Cái gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ Trung quốc kéo dài 10 tháng đã không đi đến một thỏa hiệp nào sau hai lần ông Trump gia hạn điều đình. Cho nên ngày 5 tháng 5/2019 ông Trump đã tuyên bố rằng nếu không xong thì thứ sáu 10 tháng 5, Mỹ sẽ tăng thuế quan từ 10% như hiện nay lên 25% trên tổng số 200 tỉ đô la hàng nhập cảng từ TC. Bộ thương mại Tầu trả lời rằng Tầu sẽ không điều đình trong tình trạng có khẩu súng dí vào đầu. Tuy vậy, đại diện thương mại hai bên vẫn tiếp tục gặp nhau. Người ta còn nhớ rằng vấn đề tăng thuế vào các hàng hóa nhập cảng và điều đình lại các hiệp ước thương mại với các quốc gia Bắc Mỹ cũng như Âu châu, ông Trump đã làm từ khi nhận chức, và nói là dễ thắng, nhưng kết quả thì không rõ ràng. Cái rõ ràng là một số thành phần dân Mỹ đã phải chịu thiệt thòi – thí dụ như các nông gia ở các tiểu bang vùng Trung Tây – khiến ông Trump đã phải ra những biện pháp trợ cấp bù trừ để xoa dịu. Ngoài ra thì còn các công ty liên hệ với kỹ nghệ xe hơi ở Indiana, Texas, Tennessee, Kentucky và Alabama.
Ông Trump khi áp đặt thuế quan lên các hàng nhập cảng đã viết trên tweet rằng thuế quan đem lại tiền nhanh chóng và dễ dàng, dễ làm, hơn mọi thỏa thuận dù là thuận lợi, qua điều đình theo quy ước bình thường. Thường dân thì hiểu đơn giản rằng chắc chắn là thuế quan đem tiền vào ngân khố nhà nước, nghĩa là ông Trump có tiền chi tiêu theo ý. Nhưng hệ quả kinh tế và thương mại thì phức tạp vì có những ảnh hưởng khác nhau lên dân Mỹ, nước Mỹ ở những lãnh vực khác nhau, trước mắt và lâu dài, mà ngay cả các kinh tế gia cũng khó tiên đoán chính xác. Những hệ quả này trước tiên là tạo áp lực lên các thượng nghị sĩ vì họ là những người phải bảo vệ cho các cử tri cũng như các thế lực quyền lợi ủng hộ cho họ thắng cử. Vì thế, những dân cử này là những người đầu tiên lên tiếng đối với những quyết định kinh tế và thương mại của ông Trump, mà họ thường không được biết trước.
Quyết định tặng thuế quan 25% lên 200 tỉ đô la hàng nhập cảng Trung quốc của ông Trump là một ngạc nhiên đối với các thượng nghị sĩ. Bởi vì trước đó một tuần, một nhóm thượng nghị sĩ đến Bạch cung thảo luận mà không được biết tí gì. Cũng là ngạc nhiên đối với giới truyền thông vì đại diện thương mại của Hoa kỳ ông Lighthizer trong cuộc thảo luận với Tầu đã luôn luôn cho biết mọi sự tiến triển tốt đẹp. Khi tối hậu thư tăng thuế quan của ông Trump đưa ra, lời giải thích đơn giản ngắn gọn chỉ là vì Trung quốc đã hồi lại những cam kết đã nhận. Người ngoài nghe thì biết vậy và không ai rõ thực hư ra sao. Có người đã cho rằng tăng thuế quan chỉ là một mánh để tạo áp lực cho Tầu nhượng bộ trong cuộc đàm phán đi đến thỏa hiệp thương mại cuối cùng. Mặc dầu vậy, người ta vẫn theo rõi cuộc thảo luận ngày thứ năm 9 tháng 5 giữa phó thủ tướng Tầu Liu He, đại diện thương mại Hoa kỳ Robert Lighthizer và bộ trưởng ngân khố Steven Mnuchin. Đến khuya tin cho biết là hai bên đã không đi đến một thỏa hiệp nào. Sáng sớm thứ sáu, ông Trump xác định cho thi hành tăng thuế quan lên 25%, hiệu lực ngay tức thì. Ngoài ra thì ông còn cho biết rằng đang xem xét đánh thuế số 325 tỉ đô la hàng TQ nhập từ năm ngoái. Tuy nhiên cuộc thảo luận vẫn được tiếp tục. Bộ thương mại Trung quốc tuyên bố rất “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ, và sẽ có biện pháp đối phó nhưng chưa nói rõ ra sao.
Ông Trump đã viết trên tweet sau quyết định tăng thuế quan rằng “Thảo luận tiếp tục một cách tương đắc. Không có gì là vội vã cả. Vì bây giờ TQ đang trả 25% thuế quan cho Mỹ trên 250 tỉ hàng hóa và sản phẩm”. Những người mê ông Trump thì thích lắm và càng mê ông hơn, vì rằng ông Trump dám có chính sách cứng rắn với Trung Cộng để có lợi cho Mỹ, nghĩa là giữ lời hứa tranh cử America first và Make America great again viết tắt bằng 4 chữ trắng MAGA trên mũ đỏ. Trong cơn mê này, không ai làm tính cộng và tính trừ đơn giản để biết rằng thuế đánh lên hàng hóa thì tuy người sản xuất hay/và người bán phải trả, nhưng sẽ tăng giá hàng lên để người mua là kẻ thực sự phải gánh. Nói cho rõ ra thì dân tiêu thụ Mỹ trả tiền thuế. Tức là ông Trump, nhà lãnh tụ MAGA đánh thuế lên dân Mỹ, làm cho hàng nhập cảng đắt lên và làm giảm mua sắm đi.
Quay trở lại lãnh vực chính trị mà nguyên tắc là “nói vậy mà không phải vậy”, chủ trương điều đình lại các hiệp ước thương mại và quyết định tăng thuế quan lên các hàng nhập cảng của Trung quốc hay các nước đồng minh như đã nói trên không đem lại các kết quả rõ ràng, mặc dầu mọi khoe khoang của ông Trump. Vì thế cho nên hiệp ước thương mại mới UMSCA với Mexico và Canada không được hoan nghênh ở thượng viện. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley chủ tịch Ủy ban tài chính thượng viện đã viết trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal rằng UMSCA “sẽ chết” nếu không bỏ thuế quan đánh trên hàng hóa Mexico và Canada. Lý do là khi đánh thuế quan thì hai nước này sẽ trả đũa gây thiệt hại đến cử tri của ông Grassley.
Trong khi ông Trump coi đánh thuế quan là biện pháp dễ dàng để thi hành chính sách kinh tế của ông, thì các thượng nghị sĩ, ngay cả các nghị sĩ Cộng hòa không thấy như thế. Mà lý do thì như trên đã nói, những biện pháp ông Trump đưa ra ở cấp liên bang không có xem xét tới các lợi hại tiểu bang, trừ trường hợp là những thành phần phe phái của ông. Bởi vậy hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey (Pennsylvania) và Rob Portman (Ohio) đang bảo trợ đưa ra hai đề nghị để giới hạn quyền đánh thuế quan của hành pháp lại: Một là muốn đánh thuế quan phải được quốc hội chấp thuận, hai là quốc hội có thể ra quyết nghị dẹp bỏ thuế quan đã đánh.
Tóm tắt thì tại sao ông Trump mở ra cuôc chiến thương mại với TQ và đánh thuế quan lên các hàng nhập cảng của TQ cũng như của các nước đồng minh, đối tác kinh tế của Mỹ? Ngoài lý do trên đã nói là ông Trump muốn có tiền đổ vào ngân khố Mỹ để có thêm tiền tiêu cho chính phủ của ông; còn có lý do nữa là qua những điều đình trả giá, ông Trump có thể nhân tiện tạo áp lực để phát triển hay bành trướng các doanh nghiệp mà gia đình ông sở hữu ở ngoại quốc dưới nhiều dạng khác nhau.
Bởi không mất gì mà chỉ có thể có lợi cho mình nên ông Trump tweet một cách thống khoái và khoe khoang “không có gì vội vã cả” và đã lấy được tiền thuế rồi. Không ai để ý đến cuộc gặp gỡ sẽ xẩy ra giữa Tập Cận Bình và Donald Trump sắp tới dự trù vào cuối tháng 6/2019 nhân dịp hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka. Không ai biết chính xác những gì sẽ được bàn thảo. Nhưng khó thể tưởng tượng là doanh thương của gia đình Donald Trump lại bị vất sang bên. Và người mình vốn có câu rằng “không ai biết là ma ăn cỗ.”
Bác sị Trần Xuân Ninh
(Ngày 14 tháng 5/2019)