Ngôi chùa Nisshinkutsu ở Tokyo trở thành một tâm điểm chú ý của truyền thông Nhật từ tháng 10/2018, sau khi có thông tin chùa là nơi đặt bài vị của nhiều du học sinh và thực tập sinh (TTS) Việt không may qua đời tại đất nước mặt trời mọc.
Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Nhật Bản, đồng ý tiếp nhóm phóng viên BBC vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp.
Vào trong chùa, chúng tôi bước vào căn phòng rộng đặt điện thờ chính, nơi Phật tử đến cúng lễ và học lớp tu hàng tháng. Phía sau là một căn phòng nhỏ nơi có ban thờ đặt nhiều bài vị khắc trên gỗ.
Ngoài bài vị của vài người nước ngoài và một số người Việt tỵ nạn lâu năm mất ở Nhật, đa số các bài vị là của các du học sinh, thực tập sinh người Việt đã mất ở Nhật từ năm 2012.
Tuổi của các em, được khắc trên bia gỗ, còn rất trẻ - chỉ ngoài 20 hay 30. Chúng tôi, có lẽ cũng như nhiều người tới thăm chùa, không khỏi buồn và muốn biết vì sao các em đã chết trẻ ở đất nước nổi tiếng phát triển và hiện đại này.
Cộng đồng người Việt ở Nhật hiện nay có trên 300 ngàn người, trong đó TTS sinh chiếm đại đa số, sau đó đến du học sinh.
Sư cô Thích Tâm Trí cho chúng tôi biết trong vòng 6 năm qua đã có hơn 100, và chỉ riêng năm 2018, đã có hơn 40 trường hợp TTS và du học sinh Việt mất trên đất nước Nhật Bản. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, đã có 12 trường hợp tử vong.
Khi hỗ trợ làm thủ tục cho các em không may bị mất tại Nhật, nhà chùa cùng các hội đoàn và sứ quán Việt Nam cần thu thập ba loại chứng từ: giấy chứng nghiệm tử thi, giấy chứng tử và giấy hỏa táng.
Theo những thông tin trong giấy chứng nghiệm tử thi, chết đột quỵ và đột tử là nguyên nhân được ghi nhiều nhất, sư cô Thích Tâm Trí nói.
"Người Nhật chỉ nói nguyên nhân chết là bị nhồi máu cơ tim hoặc co thắt tim, hay chết đột tử thôi, chứ hoàn toàn không có ghi là chết vì làm việc quá sức, hay "karoshi" trong tiếng Nhật.
"Ngoài ra còn có một số trường hợp bị tai nạn, hay bị bệnh chết, và còn có một số trường hợp tự tử.
"Chúng tôi vẫn cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em lại chết đột tử và đột quỵ."
Tôi hỏi sư cô những nguyên nhân nào khiến các em du học sinh và thực tập sinh tử vong trên nước Nhật.
Sư cô cho biết:
"Nhìn nhận từ phương diện chung, tìm hiểu vì sao các em còn trẻ, còn khỏe, chỉ trong vòng 20, 30 tuổi mà đã tử vong, chúng tôi rút ra được bảy nguyên nhân chính:
"Thứ nhất, các em trước khi sang đây, chưa chuẩn mực được tiếng Nhật. Các em cần học tiếng Nhật cho giỏi để giao tiếp trong cuộc sống, và biết được những nội dung trong công việc."
Sư cô kể thêm có những thực tập sinh chỉ biết tiếng Nhật bập bẹ, nhưng khi người Nhật hỏi thì cứ trả lời "Hai, wakarimashita" ("Vâng, tôi hiểu rồi".) Vậy nên các em được người trong công ty giao hết việc, nhưng không làm được và bị la mắng.
"Dần dần, các em có suy nghĩ tại sao mình qua đây đi làm mà mình lại bị la mắng, lại bị coi như nô lệ, bị người ta mắng nhiếc rồi đánh đập v.v."
Nguyên nhân thứ hai, theo sư cô, là ít quan hệ và khó thích nghi với môi trường sống.
"Ví dụ các em không nói chuyện được, thì cái môi trường sống, sự tiếp cận với những người xung quanh sẽ dần xấu đi. Khi quan hệ xấu như vậy, các em sẽ dẫn đến bị trầm cảm, hụt hẫng và mọi thứ xung quanh dường như không có lối thoát. Dẫn tới nguyên nhân thứ ba là các em bị bế tắc tới đường cùng."
Thiếu chất dinh dưỡng được sư cô liệt kê là nguyên nhân thứ tư dẫn đến các trường hợp tử vong
"Có những em thực tập sinh làm việc từ sáng sớm tới chiều tối, từ thứ Hai đến thứ bảy, thậm chí Chủ nhật. Làm việc rất siêng năng nhưng các em ăn uống không điều độ.
"Tối về thì có thể là mệt quá, hoặc là lướt Facebook hoặc là chơi game. Ăn uống thì có gì ăn nấy. Nấu cơm thôi, rồi thông thường là các em chỉ chiên trứng hay một miếng thịt là xong để tiết kiệm tiền.
Nguyên nhân thứ năm, theo sư cô, là áp lực phải tiết kiệm để trả nợ.
"Hầu như tiền làm được là các em gửi về cho gia đình để trả nợ. Trước khi qua đây, đa số thực tập sinh vay mượn rất nhiều. Tổng cộng số tiền học sáu tháng ở trong nước, vừa tiền thủ tục làm visa nhập cảnh, mua vé máy bay, rồi tiền thế chân…tất tần tật chúng tôi nghe được, các em phải mất tới 100 hay 120 man. [1 man = 10.000 Yên Nhật. Tại thời điểm viết bài, 100 man = khoảng 204 triệu đồng Việt Nam.]
"Các em đi làm có lương nhưng chịu áp lực phải tiết kiệm dành dụm để gửi về cho gia đình, một gánh nặng và khó khăn lớn cho các em."
Làm việc quá sức, quá giờ và ỷ lại vào sức khỏe là nguyên nhân thứ sáu sư cô kể tới.
"Mới gần đây, chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Abe mới ra luật đưa người lao động nước ngoài sang Nhật Bản làm việc. Sẽ có những thay đổi về luật cho phép người lao động ở lại được 5 năm. Sau đó nếu làm việc tốt, tiếng Nhật tốt, thi cử về chuyên môn cao, thì sẽ ở lại được tiếp 5 năm nữa. Nhưng luật này chỉ mới ra thôi.
"Từ trước tới nay, các em chỉ được ở ba năm nên tận dụng thời gian đó để làm việc, dẫn tới lao lực và sinh bệnh. Khi bị bệnh họ cố gắng và không chịu đi bệnh viện.
"Các em cứ nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe, nếu có bị ốm thì chỉ là cảm sơ sơ, nằm ngủ chút xíu là sẽ bớt đi.
"Nhưng có trường hợp các em bị sốt lên, rồi xuất huyết não, rồi phải nhập viện và sau đó là tử vong.
Nguyên nhân thứ bảy, theo sư cô, là thời tiết, khí hậu ở Nhật Bản dễ thay đổi.
"Hôm nay lạnh, ngày mai nóng. Các em chủ quan về sức khỏe, mùa đông cũng mặc áo ngắn tay trong nhà. Khi ra đường thì thời tiết thay đổi, nên các em bị nhồi máu cơ tim, hay co thắt tim."
Thông điệp cho người lao động Việt
Trước khi dừng cuộc phỏng vấn, tôi hỏi Sư cô Thích Tâm Trí bà có thông điệp gì gửi cho những em muốn sang Nhật du học hay làm thực tập sinh.
"Điều mà thầy mong muốn cho tất cả các em chuẩn bị tốt, đó là kiến thức tiếng Nhật và trình độ chuyên môn của mình.
"Thứ hai là các em phải đảm bảo được sức khỏe và để ý tới các vấn đề xung quanh.
"Thứ ba, các em nên cố gắng nâng cao trình độ kỹ thuật của mình để sau này về Việt Nam có thể có công ăn việc làm ổn định hơn."
Công ty Nhật nên đối xử tốt và đừng trả lương quá rẻ
Sư cô cũng muốn gửi thông điệp tới người Nhật và tất cả những ai đang sống trên nước Nhật:
"Đằng sau đời sống hạnh phúc, và những công cụ, phương tiện để phục vụ cuộc sống tiện ích của chúng ta, là sự hy sinh rất lớn của các em TTS, du học sinh nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam.
"Thầy muốn gửi thông điệp đến những người trong công ty hãng xưởng nghiệp đoàn Nhật rằng họ nên đối xử trịnh trọng đối với các em lao động về cử chỉ, hành động, lời nói. Họ nên quan tâm hơn nữa đến đời sống của các em, và nới lỏng hơn nữa về mặt thời gian lao động. "Chẳng hạn, những em muốn đi làm thêm, họ phải xét xem sức khỏe có bình ổn không. Còn có những trường hợp không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải làm, thì nên xem xét tăng lương tăng bổng cho họ.
"Đừng nên trả lương quá rẻ, nó không phù hợp với sức lao động của người Việt Nam chúng ta.
"Về luật lao động, không thể đánh đồng người lao động nước ngoài với người Nhật Bản được, vì tinh thần, thể chất và ý chí của người Nhật rất là kiên cường.
"Người nước ngoài sang đây học tập và làm việc, ít nhiều cũng sẽ nghịch về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về hoàn cảnh môi trường xung quanh và nhất là khí hậu và thời tiết."
Chúng tôi khẩn trương hoàn thành việc quay phim trong chùa vì được biết đầu giờ chiều nhà chùa còn phải tiếp một hãng truyền thông Nhật.
Sư cô nói với tôi thực ra bà cũng không muốn kể lại những câu chuyện buồn này, nhưng bà mong rằng nếu số phận của các em lao động Việt được đưa tin rộng rãi trên truyền thông, mọi người sẽ hiểu hơn về thực trạng của lao động nước ngoài ở Nhật, đặc biệt là lao động Việt.
"Thầy mong mỏi làm sao tính mạng của các em được chu toàn. Và mong mỏi có tình thương, tình cảm giữa con người và con người trong cuộc sống này."