Chết trên xứ người
Huy Nguyễn
Như vậy là em đã được gặp mặt đồng hương, những Ky tô hữu cùng xứ và quan trọng là một thánh lễ Chủ Nhật cuối cùng trên đất Nhật.
Tôi tới nhà tang lễ hơi sớm so với giờ qui định, thêm một số bạn em đến từ Kyoto, sau đó là hai chị của cộng đoàn Osaka. Mọi người dâng lời kinh phó thác em trong tay Mẹ trong khi chờ Cha đến.
Những ngày qua, thao thức duy nhất của tôi là làm sao em được một thánh lễ để an ủi những tháng ngày phải đi công trường không đến được nhà thờ. Các Cha rất nhiệt tình khi tôi liên lạc, ban đầu là cha Thuần; sau đó, từ những tin tức ban đầu của anh Tâm (cựu phó đại diện CĐ Osaka trước đây) đã đi thông dịch giúp cho cô em gái của em, cha Emmanuel Binh cố gắng thu xếp thì giờ để tới nói chuyện với cảnh sát, công ty, nghiệp đoàn, đồng thời làm phép xác và mong muốn họ sắp đặt địa điểm thời gian để có một thánh lễ trước khi đưa em về VN. Và hôm nay, cha Sắc đã dâng thánh lễ CN tiễn biệt với sự hiện diện của rất nhiều người.
Tôi không nén được sự xúc động tột cùng khi nghe tiếng em gái của em kể lể cạnh áo quan. Gia đình có hai anh em, đến Nhật chỉ mới năm, bảy tháng… cuộc sống chưa rành, tiếng Nhật chưa thông, vậy mà em ra đi một cách đột ngột và đau đớn. Thánh lễ xong, cô em không muốn để anh ở lại một mình, vật vã trong căn phòng lạnh lẽo, trống vắng. Tôi phải hết lời khuyên nhủ: - Để anh thanh thản đi đi con, cha mẹ con chỉ còn mình con, anh con không muốn như vậy đâu, giữ gìn sức khỏe đưa anh về gặp gia đình nhé…
Biết là chỉ nói để an ủi chứ làm sao xoa dịu được nỗi đau mà chỉ người cùng máu mủ mới thấu hiểu.
Thời gian qua, nhiều cái chết đến với các em VN trên xứ Nhật một cách dễ dàng quá. Nói không ngoa, hình như mình đang chết thay cho người bản xứ, nhất là ở cái ngành nghề xây dựng nguy hiểm. Mà để tìm đồng tiền, nhiều khi mình cũng không có sự lựa chọn nào khác. Cũng không thể nào kêu gọi chính phủ Nhật hay VN, không đưa các ngành nguy hiểm vào diện TTS hay lao động kỹ năng đặc thù, vì đó là chính sách kinh tế, lao động của họ; mình không đi cũng không ai bắt ép. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về ngôn ngữ và kỹ năng chúng ta sẽ tránh được ít nhiều rủi ro; điều này cần thêm sự quan tâm của nơi phải cử, của công ty quản lý, tiếp nhận.
Về đi em, Nguyễn công Nguyên… Ba mạ đang chờ. Mong là những người ở lại còn một chút bình an từ những lời cầu nguyện của chúng ta.
Huy Nguyễn
(05/19/2019)
------------------
Đọc lời chia xẻ của anh Huy mà thấy lòng buồn man mác. Xót thương cho em Nguyễn Công Nguyên đã ra đi vĩnh viễn trong lúc tuổi đời còn trẻ và tương lai còn dài. Em nằm xuống là em đã chấm dứt được những lo âu và nỗi buồn phiền của cuộc đời phức tạp, chỉ còn những người ở lại là đau đớn trong nỗi yêu nhớ và gánh nặng phải trả món nợ mà đã mượn để để đưa em đi sang Nhật Bản. Bốn mươi năm trước đã có những đoàn người Việt Nam liều thân vượt biển đi tìm Tự Do, và có những người đã vùi thây trong sóng biển đại dương. Hai mươi năm sau đó và cho tới nay hàng năm lại có những đoàn người trẻ qua con đường xuất khẩu lao động rời đất nước Việt Nam đi tìm tương lai. Đã có những em tìm thấy được tương lai mong đợi, và đã có những em nằm xuống trong tương lai xa vời đó. Thương vô cùng cho tất cả chúng ta, những con người đi tìm tương lai. Biết bao giờ thì tương lai mà tất cả chúng ta vẫn đi tìm từ sau năm 1975 mới có trên đất nước Việt Nam, để cho mọi người dân có được sự tự hào về đất nước, về sự đoàn tụ gia đình và có được tình yêu thương trọn vẹn trên quê hương nhà? Xin thắp một nén hương lòng cùng chia xẻ nỗi đau của gia đình em. Thương em thật chân thành như thương một người thân. Xin cầu chúc cho linh hồn em Nguyên được thảnh thơi nơi cõi vĩnh hằng.
Tuệ Vân
(05/19/2019)