Tính đến nay là 40 năm tôi định cư ở Mỹ, sau chuyến vượt biển mùa bão thoát chết những đợt sóng dâng cao như trái núi, nhưng mất đứa con trai hai tuổi rưỡi vì chết khát 10 tiếng đồng hồ trước khi may mắn lên đảo Pag Asa (đảo Hy Vọng) do Phi luật Tân chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa. Gia đình tôi gồm một vợ hai con gái 3 và 5 tuổi với một cô em gái, là một trong những gia đình thuyền nhân đầu tiên được vào Mỹ, vì lý do nhân đạo, sau khi phái đoàn Úc từ chối không nhận cho sang Úc mà ước vọng lúc đó là để làm nông dân ở xứ đất rộng người thưa. Ngày 30 tháng 4 đầu tiên được hội người Việt ở San Francisco mời đến nói chuyện về đời sống Việt Nam dưới chế độ VC, trong một phòng họp nhỏ, tôi đã chẩy nước mắt khi chào lá cờ VNCH. Rồi tất cả lớn nhỏ chừng ba chục mạng ra đứng cầm cờ chống Cộng biểu tình trước tòa thị chính San Francisco. Tôi biết là cho tới lúc đó, đại đa số những người di tản đều mặc cảm không dám nhận mình là người Việt Nam, không nói tiếng Việt, mà chỉ muốn lẫn vào đám dân Á Châu khác. Vì bị thua một cuộc chiến mà truyền thông thiên tả nhồi vào đầu óc dân Mỹ là giết hại dân lành. Vã đã tháo chạy trong cơn hốt hoảng bỏ cả gia đình bè bạn quê hương.
Một ông linh mục lúc đó viết báo khuyên người mình nên chọn tên Mỹ cho người Mỹ dễ đọc. Một sinh viên du học ở lại làm giám đốc một chương trình giúp người tị nạn, treo hình Hồ chí Minh trong phòng làm việc. Một người trung úy di tản tôi quen ít lâu sau khi định cư, trong một buổi mời tôi đến nhà mới mua để cho hưởng cái bể ngâm nước Jacuzzi mới xuất hiện đã tâm sự rằng anh thấy nhục khi lúc mới đến Mỹ phải làm nghề lau nhà, cho những cầu tiêu công cộng, trong lúc đủ loại hạng người vào cầu tiêu xả bầu tâm sự, giật nước rồn rột. Vài anh bạn bác sĩ kể lại rằng lúc mới sang, đã xin vào đẩy xe ở bệnh viện để kiếm sống mà cũng là tìm phương cách móc nối trở lại nghề cũ. Tôi không nói gì, chỉ nghĩ rằng mất nước thì như thế đó. Những người này sau đã thành công hết. Nghĩa là có tiền, có nhà, có xe sang trọng. Và đi máy bay thì ngồi hạng nhất hay hạng thương nhân để được những tiếp viên hàng không mời chào trọng vọng. Tuy nhiên tôi cũng biết một người may mắn hơn, không phải làm nghề rửa cầu tiêu mà kiếm được việc chẳng đụng chạm đến ai, là gác dan, dành dụm tiền nong, mua được nhà đủ ở, có truyền hình mầu những khi rảnh rỗi tha hồ xem đủ thứ từ đấu vật đến quyền anh đến bóng bầu dục, đến các loại phim đã mắt, có xe hơi sang trọng để đi mà trước kia ở Việt Nam chỉ thèm thuồng để đó vì biết rằng chẳng bao giờ với tới. Khi nói đến ba mươi tháng tư hận VC khiến mình phải liều mạng vượt biển, thì anh chỉ nhún vai mà hỏi lại oán với hận nỗi gì, không có 30 tháng 4, làm sao tôi được ở Mỹ mà có đời sống như thế này? Không kể đến vô số nghề ra tiền khác ở đất nước được coi là đầy cơ hội này để mà biết ơn sự có mặt ở đây, ít nhất là mỗi năm một lần vào dịp lễ con gà Tây.
Có người dễ hài lòng với những gì có được, tuy không ở bậc thang xã hội tương đương như ở VNCH thì cũng lấy làm vui với sự thích ứng của đồng hương và khả năng hội nhập của con cái, để mà chỉ ra cái rực rỡ của những lằn sáng viền những đám mây đen trên nền trời. Và mường tượng ra một “siêu quốc gia Việt Nam” mặt trời không bao giờ lặn. Ngày 30 tháng tư nếu có nói đến là nói đến những cái tàn ác của Việt cộng trong các sách vở mà cá nhân có khi cũng không thấy hay không từng trải qua. Ở trong cái siêu quốc gia này là những người nhớn có nhỏ có trong các ngành nghề, dân biểu này thượng nghị sĩ nọ, tướng này tá kia, và bác sĩ, tiến sĩ, luật sư , khoa học gia, chuyên gia, đóng góp cho cái xã hội đang sống. Cũng chẳng phải không có những đại gia sở hữu nhiều triệu đô la, dù bắt đầu chỉ bằng những nghề không ai muốn làm. Nghĩ như thế không có gì sai, và cũng ích lợi vì làm có thêm gia vị cho một cuộc đời yên ắng, “trông lên thì chẳng hơn ai, ngó xuống thì chẳng mấy ai bằng minh”.
Nhìn quanh rộng hơn nữa ở hải ngoại thì cũng đây đó triệu phú này, tỉ phú kia từ phía bên thắng cuộc mà tiền bạc kiếm được là do áp dụng triệt để khẩu hiệu cách mạng “đảng chỉ đạo nhà nước quản lý tất cả toàn bộ tài nguyên nhân lực vật lực đất nước được coi là sở hữu toàn dân”. Những người này khi rời bỏ quyền lực đã im thin thít không hề nói đến quyền lực quá khứ vì hiểu rằng trong đời không ai uống nước hoài trong một giòng sông. Họ yên lặng hưởng tiện nghi mới theo quy luật đã in trên tờ giấy bạc “tin tưởng ở Vàng” (in gold we trust) mà in sai thành “tin tưởng ở Chúa” (in god we trust), thực sự bơi trong thế giới duy vật mà đã có thời họ nghĩ rằng không bao giờ thực thấy.
Ngược lại thì có những nhà chủ tịch, nhà sáng lập đoàn thể, cũng như những chuyên gia chính trị không ngại khoe đã từng chụp hình với tổng thống hay trao đổi với hội đồng an ninh quốc gia Hoa kỳ. Những nhà hoạt động này có khi trước kia chỉ rất là ở những vị trí khiêm nhường VNCH nhưng không ngần ngại nâng cao hay thay đổi lý lịch của VNCH ly loạn của mình cho nó đúng với cái tư thế sẽ có thể đến với mình nếu VC không chiếm được Sàigòn ngày 30 tháng 4. Nghĩa là để cho có chút đỉnh cân lạng.
Nếu không có ngày 30 tháng tư thì không thể nào mọc ra vô số những nhà từ thiện, ở hải ngoại. Nào là quyên góp tiền bạc cho thương phế binh, trùng tu mộ phần tử sĩ ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa nay đã bị xóa tên. Có những người cho rằng thực sự số mộ phần sửa sang không là bao nhiêu , nhưng có người lại cho rằng ít ra thì cũng là một bông hồng cho những người đã nằm xuống. Xét ra không phải là ý kiến dở, vì dù sao thì cũng làm cho môt số người thấy rằng mình là người có tâm, có lòng, “tuy không hẳn có tầm”. Chưa kể đến những hô hào giúp đỡ thành phần gọi là “dân nghèo vùng xâu vùng xa” trong nước, khiến cho những người chủ xướng có dịp du lịch và được hướng dẫn tiếp đãi ân cần bởi những kẻ thuộc “bên thắng cuộc”.
Kể ra cho đủ về ngày 30 tháng tư và các hệ quả thì thực không biết bao giờ có thể ngưng. Nhưng vắn tắt thì có thể nói nếu không có 30 tháng 4 thì không có cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà dù hay dù dở cũng là một mẫu xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến cả cái đất nước 100 triệu dân khốn khổ trong vòng thống trị của một tập đoán Cộng sản biến thái. Ở trong cái hoàn cảnh này, người ta có dịp nhìn ra được những diễn biến sự kiện từ đầu đến cuối, dưới nhiều góc khác nhau, cá nhân cũng như tập thể, nếu muốn chiêm nghiệm, học hỏi. Với tinh thần “như thị”. Nghĩa là có sao nói thế. Để thực sự gọi là rút kinh nghiệm.
Người ta biết được rằng ông phi công Nguyễn cao Kỳ lái máy bay và làm phó tổng thống VNCH từng được người Việt trong nước thời cuối thập niên 1970 đồn thổi rằng về VN lẩn lút trong rừng chống Cộng, đã chỉ thực sự làm nghề bán rượu và đánh bài rồi vỡ nợ. Lâu lâu tụ họp tiệc tùng với đàn em sống lại với cái khẩu hiệu “tổ quốc và không gian”. Và khai thác cái quá khứ hào nhoáng ngắn ngủi của mình để hy vọng được VC xử dụng cho trở thành người hùng chính trị một lần nữa. Nhưng đã thất bại chết đột tử ở Tân gia Ba. Và cái ước vọng cải lương đem tro cốt về để ở quê quán Sơn Tây cũng không được VC chấp nhận. Người ta biết ông tướng Nguyễn Văn Toàn tham nhũng giao va li đô la và vàng cho người tùy viên cầm khi sang đến Mỹ đã bị trắng tay vì va ly không trở lại.
Người ta biết những người miệng chống cộng mà chân lỏn lẻn rón rén nộp đơn cho VC xin về VN họp hành hội ngộ, du lịch xem những đền chùa xây dựng lại theo văn hóa VC biến thái để moi đô la du khách. Người ta thấy những bài viết xóa mờ cái thành tích ăng ten của những cây bút, cây đàn trong thời gian cải tạo hại bạn đồng tù, biến họ thành những nhân tài xuất chúng của miền Nam! Và cái chết bất thường bằng rút ống của viên tướng thời cơ Dương văn Minh, cả đời luân lạc từ sĩ quan Tây đến theo tổng thống Diệm rồi móc ngoéo với Mỹ đảo chính giết hai anh em tổng thống Diệm, mở đầu cho một thời kỳ chính trị lùng tùng xòe dân chủ tự do xuống đường, tranh đấu, phe đảng. Để sau cùng là ngài tổng thống nổi tiếng với câu “đừng nghe những gì VC nói mà hãy nhìn những gì chúng làm” tuyên bố từ chức mà không bỏ ngũ, nhưng âm thầm lên máy bay trốn sang Đài loan rồi sang Mỹ. Giao lại việc nước cho thầy giáo làng nổi tiếng nhờ bài thơ gãi háng để rồi sau cùng lôi Dương Văn Minh ra làm tổng thống ngày 28 tháng 4/75. Tạo điều kiện cho ông này kêu gọi quân nhân buông súng, vì muốn tránh cái tai họa mà truyền thông Mỹ đã vẽ ra cho Sài gòn là sẽ thành biển lửa nếu có chống cự! bởi lẽ bộ đội Bắc Việt đã giàn ra không biết bao nhiêu sư đoàn với đại pháo và xe tăng tứ phía, Cái tin gọi là nhiều sư đoàn Bắc Việt này đã được chế ra, vì người dân Việt Nam chỉ chứng kiến một số lượng lác đác những bộ đội Việt cộng mặt non choẹt tuổi thiếu niên mới bị gọi nhập ngũ bổ xung khi mở ra cuộc tiến chiếm miền Nam năm 1975.
30 tháng 4 cũng làm cho người ta biết cuộc sống bên gò mả ở một khóe quê miền Tây của chuẩn tướng nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh, phều phào uống nước trà nấu bằng nước giếng cạnh nghĩa địa, dưới tấm bằng treo trên tường của cách mạng khen công đã giữ tinh thần cho Dương Văn Minh có can đảm kêu gọi ngưng chiến.
Người ta thấy những cái lố lăng của tôn giáo, được thay đổi, cải lương theo nhu cầu của tín đồ. Còn học viện Phật giáo Việt nam ở Hà nội thì tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức tránh thai và hộ sản cho tăng ni sinh.
Sau 30 tháng tư qua những chương trình phát thanh Việt ngữ của ngoại quốc cho tới những ngày tháng gần đây, dần dà người ta nhận ra những bộ mặt chuyên gia bất đồng với chế độ có môn bài. Và hiểu ra được “truyền thông tin giả” với “truyền thông tin khác” có gì khác nhau hay chỉ là một đồng một cốt diễn trò bài tây ba lá, lòe người ngây thơ.
Tất cả đã thay đổi so với ngày 30 tháng 4 nguyên thủy năm 1975. Ngày đó những nữ sinh sinh viên miền Nam bị chỉ trích chê bai ăn mặc và tác phong Mỹ Ngụy khi trình diễn văn nghệ trong trường. Những người kể là tiến bộ vì có nhan sắc thì được cho đi học tập buổi tối tới khuya riêng lẻ, tạo ấn tượng biệt đãi để gọi là xây dựng cho vào “đoàn”, và dần dà giải thích hướng dẫn cho “thoát ly” gia đình… Những người “cách mạng ba mươi” không thiếu, mà nói cho cùng thì cũng chỉ là vì muốn bầy tỏ sự sẵn sàng phục vụ chế độ mới để được yên thân làm công dân mới. Mà cũng không xong. Nhiều người sau cùng đã trở thành công dân các nước ngoài, không phải là Việt Nam, nếu sống sót vượt biển. Cũng chẳng có gì đáng nói khi cô Cao thị Nhíp mang AK, đội nón cối di dép râu, chiến sĩ biệt động Mặt Trận giải phóng miền Nam ngồi trên xe tăng VC từ Củ Chi vào Sài gòn ngày 29 tháng 4/1975, và đã là tài tử chính trong một phim tuyền truyền VC, nay đã trở thành dân Mỹ mang kính đen kiểu, mặc áo hoa, trả lời ngắn gọn khi được hỏi về biến cố 30 tháng 4 rằng “tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”
Ngày đó, có người nhạc sĩ viết thành nhạc mô tả những người bộ đội miền Bắc vừa đáng thương vừa đáng ghét. Đáng thương vì nghèo đói bị đảng xua vào miền Nam chết cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa CS, mà nếu sống sót thì cũng tàn phế vì lao phổi, kiếm tiền bồi dưỡng bằng cách lấy đờm đầy vi trùng lao đem bán cho người cần đem nộp để tránh nghĩa vụ quân sự. Đáng ghét vì phá hoại cuộc sống bình thường của người dân miền Nam
Một ngày ghi nhớ….30 tháng 4 (clip nhạc).
Rồi tập trung cải tạo diễn ra. Không biết bao giờ về. Có người tù cải tạo đã viết tâm sự mình đầy cảm khích:
Clip “mưa buồn Long giao”
Người viết nhạc đã chết. Người làm thơ cũng im tiếng (có thể là chết hay là muốn im lặng). Những người bộ đội thời đó có lẽ cũng không còn bao nả. Chỉ là em cháu của họ mà có người hải ngoại nhai lại luận cứ ngoại quốc cách đây hai thập niên khi mở ra bang giao Washington-Hà nội, nói rằng lớp trẻ sẽ đổi thay cho có tự do dân chủ. Thay đổi thật, từ vật chất tới đầu óc. Cho nên lãnh đạo thì không thiếu những người hiện nay béo ú, đầu hói như thủ tướng “ma- de in Việt Nam” Nguyễn Xuân Phúc, “dám nói dám làm”, không khác gì tổng thống Trump. Và cuộc sống người dân trong nước cũng có nét hơn đời sống Mỹ là nước được kể là giầu mạnh văn minh nhất thế giới: Như “đi bão” mừng đá banh thắng giải, con gái trần truồng ngoài phố vác cờ đỏ sao vàng. Và “nhạc bão” hay nhất tháng tư 2019 nghe ỉ eo muốn “sìu”. Chưa kể phụ nữ vào các chùa quần áo mỏng tanh trong suốt như đào chiếu bóng Mỹ.
Ngày 30 tháng tư, tóm tắt có thật nhiều ý nghĩa, mà chẳng có ý nghĩa nào sai. Một lãnh đạo lớn VC, nhiều năm sau ngày 30 tháng tư đã được cán bộ tuyên truyền chính thống học kỹ thuật tuyên truyền Mỹ Trương Huy Đức gán cho là đã nói rằng “30 tháng 4 làm cả triệu người vui cả triệu người buồn”. Bỏ vợi cảm tính đi, quay về với văn thơ thì có lẽ 30 tháng 4 có thể được tóm tắt bằng hai câu thơ bình dân:
Trời làm một cuộc lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.
Ngắn hơn nữa thì chỉ là hai chữ : Thay đổi. Tiếng nhà Phật gọi là Vô thường.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 29 tháng 3/2019)