Hội nghị Thương đỉnh G20, năm 2019, có nhiều chuyện đáng chú ý xảy ra giữa Hội nghị, và bên lề hội nghị.
Hội nghị G20 được thành lập từ năm 1999, gồm 20 quốc gia có nền công nghệ phát triển nhất thế giới. Thực ra, chỉ có 19 quốc gia, và thêm khối liên minh châu Âu là 20. Năm nay, 2019, hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Osaka, Nhật bản, vào 2 ngày 28 và 29 tháng 6, với sự góp mặt của các vị nguyên thủ quốc gia. V iệt Nam được tham dự với tư cách khách mời. Thủ Tướng VC Nguyễn xuân Phúc cầm đầu phái đoàn. Tổng Thống Trump dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, ngoài các thành viên cao cấp, còn có con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kustner. Hai người này, luôn có mặt trong các cuộc đàm phán đa phương, cũng như song phương, cùng với Tổng Thống Trump trong hội nghị này.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 30.000 quan khách, dưới sự bảo vệ của 32.000 cảnh sát Nhật. 700 trường học, và các nhà đèn đỏ, đều được đóng cửa để tránh cảnh đông đảo, làm ảnh hưởng tới trật tự và an ninh.
Thủ tướng Shinzo Abe đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Nghị trình thảo luận gồm có 4 phần: 1. Kinh tế toàn cầu, và thương mại đầu tư, 2. Đổi mới sáng tạo và kinh tế số. 3. Phát triển bền vững 4. Môi trường năng lượng và biến đổi khí hậu.
Sự tập trung của các lãnh đạo thế giới, đã thu hút nhiều nhóm biểu tình kéo về Osaka, đặc biệt nhất, là cuộc biểu tình của những người dân Hong Kong tại Nhật. Họ tuyên bố, để ủng hộ cho cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hong Kong, chống dự luật dẫn độ và đòi hỏi Đặc khu trưởng đặc khu Hong Kong phải từ chức.
Ngoài các cuộc hội thảo về các đề tài chung, như hiện tình kinh tế toàn cầu, môi trường và hiện tượng biến đổi khí hậu...., còn có các cuộc gặp gỡ song phương giữa các quốc gia: Mỹ-Trung, Nhật-Trung, Mỹ- Nga, Nhật-Hàn, Nhật-Nga, Trung-Nga, và Nga-Trung-Châu Âu... để giải quyết những vấn đề cá thể, của riêng những quốc gia này.
Trước khi lên đường tham dự Hội nghị, ngày 26 tháng 6, trong buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump đã phát biểu: "bản hiệp ước an ninh giữa 2 nước Nhật và Hoa Kỳ là không công bằng. Chúng ta sẽ phải thay đổi nó! Theo bản hiệp ước, nếu Nhật Bản bị tấn công, thì Hoa Kỳ sẽ theo sát ủng hộ, và tham chiến với toàn bộ lực lượng, để bảo vệ Nhật, nhưng nếu Hoa Kỳ bị tấn công, thì có lẽ Nhật chỉ trợ giúp bằng cách ngồi nhà, xem TV Sony!"
Ngày 27 tháng 6, , TT Trump đã trả lời câu hỏi của Fox Business News: " Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Việt Nam đã lợi dụng Hoa Kỳ một cách tồi tệ, còn hơn cả Trung Quốc." Cũng vì sự tức giận này, trong hội nghị ngày 28, khi Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc tìm tới để bắt tay, chào hỏi, TT Trump có thái độ lạnh nhạt. Trở về Mỹ, ngày 2/7, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế 465% lên thép xuất cảng từ VN sang Hoa Kỳ. Lý do, đó là thép từ Đại Hàn và Đài Loan lén lút chuyển sang để dán nhãn hiệu VN, mong giảm thiểu thuế nhập nội vào Hoa Kỳ. Đây không phải là lần đầu, năm 2018, Hoa Kỳ đã tố cáo thép của TQ cũng tuồn vào VN để trốn thuế nhập nội của Mỹ. Tháng 5 năm 2018, Mỹ đã đánh thuế trên 250% thép xuất cảng từ VN sang Hoa Kỳ.
Hội nghị G20 năm 2019, không những là điểm mốc của 20 năm thành lập, mà còn được toàn hội nghị cũng như cả thế giới hồi hộp theo dõi, về cuộc đối đầu giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất và nhì trên thế giới, Tổng Thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình, cùng có mặt trong Hội nghị. Cuộc đàm phán mậu dịch giữa 2 nước này hiện đang bế tắc. Vài ngày trước khi lên đường tham dự hội nghị, Tổng Thống Trump đã lớn tiếng đe dọa: " Nếu Chủ Tịch Tập Cận Bình không có mặt tại Hội nghị G20, Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức áp đặt 25% thuế trên 300 tỷ hàng hóa còn lại của Trung Quốc." Theo dự đoán của đài BBC ngày 27 tháng 6: "cuộc đàm phán giữa Tổng Thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phủ bóng lên Thượng đỉnh G20. Đây là phần quan trọng nhất của Hội nghị. Cuộc chiến mậu dịch này, đã làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu."
Cuộc hội thảo song phương giữa Tổng Thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào sáng ngày 29 tháng 6. Trái với những lời tuyên bố hung hăng, và gay gắt của TT Trump trước khi đi dự, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, cả hai đều tươi cười, tay bắt mặt mừng như những người bạn thân, lâu năm mới gặp lại. Cuộc hội đàm kéo dài khoảng 80 phút, và chấm dứt với không khí hân hoan. Cả hai bên cùng tuyên bố thắng lợi. Kết quả là các cuộc đàm phán song phương sẽ sớm được khởi động trở lại. Mỹ sẽ đình chỉ lại việc áp đặt 25% thuế lên 300 tỷ hàng hóa còn lại của TQ vô thời hạn. Bù lại, TQ sẽ mua thêm nông phẩm của Hoa Kỳ như đậu nành. bột mì, ngũ cốc ...Về công ty Huawei, Hoa Kỳ sẽ cho phép các công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ bán các phụ tùng có tính cách phổ thông cho Huawei, miễn là các phụ tùng này không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Theo sau tin tức sốt dẻo này, thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ, châu Âu và Á châu đều tăng điểm mạnh. Theo nhận xét chung, Hoa Kỳ đã có những nhượng bộ đáng kể.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà bình luận, thì không nên quá lạc quan. Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018 tại Buenos Aires, Argentina năm 2018, cũng có kết quả đầy hứa hẹn như vậy. Hội nghị Thượng đỉnh vừa chấm dứt, hôm sau thị trường chứng khoán lên vùn vụt. Nhưng đáng tiếc, khi trở về nước, 2 phái đoàn thương thảo, đã gặp những dị biệt, không dung hòa nổi, nên bế tắc.....
Cũng có câu chuyện vui, khá ngộ nghĩnh, bên lề đại hội G20 năm nay:
Khi bắt tay xã giao Tổng Thống Putin, ông Trump đã phát biểu: "Làm ơn, nhớ đừng xen vào cuộc bầu cử TT của Mỹ năm 2020 nhé." Tổng Thống Putin bật cười.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, đã bế mạc vào chiều ngày 29 tháng 6, với bản "tuyên bố chung" đạt được sự đồng thuận cao. Đó là nhờ sự điều hợp khéo léo của Thủ tướng Shinjo Abe, đã dung hòa được những bất đồng ý kiến của các thành viên. Tổng Thống Emmanuel Macron, Pháp khi vừa đến, đã nhấn mạnh, "Nếu nghị trình không có đề tài " Môi trường, và biến đổi khí hậu" , ông sẽ không ký tên vào bản tuyên bố chung". Khi cuộc thảo luật bắt đầu, TT Trump đã lên tiếng, nói là ông đã rút ra khỏi hiệp định Paris 2015 về môi trường vào ngày 1 tháng 6 năm 2017, nên bản đúc kết chỉ có 19 thành viên ký tên.
Sáng ngày 29/6, từ Osaka, TT Trump đã gửi Twitter gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: "Sau một số cuộc họp rất quan trọng, gồm cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Tôi sẽ rời Nhật Bản, đến Hàn Quốc cùng Tổng Thống Moon. Nếu Tổng Thống Kim đọc thấy điều này, tôi mong được gặp ông ở vùng biên giới/phi quân sự, chỉ để bắt tay và chào hỏi ( just to shake hand and say hello).
Chính quyền Bình Nhưỡng đã mau chóng hồi đáp nồng nhiệt: "đây là một ý kiến rất thú vị". Bà Choe Son Hui, Thứ trưởng ngoại giao Triều tiên khẳng định trên hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên: " Đây là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, trên quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo, cũng như tăng cường quan hệ song phương giữa 2 quốc gia"
Tổng Thống Trump đã khẳng định rằng lời mời của ông là do ngẫu hứng, nhưng nhiều nhà bình luận thì quả quyết, đây chỉ là một màn kịch, được trình diễn có lớp lang, và nhà dàn cảnh không ai khác hơn là Tổng Thống Moon Jae In của Nam Hàn.
Chiều ngày 29/6 Tổng Thống Trump dời Osaka, để tới Soul, Nam Hàn. Sáng ngày 30 tháng 6, ông đã cùng Tổng Thống Moon Jae In tới Bàn Môn Điếm, khu vực phi quân sự giữa 2 miền Nam và Bắc Hàn.
Đi bộ một mình, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un, từ hai phía đối diện, tới gặp nhau tại làn ranh giới, và cùng đưa tay ra, tươi cười bắt tay nhau. Khi tay trong tay, ông Trump hỏi nhỏ ông Kim Jong Un: " tôi có thể bước qua được không?" Ông Kim Jong Un vui vẻ trả lời: "Nếu ông bước qua, thì ông sẽ là người đầu tiên trong lịch sử." Thế là ông Kim Jong Un nắm tay đưa ông Trump bước qua làn ranh giới. Hai ông cùng đi bộ khoảng 20 bước về phía lãnh thổ Bắc Hàn, rồi ngừng lại. Sau đó ông Trump mời ông Kim Jong Un quay trở lại, và bước qua lãnh thổ Nam Hàn. Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In đã chờ sẵn tiếp đón, và đưa hai ông vào "Nhà Tự Do" của Nam Hàn. Cuộc đàm đạo kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, các phóng viên không được phép tham dự. Ra khỏi Nhà Tự Do, mọi người đều vui vẻ, và lạc quan.
Phát biểu về cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Triều Tiên, TT Trump đã nói: "Đó là một ngày tuyệt vời cho thế giới" và "ông rất tự hào được bước qua làn ranh giới." Chủ tịch Kim phát biểu: " Cuộc gặp gỡ biểu hiện cho một sự kết nối tuyệt vời." Hai ông Trump và Kim cùng đồng ý rằng, các cuộc đàm phán sẽ được khởi động lại trong những tuần tới. Ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng:" ông không cần vội vã, mà cần tìm đúng hướng đi để có hiệu quả." Các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì, mặc dầu ông dường như có thể nới lỏng, như một phần trong cuộc đàm phán." Tổng Thống Trump cho biết, ông đã ngỏ lời mời Chủ Tịch Kim Jong Un tới thăm Washington.
Cuộc gặp mặt giữa TT Trump và Chủ Tịch Kim Jong Un đã được nhiều dư luận cổ võ, vì đã tạo được những đột phá, mở đường cho những bế tắc, và tạo hy vọng, và hiệu quả cho việc hạn chế vũ khí hạt nhân của Triều tiên. Tuy nhiên, cũng bị không ít những chỉ trích gay gắt từ phía lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ. Cho dù thế nào, Hội nghị Thương Đỉnh G20 tại Osaka năm 2019, đã hoàn tất tốt đẹp, và đem lại hy vọng cho toàn thế giới.
Đó là những tin tức theo bình luận quy ước, suôi chiều. Thực tế là sau ba cuộc họp thượng đỉnh mà ông Trump cho là “đại thành công”, bây giờ mới bắt đầu có những thảo luận cấp nhân viên để tìm những bước giải quyết cụ thể chưa biết sẽ đạt được tới đâu.
Đan Tâm
06/2019