Lò lửa tại Trung Đông đã suýt phát nổ vào ngày 21 tháng 6, sau khi Iran bắn hạ chiếc máy bay không người lái (drone) của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 6, với lý do, theo phát ngôn viên Iran là "vi phạm không phận Iran", nhưng theo phát ngôn viên Hoa Kỳ là: "đang bay trong không phận quốc tế". Để chứng minh, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã công bố đường bay của chiếc UAV MQ-4C Triton.
Ngày 21 tháng 6, ông Trump đã quyết định trả đũa, bằng cách không kích 3 địa điểm trong lãnh thổ Iran. Trước khi khai pháo, Hoa Kỳ báo tin cho phía Iran hay. Tuy nhiên chỉ, 10 phút trước khi bấm nút để ra lệnh hành động, Tổng Thống Trump đã đột ngột đổi ý, tuyên bố hủy bỏ việc không kích để trả đũa này. Lý do, là các tướng lãnh Mỹ đã cho ông biết, sẽ có khoảng 150 người dân Iran sẽ bị thương vong trong cuộc không kích. Sau đó, thay vì dùng biện pháp quân sự, Tổng Thống Trump cho áp đặt lệnh trừng phạt lên lãnh tụ Tối Cao Iran, là Ayatollah Ali Khamenei, cùng 8 vị chỉ huy quân đội cao cấp của nước này.
Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 6, Bộ trưởng bộ Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin lại công bố, sẽ đưa thêm Ngoại Trưởng Iran Javad Zarif vào trong danh sách những người bị trừng phạt. Theo ước tính của Đại sứ Mỹ tại Iraq, hiện tại, Giáo chủ Khamenei sở hữu khối tài sản trị gía tới 200 tỷ USD.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang, kể từ tháng 5 năm 2018, khi Hoa Kỳ rút tên ra khỏi hiệp ước về hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, có tên gọi là "Kế Hoạch Hành Đông Chung Toàn Diện" (JCPOA) ký kết giữa Iran và 5 cường quốc trên thế giới vào năm 2015, dưới thời Tổng Thống Barrack Obama. Sau khi rút ra khỏi hiệp ước, Hoa Kỳ lại tái áp dụng những biện pháp cấm vận, và bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, bằng cách triệt tiêu toàn bộ việc xuất cảng dầu hỏa, là nguồn kinh tế chủ lực của Iran, khiến cho giá dầu trên thế giới vút lên cao. Bộ trưởng Ngọai Giao, Vương Nghị của Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về việc Mỹ đã đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt Iran, và TQ tuyên bố ủng hộ việc Iran bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Về chuyện Iran bắn hạ chiếc máy bay không người lái của Mỹ ngày 20 tháng 6. Theo lời một vị chỉ huy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, chiếc drone nói trên được hộ tống bởi một máy bay do thám có 32 quân nhân Mỹ bên trong, nhưng lực lượng Iran đã không bắn vào máy bay có người, mà chỉ bắn máy bay không người lái, nên không gây thiệt hại nhân mạng. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã xác nhận, có chiếc máy bay này, nhưng chỉ có 9 người ngồi bên trong, chứ không phải 32 người.
Theo tin từ thông tấn Fars, của Iran, chiếc máy bay không người lái của Mỹ là loại RQ-4 Global Hawk, bị bắn hạ bởi Vệ binh Cách Mạng ở bờ biển phía Nam nước này, bằng hệ thống phòng không tên lửa nội địa của Iran là 3rd Khordad (Khordad thế hệ thứ 3). Đây là hệ thống phòng không nội địa, do Iran tự chế tạo, và không có hiệu năng đáng kể. Nhiều người đã nghi ngờ, có lẽ là Iran đã dùng hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 do Nga chuyển giao cho Iran, hồi năm ngoái. Tên lửa này có tầm tác chiến tới 200 km, và độ cao tác xạ tới 27 km. Việc tuyên bố dùng vũ khí do mình tự chế tạo, vẫn hãnh diện hơn việc mượn võ khí bạn, để chống kẻ thù!
Chỉ ít giờ sau, Washington đã lên tiếng xác nhận, đó là chiếc UAV MQ-4C Triton, không phải là chiếc RQ-4 Global Hawk như Iran tuyên bố. Hai loại máy bay này, có hình thái tương tự, vì MQ-4C Triton là cải tiến, mức cao nhất của RQ-4 Global Hawk, nên Iran có nhầm lẫn cũng không đáng ngạc nhiên. Chiếc MQ-4C Triton có khả năng bay cao tới 18.000 m, tầm bay 15.000 km, bay liên tục được 30 giờ, và có hệ thống phòng vệ khi bị tấn công, cần 3 người điều khiển từ trung tâm, dưới đất, nên không dễ gì bắn hạ bởi một hệ thống tên lửa nội địa của Iran.
Tổng Thống Trump đã tuyên bố "Iran đã phạm sai lầm cực lớn", và đe dọa sẽ không kích, và xóa xổ một số địa điểm của Iran bằng vũ lực. Tuy nhiên cũng có lúc ông phân vân: " có thể vụ bắn hạ chiếc máy bay không người lái của Mỹ, không phải chủ tâm của chính quyền Iran". Ông đã gửi 2 mẫu hạm và 2,500 quân nhân Mỹ tới vùng vịnh Oman và biển Ba Tư để thị uy.
Tổng Thống Iran tuyên bố, không muốn gây chiến, nhưng sẵn sàng đương đầu với Mỹ.
Vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, chỉ là một giọt nước, nhỏ thêm vào chén nước đã đầy. Trước đó, ngày 13 tháng 6, căng thẳng đã gia tăng tại vùng Vịnh Hormuz, khi Washington cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công vào 2 tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật, và Front Altair của Na Uy. Vụ nổ gây ra những lỗ thủng trên tàu Kokuka, và gây đám cháy lớn trên tàu Front Altair. Toàn bộ 44 thủy thủ trên hai tàu đều được giải cứu kịp thời. Hải quân Mỹ đã mau chóng đến nơi giúp đỡ 2 chiếc tàu này. Mỹ đã công bố một video đen trắng, phát hình một nhóm người trên tàu hải quân Iran, đang gỡ thủy lôi đặt bên hông tàu, nhưng không đưa ra lý giải là tại sao, họ làm như vậy, trong khi trực thăng quân đội Mỹ đang giám sát?
Iran phủ nhận mọi liên quan tới vụ tấn công Ngoại trường Iran lý luận rằng, cuộc tấn công xảy ra vào ngày thứ Năm, giữa lúc Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe còn đang hội đàm với lãnh tụ tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei. Đại sứ Iran tại Nhật, trong một cuộc phỏng vấn đã phát biểu: có thể là Hoa Kỳ đã ném đá dấu tay, để gây chia rẽ Iran và Nhật, đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong vùng vịnh, để lấy lý do áp đặt thêm cấm vận
Tuy nhiên, song song với việc tăng áp lực tối đa lên cấm vận Iran, ông Trump luôn tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã từng ngỏ ý với ông Shinzo Abe khuyên Iran nên đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên Giáo chủ Ali Khamenei, người có quyền lực tối cao tại Iran, đã khẳng định không chấp nhận việc nói chuyện với Hoa kỳ.
Ngày 1 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Javad Zariff lên tiếng là Iran sẽ vượt qua những khó khăn do việc cấm vận do Mỹ áp đặt. Ông kêu gọi người dân Iran nên tăng gia sản xuất hàng hóa nội địa, và góp sức với chính phủ đối phó với tình trạng kinh tế khó khăn. Đồng thời, ông khẳng định, nếu Mỹ muốn đàm phán, thì phải quay trở lại hiệp ước JCPOA mà Mỹ đã tuyên bố rút ra vào tháng 5, năm 2018.
Moscow và các nước trong khối liên hiệp châu Âu luôn lên tiếng khuyên hai bên hãy tự kiềm chế, để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Người ta tự hỏi: tại sao Tổng Thống Trump lại có thái độ " giơ cao đánh khẽ", sau khi hùng hổ kết tội và đe dọa sẽ không kích Iran, rồi lại bất thần đổi thái độ, hủy bỏ vào phút chót?
Những người lạc quan thì khen Tổng Thống Trump có từ tâm, vì muốn bảo toàn tính mạng cho 150 thường dân vô tội. Hãy nhìn lại, trong suốt nhiệm kỳ của ông, đã nhiều lần ông đe dọa sẽ dùng giải pháp quân sự để san bằng Triều tiên, nhưng khi căng thẳng lên tới "đỉnh điểm". thì ông lại "dịu giọng" và giải quyết bằng đường lối chính trị. Đã có 2 lần, Hoa Kỳ không kích vào Syria, nhưng chỉ với tầm vóc rất "giới hạn", và chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự, để trừng phạt họ, đã dùng võ khí hóa học tàn sát thường dân vô tội.
Những người bi quan, thì phân tich, với tình trạng tứ bề thọ địch của Hoa Kỳ hiện nay, gánh thêm một cuộc chiến nữa, liêu Hoa Kỳ có kham nổi hay không? Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang lên cao tới đỉnh điểm, vụ Venezuella vẫn còn đang nhùng nhằng chưa dứt khoát. Tình hình biển Đông, và Đài Loan đang căng thẳng, và cuộc chiến Syria vẫn dậm chân tại chỗ! Tuy nhiên, im lặng thì mất thể diện của một cường quốc, chi bằng cứ lớn tiếng, hù dọa thị uy. Rồi chơi đòn "dơ cao, đánh khẽ," vừa được tiếng là nhân bản, vừa tránh được một cuộc chiến tranh vô bổ cho Hoa Kỳ, mà gây khó khăn cho kinh tế thế giới.
Các nhà bình luận thì thực tế hơn, họ cho rằng, hòa hoãn với Iran là một sách lược để kiếm phiếu trong mùa bầu cử Tổng Thống, nhiệm kỳ 2, vào tháng 11 năm 2020. Theo tình hình hiện nay, Tổng Thống Trump có nhiều triển vọng tái đắc cử. Sự phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ đang được mọi người công nhận. Việc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, đã được bạch hóa. Ông không dại gì phiêu lưu vào một cuộc chiến tranh, để có thể lại sa lầy, như cuộc chiến tranh tại Iraq.
Cho dù thế nào, trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Iran sẽ vẫn tiếp tục đối đầu nhau, trong một cuộc chiến ... đánh võ miệng, tuy bằng lời lẽ nặng nề, xúc phạm, nhưng.... tự kiềm chế.
Hoàng Thế Hiển
06/19