiết anh hùng, cũng như là những việc làm của ông Kình.
"Tuy vậy thì hơn 90 triệu dân, thì cũng có rất nhiều người, tôi nói không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người, khi sự việc chấn động xảy ra, thì họ đã có một sự chú tâm theo dõi.
"Và họ đánh giá rất là cao việc mà ông Kình đã xả thân để vì việc chung của làng, của xóm, của thôn và cũng là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân Việt Nam nói chung.
"Sau này lịch sử sẽ soi xét lại sự việc này và tôi tin là hình ảnh của ông Lê Đình Kình sẽ là một điểm sáng chói trong việc hy sinh thân mình để bảo vệ lợi ích của người dân."
'Điều tra tư pháp độc lập?'
Hôm 15/01, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, nghiên cứu viên cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore), chia sẻ góc nhìn với BBC về hậu vụ việc 09/1 ở Đồng Tâm:
"Hiến pháp Việt Nam và các bộ luật nói riêng ở Việt Nam quy định rất rõ là khi xử lý các sự việc, các sự khác biệt, hoặc các tranh chấp, kể cả xung đột về lợi ích, thì nhất nhất phải đi theo nguyên tắc ôn hòa, phi bạo lực.
"Thế nhưng ngược lại, ở đâu cũng thế thôi, người ta có những nguyên tắc khác và pháp luật quy định rất rõ rằng là một khi đã xảy ra bạo lực từ một phía, thì để chống lại bạo lực ấy, một phía khác có thể sử dụng bạo lực.
"Một khi xảy ra bạo lực rồi thì sau khi chấm dứt chuyện đó, sau khi chuyện ấy đã xảy ra, đã hoàn thành, thì các cơ quan tư pháp phải tìm hiểu rõ rằng là cái đó nó có hợp pháp không?
"Và nếu mà không hợp pháp, thì nó phạm pháp ở điểm nào? Và việc điều tra như thế phải là điều tra tư pháp độc lập...
"Còn ở Việt Nam, người ta cũng mong là phải có chuyện này, người ta phải có tư pháp độc lập và nó là nhằm vào việc không phải là để bảo vệ pháp luật, mà nó nhằm vào việc tìm ra sự thật và bảo vệ công lý.
"Ở quốc tế, ở bên ngoài và ở đâu cũng thế thôi, nhìn thấy một chuyện mà xảy ra chết chóc, người ta đều rất là ngại. Ví dụ như ở một nước A, nước B, bỗng nhiên có người xả súng vào trường học, hay là xả súng vào đám đông chẳng hạn, người ta sẽ rất là ngại và người ta phải tìm hiểu đến cùng bản chất.
"Thì cùng một thái độ như thế, đối với trường hợp của vụ Đồng Tâm này, không những là người ở trong nước, mà đặc biệt là người ở trong nước, cũng như là người ở bên ngoài, người ta đều có một nguyện vọng.
"Và thực chất nguyện vọng ấy đối với người trong nước là một yêu cầu chính đáng nhất, là phải điều tra để làm rõ bản chất, sự kiện của vụ việc này, đấy là cái nguyện vọng cao nhất của người Việt Nam ở trong nước.
"Còn ở bên ngoài người ta có nguyện vọng y hệt, ở Việt Nam nguyện vọng ấy là một yêu cầu, chứ không phải là một cái gì khác cả."
'Cái chết rất thương tâm'
Cũng hôm 15/01, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, khóa 12, đại diện cho Hà Nội, Tiến sỹ Phạm Thị Loan bày tỏ quan điểm với BBC về vụ Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kình, bà nói:
"Đi sâu vào chi tiết thì tôi không đi vào, nhưng nếu nó ôn hòa hơn thì sẽ tốt cho cả hai bên, còn tất nhiên là người ta (người dân) bị đặt vào tình huống, có thể người ta bức bách, đường cùng, người ta phải đưa cả thân mạng để người ta đánh đổi, thì cách đấy cũng là một cách quá giới hạn."
"Cách đấy là một cách quá giới hạn cho cả hai phía.
"Nếu mà nó ôn hòa hơn, hoặc là cách đối đáp nhẹ nhàng hơn, hoặc là cũng kiên quyết, nhưng mà phải có một cách gì đấy đỡ gây ra chuyện hai bên đối xử với nhau như vậy.
"Cái chết của ông Lê Đình Kình, theo như trên mạng xã hội đưa tin, thì rất là thương tâm, môt cụ già 84 tuổi mà rơi vào thảm cảnh như thế, thực sự tôi thấy rất là thương tâm, tôi cũng đã xem video mà người ta đưa trên mạng, tôi không thể tưởng tượng được nó lại xảy ra như vây.
"Và việc mà bây giờ hai bên nói, thì cái đó thực ra là một người dân, tôi cũng phải lắng nghe, nhưng mà tôi chưa thực sự tin bên nào cả, tôi chưa thực sự tin hoàn toàn, bởi vì những thông tin đưa ra còn rất là mập mờ.
"Còn đối với phía người dân, thì bây giờ người ta đang rơi vào một cảnh ngộ như vậy, kể cả những lời người ta thú nhận hay những lời người ta giải bày, thì cái thực sự là ở chỗ nào, cái mấu chốt, bản chất ở đâu, cái đấy còn phải có rất nhiều điểm cần phải soi sáng.
"Còn nếu cứ theo như truyền thông đưa ra mà để nói rằng hiện nay dân thú nhận như thế này, rồi tất cả đổ hết cho ông Kình thì tôi không tâm phục, khẩu phục.
"Còn những cái mà thông tin đưa ra chính thống, tôi cũng không tâm phục, khẩu phục. Đấy là ý kiến riêng của tôi như vậy."
'Diễn ra suốt nhiều năm'
Sự việc tranh chấp và khiếu kiện đất đai của người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội diễn ra trong suốt nhiều năm.
Sự việc có những diễn biến thăng trầm qua thời gian, trong đó nóng lên vào tháng Tư năm 2017, với biến cố ở Thôn Hoành khi người dân để đánh đổi lại việc ông Lê Đình Kình và một số người khác bị bắt, ông Kình cáo buộc bị 'đánh gẫy chân', đã bắt giữ làm con tin hàng chục cán bộ, chiến sỹ cảnh sát của chính quyền xâm nhập địa bàn.
Chính quyền sau đó có sự nhượng bộ, với cảm kết của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trước sự chứng kiến của Đại biểu Quốc hội, cũng như luật sư, hai bên trao trả nhau những người bị bắt, bị giữ.
Diễn biến ngày 09/01/2020 xảy ra đột ngột, gây tranh cãi, làm xôn xao dư luận và cho rằng đây có thể là một vụ việc sử dụng bạo lực vượt quá giới hạn từ cả hai phía.
Trong khi nhà nước và chính quyền, thông qua truyền thông, báo chí chính thống, cáo buộc những người chống đối đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ, chống đói chính sách của đảng và nhà nước, nhận tiền, hỗ trợ và sự chỉ đạo của các tổ chức, cá nhân phản động, khủng bố hải ngoại, nhiều ý kiến trong công luận cho rằng cần xem xét lại cách thức hành xử của chính quyền, công an, việc ra quyết định từ phía hành pháp trong vụ này.
Trong số các ý kiến, đã có đề nghị Quốc hội Việt Nam mở điều tra độc lập, cũng như Việt Nam cần tiến hành điều tra tư pháp độc lập về vụ việc.
Trên bình diện quốc tế, dân biểu và nhiều tổ chức quốc tế, nước ngoài, kể cả phi chính phủ từ châu Âu, Úc châu và một số quốc gia phương Tây đã lên tiếng quan ngại hoặc phản đối, lên án vụ bố ráp và tấn công với hàng ngàn binh sỹ cảnh sát và các lực lượng vũ trang tham gia hôm 09/01.
Về phía chính quyền và ngành Công An, đã có các thông báo khởi tố vụ án, khởi tố bị can với những người được cho là thuộc thành phần chống chính quyền, chống đối, hàng chục người đã bị bắt, sau khi bốn người trong đó ngoài ông Lê Đình Kình, ba cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đã thiệt mạng, vụ việc đang được nhà chức trách tiếp tục 'điều tra, xử lý nghiêm' theo 'pháp luật Việt Nam', truyền thông, báo chí nhà nước cho hay.