Mới đây có một bài viết tác giả đã bỏ công ra suy nghĩ phân tích khá kỹ càng những ca khúc Trịnh Cộng Sơn về cả mặt âm thanh lẫn lời lẽ. Mà nói chung là nêu ra nhiều điều không chỉnh. Có thể là vô lý, vô nghĩa nữa. Nhưng không thể không thừa nhận rằng nhạc TCS khá là được nhiều người ưa thích, vì những lý do khác nhau. Thời Việt Nam Cộng hòa, nhờ được truyền đi bởi giọng hát Khánh Ly độc đáo, còn thời Việt Cộng nhạc TCS được VC thổi lên vì lý do chính trị, nhất là từ sau đổi mới mở cửa ra ngoài theo tư bản, cho tới bây giờ.
Trước 1975, nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu là loại tình cảm “công viên ghế đá”, “thân phận nhược tiểu” , “đàn bò vào thành phố” “Diễm Xưa”… Nói chung là lãng đãng phiêu bồng rồi dần dần trở thành nặng chất than oán chiến tranh, như
Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan
Những bài hát được kể là “tâm ca” lãng mạn hay bi thương này đã được đón nhận một cách rộng rãi trong giới học sinh sinh viên và nhiều sĩ quan quân đội, nhất là những thành phần tiểu tư sản thành phố. Lối sống lang bạt của cặp bài trùng Khánh Ly Trịnh công Sơn tạo nhiều chú ý nếu không muốn nói là được thèm muốn, bắt chước. Qua ca hát, Trịnh Công Sơn quen biết nhiều sĩ quan thế giá và được che chở. Để mà sống tà tà trong cái thế giới viễn mộng của mình, được nuôi dưỡng bởi rượu chè sì ke ma túy, phần nào do các thành phần hâm mộ cung cấp. Nhưng ngày 30 tháng 4/1975 thì mọi sự đổi khác. Trong khi đại đa số dân miền Nam cuống cuồng bỏ chạy Cộng sản, vì lo sợ những biện pháp khống chế độc tài sẽ tới, thì Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài gòn ca tụng đón mừng những người mang nón cối dép râu mũ tai bèo bằng những bài hát kiểu ‘Nối vòng Tay lớn”, “Huế Sàigòn Hà Nội” v…v. Do đó TCS bị coi như loại “ba mươi” (là tiếng để chỉ những kẻ cơ hội theo đuôi VC để mong được cho ân huệ), và hơn thế nữa là bị căm ghét như một tên nằm vùng, “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản”. Sự khinh miệt còn tăng khi biết TCS chỉ được các lãnh đạo mới như Võ Văn Kiệt ban phát biệt đãi bằng những chai rượu ngoại quốc “chiến lợi phẩm”. Để mà đổi lại phun ra những giọng điệu “Em ra đi nơi này vẫn thế”, trong cơn “sỉn” vẽ ra hình ảnh yên bình thanh thản của một đất nước mà thực tế đang bị dầy vò chà đạp bởi những kẻ cuồng tín bành trướng chủ nghĩa CS.
Những người di tản khỏi VN trước hay trong ngày 30 tháng 4, thì không bực bội TCS bằng, vì cái ấn trượng trong lòng có về TCS chỉ là những bài hát lênh đênh lãnh đãng thời chiến, đã được mô tả là thời mà “tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở” bởi một nhà sư trẻ trốn lính lúc bấy giờ. Tâm ý “chống cộng” nếu có ở những người này thì chỉ là hời hợt, chứ không thực sự từ kinh nghiệm cay đắng cá nhân, mất nhà mất cửa tan nát gia đình bởi chính sách “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” của chế độ mới. Vì thế đã xếp loại nhạc TCS một cách chung chung là nhạc phản chiến. Nhưng nghĩ cho kỹ thì đâu phải chỉ có nhạc TCS là phản chiến. Thí dụ như bài “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy xem ra còn có những câu thê thiết hơn:
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn phủ kín hồn anh
Anh trở về, bờ tóc em xanh
Chít khăn sô trên đầu vội vã, em ơi !
Hay là tình cảm khao khát ngày ngưng chém giết “Nếu một mai giã từ vũ khí của Trịnh Lâm Ngân. Như:
“Rồi có một ngày, sẽ một ngày
Chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi
Chẳng còn chi ngoài con tim héo... em ơi...
Xin trả lại, đây bỏ lại đây
Thép gai răng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi,
Đã bao phen máu anh tuôn…”
…
“Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn.
Bạn anh đó đang say ngủ yên...”
Cũng chẳng mấy ai để ý suy xét xem tác hại của nhạc phản chiến TCS tới đâu, hay nói khác đi bao nhiêu người bỏ súng vì nghe nhạc TCS. Cụ thể thì có những người trốn lính, hay là lính ma lính kiểng vì sợ chết, chứ không hẳn vì nghe nhạc TCS. Chuyện sợ chết này thì ở đâu cũng có ở Mỹ cũng không thiếu. Cho nên bảo nhau đi biểu tình chống chiến tranh, hay trốn sang Canada, hay khai bệnh khai tật, mà một trường hợp nổi tiếng hiện nay là Donald Trump khai có mọc gai xương ở chân để xin hoãn dịch khỏi bị gửi sang Việt Nam. Nói rộng hơn nữa thì quan điểm “phản chiến” hay “hòa hợp hòa giải” cũng là quan điểm của một số nhân vật chính trị và tôn giáo miền Nam, và “trí thức” chứ chẳng riêng gì một TCS. Sau khi VC vào những người này có kẻ đã bị đi tù cải tạo, chết trong tù. Có kẻ nhờ bộ áo tu hành che chở mà dám lớn tiếng bênh vực VC dưới chế độ VNCH thì được cho ra khỏi nhà tu đi lấy vợ. Có kẻ vượt biển ra ngoại quốc hành nghề tu sĩ phản chiến nhưng giác ngộ, lâu lâu kết tội chế độ một lần. Nhắc lại như thế chẳng phải là để bênh vực cho TCS, nhưng mà để chỉ nêu ra một thực tế miền Nam trước 1975: Rằng TCS chỉ là sản phẩm của một xã hội miền Nam dễ dàng, lè phè, không ý thức sâu sắc mối nguy Cộng sản mà chỉ lơ mơ nghĩ rằng miền Nam là một tiền đồn thế giới tự do, và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ. Sự thất bại của miền Nam không chỉ vì TCS. Bởi lẽ TCS bản chất chỉ là một người viễn mơ, sống từng cơn trong thế giới rượu chè sì ke ma túy. Như vô số các thành phần xướng ca khác trên khắp thế giới. Về chính trị thì chỉ là một kẻ nằm vùng hạng nhỏ so với nhiều kẻ nằm vùng khác nguy hiểm hơn ở những vị trí quyền lực.
Vì thế, công bằng mà nói phần trách nhiệm TCS nếu có về sự mất miền Nam thì là rất nhỏ chẳng khác bao nhiêu trách nhiệm của mỗi người, mọi người dân, mà trách nhiệm lớn nhất là các giới lãnh đạo, đứng đầu là Nguyễn Văn Thiệu, là các quan chức, là các tướng lãnh các quân nhân bỏ chạy trước khi VC tới. Và khi thóat hiểm rồi thì đổ tội cho sự phản bội của Mỹ, kêu rằng Mỹ trói tay.
TCS là một con người đầy cảm tính bị dồn nén bởi những ước vọng không thỏa cạnh Khánh Ly, lại dưới ảnh hưởng của rượu, của ma túy cho nên đã bật ra thành những âm thanh, những ngôn từ mông lung, rời rạc nếu nhìn dưới con mắt xét nét quy luật và ngữ pháp như đã có bài viết chỉ ra. Nhưng bản chất thì đó là những nét chấm phá tạo hình tạo ý, những tần số xung động gây đồng cảm cho nhiều người nghe. Nhưng chính TCS thì cũng không rõ mình là ai. Như từng hát lên trong bài Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này.
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm
Nên để ý rằng TCS viết bài Đừng tuyệt vọng này sau môt thời gian dài sống được biệt đãi dưới chế độ VC và ngay cả được cho xuất ngoại sang Pháp trình diễn.Thành ra có thể nói rằng TCS chỉ sống trong cái khuỷnh xúc động của mình với những cảm xúc trào đến lộn xộn, chứ không thành hệ thống. Để mà nói TCS là một tên văn công VC.
Nói bằng cảm tình thì TCS là một nghệ sĩ. Nói thản nhiên và vô tình, thì tác động của những giai điệu và ca khúc TCS lên xã hội có thể coi như là trường hợp của một chiếc đàn bầu một giây, gây ấn tượng chỉ bằng độ nắn, độ buông nặng nhẹ, của người gẩy đàn, và âm thanh phát ra không phải ai cũng thích, nghe được trong mọi hoàn cảnh. Giây đàn đã đứt. Tay khẩy đàn đã hết gân. Mới đây có tin lãnh đạo của một trường được gọi là đại học ở Gò Vấp “đang nghiên cứu giảng dậy bộ môn Trịnh Công Sơn học”. Đã nghiên cứu thì thế nào cũng ra nhất là khi nhà nước cho tiền, như là một cách để khoe cái tài giỏi của đảng ta có người anh hùng vừa kiên trì trốn lính mà lại vừa có tài làm nhạc phá hủy tinh thần chiến đấu của miền Nam dẫn đến thắng lợi của đảng quang vinh.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 18 tháng 7/2019