September 26, 2019
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội xuất hiện lớp mù khô đặc quánh khiến tầm nhìn hạn chế, các tòa nhà như bị biến mất sau lớp màu trắng đục “không phải do ảnh hưởng cháy rừng từ Indonesia” mà do ô nhiễm không khí đang ở mức nặng.
Theo đó, từ ngày 18 đến 23 Tháng Chín, hầu hết các quận huyện ở Sài Gòn xuất hiện lớp mù đặc quánh từ sáng đến chiều tối. Không thể nhìn thấy các tòa nhà cao nhất thành phố như Land Mark 81 (quận Bình Thạnh) hay Bitexco (quận 1) nếu đứng cách xa 300 mét. Các tài xế lái xe xe tải, xe đò…cảm nhận rõ nhất vì tầm nhìn bị hạn chế.
Báo VNExpress ngày 26 Tháng Chín, 2019, dẫn dữ liệu từ Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn, đo tại 30 vị trí trong Tháng Chín, 2019, cho thấy các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… tăng đột biến trong các ngày từ 18 đến 20 Tháng Chín. Đặc biệt, ngày 20 Tháng Chín, bụi lơ lửng tăng gấp 2.2 lần, NO2 và CO tăng 1.4 lần.
Ông Cao Tung Sơn, giám đốc Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường, cho biết kết quả này được công bố sau tám ngày bầu trời Sài Gòn liên tục bị mù bao phủ, ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 tăng từ 1.9 lên 2.2 lần. Loại bụi mịn này được khuyến cáo “gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.”
Nguyên nhân của hiện tượng mù là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết Sài Gòn luôn ở tình trạng nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra, do trời không nắng, không đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt khiến không khí ô nhiễm không thể phát tán lên cao (nằm sát mặt đất). Việc này làm lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Dựa vào các dữ liệu dự báo trong nước và quốc tế, Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường bác bỏ quan điểm cho rằng “ô nhiễm không khí tại Sài Gòn do ảnh hưởng của cháy rừng ở khu vực đảo Sumatra và Kalimanta của Indonesia” như một số thông tin trên Internet. Tình trạng mù gây ô nhiễm không khí những ngày qua cũng thường xảy ra định kỳ hàng năm vào khoảng Tháng Chín và Tháng Mười tại Sài Gòn được gọi là “mù khô quang hóa.”
Nói với báo Thanh Niên, ông Sơn nhận định tình trạng này có thể được phát hiện sớm. Tuy nhiên, Sài Gòn hiện chỉ có thể quan trắc thủ công gián đoạn, chưa được chia sẻ dữ liệu và các báo cáo về tình hình diễn ra nghịch nhiệt từ các cơ quan khí tượng, nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.
“Từ khi lấy mẫu về đến khi ra được kết quả, trung tâm mất ít nhất ba ngày,” ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, tờ Tiền Phong cho biết vào lúc 8 giờ 50 phút sáng ngày 26 Tháng Chín, website giám sát ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp “Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới,” trong khi “Sài Gòn xếp thứ ba về mức độ ô nhiễm.” Hệ thống quan trắc của Việt Nam cũng ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng tại hai miền Nam-Bắc.
Cụ thể, tờ Tuổi Trẻ cho biết: “thành phố đang trong tình trạng như sương mù bao phủ, trời lặng gió, không khí ngột ngạt.” Hệ thống quan trắc ở nhiều điểm của Hà Nội đều cho kết quả ngưỡng chất lượng không khí ở mức kém, ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu vực Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm).
Chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được tại Sài Gòn ở mức 102.7 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO), các ngày sau có giảm nhưng vẫn ở mức có hại.
Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch nên tránh ra ngoài, những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài. Trong khi đó theo cảnh báo của Hoa Kỳ, nếu chỉ số AQI lên trên 200 sẽ được xếp vào ngưỡng “cực kỳ không tốt cho sức khỏe mọi người.”
Tin cho biết, ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có đường kính 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn), loại bụi được coi là “sát thủ trong không khí.” Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.
Bụi PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này. (Tr.N)