Một lá thư đề ngày thứ bảy 11 tháng 5/2019 với nhan đề “Trí thức, anh là ai” được truyền đi trên trang mạng giang hồ điện tử có cái tên lạ tai Là tễu blog. Và ngay ở dưới là câu trả lời in mầu đỏ “Trí thức tức là người có học”. Câu hỏi là về một thành phần xã hội. Câu trả lời là một hiển nhiên. Dưới câu trả lời hiển nhiên, thì thấy nó là một bài viết cũ đề ngày 6 tháng 2/2012, trên báo Dân Trí. Với một câu in đậm là:
Những ai hèn nhát, bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng thì dù có bằng cấp cao đến đâu, thành tựu lớn đến đâu cũng chỉ là kẻ vô học
Câu này quả là một thách đố. Vì nó khẳng định rằng kẻ vô học là “những ai hèn nhát, bàng quan trước vận mệnh dân tộc, thờ ơ với số phận đồng bào, vô cảm trước bất công oan ức, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng”.
Tuy thách đố, nhưng nó không có sức lôi kéo sự chú ý như là lời của Mao Trạch Đông cách đây hơn nửa thế kỷ phán rằng “Trí thức không bằng cục phân”. Cục phân không bị (hay không cảm thấy bị) xúc phạm, bởi lời Mao, ai cũng biết thế. Những trí thức dưới chế độ Mao và Hồ cũng không nói năng gì. Có thể vì cảm thấy có phần nào đúng nên không thấy bị xúc phạm. Nhưng thách đố này có thể xúc phạm đến tầng lớp những kẻ vô học. Nhất là những kẻ vô học từ khi Hồ chí Minh và đảng Cộng sản VN, dùng khẩu hiệu trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ để tiêu diệt trí thức, lấy sức mạnh giai cấp công nông bần cố thiết lập chế độ VNDCCH chuyên chính vô sản, toàn trị.
Vi kẻ vô học tuy không biết đọc để mà vào trang blog. Nhưng kẻ vô học có thể nghe được lời bàn tán về mình, mà có phản ứng. Nhưng đã không thấy có phản ứng gì đối với bài viết cũ trên báo VC Dân trí năm 2012 nói trên. Điều này không có gì lạ dưới chế độ VC biến thái, nằm trong tay các đại gia và các lãnh đạo đảng và nhà nước giầu nứt đố đổ vách tiền bạc không có chỗ để ở trong nước mà phải chứa trong các ngân hàng và dưới dạng bất động sản ngoại quốc. Nói cho rõ thì trong hoàn cảnh này giai cấp vô học trở lại nguyên vị trí chân lấm tay bùn, mệt bã người lao động đủ cách để có miếng nhét vào miệng, chẳng sức đâu mà để ý đến khen chê sỉ mạ nói chung, và bài viết trên tễu Blog nói riêng
Cái lạ trong trường hợp này là những đặc tính kể là cao quý của trí thức đã được nêu ra bởi chính những nhân vật cao cấp trong hệ thống quyền lực đảng, những người đã xử dụng sức mạnh vô học công nông để giữ quyền lực của mình một cách triêt để. Như Nguyễn thị Bình nguyên phó chủ tịch nước thì nói “Trí thức phải là người luôn giữ được phẩm tiết”. Hữu Thọ ủy viên trung ương đảng, nguyên là tổng biên tập báo Nhân Dân, và là trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương đảng thì rành rọt vạch ra rằng trí thức phải “Một là có học vấn cao (học vấn chứ không phải bằng cấp). Hai, nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là trí thức”.
Nhưng khổ nỗi những trí thức xã hội chủ nghĩa sấp sỉ cùng thời với những lãnh đạo trên và còn đang sống hay đã chết, lại bằng tác phong tư thái của mình phủ nhận những đặc điểm kể là của trí thức đó. Như giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” nhưng đã ngồi im lặng phục vụ cái ghế chủ nhiệm nho nhỏ của mình suốt thời toàn trị. TS.Chu Hảo cho rằng “Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định, người đó còn phải là người quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng và phải có chính kiến trước các vấn đề đó. Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận”. Người ta được biết Chu Hảo là người được ưu đãi từ nhỏ, là con giám đốc Công An Bắc Phần và Trung phần. Được du học nhiều nước ngoại quốc, từ Tầu đến Nga đến Pháp. Giữ các chức vụ có chút đỉnh quyền hành, như nguyên thứ trưởng bộ khoa học và công nghệ, rồi bị mất quyền dần dần. Cho đến tháng 10 năm 2018 bị ủy ban kiểm tra trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng. Trong suốt thời toàn trị quá khứ và thời biến thái bây giờ, đã có không biết bao nhiêu là việc làm sai trái của chế độ đối với dân với nước, nhưng Chu Hảo đã lặng yên hưởng quyền hưởng lợi. Sau khi bị đảng khiển trách mới lớn tiếng phản đối! Và kéo theo một số trí thức xã hội chủ nghĩa a dua ủng hộ! Khách quan mà nhận định thì đó không phải là thái độ “quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội” và “hướng dẫn dư luận” như Chu Hảo nói, mà chỉ là có ý kiến vì địa vị của mình bị xâm phạm.
Quay trở lại với những đặc điểm như có phẩm tiết, không hèn, không vô cảm trước những bất công oan ức của nhân dân, quay lưng lại với nỗi đau của cộng đồng vân vân… nói cho đúng chỉ là những đặc điểm của những con người xứng đáng là NGƯỜI viết hoa. Chúng không phải là đặc thù của riêng thành phần có học. Trí thức, nghĩ cho chính xác chỉ là người có học có chữ, Mà trong cuộc đời thì chỉ là một người “lao động trí óc”, như giáo sự Ngô bảo Châu nói hay là theo như tự điển tiếng Việt của Nguyễn Lân định nghĩa. Tức là người dùng cái khả năng trí não của mình để kiếm tiền sinh sống. Như dậy học, chữa bệnh, chế thuốc, sửa máy, viết bài, viết báo vân vân…Chẳng khác gì người có sức mạnh bắp thịt hay đặc điểm cơ thể để khuân vác, kéo cầy, đá bóng, đấu vật vân vân mà kiếm ăn…
Câu hỏi của bài viết do đó có lẽ phải đổi lại thành “thế nào là NGƯỜI, thế nào là ngợm”.
Đến đây thì chợt nhớ đến thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đầu thế kỷ 20 dịch bài đề từ chuyện ma Liêu Trai chí dị của Vương Ngư Dương:
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,
Đậu bằng qua giá, vũ như ty.
Liệu ưng yểm tác nhân gian ngữ
Ái thính thu phần quỷ xướng thi.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 30 tháng 5/2019)