Sau khi đậu kỳ thi tuyển vào trường trung học Nguyễn Trãi Hà Nội năm 1951, tôi được vào học lớp đệ thất. Nhà trường có hai dẫy nhà. Dẫy chính cao, rộng và đẹp. Dẫy phụ, mới hơn, có hai tầng, nhưng không uy nghi bằng. Bước lên vừa hết cầu thang, rẽ sang tay phải là những phòng học dành riêng cho các lớp đệ thất. Phòng đầu tiên là của lớp 7B1 .Kế đó là lớp của tôi, 7B2. Tôi vốn là dân học gạo. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, tôi được xếp thứ nhất ở trong lớp. Do sự tò mò, tôi cũng muốn để ý xem ở những lớp bên cạnh, ai là người đứng đầu trong số 60 học sinh của mỗi lớp. Những học sinh lớp 7B4 chỉ cho tôi người đứng đầu lớp họ. Tôi bước tới gần anh ta, tự xưng tên họ, rồi cũng hỏi ngược lại. Anh đáp: Nghiêm Sĩ Tuấn. Tôi chợt nghĩ: cũng may, anh chàng có khuôn mặt gần như chữ điền , nước da trắng trẻo, với vẻ khôi ngô tuấn tú như thế này, mà học cùng lớp với mình, thì chưa chắc mình đã được xếp thứ nhất. Chúng tôi trao đổi vài câu xã giao theo đúng như cách mà những người mới quen nhau thường dùng.
Những ngày sau đó, tôi biết thêm được Hà Ngọc Thuần. Thuần vui tính,hay ngoác miệng ra cười lớn, trong khi Tuấn tuy cười rất tươi nhưng âm thanh không lớn . Ở những lớp trung học, có nhiều môn học. Thuần và Tuấn đều là hai người giỏi. Khi người này đứng thứ nhất, khi người kia. Sau 20-7-1954, chúng tôi đều di cư vào Nam. Và cũng cùng học tại trường Chu Văn An. Cùng đỗ tú tài một năm, rồi PCB một lượt, và cùng được vào năm thứ nhất Y Khoa với nhau. Ở trường Y khoa, khuôn mặt của Tuấn dần dần biến đổi. Cái vẻ khôi ngô tuấn tú hồi mới vào trung học đã nhường chỗ cho những nét đăm chiêu. Những nụ cười cũng trở thành có chừng mực. Rồi tiến đến một giai đoạn khuôn mặt hiện lên nhiều vẻ của một kẻ khổ tu. Tôi không tiện hỏi. Có thể rằng, hồi ở ngoài Bắc gia đình Tuấn khá giả. Phải bỏ miền Bắc mà đi, trong một luồng di cư của cả 1.000.000 người, vào tới trong Nam, chắc thế nào cũng khốn quẫn hơn. Tuy thế, chúng tôi vẫn đậu những kỳ thi cuối mỗi năm, để lần lượt lên học lớp cao hơn ở Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Con người sẽ hỏi, vậy Tuấn có cá tính gì? Tôi để ý, chưa bao giờ tôi thấy Tuấn nổi giận cả. Trong những câu chuyện thuở trung học hay thời đại học, tất nhiên có nhiều điều Tuấn không hài lòng và cũng lắm chuyện không đồng ý. Nhưng dù bất đồng ý kiến với ai hay bị người nào chỉ trích, Tuấn cũng chưa bao giờ có vẻ mặt hầm hầm cả. Nói thế không có nghĩa rằng Tuấn hiền như cục đất. Và cũng không có ý bảo rằng Tuấn không để ý đến ai hay là sống tách biệt, không thích tụ năm tụm ba . Tuấn vẫn tham dự mọi hoạt động của lớp học, mọi sinh hoạt của bạn bè. Chỉ có điều rằng, khi thấy ai bị chỉ trích châm biếm, Tuấn cũng không về hùa với kẻ nói, để làm cho người bị chỉ trích thêm bực mình, mà cũng chẳng hề xúi kẻ đang hăng nói đưa thêm, đưa ra những câu không thích hợp để nghe cho sướng tai . Mặc dầu vậy, Tuấn không hề có tính ba phải. Đúng với sai, đối với Tuấn, là hai điều rõ rệt. Trong rất nhiều năm, tôi chưa thấy Tuấn văng tục,dùng chữ Đ ̣t mẹ ( tiếng Bắc ) hay Đ` má (tiếng Nam) bao giờ. Cả chữ “L…”, cái tên cúng cơm của bộ phận sinh dục phái nữ , cũng không được dùng tới. … Vài tuần sau khi cuộc cách mạng 1-11-1963 thành công, anh Trần Xuân Ninh, lúc đó vừa học hết năm thứ 6 Y Khoa, nẩy ra ý kiến, cần phải xuất bản một tờ báo cho Sinh viên Y Khoa. Anh bèn tự đánh máy trên giấy Stencil một giấy mời rồi đem đi in ronéo, và phổ biến tại Trường và các Bệnh viện, thỉnh cầu anh em Sinh viên tới họp để bàn vấn đề này.
Tới ngày giờ ấn định, gần 50 Sinh viên có mặt. Trần Xuân Ninh mở đầu cuộc họp, trình bày những lý do tại sao Sinh viên Y Khoa cần phải có một diễn đàn của chính mình, một cơ quan ngôn luận riêng. Sau hơn 3 giờ bàn luận, mọi người đều đồng ý là phải xuất bản một tờ báo. Toàn thể anh em đề nghị Trần Xuân Ninh làm Chủ nhiệm. Anh Ninh từ chối, lý do là chỉ còn 3 tháng nữa anh sẽ phải lên đường nhập ngũ. Anh em đang chọn người khác thì một câu hỏi được nêu lên khiến mọi người khựng lại:
- “Báo sẽ quay ronéo, hay in ?”
Bàn đi tính lại, quyết định chung là báo sẽ phải được in đàng hoàng, chứ không thể dùng máy quay ronéo được. Vừa quyết định xong, tất cả đều lo. Lấy đâu ra tiền để thuê in báo mỗi tháng ? Nếu là quay ronéo, thì anh em còn có thể cùng nhau xoay trần ra đánh máy, quay máy, đóng tập rồi phát hành - còn in, không thể nào có tiền được. Bỗng anh Phạm Ðình Vy, vừa sắp sửa lên năm thứ 4, phát biểu: “Nhất định là phải in. Tôi quen một ông Tướng có tham dự vào cuộc đảo chánh. Tôi sẽ đến xin ông “viện trợ” cho một số tiền để in vài số đầu. Anh em hoan hô, phòng họp ồn cả lên. Ban Ðiều Hành Tòa Soạn được đề cử gồm: - Chủ nhiệm: Phạm Ðình Vy - Chủ bút: Nguyễn Vĩnh Ðức (Sinh viên Quân y ) - Tổng Thư ký: Trần Xuân Dũng - Thư ký: Nghiêm Sĩ Tuấn.
Cả 3 anh Ðức, Dũng, Tuấn đều sắp sửa lên năm thứ 5 Y Khoa. Ða số Sinh viên dự họp ngày hôm đó đều đồng ý vào ban biên tập. Sau đó vấn đề đặt tên tờ báo được nêu lên. Một số tên liên quan đến chính trị và văn hóa được đề nghị. Phạm Ðình Vy đề nghị tên “Tình Thương”. Ða số cho rằng đặt tên như vậy thì ủy mị quá. Nhưng tranh luận xong, mọi người đồng ý với Vy, vì dù sao hai chữ đó cũng hợp với nghề nghiệp của mình.
Thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng, Tuấn làm một vài bài thơ, thể Nhị Thập Bát Tú do Thi Sĩ Vũ hoàng Chương khởi xướng. Cũng có khi Tuấn không làm thành hẳn một bài, mà chỉ một dòng thôi. Trong khung cảnh của phòng sanh bệnh viện Từ Dũ, Tuấn đã đọc một câu : Đầu ối vỡ toang, vào bể dâu.
Vì công việc làm cho báo, cho nên tôi thường phải đến nhà Tuấn, ở vùng Tân Định. Đó là một căn nhà hẹp, bề ngang khoảng ba thước rưỡi. Ngay sau cánh cửa ra vào là một cái bàn học. Sát ngay bên cạnh là một tủ sách mà tới hai phần ba toàn là sách chữ Hán. Sử Ký của Tư mã Thiên, Nam Hoa kinh của Trang Tử, Thơ của Đỗ Phủ, Luận Ngữ, Mạnh Tử … đủ hết. Tôi còn nhìn thấy cả quyển truyện rất lãng mạn, trữ tình, Tây Sương Ký nữa.
….
Tôi vốn biết Tuấn rất giỏi chữ Hán. Nhưng tôi chưa bao giờ ngờ là Tuấn có thể đọc được những tác phẩm này, bằng nguyên bản chữ Hán. Có lần, Tuấn còn khoe với tôi rằng anh đọc quyển triết học của Hồ Thích, rất lấy làm thích thú.
Tuy số thơ Nhị Thập Bát Tú Nghiêm Sĩ Tuấn sáng tác không nhiều, nhưng mỗi bài đều hoặc là chứa được nỗi ẩn ức của quê hương, khả năng nhỏ bé của con người, hoặc là nói đến sự tàn khốc đến ngu đần của súng đạn. Mặc dầu Tuấn sáng tác những vần thơ này trong lúc còn đang học những năm chót ở trường Y khoa, nhưng mỗi khi đọc, tôi lại cảm thấy dường như anh đã linh cảm xấu.
Không hẳn là một nỗi bi quan thống thiết, nhưng có vẻ tiên đoán về sự yểu mệnh nói chung của các chàng trai thời chiến. Tôi đọc chỉ thấy vậy. Và tự hỏi, sao Nghiêm sĩ Tuấn lại viết ra theo cái cách mà các bậc trưởng thượng thường khuyên nên tránh , vì sợ nó vận vào người. Trong bài thơ “Quê hương”, ta thấy được cảnh vốn thanh bình của làng xóm. Một sự thanh bình đã được mô tả trong phần đầu của bản nhạc “ Làng tôi” của nhạc sĩ Chung Quân. Nhưng đây Tuấn viết cô đọng lại: Rộn ràng chim hót rừng thưa Lắng tai quen thuộc vườn xưa ngỡ ngàng.
Để rồi bỗng nhiên sự tan hoang xảy đến: Đồi xa súng đạn ầm vang Cành khô bặt tiếng giấc vàng tan mau (Quê Hương)
Rồi khi chiến tranh lan rộng, không còn chỉ ở trên đồi núi xa xăm nữa, mà đã tiến dần về thành phố:
Đêm mở cửa , hỏa châu rơi, Ngu đần la mãi bên trời sắt kêu. ( Bạn cũ) Bom Đạn là những vật vô tri. Những kẻ xâm lăng đem sử dụng, hay những người cần tự vệ phải dùng tới, thì bom đạn cũng vẫn phát ra tiếng nổ. Không cần biết phải trái. Nói vắn tắt: kêu lên một cách ngu đần. Con người đạo mạo Nghiêm sĩ Tuấn, tuy không hề đề cập tới bộ phận sinh dục của phái nữ , bằng cái tên cúng cơm của nó, nhưng điều này không có nghĩa rằng Tuấn là một người ghét đàn bà (misogynist) . Tuấn cũng có những mơ mộng, tuy ít khi tâm sự với ai về chuyện này. Thế nhưng , trải được ý ra trên trang giấy:
Sóng ngân gợi nhớ xưa chìm Hoa bay thấp thoáng tưởng em nét cười. (Người yêu) Trong cuốn Thơ Đường của Giáo sư Trần Trọng San, có đoạn viết dưới đây: “Trong thời Khai Nguyên, vua Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi ra chơi vườn thượng uyển, có cho vời Lý Bạch, sai làm những khúc ca mới để cho nhạc đội ca hát. Thi sĩ soạn xong ba bài thanh bình điệu trong khi đương say.”
Lý Bạch mở đầu Thanh Bình Điệu với câu:
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung. ( Trông đám mây tưởng là xiêm áo nàng . Trông đóa hoa tưởng là vẻ mặt nàng .) Thật là một câu tuyệt tác.
Nghiêm sĩ Tuấn không cần chuếnh chuáng say , đặt bút xuống, cũng vẽ lại được vẻ thanh thoát, tươi vui của giai nhân: Hoa bay thấp thoáng tưởng em nét cười.
Có một thời, khoảng gần cuối năm thứ sáu Y khoa ,Tuấn đi thực tập tại khu nội khoa Bệnh viện Nhi đồng. Tuấn để ý tới một nữ y tá. Nàng có vẻ cũng có cảm tình với Tuấn. Gần hết năm Âm lịch, một bữa tiệc tất niên được tổ chức cho các Bác sĩ, Sinh Viên,Y tá đang làm việc tại đây. Đã thu xếp từ trước, Tuấn đến nhà nàng chở nàng đi dự tiệc trên một chiếc xe mobylette. Có lẽ đây là lần đầu tiên Tuấn có hân hạnh được cùng với một người con gái đi dự tiệc. Lẽ dĩ nhiên, tiệc tùng vui vẻ cho tất cả mọi người. Đến khi tan tiệc, nàng từ chối không chịu ngồi trên xe mobylette để Tuấn chở về nữa .Nàng quyết định về bằng xe hơi với một nữ bác sĩ làm ở trại này. Tôi không biết rõ người nữ y tá này có phải là người trong bài thơ trên đây hay câu thơ của Tuấn đã tả vẻ duyên dáng của một thiếu nữ khác.
Thơ của Tuấn thường bí hiểm, xa xôi. Khi đọc xong một bài thơ khác Tuấn viết, đặt tên là “Đất lạnh”, tôi suy nghĩ. Sao Tuấn lại có thể dùng hai chữ này để đặt tên cho bài thơ. Có vẻ như là nói gở.
Miền Nam đang bị cộng sản miền Bắc gia tăng việc xâm lăng. Chỉ còn ít hôm nữa chúng tôi sẽ ra trường và sẽ được trưng tập để trở thành y sĩ trong quân đội. Sau khi học xong năm thứ sáu, tất cả nam sinh viên đều phải trình diện nhập ngũ. Tới đúng ngày giờ ấn định, đám nam Bác sĩ vừa mới ra trường chúng tôi, gồm 73 người tập họp tại một địa điểm ở vườn Tao Đàn. Ba chiếc xe GMC chở chúng tôi lên trung tâm huấn luyện Quang Trung. Đến hết chiều có mấy chiếc xe GMC tới, chở chúng tôi lên trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thời gian chúng tôi phải học ở Thủ Đức là chín tuần lễ.
Sau khi mãn khóa tại Thủ Đức chúng tôi còn phải học thêm bốn tuần về hành chánh quân y tại trường Quân Y. Trường này nằm tại Sài Gòn. Khóa chúng tôi không phải ở lại trong trường. Ngày hai buổi đi học. Sau cả hai thời kỳ huấn luyện, đến lễ mãn khóa chúng tôi được đeo lon Y sĩ Trung uý. Ngày chọn đơn vị đi phục vụ là một ngày quan trọng. Người nào đậu cao nhất, do điểm ở Thủ Đức lẫn Quân Y cộng lại, sẽ được gọi tên chọn chỗ trước nhất. Được chọn đầu tiên có nghĩa sẽ được chỗ tốt nhất theo ý mình. Đại khái, những đơn vị quân y tĩnh tại, được sắp vào loại tốt. Tốt ở đây, không liên quan gì tới việc nổi tiếng hay không. Chẳng do cơ sở lớn hay nhỏ. Cũng không vì trang bị tối tân hay thô sơ . Chỗ tốt trong trong trường hợp này, là nơi nào an toàn nhất. Khi những chỗ trong các đơn vị quân- y tĩnh tại (Tổng yviên,Quân y-viện hay bệnh viện dã chiến) đã được chọn hết, những người còn lại sẽ phải chọn những chỗ thuộc Quân-Y binh-đoàn. Những chỗ nguy hiểm nhất trong nhóm này, thuộc về các lực lượng tổng trừ bị. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa có hai lực lượng tổng trừ bị là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Tỷ lệ tử vong trong hai binh chủng này rất cao. Ở nơi nào chiến trường khốc liệt nhất, nơi đó Nhảy Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến sẽ được gửi tới. Có khi cả hai . Trong mỗi tiểu đoàn tác chiến của hai binh chủng này đều có một bác sĩ đi theo. Các y sĩ phục vụ tại đây cũng sẽ trải qua những sự nguy hiểm như các chiến sĩ khác của tiểu đoàn. Còn trong các sư đoàn bộ binh, phải cấp trung đoàn mới có một bác sĩ. Trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 6 chỗ cho sư đoàn Nhảy Dù và 6 chỗ cho Thuỷ Quân Lục Chiến.
Bắt đầu buổi chọn chỗ, một vị sĩ quan đọc lên thứ tự những người cao thấp trong bảng xếp hạng. Tôi đứng thứ 71, trên tổng số 73 người. Nhìn lên trên bảng liệt kê những đơn vị sẽ được chọn trong khóa này, tôi nhẩm tính qua, biết rằng tới lượt mình, không vào Nhẩy Dù, ắt cũng đi Thủy Quân Lục Chiến. Trước giờ chọn chỗ, một điều được thông báo rõ ràng cho tất cả mọi người rõ: “ Rằng ai muốn chọn về Nhẩy Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến, chỉ cần giơ tay lên mà không cần phải đợi đến lượt tên mình được gọi. Thí dụ người đậu thứ 73, bất cứ giờ phút nào muốn chọn về đó, chỉ cần giơ tay lên,sẽ được chấp thuận ngay”. Nghe xong,có tiếng xì xào,bàn tán. Người đậu thứ 72 là Nghiêm Sĩ Tuấn, liền giơ tay lên. Vị sĩ quan hỏi:“Anh chọn gì?” Tuấn đáp:“Nhảy Dù”.
Sau khi ký giấy tờ Tuấn bước ra khỏi phòng. Không cần để ý đến ai sẽ đi đâu, và bao giờ buổi này mới chấm dứt.
Khi thấy Tuấn chọn xong, tôi hiểu ngay Tuấn đã thực hiện cái ý đã diễn ra trong một bài thơ làm từ trước :
Cung Dâu dựng nhắm phương nào Ngập ngừng tên cỏ ngày cao chất chồng Mai sau đó gửi về không Bóng vươn tinh đẩu mơ vùng núi cao (Tuổi đứng)
Sau khi trình diện Quân y Nhảy dù, Tuấn được làm Y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Nhảy Dù. Trong tất cả các đơn vị của lực lượng Tổng Trừ Bị, chỉ có hai tiểu đoàn có hậu cứ tại Vũng Tàu. Đó là Tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù (đơn vị của Tuấn) và Tiểu đoàn 4 Thuỷ Quân Lục Chiến (là đơn vị của tôi) . Trại tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù nằm gần Bãi Sau.
Kể từ khi đáo nhậm đơn vị tôi và Tuấn không có dịp gặp lại nhau nữa . Tuy cả hai hậu cứ đều ở Vũng Tàu, nhưng trên thực tế phải 2,3 tháng đơn vị mới được về nghỉ khoảng một, hai tuần lễ. Do đó Tuấn và tôi, mỗi người chỉ có việc theo đơn vị mình đi hành quân mà không có dịp nào gặp nhau cả.
Khoảng một, hai tháng sau Tết Mậu Thân, tôi đang làm việc tại Bệnh xá Thủy Quân Lục Chiến trong trại Cửu Long ,Thị Nghè, thì được tin Tuấn tử trận .Tôi bàng hoàng cả người, mặc dầu vẫn biết rằng, một cái tin như vậy, là chuyện thường ngày đến với những gia đình có con , em , hoặc thân nhân phục vụ trong lực lượng Tổng Trừ Bị. Xác Tuấn được đưa về Sài gòn. … Lê sĩ Quang và tôi bước vào nghĩa trang Mạc đĩnh Chi. Đi dọc theo con đường, thẳng từ cổng vào, tôi ngó sang phía bên tay phải nhìn vào hai ngôi mộ của Tổng thống Ngô đình Diệm và người em là Ngô đình Nhu, bị sát hại trong cuộc đảo chính 1-11-1963. Tôi đi thêm vài chục thước nữa, rồi rẽ sang phía tay trái tới gần cuối, góc phía sau của nghĩa trang.
Thân nhân của Tuấn đang sụt sùi . Cạnh đó là một cái huyệt mới được đào xong. Chiếc áo quan chưa được đặt vào trong huyệt. Tôi nhìn quanh Số người dự đám tang không nhiều lắm. Các bạn cùng lớp, thì mỗi người đang ở một đơn vị xa, trải dài từ Bến Hải xuống đến Cà Mâu, nên không về được. Một vài đồng nghiệp đang được làm việc tại Sài Gòn có đến dự. Lê Sĩ Quang ở Liên đoàn 5 Công Binh Kiến tạo Hóc Môn, nên đương nhiên cũng kể như ở Sài Gòn. Ngoài ra còn có vài người thuộc Quân Y Nhẩy Dù. Khi áo quan đã hạ huyệt, vài người bạn học cũ tại trường trung học Chu Văn An, hay bạn đồng nghiệp của Tuấn tỏ lời tiếc nhớ bạn xưa . Anh Trần Xuân Ninh đang làm tại Bệnh viện Nhi đồng cũng có mặt, vừa khóc vừa nói lời vĩnh biệt. Không có một người nào long trọng đọc một bản điếu văn như trong những đám tang khác. Những người hiện diện hôm nay tiễn đưa Tuấn , tuy số lượng ít nhưng tất cả, lòng thương xót bạn lại vô bờ bến. … Độ một tuần sau, tôi có việc phải trở lại Vũng Tàu một ngày. Tôi đến thăm Giáo Sư Nguyễn Văn Quyên, cũng là một bạn của Tuấn . Chúng tôi buồn, ngồi nghĩ đến bạn. Quyên hỏi tôi, “tối nay ngủ ở đâu”. Tôi đáp: “ vào trại thủy quân lục chiến”. Quên cản lại: “Thôi, ngồi lại đây đến khuya, anh em mình nói chuyện với nhau. Rồi sau đó hoặc là ngủ trong nhà này hoặc là vào phòng của Tuấn cũng trong cư xá này cách đây 50 thước. Tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù , có vài căn phòng trong cư xá này, dành cho sĩ quan của đơn vị. Mỗi lần, trước khi đi hành quân, Tuấn đều giao chìa khóa phòng cho tôi.” Tôi trả lời Quyên: “Ừ được, tôi sẽ ở phòng Tuấn”. Khuya đến. Quyên đưa tôi chìa khóa.
Tôi bước hết một đoạn đường nhỏ. Tôi tra chìa khóa vào ổ. Phải xoay 2,3 lần mới mở được cửa. Trong phòng tối om. Tôi đưa tay bật đèn. Một cái giường xếp , trống không. Một cái bàn nhỏ với một cái ghế. Ở vai ghế, có vắt một cái áo rằn ri của binh chủng . Trên túi áo ngực bên tay phải có thêu tên Tuấn và trên chữ này có một cánh dù. Tôi ngó lên tường, không thấy treo một bức hình nào cả. Tôi đặt mình trên chiếc giường xếp mà mỗi lần Tiểu đoàn 6 hành quân xong, được về Vũng Tầu nghỉ, Tuấn đã nằm. Tôi nhớ tới bài thơ của anh trước đây tôi đọc, và đã cảm thấy sao như có vẻ nói gở:
Đất lạnh Hồ Trường một dốc chưa say Lưng đau cát sỏi ai thay xương mình Điểm trang khô mắt đăng trình Nghiêng thêm băng gía hồi sinh đợi ngày. Nghiêm Sĩ Tuấn ...
Trong hai năm 2013-2014, Úc châu có một chương trình thu thập những sự kiện lịch sử bằng cách phỏng vấn mấy chục cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Người phụ trách cuộc phỏng vấn này là Giáo Sư Natalie Huỳnh Châu Nguyễn, đại học Monash tỉnh Melbourne.
Tôi cũng là một trong những người được phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh, kéo dài ba tiếng đồng hồ, có ghi âm. Trong lúc kể lại việc nhập ngũ và rồi phục vụ trong lực lượng Tổng trừ bị , tôi chợt nhớ đến Nghiêm sĩ Tuấn. Tôi nghĩ bụng, trong cuộc chiến Việt Nam, biết bao thanh niên miền Nam đã trở thành những anh hùng vô danh. Nghiêm sĩ Tuấn là một trong những người đó. Tôi tự bảo , “những băng hay đĩa ghi âm này sẽ được lưu trữ trong Thư viện quốc gia Úc. Mình phải nhắc đến Tuấn.” Năm 2016, một phần tài liệu trong những cuộc phỏng vấn đã được vị giáo sư này in ra thành sách với nhan đề South Vietnamese Soldiers, bởi nhà xuất bản Praeger , Hoa Kỳ. Sau khi nhìn thấy tên Bác sĩ Nghiêm sĩ Tuấn được in lên trong một đoạn do tôi đã trình bày trong cuộc phỏng vấn, tôi cảm thấy như mình đã thắp được một nén hương trước bàn thờ anh.
( Hình chụp một đoạn do tôi trình bầy, được in trên trang 74 trong cuốn sách South Vienamese Soldiers của Giáo Sư Nathalie Huynh Chau Nguyen, nhà xuất bản Praeger, 2016, Hoa Kỳ.)
Bác sĩ Trần Xuân Dũng