Khi Tôn Đức Thắng mất, lúc đó tôi còn đang là sinh viên năm thứ II Nga văn của Đại Học Tổng Hợp (Văn Khoa cũ), tôi nhận được tin với một câu nói bất ngờ :
- Ê cô nhỏ, biết gì chưa? Bác Tôn bị «đứt thắng» rồi đó!.
Lúc đó, đám sinh viên trong Nam đã cười lăn lộn nhưng vẫn không quên quan sát khuôn mặt cay cú của tụi cán bộ ngoài Bắc đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Tưởng đã vậy, ai ngờ bạn tôi lại bồi thêm vài cú “Bác Tôn bị 'đứt thắng' thì không biết chủ tịch nước sẽ về tay ai” Vừa nói hắn vừa bước lên bảng với viên phấn, quay mặt xuống dãy bàn ghế ra điệu bộ như thày giáo giảng bài:
- Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có 6 bộ:
Chủ tịch nước: Tôn Thất Đức
Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục: Tôn Thất Học
Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng: Tôn Thất Bại
Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao: Tôn Thất Hứa
Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế: Tôn Thất Thoát
Bộ Trưởng Bộ Lao Động: Tôn Thất Nghiệp
Và hắn viết một tràng lên bảng, đám sinh viên ngồi dưới cười phá lên không cần che dấu, ngay cả nhóm miền Bắc cũng có vài đứa khúc khích - có vài lão tập kết thì làm bộ bước ra khỏi lớp như không nghe thấy, hôm đó tụi tôi được môt màn chửi việt cộng bằng thích.
------------
Bạn tôi, người bạn lúc nào cũng có những lời mỉa mai, châm biếm chế độ độc đáo, nhiều khi kín đáo và nhiều khi công khai, những lúc lãnh nhu yếu phẩm hắn thường rỉ tai tôi, nói là rỉ tai chỉ là điêu bộ chứ hắn cố tình để mọi người nghe thấy :
- Ê nhỏ, biết tại sao trường mình có cái mùi mất vệ sinh vậy không?
- Từ hồi nhà nước bán cho sinh viên 1 người 1 cây kem đánh răng nó sinh ra vậy đó.
Và còn rất nhiều, từ chuyện bên Nga, bên Tàu cho tới chuyện Cuba, những chuyện chửi chế độ Công sản cười ra nước mắt, nhất là vào giờ chính trị, thầy giáo trên giảng bài, hắn cứ dưới này «phụ để Việt ngữ», đôi lúc tôi phải tìm cách đuổi khéo hắn đi ra chỗ khác vì sợ lão thầy chính trị để ý thì phiền.
Bạn tôi, người bạn rất tài hoa và thông minh. Vừa đi học vừa than thở, bị văn phòng khoa gọi lên gọi xuống vậy mà luôn luôn đứng đầu lớp, chỉ có cái tội hay xiên xỏ chế độ mà bị ở lại. Số là hắn bị rớt về môn chính trị vì đã “dám'' đặt câu hỏi ngay trong bài thi.
“Trong các bài giảng, giáo sư chỉ nói đến tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế không một nước xã hội chủ nghĩa nào, kể cả Liên sô có một đời sống sung sướng (mà giáo sư gọi là sự sa đọa) của các nước Tư Bản. «Sa đọa» là gì? nó đâu có nghĩa là cơm đủ ăn, áo đủ mặc, có quyền ăn nói, và thở không khí Tự do bình thường như cái “sa đọa”của đế quốc đâu?”
Kết qủa hắn rớt nắm đó. Với hệ thống giáo dục của việt cộng, rớt (nhất là môn chính trị) là coi như ra khỏi trường không có màn ở lại. Thành phần “được ở lại” (sẽ cắt nghĩa chữ được sau) phải là thành phần con cái cán bộ cao cấp, dân tập kết hoặc bộ đội giải ngũ. Còn sinh viên miền Nam thì a lê hấp dù có giấy chứng nhận bệnh không đến thi được hay với bất cứ lý do nào cũng bị mời ra khỏi trường. Đó là lý do tại sao tụi tôi gọi là được chứ không phải bị ở lại như học sinh thường nói.
Hắn “được” ở lại vì giáo sư tiếc tài học của hắn. Ông Khoa Trưởng phải vận động, hắn mới không bị out. Nhưng hắn vẫn chối ngầm, hễ có cơ hội là hắn lại phát ngôn «bừa bãi»
Thầy biết vậy nhưng vẫn im, dầu sao các gíao sư dù ở miền Bắc vào vẫn có lương tâm hơn là đảng viên chính gốc. Có lần tôi bị la vì ngồi trong lớp nói chuyện với hắn, nhưng giáo sư chỉ la tôi khi không có hắn ở đó mà thôi.
-Vị nó học giỏi, đầu óc nó như cái máy tính điện tử, cỡ em có lái máy bay theo nó cũng không kịp đâu. Nó nói chuyện thì nói chuyện đó nhưng em xem thử coi có ai qua mặt nổi nó chưa. Đừng có dại mà nói chuyện với hắn. Lỗ là lỗ mình thôi.
Tôi biết hắn từ năm thứ II, hắn học trên tôi 1 năm nhưng vì “được ở lại” nên tụt xuống bằng tôi.
Ngày đầu tiên chuyển lớp tôi đã chú ý đến hắn, cái áo kaki vàng và cái quần jean màu đã bạc phếch, mái tóc hơi dài phủ xuống gáy và khuôn mặt trắng xanh xao. Nhìn hắn, người ta nghĩ ngay đến những người nghệ sĩ, lè phè với ngón tay thon dài. Hắn ngồi đó kế bên tôi với gương mặt thật thanh tú, sách vở nằm im trong cặp và mắt cứ nhìn đâu đâu lên trần nhà, nhẽ ra tôi sẽ không có dịp nói chuyện với hắn nếu không có cơn mưa hôm đó.
Cơn mưa tháng 7 ở Việt Nam dai dẳng giữ chân tôi ở lại trường. Đang vào mùa nghỉ hè nhưng tôi đến thư viện đọc sách và gặp hắn. Hắn ngồi ngay trước hành lang lớp học, mắt nhìn ra sân trường ngợp đầy hoa phượng, mỉm cười chào tôi.
Tôi hỏi :
- Anh tên gì vậy?
- B. H. Vị.
- Tên gì kỳ cục quá vậy, nghe như là “xôi vị”
Hắn cười:
- Có ý nghĩa lắm chứ, cô thích đọc Chinh Phụ Ngâm không?
- Thích, nhưng Chinh Phụ Ngâm với tên anh Vị thì có liên quan gì đâu?
- Sao lại không?
hắn vênh mặt lên một cách rất dễ thương:
- để rồi tôi đọc cho cô nghe nhé.
Vừa nói hắn vừa hắng giọng :
- Thét cầu sông Vị, ào ào gió Thu. Đó, tên tôi là vậy đó, tôi có người em gái tên Thủy – B. H. Thủy bây giờ đang ở Tây Đức, ông già đặt cho tôi với nó tên Vị Thủy là lấy tích trong Chinh Phụ Ngâm đó chứ.
- À ra vậy, thảo nào anh mới có cái tên kỳ cục.
Tôi cười cười trả lời hắn và hỏi chuyện lung tung, qủa tôi đoán không lầm, hắn có cái nghệ sĩ tính trong người biểu hiện qua lối nói chuyện. Đụng một tí là lôi thơ văn ra, lối nói chuyện rất lạ lùng, như người không phải sống trong thế giới này, thế giới của ngôi trường Đại Học nhỏ mọn, tị hiềm từ ký gạo một, thế giới của các ông giáo sư Đảng viên đầy mình, của ông thầy Bình lam lũ với đồng lương chết đói. Hắn như thuộc một thế hệ khác, thế hệ sinh viên văn khoa trước 75, mơ mộng, mang nhiều hoài bão và bất cần đời. Mãi sau tôi mới biết hắn đã tốt nghiệp cử nhân văn khoa trước năm 75, “bây giờ muốn học lại xem thử trường lớp của việt cộng nó như thế nào'` (lời hắn).
Tụi tôi thân nhau ngay, Vị hay vào văn phòng Khoa có để cái dương cầm và đàn cho tôi nghe những khúc nhạc thật tuyệt vời qua bàn tay của hắn.
- Tôi chơi đàn mới đây, sau khi học tiếng Nga nữa nè.
Hắn lại có tài vẽ, vẽ truyền thần, vẽ hí họa.....đủ kiểu. Ngày sinh nhật Lênin, cô Vân văn phòng khoa ngoại văn năn nỉ hắn vẽ dùm hình Lênin và Các Mác nhưng hắn nhất định từ chối
- Tay tôi đâu phải dùng để vẽ trùm cộng sản.
Hắn lại còn làm thơ, ngồi trong lớp vào những ngày nóng gắt, cái lớp học nhỏ bé tưởng muốn như vỡ tung vì sức nóng, hắn ngoáy vài chữ tặng tôi để làm mát lòng cô nhỏ giữa trưa nóng bức.
Nhỏ, cô sinh viên văn khoa
Hồn tơ lụa mượt mà
Ta thấy đời bỗng đẹp
Mỗi lần em đi qua
Không phải chỉ có thơ học trò như vậy, hắn còn tặng tôi cả 1 tập thơ quay ronéo cẩn thận.
- Tôi phải mất gần 2 năm mới xong nó đó, cô nhỏ biết không, sau này hễ mà có ra được nước ngoài nhớ mang nó đi theo dùm tôi. Tôi phải bán một mớ đồ trong nhà để lấy tiền in nó đó, chỉ tặng bạn bè chứ không bán....
Hắn cười và tâm sự với tôi như vậy. Rất tiếc là tôi đã không mang được tập thơ qua bên này vì quá vội lúc chuẩn bị lên đường. Người bạn lớn tuổi của tôi vẫn sống bất cần, vẫn “phát ngôn bửa bãi" ngay cả với giáo sư người Nga. Có lần trong giờ oral, hắn đã đứng dậy hỏi cô giáo người Nga bằng một thứ tiếng Nga đúng giọng, đúng văn phạm, không ai chỉnh được một câu nào.
- Không hiểu nước Nga tân tiến thế nào mà cứ thấy người Nga ra Tạ Thu Thâu mua đồ tư bản. Có người không có tiền mà còn cố đổi cái áo chemise vải Nga lấy cái hộp đồi mồi nhưng bị từ chối. Cô giáo nghĩ gì về những hiện tượng này?
Cô giáo trẻ người Nga đứng im không trả lời được, bắt hắn ngồi xuống và tiếp tục giảng bài.
Sau giờ học, lớp tôi bị giữ lại và lão thầy chính trị được mời đến giảng “So sánh nền kinh tế của Tự Bản với nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa''.
--------------
Trước ngày tôi đi, hôm cuối cùng tôi đã bỏ ra nửa buổi sáng để chơi bóng bàn với hắn, xong chúng tôi ngồi nói chuyện bâng quơ, tuyệt nhiên không đá động đến việc chia tay. Hắn đùa đùa:
- Cô qua đó nhớ mở lớp dạy tiếng Nga cho người bản xứ nhé.
- Ừ em sẽ dạy cho họ A, B, C xong đợi anh VỊ qua dạy tiếp.
- Coi chừng đừng có quên tiếng Việt thì bị đòn đó.
- Làm sao quên được, nhưng chắc không gặp anh VỊ thường em sẽ bị “mòn mồm” không nói
giỡn được.
4 năm qua, chúng tôi bặt tin nhau, tôi cũng chẳng hiểu vì sao tôi không viết cho hắn được một lá thư và cũng không nhận được một lá thư nào của hắn. Lâu lâu nhận được thư bạn bè ở trường cũ có nói vài dòng về hắn Anh Vị đã đi đâu mấy năm nay rồi, bây giờ nhóm bạn cũ đều tốt nghiệp, không biết hắn ra sao?
Nhưng không chỉ có vậy mà tôi viết bài này. Ngày hôm qua, tình cờ coi được bộ phim Bước Chân Đông Tiến, trong ngày lễ chấm dứt giai đoạn Đông Tiến, tôi thấy hắn đứng thật hùng dũng trong hàng quân Kháng Chiến. Tôi thật bàng hoàng, vặn video đi tới đi lui để xem rõ mặt. Tôi không lầm, bạn tôi, người bạn nghệ sĩ, thông minh và bạo mồm bạo miệng đang đứng xếp hàng uy nghiêm dưới quốc kỳ Việt Nam cùng với các Kháng chiến quân khác. Tôi không lầm, chắc chắn là hắn đó, hai tay chắp sau lưng trong bộ quân phục đen với khăn rằn quấn cổ. Vậy là hắn đã tìm được con đường đi thực sự - tôi không biết bạn tôi đã gia nhập Mặt Trận lúc nào nhưng tôi biết chắc chắn là bạn tôi đang có mặt trong đoàn quân Kháng Chiến.
------
4 năm rồi, chắc hắn đã thay đổi nhiều và vẫn còn đang bận rộn với đại cuộc giải phóng đất nước. Tôi viết vài lời về hắn, người bạn mà tôi hết lòng kính mến mà giờ đây đang củng với mọi người làm nhiệm vụ của một người trai nước Việt. Tôi không biết phải viết gì thêm, chỉ biết rằng trong chiến khu nếu hắn có đọc được những giòng chữ này hãy nhớ đến người bạn nhỏ bé ngày xưa - đang hết lòng cầu nguyện cho hắn cũng như cho tất cả những người đang chiến đấu cho tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.
Đời sống ở trong khu chắc rất đỗi nhọc nhằn, nhưng tôi mong hắn vẫn hoài hoài là hắn, tiếu lâm, bộ óc thông minh và ngón đàn tuyệt diệu.
THANH LAN