Lý thuyết kinh tế thì có thể khó khăn phức tạp, với các nhà hàn lâm ngồi tính toán so đo các con số, các thống kê để mà giải thích, tiên đoán các chiều hướng thịnh suy, hay là khuyến cáo các chủ trương đường lối kinh tế làm ra lợi, chiếm được quyền. Nhưng mà đối với người thường thì trong thương trường, vấn đề rút lại chỉ là cung cầu và lợi nhuận. Tương quan giữa bên cung với bên cầu, tức là giữa kẻ bán người mua bình thường là theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nghĩa là không có tranh chấp. Tranh chấp chỉ xẩy ra khi có sự lường gạt. Thí dụ như người bán nói bán đầu dê mà đưa ra thịt chó. Hay người mua trả tiền thì là tiền giả. Tranh chấp còn xẩy ra giữa những người cung cấp bằng đủ cách, ở nhiều mức độ có thể đến tiêu diệt nhau để giành lấy số quần chúng tiêu thụ, hay giành độc quyền phân phối. Tranh chấp, giành giật cũng xẩy ra giữa những người tiêu thụ nếu số hàng có ít. Người ta đã chứng kiến cảnh chen lấn đè lên nhau sinh chết người ở Mỹ khi đám đông ùa vào lúc mở cửa hàng bán hạ giá ngày “thứ sáu đen” sau lễ Tạ ơn, mở đầu cho dịp mua sắm cuối năm.
Quay lại với cuộc chiến thương mại Mỹ Trung quốc hiện nay thì đâu là nguyên nhân tranh chấp? Trong nhiều năm, từ khi TC đổi mới mở cửa ra ngoài, Mỹ và Trung quốc vừa là khách hàng vừa là kẻ bán hàng của nhau, theo nhu cầu mỗi bên. Mỹ mua của TQ một số hàng, và bán cho TQ một số hàng khác. “Hàng” ở đây là chữ dùng tổng quát chỉ nhiều thứ khác nhau, từ tài nguyên thiên nhiên đến các chế phẩm đủ loại, cũng như những dịch vụ trí tuệ, kỹ thuật. Cuộc trao đổi giao thương này đã khiến cho TQ dần dà giầu lên và hiện nay có một nền kinh tế sấp sỉ với Mỹ nếu không nói là vượt qua Mỹ. Một cách cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với TQ năm 2018 là trên 419 tỉ đô la. Vì hàng TQ nhập cảng vào Mỹ là 540 tỉ mà nhiều nhất là computer và phụ tùng, điện thoại khôn và dầy dép quần áo. Hàng Mỹ xuất cảng sang TQ là 120 tỉ đô la mà nhiều nhất là máy bay thương mai, đậu nành và xe hơi. Tình trạng thâm hụt này kéo dài qua các đời chính phủ từ nhiều năm không giải quyết được. Chỉ có tăng không giảm, mà tăng lên mức nhiều nhất là năm 2018, dưới triều đại ông Trump. Khi ông Trump bắt đầu mở ra cuộc chiến thương mại, TQ đã hủy giao kèo nhập cảng đậu nành từ Mỹ trị giá 12 tỉ đô la.
Nói tóm lại là các biện pháp trả đũa của TQ không lớn lắm, vì số hàng TQ nhập cảng từ Mỹ không là bao nhiêu. Thành ra, cuộc chiến thương mại với TQ của ông Trump có tác dụng chủ yếu là lên dân tiêu thụ Mỹ và những nhà tư bản Mỹ bán hàng Trung quốc cho dân Mỹ để thu lời. Thấy được bản chất vấn đề như thế thì người ta hiểu những phản ứng của các thượng nghị sĩ đối với các biện pháp kể là chiến tranh thương mại của ông Trump đối với TC nói chung và của thượng nghị sĩ Grassley ở Iowa nói riêng, là nơi 12 tỉ giao kèo bán đậu nành cho TQ bị hủy bỏ.
Đứng từ xa nhìn dưới góc của người bàng quan thì giảm sự thâm hụt thương mại với TQ là cần thiết cho nước Mỹ. Số nợ này hiện nay là 1.2 ngàn tỉ đô la dưới dạng trái phiếu mà TQ có thể xử dụng nhiều cách để tạo ảnh hưởng vào nền tài chính Mỹ.
Nhưng giảm thâm hụt thương mại là công việc vô cùng khó khăn, gần như bất khả thi đối với Mỹ. Bởi vì khó mà chuyển nền kinh tế tiêu thụ và dịch vụ Mỹ, vận hành một cách siêu tốc bằng nợ và tín dụng, sang kinh tế sản xuất. Lý do đơn giản chỉ là nhân công Mỹ quá cao, không cạnh tranh được với nhiều nước trên thế giới. Trừ có một lãnh vực là sản xuất võ khí các loại, từ võ khí cá nhân đến các loại võ khi tối tân như hỏa tiễn Tomahawk thời giá 1.5 triệu đô la một cái, và phi cơ F35 tối tân trị giá 90 triệu đô la một cái, hay 800 triệu một giàn hỏa tiễn THAAD 6 đơn vị.
Thị trường vũ khí cá nhân lớn nhất là ngay tại Mỹ. Số người chết năm 2018 vì súng suýt soát 40,000 (so với tổng số quân nhân thiệt mạng trong chiến tranh VN là hơn 58,000; gần 2,000 chết trong chiến tranh Afghanistan, trên 4,000 chết trong chiến tranh Iraq). Nhưng mọi nỗ lực giới hạn súng cá nhân đều vô hiệu, trước sức mạnh vận động chính trị của Hội Súng quốc gia (NRA). Vì thế, không lấy gì làm lạ rằng Mỹ là nước đứng đầu xuất cảng võ khí. Đến đây thì sẽ bật ra câu hỏi rằng nhiều võ khi thế thì tiêu thụ đâu cho xuể? Dĩ nhiên là dùng cho chiến tranh. Chiến tranh nào? Tìm hiểu thì người ta biết rằng Bạch cung chính thức công nhận rằng Mỹ đang tham dự chiến tranh tại 7 nước, trong một bản tường trình mới gửi cho quốc hội để biện minh ngân sách quốc phòng mà hành pháp đề nghị. Ngoài ra thì còn có những hoạt động đặc biệt bởi người nhái và lực lượng đặc biệt hay thủy quân lục chiến, ở nhiều nước khác Phi Châu không nói ra, trừ khi có những thiệt hại bị lộ, như Somalia, Kenya, Tunisia, Niger vân vân. Những hoạt động này được mô tả là cố vấn. huấn luyện và giúp đỡ trong nỗ lực gọi là “chống khủng bố”. Nghe thì biết thế, và không mấy ai đặt ra câu hỏi là những dân Phi châu lạc hậu đa số không biết Mỹ ở đâu trên thế giới làm cách nào để sang Mỹ mà “khủng bố”.
Nhưng quan trọng nhất là võ khí để chia xẻ, viện trợ cho Do Thái ngõ hầu giữ cho nước này một mình bá chủ Trung Đông, đủ sức “tự vệ” chống những bọn Palestine quá khích ở Gaza dai dẳng biểu tình đòi quyền trở về đất của họ đã bị Do Thái chiếm và cũng để bảo vệ những vùng đất vùng Tây ngạn lấn chiếm của Palestine đã và đang biến thành lãnh thổ Do Thái. Ngoài ra thì còn các nước đồng minh Ả Rập sản xuất dầu hỏa như Saudi Arabia, United Arab Emirates vân vân dư tiền mua các máy bay tối tân đắt giá, để các hoàng tử thao dượt và cũng để chống khủng bố ISIS, phó sản của cuộc chiến Iraq với Syria.
Chưa kể đến Iran là nước bị coi là thù địch với Do Thái và Mỹ, từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ vua Shah thân Mỹ và biến nước này thành một nước Cộng hòa Hồi giáo năm 1979. Ai cũng biết hiện nay, bang giao Iran Mỹ đang được truyền thông nhắc nhở nhiều, vì những căng thẳng sinh ra do ông Trump tuyên bố Quân đoàn bảo vệ cách mạng Iran IRGC là khủng bố và Iran trả đũa gọi bộ tư lệnh lực lượng Mỹ US Central Command ở chiến trường Trung đông và vùng Vịnh là khủng bố.
Xin ơn trên phù hộ cho tổng thống Trump bán được nhiều vũ khí hơn nữa để dân ta, cả Mỹ bản xứ lẫn Mỹ giấy, có thêm tiền mua hàng TQ bị tăng giá vì thuế quan mới tăng.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 17 tháng 5/2019