Hơn 25 năm trước vì là người duy nhất trong gia đình có quốc tịch Đức nên tui thay má tui về quê thăm ngoại tui đang bệnh. Thuở đó và bây giờ nói chung thời thế cũng khác nhau nên người ta ăn uống chụp giựt có thể thông cảm được vì sống trong xã hội người khôn của khó nên phải giành giật là chuyện khó tránh khỏi.
Nhưng 15 năm sau tui lại về dự đám cưới người quen và thật ngỡ ngàng văn hóa ăn uống của nhiều người Việt trong nước gần như bất di bất dịch.
Ngày cưới dĩ nhiên nhiều món ngon vật lạ. Nhưng không phải vì vậy mà phải để tư cách của mình cho miếng ăn định đoạt. Buổi tiệc lần đó chắc cũng hơn 50 bàn tròn và mỗi bàn gia chủ sắp xếp 10 người ngồi chung. Vì đi một mình nên tui được xếp chung bàn toàn người lạ và tui vốn không thích phô trương nên cả bàn chả biết tui vừa từ nước ngoài về trước đó 3 ngày.
Trong khi hai họ đứng trên sân khấu chào hỏi khách rồi giới thiệu, khai mạc buổi tiệc thì thoáng một cái mấy dĩa nộm, bánh phồng tôm, chả lụa, giò thủ, nem chua mà nhà hàng dọn sẵn trước buổi tiệc để khách khai vị đã bị sạch trơn làm tui chưa kịp đụng đầu đũa.
Ừ thì hổng sao. Tui cũng không thích những món ăn chơi mở màn lắm. Vì vậy tui ra ngoài ngó ngang ngó dọc chờ món chính dọn lên. Nhưng có lẽ quá chủ quan khi nghĩ rằng món chả mực người ta sẽ xếp đúng 10 phần cho 10 người nên thiên hạ sẽ không tham ăn đến độ không chừa lại cho tui miếng nào. Nhưng mình tính không bằng trời tính. Từ xa tiến lại gần bàn tui đã thấy có "điềm không lành" và quả thật đĩa chả mực cũng sạch trơn.
Ok, cũng chưa đói lắm nên tui vô tư ngồi xuống bàn chờ lâm trận "giành ăn" với thiên hạ. Rồi như tui dự đoán. Đĩa heo quay bánh hỏi vừa được bồi bàn đặt xuống thì chả cần ai nhắc ai, cả đám thọc đũa vô gắp sạch chỉ chừa lại phía tui một miếng thịt cỡ ngón cái tay. Tui làm bộ hỏi món này ngon không ?
Một cô mặt cũng xinh, hình như bên nhà gái vì có nét giống cô dâu cất tiếng:
- Ngon chứ anh. Ủa anh hổng ăn sao hỏi ngộ vậy ?
Tui ú ớ không biết nói sao vì miếng heo quay còn sót lại đã bị một thằng bé ngồi chung bàn "chiếm đoạt" luôn. Vì vậy tui cười gượng mà rằng:
- Tính ăn thử mà đang no quá.
Lập tức một bà xồn xồn xen vô:
- Trời đất ơi. Đi ăn cưới mà no thì sao ăn chú em. Vô tiệc là phải lẹ tay để người ta còn dọn món mới chớ.
Tui định "gào" lên: "Ăn sao nổi mà ăn. Ngồi chung bàn với bầy heo mà biểu tui ăn à ?". Nhưng tui đâu có dại. Rừng nào cọp nấy. Miếng ăn là miếng tồi tàn mà họ không giữ kẻ thì họ ngại gì không bộp cho tui xanh mặt nếu tui thốt ra những lời đó. Vì vậy tui lại kiên nhẫn chờ hiệp ba cảnh một.
Lần này bồi bưng lên 10 con tôm tẩm bột chiên giòn. Tui bắt đầu ý thức quyền lợi của mình nên cầm đũa thủ sẵn. Một, hai, ba...đĩa tôm vừa đặt xuống bà con lại đua nhau gắp. Ai cũng có phần, riêng tui đưa đũa vô nhưng khoan gắp để coi tình hình "chiến sự" ra sao. Quả thật không ngờ. Một bà thím ngồi đối diện dớt luôn con tôm cuối cùng đúng ra thuộc về tui. Cô con gái ngồi cạnh thấy ngại nên nói:
- Của anh kia đó má.
- Ủa, tao tưởng thằng Hai chưa ăn nên gắp sẵn cho nó.
- Ảnh ngồi nhậu ở bển nên không ăn, con ăn dùm ảnh rồi. Má coi nè, nguyên hai cái đuôi tôm đó.
Vừa nói vừa chỉ vô đĩa mình để chứng minh cho bà mẹ biết cổ đã làm gọn 2 con tôm trong dạ dày. Bà mẹ có vẻ quê nhưng cố gỡ gạc:
- Ô cậu thông cảm. Tui tưởng thằng Hai nhà tui chưa có phần.
Hơi nổi quạu nhưng tui dằn mình vừa nói vừa cười:
- Hổng sao, thím ăn dùm con vì cũng chưa đói lắm.
Người đàn bà mời lơi vài lần và vì tui dứt khoát không ăn nên bả lủm luôn. Còn tui thật sự bực là vì tui rất sợ ai gắp đồ ăn cho tui. Có lẽ tui ở nước ngoài quen việc tránh đụng đũa, đụng muỗng nhau. Cho nên có cho vàng tui cũng không đụng đến con tôm mà bà ta đã dùng đũa của mình để gắp.
Cứ như vậy nguyên bữa tiệc tui chỉ ăn được một cặp chả giò rế nhỏ xíu và một cái cánh gà chiên xù. Còn lại tui không chạy đua nổi với thiên hạ vì tui không thể tranh giành miếng ăn quá thấp hèn như vậy. Nhất là tới món lẩu chua với cá bông lau và vài con tôm cuối cùng. Nhìn họ tranh nhau thọt đũa vô đảo bới lục tìm mà tui ngao ngán không dám ăn nữa.
Lúc giữa buổi tiệc đôi tân hôn có tạt qua hỏi thăm bàn tui. Cô dâu như cố tình khoe có khách từ nước ngoài về dự tiệc nên giới thiệu tui với mọi người. Tui vẫn làm bộ như đang ở VN thiệt nên tự nói tui ở Thủ Đức lên chơi. Cô dâu quay qua hỏi tui ăn ngon không. Thiệt oái oăm, có ăn được bao nhiêu đâu mà ngon với dở. Nhưng tui gật đầu đại. Một vài người trong bàn có vẻ ngại với tui nên họ không dám nhìn thẳng về phía tui hoặc ngó lơ.
Tui hiểu họ cũng xấu hổ vì mới trải qua "trận chiến ẩm thực". Nhưng tại sao họ lại như vậy ? Phải chăng họ tặng quà giá trị quá nên phải ăn bù ? Hay vì cuộc sống ở VN bây giờ là vậy. Ra chỗ đông người phải nhanh chân lẹ tay không thì thiệt thòi ? Hay nghèo đói quá nên có cơ hội họ không dại gì để món ngon lọt vô miệng người khác ?
Không, không thể được. Khi xưa còn ở quê nhà tụi tui còn nghèo khổ thê thảm hơn họ nhiều. Nhưng người ta đâu có tranh giành miếng ăn trên từng cây số. Tui cứ tự nhủ rằng đó chỉ là thiểu số và chỉ có vùng đó mới như vậy. Và rồi sau này thấy nhiều clip quay cảnh thiên hạ tranh nhau giành giựt thức ăn ở một nhà hàng hải sản tại Vũng Tàu khi chủ đãi miễn phí nhân dịp khai trương tui mới vở lẽ: Văn hóa ăn uống của một số không ít người Việt Nam hiện nay là vậy.
Biết đến khi nào cái văn hóa tồi tàn đó được tẩy xóa nhỉ ? Hay càng ngày người ta càng bị miếng ăn làm chủ bản thân và sống trong xã hội cộng sản riết người ta sẽ dần đánh mất những thuần phong mỹ tục mà ông bà tổ tiên dân tộc Việt đã đúc kết qua bao thế hệ ?
Nhìn lại nơi tui đang ở mà buồn cho tương lai và đất nước con người VN. Bởi sau bao năm ở Đức tui rất hiếm khi thấy cảnh tranh giành ăn uống bất nhã. Hầu như người ta luôn ý thức và giữ kẽ ngay trong lúc ăn uống. Vì vậy như trưa nay tạm nghỉ để ăn trưa đầu bếp bưng lên cho tụi tui món thịt patê nướng ăn chung với khoai tây nghiền nhuyễn và rau cải chua. Tổng cộng chỉ 13 người ăn, nhưng đầu bếp cắt sẵn hơn 30 miếng thịt. Riêng tui là người Á châu nên không có nhu cầu ăn gấp đôi như đa số người Đức cao to lực lưỡng. Ấy vậy mà tui để ý thấy ai cũng chỉ gắp cho mình một lát thịt mặc dù số thịt được chuẩn bị sẵn gấp đôi. Rồi sau đó chả ai nhắc ai. Mọi người đều ngồi chờ kẻ cuối cùng trở về bàn đặt đĩa ngồi xuống mới chúc nhau ăn ngon và cầm dao nĩa bắt đầu. Cứ thế họ ăn hết những gì họ lấy và ai muốn ăn thêm mà miếng thịt to quá họ hỏi xem ai chia đôi với họ chứ không hề lấy cho đầy đĩa rồi bỏ bứa.
Văn hóa ăn uống của người ta là vậy đó. Còn dân mình nghĩ lại ôi sao ngao ngán quá.
Có lẽ ai đó sẽ cho rằng tui sống trên đất khách quê người lâu rồi nên sính ngoại. Không, người Pháp đã vào VN lâu rồi và có mặt tại VN cả trăm năm. Cho nên văn hóa VN cũng phần nào ảnh hưởng Tây phương.
Chẳng qua ngày nay đạo đức xã hội VN dưới sự cai trị của người cộng sản đã bị băng hoại, cho nên người ta không mấy quan tâm đến thể diện nữa mà thôi.