Ngày 8 tháng 4/2019, Bạch cung ra môt thông cáo chính thức của tổng thống Trump, nguyên văn như sau:
“Hôm nay tôi chính thức thông báo chương trình chính phủ coi Quân đoàn vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC = Iran’s Islamic Revolutionary Guard Corps ), bao gồm cả lực lượng Qods, là một tổ chức khủng bố ngoại quốc, theo khoản 219 của Luật Di trú và Quốc tịch. Bước chưa từng có tiền lệ này do bộ ngoại giao lấy, xác định thực tế Iran không chỉ là một nhà nước bảo trợ khủng bố, mà Quân đoàn vệ binh cách mạng Hồi gíao tích cực tham gia vào, cung cấp tài chính và thúc đẩy khủng bố như là một công cụ vận hành nhà nước. Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo là công cụ chủ yếu chỉ đạo và thực hiện chiến dịch khủng bố toàn cầu của họ.
Quyết định này là quyết định đầu tiên mà Hợp chủng quốc Hoa kỳ chỉ danh một phần của một chính phủ ngoại quốc là tổ chức khủng bố ngoại quốc (FTO}. Quyết định này nhấn mạnh sự kiện là những hành động của Iran về căn bản là khác những hành động của các chính phủ khác. Quyêt định này sẽ mở rộng đáng kể tầm và mức độ áp lực tối đa của chúng ta lên chế độ Iran. Quyết định cho thấy rõ những hiểm nghèo trong giao thương hay cung cấp hỗ trợ cho IRGC. Nếu làm ăn buôn bán với IRGC tức là cung cấp tiền bạc cho IRGC.
Động thái này gửi cho Tehran một thông điệp rõ ràng là các hỗ trợ khùng bố của Iran có hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng áp lực tài chính và tăng tốn phí cho chế độ Iran trong sự hỗ trợ các hoạt động khủng bố cho tới khi mà nước này bỏ thái độ độc hại và phi pháp”.
Về phía Iran thì Hội đồng An ninh Tối cao đã phản ứng lại y như Mỹ đã làm. Đồng thời truyền thông chính thức của Iran loan tin các dự luật đang được soạn thảo để thực hiện. Nghĩa là ra thông cáo khẳng định bộ chỉ huy quân sự Cent.com của Mỹ và các lực lượng liên hệ, phụ trách các chiến trường Trung Đông, Afghanistan, Iraq, Syria và Bắc Phi là khủng bố. Và sẽ đối xử với Cent.com như là với ISIS và Al Qaeda. Ngoài ra thì các thành viên quốc hội Iran trong một phiên họp phản đối Mỹ đã mặc đồng phục IRGC, để bầy tỏ sự tín nhiệm cơ quan này
Để hiểu rõ tình hình, xin mở ngoặc nhắc lại ở đây rằng IRGC là một cơ quan bán quân sự, giữ một vai trò rất quan trọng việc bảo vệ chế độ Iran. Theo như ông Trump thì Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nắm giữ 50% kinh tế Iran. Từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ vua Shah Pavlavi - là một playboy bù nhìn của Mỹ, để thiết lập nhà nước Hồi giáo đứng đầu bởi các giáo sĩ do giáo chủ Khomeini lãnh đạo, Mỹ đã trở thành thù địch của Iran. Cụ thể là đã hỗ trợ cho Saddam Hussein trở thành tổng thống Iraq để kéo quân sang xâm lăng Iran, nhằm tạo bất ổn cho chế độ Hồi giáo mới lập. Võ khí và tin tức tình báo là do Mỹ và Do Thái cung cấp cho Hussein. Cuộc chiến này đã kéo dài 8 năm từ 1980 đến 1988. xử dụng phần lớn là các loại hỏa tiễn. Con số thương vong theo lượng giá tối thiểu là 500,000 người, nhưng thực tế là gấp đôi, chưa kể một con số tương đương người tàn phế. Tổn hại vật chất là 400 tỉ đô la, phần lớn là các cơ sở dầu lửa. Chính thức và trên truyền thông giòng chính Anh Mỹ, Iran bị coi là một nước độc tài, chống Do Thái và bị Mỹ cô lập. Nhưng các lý thuyết gia chính trị Mỹ thì coi Iran là một trường hợp “độc tài của đa số”, vì cái chế độ quyền hành trong tay tu sĩ này đã được dân chúng bầu lên một cách tự do, hoan hỉ và không có gian lận.
Thực vậy năm 1953, sau khi CIA đảo chính tổng thống dân cử Mossadegh vì ông này đã quốc hữu hóa công ty dầu hỏa Iran nằm trong tay Anh Mỹ, vua Shah Reza Pavhlavi được cho cầm quyền. Pavhlavi đã không được lòng dân, vì tuyệt đại đa số là nghèo khổ, lạc hậu, trong khi một thiểu số quyền lực giầu sang sống theo cung cách xã hội tư bản tiêu thụ Mỹ. Vụ này đã được ghi lại trong một hồ sơ CIA giải mật, đăng trên báo Financial Times năm 2017.
Tóm tắt thi bang giao Mỹ Iran bản chất là kết quả của cuộc đấu tranh giữa nước tiểu nhược Ba Tư tức là tên âm Hán của Iran có dầu hỏa và nước thực dân Anh. Sau thế chiến thứ hai thế lực của Mỹ lấn vào thay thế Anh bằng cuộc đảo chính Mossadegh và sự thiết lập chế độ quân chủ Pavhlavi. Quyền lực của Mỹ đã bị chấm dứt bởi cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tình hình trở thành ngày càng phức tạp bởi chính sách bành trướng Do Thái, Nga và Trung quốc cho tới bây giờ. Trong thực tế địa lý chính trị hiện tại, Iran không còn là một nước nhược tiểu mà là một nước có khả năng khai dụng khoa học kỹ thuật số, mặc dầu 4 thập niên bị Anh Mỹ cô lập, trong đó có 8 năm trong chiến tranh do Saddam Hussein gây ra.
Trong quyết định coi IRGC là khủng bố, dưới ảnh hưởng của thủ tướng Do Thái Netanyahu mà ông Trump không dấu diếm là người bạn thân thiết nhất, lập trường Mỹ trở thành đặc biệt cứng rắn với Iran so với các tổng thống Mỹ trước đây. Bắt đầu bằng việc đơn phương rút ra khỏi thỏa ước về võ khí nguyên tử mà các nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức đã ký năm 1915 với Iran mà ông nói theo quan điểm của Netanyaha là tồi tệ nhất từ trước tới giờ. Mặc cho Trump nói , các nước Anh Pháp Đức, vốn là đồng minh của Mỹ, đã chỉ lấy thái độ chiết trung vừa phải, tìm cách đi vòng các biện pháp chế tài của ông Trump. Có người cho rằng với quyết định coi IRGC là khủng bố, ông Trump muốn dồn các nước Anh Pháp Đức vào vị trí phải dứt khoát với Iran, nếu không muốn chịu những biện pháp trừng phạt của Mỹ cho tới bây giờ vẫn chưa thi hành quyết liệt. Có người cho rằng khi ông Trump ra quyết định ngày thứ hai mồng 8 tháng 4, một hôm trước ngày bầu cử của Netanyahu vào thứ ba là muốn giúp cho Netanyahu thắng trong một cuộc bầu cử khá gay go, nhất là trong khi đang bị đem ra tòa vì tham nhũng thối nát. Nói ông Trump giúp Netanyahu thì cũng có` lý một phần, nhưng không phải là tất cả. Mà phải nói ôngTrump đã có những quyết định mà những người mê ông coi là ưu điểm cá tính dám nói dám làm, là bởi vì những yêu cầu quyền lợi của chính ông thì đúng hơn. Thực vậy nhìn lại từ khi vào ngồi phòng bầu dục trong Bạch cung, ông Trump đã liên tục bị truyền thông giòng chính và phe chống đối cả Dân chủ lẫn Cộng Hòa làm khó dễ chỉ trích đủ điều. Mà tóm lại là chê bai vừa tư cách và khả năng, vừa chính sách đường lối. Để đối phó, ngoài việc lập ra một hệ thống tay chân và “truyền thông tin khác” để phản luận, ông Trump đã tập trung nỗ lực vào tranh thủ sức mạnh chính trị bao trùm nhất. Là hệ thống vận động chính trị Do Thái để làm chỗ dựa. Với đối sách này, cho tới nay có thể nói ông đã dần dần thắng thế, nhờ những quyết định ở vị trí nắm đầu hành pháp mà không một chính trị gia nào có thể sánh được. Thứ nhất công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái và quyết định chuyển tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem trong khi đại đa số các nước trên thế giới coi Jerusalem là thủ đô đang trong vòng tranh chấp Palestine và Do Thái, cần phải được điều đình thỏa đáng giữa hai bên. Quyết định này tổng thống Do Thái đã gọi là tặng phẩm quý giá nhất cho Do Thái từ trước tới giờ. Thứ hai, công nhận cao nguyên Golan Heights mà Do Thái chiếm của Syria là thuộc Do Thái. Thứ ba đồng ý coi những biện pháp quân sự trấn áp mạnh mẽ của Do Thái gây chết chóc đối với những cuộc biểu tình đòi quyền trở về đất cũ của người Palestine ở giải đất Gaza là biện pháp tự vệ chính đáng của Do Thái.Thứ tư, đồng ý với chủ trương của Netanyahu sát nhập vùng Tây Ngạn mà Do Thái lấn chiếm của Palestine vào đất Do Thái. Thứ năm, hoàn toàn theo chủ trương Tân Bảo thủ đề ra bởi những chiến lược gia Do Thái, mà cụ thể là bổ nhiệm hai tín đồ của chủ trương này là Mike Pompeo làm ngoại trưởng và John Bolton làm cố vấn hội đồng an ninh quốc gia. Vì thế, người ta mới thấy ông Trump vừa mới tuyên bố rút khỏi Syria, thì đã nhanh chóng lủi lại và chấp nhận lời giải thích của Bolton, là sẽ còn giữ một số quân ở lại. Và sau chót, tuyên bố IRGC là khủng bố có nghĩa rằng khoanh vùng Iran nằm trọn vẹn trong tầm các áp lực đủ loại không e dè từ Mỹ.
Với những thái độ quyết liệt ăn miếng trả miếng giữa đôi bên như thế, người ta tự hỏi phải chăng là một cuộc chiến sẽ bùng nổ giữa Mỹ và Iran? Suy luận đơn giản thì nếu sự thù nghịch Mỹ Iran đã diễn ra trong quá khứ bằng cuộc chiến Iraq Iran thì bây giờ khó nói là không thể không có một đụng độ tương tự. Nhưng vấn đề là muốn thế thì cần có một Saddam Hussein. Có ý kiến cho rằng hoàng thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman al Saud, là người đã được ông Trump đỡ đầu đưa lên và cũng được Netanyahu để mắt. Tuy nhiên bin Salman là một nhân vật có nhiều tai tiếng và rắc rối. Ngoài ra thì tranh chấp đấu đá giữa Saudi và Iran cũng đã đang diễn ra dưới nhiều hình thức đặc biệt, phi quy ước, gián tiếp qua các công cụ không thiếu, và đủ sức tạo thiệt hại chứ không nhất thiết phải là theo mô thức chiến tranh Iraq Iran thập niên `1980.
Tóm lại, nhìn toàn cảnh, tư thế chính tri kinh tế khoa học kỹ thuật của Iran hiện nay không trên đường đi xuống mà ngang bằng hay đi lên, vị trí của Hoa kỳ cần phải đẩy lên theo như ông Trump lượng tính qua khẩu hiệu MAGA, nếu không bảo là đi xuống. Khách quan mà nói, Hoa kỳ không ở lợi thế nếu mở ra chiến tranh. Thành phần đươc lợi nếu có chỉ là Netanyahu.
TXN