Còn 4 ngày nữa là được 44 năm sau ngày 30 tháng 4/1975 lịch sử. Cái ngày mà tuyệt đại đa số dân miền Nam gọi là quốc hận và cán bộ bộ đội miền Bắc gọi là ngày giải phóng miền Nam, tạo ra một hoàn cảnh sống đã làm nẩy ra câu nói để đời là “nếu cái cột đèn đi được thì nó cũng bỏ nước mà đi”. Những người thuộc lứa thiếu niên năm 1975, bắt đầu biết nhìn và học cuộc đời thì nay cũng đã vào tuổi 60 mà nói chung thì Khổng tử cho là đủ trải nghiệm cuộc sống để mà ”trong tình trạng thuận nhĩ” nghĩa là bình tĩnh nhận định, không còn phân biệt chống đối phải trái quyết liệt nữa. Bỏ không xét đến những người không đồng ý với Khổng tử vì chống mọi cái thuộc Tầu, thì đối với rất nhiều người Việt nam khó mà có sự thuận nhĩ suối tai khi bàn về 30 tháng 4. Đến như Võ Văn Kiệt là một tên cán bộ Việt Cộng lãnh đạo hạng gộc ở trong ban gọi là tiếp quản miền Nam năm 1975, đầy kiêu hãnh chiến thắng trong cái huênh hoang Cộng sản tổng nổi dây, cả nước xông tới đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào, nhiều chục năm sau cũng phải nhận với cán bộ tuyên truyền hạng cối Trương Huy San rằng ngày 30 tháng 4 làm cho hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Vui vì thắng trận. Buồn vì thất trận. Nghĩa là một câu “thuận nhĩ”. Cái thuận nhĩ, cái suôi tai này của lời Võ Văn Kiệt không phải vì người nghe ở tuổi 60 mà Khổng Tử nói, hiểu cái huênh hoang quá khứ của Võ Văn Kiệt mà bỏ qua. Mà vì làm cho những người thất trận cho rằng kẻ thắng trận ít ra đã công nhận cái buồn của mình, nghĩa là giảm bớt hào quang chiến thắng, công nhận phần nào sự hiện hữu của mình và mong một đối thoại (như là những tranh chấp tự xưng đại diện cộng đồng của các phe nhóm hải ngoại khác nhau cho thấy).
44 năm qua đã đem lại rất nhiều thay đổi ở Việt Nam và ở những người hải ngoại. Các cán bộ bộ đội đã không còn gầy ốm dép râu nón cối nón tai bèo, đi từng cặp nối đuôi nhau trên đường phố Sàigòn theo thói quen luồn lách trên những đường mòn. Cũng không còn tình trạng bán đờm ho lao đầy vi trùng cho những kẻ muốn trốn nghĩa vụ quân sự, để lấy tiền bồi dưỡng. Bây giờ cán bộ viên chức là béo tốt phương phi bụng to trán hói, với những căn bệnh đế quốc nhà giầu mang tới cài cắm, như cao áp huyết mặt đỏ hồng hào, cao mỡ trong máu gây tai biến các kiểu, đái đường làm nước tiểu kiến bâu quanh. Sài gòn Hà nội và nhiều thành phố đầy rẫy những nhà cao tầng. Đường phố đông đảo các loại xe hơi xe gắn máy đủ kiểu đủ cỡ khác hẳn trước kia đường đất bùn lầy nước đọng và loáng thoáng chỉ có xe cải tiến với xe đạp. Cả nước già trẻ lớn bé sống trong chờ đợi “đi bão”, kể cả con gái hơ hớ phấn khích cởi truồng cầm cờ đỏ sao vàng mừng đá bóng thắng trận, vì đem lại niềm tự hào dân tộc theo như lời tổng bí thư chủ tịch nước NPT khuyến khích. Trước những điều nhìn thấy trước mắt này, những con cháu bác Hồ và đảng đã dầy công dậy dỗ dĩ nhiên không thể không hãnh diện khoe rằng lời Bác hứa hẹn sẽ xây dựng đẩt nước hơn mười lần xưa là quá đúng khi kêu gọi nếu cần thì đốt cháy cả dẫy Trường Sơn để vào Nam cứu nước.
Thế nhưng mà hiện nay từ bắc chí nam vẫn có nhiều người bỏ nước ra đi. Tuy rằng cái câu cột đèn cũng muốn đi không thấy còn nhắc lại bao nhiêu nữa. Những người bỏ nước ra đi này có nhiều quan chức đảng và nhà nước và đại gia hay/ và con cháu. Và cũng có nhiều người hải ngoại trở về, tuy không ở hẳn, nhưng mà là để gọi là hội ngộ, là đi thăm nhiều lần những vùng chùa chiền miếu mạo được sửa sang, xây dựng lên to rộng gấp hơn mười lần xưa. Là thưởng thức những món đặc sản mới chế hóa, như rượu tam sà thất sà, cao hổ cốt, cao ban long, sâm nhung sữa ong chúa, mật gấu, mắt đại bàng, sừng tê giác vân vân để mà sáng mắt, sáng lòng, cứng gân, khỏe thận, bổ âm, trợ dương.
Không có 30 tháng 4 thì không thể có những cơ hội này (làm cho nhiều người vui, trong đó có cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc). Thế thì 30 tháng 4/1975 là ngày gì? Liệu có còn là ngày tạo bất an cho mọi người dù bất cứ ở tuổi nào? Lý do của những người ra đi mới hẳn là không giống lý do ra đi của những người cuống cuống di tản năm 1975 và liều mạng vượt biển băng rừng sau đó. Và có làm cho ai buồn nữa hay không? Có. Buồn cho những người biết nghĩ, khi thấy những người thắng cuộc cũng không rủ nhau nhưng đều từ từ lặng lẽ ra đi. Và thấy những người đang ở lại chỉ là những người đang hưởng nhiều lợi ích một cách không bình thường, hay là yên ổn tồn tại vì chưa tiêu mạng mà có thể so sánh với tình trạng chìm trong xe cộ đông đặc chen chúc ngược suôi nhưng vẫn còn sống để về tới nhà. Sự bất thường này có thể thấy trong hệ thống y nghiệp trong nước, từ việc chạy tiền chữa trị đến nằm nhà thương điều trị và mổ xẻ. Tôi đã thấy những thân nhân ở hải ngoại chạy tiền gửi về cho bố mẹ anh em trong nước để được mổ (vì một bệnh không cần thiết rồi sinh biến chứng và gửi về nhà nằm chờ chết) . Tôi đã có ít nhất là một bệnh nhân của tôi thoát chết vì không chạy đủ tiền mổ tim ở Việt Nam rồi sau khi sang Mỹ trở lại đến khám tôi để được gửi đi xét nghiệm ở chuyên khoa tim tại Mỹ mà thấy rõ là bệnh không có gì để gọi là phải mổ.
Và sáng nay, tôi nhận được email của một người quen gửi xét nghiệm của một thân nhân ở Việt Nam khỏe mạnh nhân khám tổng quát mà bác sĩ căn cứ vào đó để bắt đóng tiền mổ gấp nếu không thì tử vong rất cao. Trong khi xét nghiệm này chẳng có gì để kết luận là cần mổ gấp! Tuy vậy người nhà vẫn nộp đủ mấy trăm triệu để mổ trong vài tiếng đồng hồ, vì không ai mà lại đem sinh mạng mình ra thử thời vận bằng chờ đợi. Người thân nhân ngoài này chỉ còn cách cầu nguyện ơn trên phù hộ.
Nghĩ lại, nếu ngày hôm nay ở tại Việt nam với tất cả những hào nhoáng vĩ đại ai cũng có thể thấy, và những lời tự khen của các lãnh đạo rằng uy thế nước ta là chưa từng cao như hiện nay, giáo dục nước ta là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới, tôi cũng vẫn quyết định ra đi. Để sống cuộc đời như đã sống, có thể làm được những điều mình thấy là nên làm và đáng làm. Chứ không cần gì khác hơn.
Tôi đã từ lâu không có nhận định cảm tính về 30 tháng 4 nữa. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu 30 tháng 4 không xẩy ra thì tốt hơn, nhưng đã xẩy ra rồi thì là ngày cho người nào muốn chọn lựa thì chọn lựa cuộc sống hợp với mình. Nhưng mà cứ nhìn vào những hiện tượng xã hội diễn ra dài dài tại VN hiện tại, và những sự ra đi dài dài nối tiếp tới nay của mọi tầng lớp từ lãnh đạo tới thứ dân, thì VN rõ ràng không còn là miền đất với những con người có chung một chia xẻ là vun bồi quá khứ đáng hãnh diện tự hào, xây dựng cải thiện một xã hội còn nhiều thiếu sót, nhưng có điều kiện để hoàn chỉnh, và phát huy những yếu tính dân tộc đã bị thui chột hủy hoại từ hơn nửa thế kỷ nay bởi những con người không óc không tim của đảng VC và Hồ chí Minh biến thái bởi chủ nghĩa tư sản mại bản thế kỷ 21.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 26 tháng 4/2019)