Hôm nay 19 tháng 5, sinh nhật của một nhà thơ kiệt xuất trong văn học VN: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà sinh ngày 19 Tháng Năm, 1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nguyên quán ở làng Lủ tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ông tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Ông còn được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất. Ông cũng được đánh giá là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".
Ông là người nhiều tài nhưng cũng lắm tật. Cho nên người khen ngợi, tôn vinh ông rất nhiều, nhưng chê bai, chỉ trích ông cũng không ít. Rất nhiều giai thoại được kể chung quanh cuộc đời ông.
Năm 1926, lúc 38 tuổi, Tản Đà cho ra đời "An Nam tạp chí" số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Sự ra đời của "An Nam tạp chí", tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết, đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông. Tờ báo sống được 7 năm, đình bản vĩnh viễn năm 1933, sau 3 lần đình bản và tái bản.
Ngày 7 Tháng Sáu, 1939 (tức 20 Tháng Tư năm Kỷ Mão), ông mất (50 tuổi) sau một thời gian chống chọi với bệnh gan, tại nhà riêng số 71 Ngã tư Sở, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay là quận Đống Đa, Hà Nội, để lại vợ và bảy đứa con. Di thể của ông được an táng tại nghĩa trang Quảng Thiện, Hà Nội.
Tống Biệt là bài Từ nổi tiếng của Tản Đà, trích trong vở chèo Thiên Thai được ông sáng tác vào năm 1922. Nhạc sĩ Võ Đức Thu đã phổ nhạc bài thơ này với tiếng hát Thái Thanh.
Ng.
Tống Biệt
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt.
Nước chảy, hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…
..............................................................................................................................
19/5: Sinh Nhật Một Thi Hào
(Bài viết này được tác giả Trần Khải tổng lược từ Wikipedia)
Ngày 19 tháng 5 là sinh nhật một thi hào? Đúng vậy. Không chỉ làm thơ siêu xuất, ông cũng là người ấn hành tạp chí văn học đầu tiên tại Việt Nam. Đó là Tản Đà.
Nhà thơ Tản Đà sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 - mất ngày 7 tháng 6 năm 1939, tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.
Tự điển Wikipedia kể: Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".
Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.
Ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông xưa kia có nhiều đời làm quan dưới triều Lê. Sau Gia Long lên ngôi, dòng họ này thề sẽ không đi thi, không làm quan với tân triều. Đến thời cha ông là Nguyễn Danh Kế, do hoàn cảnh gia đình cực khổ, lại phải nuôi mẹ già, đành lỗi ước với tổ tiên. Nguyễn Danh Kế thi đỗ cử nhân, làm quan cho triều Nguyễn đến chức Ngự sử trong Kinh, giữ việc án lý, nổi tiếng là người có tài văn án trong triều. Ông Kế vốn là người phong lưu tài tử, thường lui tới chốn bình khang và quen với bà Lưu Thị Hiền ở phố.
Bà Lưu Thị Hiền có nghệ danh Nhữ Thị Nhiêm, là một đào hát tài sắc ở Hàng Thao - Nam Định, bà lấy lẽ ông Nguyễn Danh Kế khi ông làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Bà là người hát hay, có tài làm thơ chữ Nôm. Tản Đà là con trai út của cuộc lương duyên giữa tài tử và giai nhân này.
Trong những người anh em còn lại, có người anh ruột (cùng cha khác mẹ) với Tản Đà là Nguyễn Tái Tích, là người có nhiều những ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời sau này của Tản Đà. Ông Tích sinh năm 1864, nối nghiệp cha đi thi đỗ Phó bảng và ra làm quan. Ông là người thanh liêm chính trực, nên đường hoạn lộ cũng không yên ổn, sau làm ở cục Tu thư, rồi Hiệu trưởng trường Tân Quy, Đốc học Vĩnh Yên. Tản Đà từ nhỏ sống với ông, phải nhiều lần di chuyển tới những nơi ông Tích được bổ nhiệm: Yên Mô - Ninh Bình, Vụ Bản - Nam Định, Quảng Oai - Sơn Tây, Vĩnh Tường - Vĩnh Yên.
Thời niên thiếu của Tản Đà trải nhiều giai đoạn khóc cười. Năm lên 3 tuổi, bố mất, cuộc sống gia đình trở nên cùng túng. Năm sau, vì bất hoà với nhà chồng, bà Nghiêm bỏ đi, trở lại nghề ca xướng. 8 năm sau, xảy ra chuyện chị ruột ông cũng theo mẹ làm nghề đó (năm Tản Đà 13 tuổi). Những sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong tâm hồn.
Giai đoạn niên thiếu của Tản Đà phần lớn dành cho chuyện thi cử, đến năm 19 tuổi, ông mới có những rung cảm tình ái đầu đời. Đó là mối tình với con gái nhà tư sản Đỗ Thận. Năm sau ông lại yêu con gái ông tri huyện phủ Vĩnh Tường. Nhưng 2 mối tình này đều không được trả lời...
Từ 1915 đến 1926 là những năm tháng đắc ý nhất của Tản Đà. Năm 1915, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ "Khối tình con I".
Sau thành công đó, ông viết liền cuốn "Giấc mộng con" (cho in năm 1917) và một số vở tuồng: "Người cá", "Tây Thi", "Dương Quý Phi", "Thiên Thai" (diễn lần đầu năm 1916 tại Hải Phòng).
Năm 1917, Phạm Quỳnh sáng lập ra "Nam Phong tạp chí", và bài của Tản Đà có trên tạp chí này từ số đầu tiên. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn "Khối tình con I" và phê phán cuốn "Giấc mộng con I", cả khen lẫn chê đều dùng những lời lẽ sâu cay, biến Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Sau bài phê phán tư tưởng của "Giấc mộng con", Tản Đà thôi cộng tác với Nam Phong tạp chí và mở một số cuộc hội đàm để chống lại những lời phê phán đó, sự kiện này cũng được nhiều giới quan tâm.
Từ 1919 tới 1921, Tản Đà viết một loạt sách; truyện thì có "Thần tiền", "Đàn bà Tàu" (1919); sách giáo khoa, luân lý thì có "Đài gương", "Lên sáu" (1919), "Lên tám" (1920), thơ thì có tập "Còn chơi" (1921). Thời kỳ này ông quen với một nhà tư sản nữa là ông Bùi Huy Tín, cùng nhau du lịch khắp Bắc, Trung kỳ và làm chủ bút "Hữu thanh tạp chí" một thời gian.
Năm 1922, Tản Đà thành lập "Tản Đà thư điếm" (sau đổi thành "Tản Đà thư cục"), đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông. Tại đây đã xuất và tái bản hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của Tản Đà; "Tản Đà tùng văn" (tuyển cả thơ và văn xuôi, trong đó có truyện "Thề Non Nước", 1922); "Truyện thế gian" tập I và II (1922), "Trần ai tri kỷ" (1924), "Quốc sử huấn nông (1924), và tập "Thơ Tản Đà" (1925). Ngoài ra thư cục này còn cho xuất bản sách của Ngô Tất Tố, Đoàn Tư Thuật.
Năm 38 tuổi (1926), Hữu Thanh tạp chí đình bản, Tản Đà cho ra đời "An Nam tạp chí" số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Sự ra đời của "An Nam tạp chí", tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết, đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông...
Năm 1931-1932, Tản Đà có cuộc bút chiến nổi tiếng với Phan Khôi về luân lý và Tống Nho. Ông có câu nói đi vào lịch sử khi kết án Phan Khôi: "vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong quá" và đòi đem Phan Khôi ra Văn Miếu quất roi vào đít. Thời gian này, ông có vào Sài Gòn ít lâu và đảm nhận phụ trương văn chương cho tờ báo của ông Diệp Văn Kỳ, và cư ngụ tại Xóm Gà.[2]....
Tự điển Wikpedia cũng ghi nhận: Tản Đà người sáng lập ra tờ báo chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam: tờ "An Nam tạp chí". Số đầu tiên ra ngày 1 tháng 7 năm 1926, Tản Đà làm chủ báo, thư ký tòa soạn là Ngô Tất Tố. Tờ báo xem như gắn liền với sự nghiệp làm báo của Tản Đà, song nó không hoạt động yên ổn như ý, cho đến ngày chính thức "chết", tờ báo đã trải qua ba lần đình bản.
"An Nam tạp chí" đình bản lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1927, sau khi ra được 10 số. Sau đó, đến năm 1929, Tản Đà hợp tác với một người ở Hàng Gai, cho tái bản tạp chí. Theo ông Lâm Tuyền Khách, sự tái bản này là ý của người kia, ra tạp chí để có dịp thu nợ vì Tản Đà nợ ông một món không dễ trả. Trên bìa "An Nam tạp chí" lúc ấy ghi Tản Đà là "chủ sự", còn ông nọ là "chủ nhân". Cũng theo ông Lâm Tuyền Khách, còn một lý do nữa là nếu ngày ấy An Nam tạp chí không tái bản thì sẽ bị thu giấy phép.
Lần tái bản này chỉ ra được vài số rồi lại đình bản. Đến tháng 4 năm 1931, "An Nam tạp chí" lại tái bản, lần này hoạt động đến ngày 1 tháng 3 năm 1933 thì đình bản vĩnh viễn vì lý do tài chính.
Tản Đà là cây bút chủ lực của "An Nam tạp chí", cách làm báo của ông có thể coi là khá đặc biệt. Theo Lâm Tuyền Khách, ban ngày ông không làm việc, chỉ uống rượu, nói chuyện hay đọc sách, đến hai - ba giờ đêm ông mới trở dậy thắp đèn viết cho đến sáng. Trong tờ báo nhiều khi độc giả thấy những bài viết đang liền mạch, tự nhiên bị bỏ dở trong một thời gian dài mới thấy Tản Đà xuất hiện viết tiếp..
Tờ "An Nam tạp chí" tuy tổng cộng chỉ có 48 số, lại hoạt động thất thường, thiếu chuyên nghiệp nhưng được coi là một trong những tờ đầu tiên có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học Việt Nam thời cận đại theo khuynh hướng hiện thực. Bên cạnh đó nó thể hiện một cách kín đáo lòng yêu nước của Tản Đà, qua những bài tiểu luận, bài thơ đăng rải rác...
Có nhiều lời nhận xét đáng chú ý về thi sĩ Tản Đà.
Nguyễn Tuân viết: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”
Bùi Giáng viết: “…bản dịch "Trường hận ca" của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu.”
Xuân Diệu viết: “Chính cái sầu trong thơ Tản Đà là đầu mối quỷ thuật chính yếu để dụ người ta.”
Ngô Tất Tố viết: “Trong cái trang thi sĩ của cuốn Việt Nam văn học sử sau này, dầu sao mặc lòng, ông Tản Đà là một người đứng đầu của thời đại này.”
Lưu Trọng Lư viết: “...trước chúng tôi, không kèn không trống, lặng lặng im im, Tiên sinh cũng đã làm ra "thơ mới" đó thôi!”
Khái Hưng viết: “Nhưng trong làng văn nước ta, được nhiều người yêu mến thời còn sống, dễ mới có Tản Đà.”
Hai nhà bình luận Hoài Thanh, Hoài Chân viết trong bộ “Thi nhân Việt Nam” về Tản Đà: “Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ hai mươi. Trên hội Tao đàn, chỉ tên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn có ai xứng đáng hơn tiên sinh…”
Xin đồng bào nhớ nhé: ngày 19 tháng 5 là sinh nhật của một nhà thơ vĩ đại nơi núi Tản sông Đà…
__._,_.___
Xin giới thiệu bạn ta thêm một bài viết về Tản Đà của một người bạn.
Sinh Nhật nhà văn Tản Đà: Nghĩ Gì?
Tản Đà không chỉ là một nhà thơ lớn, ông còn là một chí sĩ, và văn học sử của Việt Nam có vẻ ít nhấn mạnh đến khía cạnh này.
Có theo suốt văn chương của ông, chúng ta thấy nhà văn Tản Đà luôn luôn ôm ấp chuyện đất nước, và kín đáo nhắc nhở người Việt:
Những ai góc bể chân trời
Nghe mưa ai có nhớ lời nước non…
Bài thơ “Thề Non Nước” của ông cũng lại là một nhắc nhở kín đáo khác về tình yêu nước:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời hẹn nước thề non
…
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi (…)
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
Trong bài “Hầu Trời”, Tản Đà có nói rõ việc ông canh cánh là “cái Thiên Lương của nhân loại”. Bởi vì nhìn ra xã hội Việt Nam lúc đó thật quả là đáng lo:
Dân hai mươi triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.
Thời đại mà nhà văn Tản Đà sinh sống là một thời đại hào hùng nhưng buồn thảm. Năm Tản Đà lên 12 tuổi (1901) thì tất cả phong trào kháng Pháp của Cần Vương và Văn Thân đã bị dẹp xong, toàn quyền Pháp Paul Doumer tuyên bố từ đó về sau là giai đoạn để khai thác (Mise en Valeur). Những người yêu nước bắt đầu nhận ra sự chênh lệch về sức mạnh vũ khí nên dặn nhau rằng thôi thì ráng sống còn và biết giữ khí tiết của mình:
Khẳng khái Cần Vương dị
Thung dung tựu nghĩa nan.
Năm Tản Đà sắp bước vào tuổi hai mươi (1904), cụ Phan Bội Châu lập “Duy Tân Hội” rồi qua Nhật, nhưng rồi cũng lận đận không được như ý muốn. Cụ Phan Chu Trinh đưa ra chủ trương bất bạo động, tạm thời hòa hoãn để có thì giờ mà lo “Chấn Dân Khí, Khai Dân Trí, Hậu Dân Sinh”… Phải chăng có thể hiểu được nhà văn Tản Đà đã chọn lựa “thung dung tựu nghĩa” để “khai dân trí, chấn dân khí” làm mục tiêu sống của mình?
Chúng ta cần tìm tòi thêm nhiều hơn để hiểu cho hết được tâm tư của nhà văn Tản Đà. Đây là một người sống thanh bạch, lương thiện với một ít vốn liếng văn chương không đủ cho mình vùng vẫy:
Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang
Phá ngang sự nghiệp kiếm ăn quàng
Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy
Một kiếp tơ tằm mấy đoạn vương …
Tản Đà không nói nhiều về chủ trương của mình, nhưng suốt trong chiều dài văn chương của ông, chúng ta vẫn thấy được phảng phất một cách sống thanh cao, đáng quý:
Cương thường bởi biết nên mang nặng
Hễ đứng làm trai, trả nợ đời.
[Nguyễn Hữu Huân]
Hôm nay, nhân sinh nhật của nhà văn, xin ghi lại đôi giòng cảm khái.
(2019-05-19 )