Lời giới thiệu:
Quan tâm tới chính sử là điều mà ít ai để ý. Nguyên cứu chính sử lại là một điều mà ít ai thích làm, do sự khô khan và đòi hỏi trí liên tưởng và sự nối kết các dữ kiện lịch sử, đặc biệt là với những dữ kiện đã được pha lẫn giữa sự kiện thật và truyền thuyết, để đưa ra được những quan điểm khách quan. Những người đọc và viết về chính sử từ xưa đến nay thông thường là những người có tuổi, từng trãi, có tấm lòng với đất nước và mang hoài bảo về dân tộc.
Bài viết dưới dây liên quan tới sử Việt và đưa tới ý niệm chủ đạo dân tộc, được viết bởi một tác giả tuổi dưới ba mươi. Xin được giới thiệu cùng quý độc giả.
-----------------------
MỘT TRĂM CÁI TRỨNG, MƯỜI TÁM ÔNG VUA?
Có thực tổ tiên dân tộc Lạc Việt chúng ta nở ra từ trứng? Có thực có mười tám vua Hùng chia nhau hơn hai ngàn sáu trăm năm cai trị? Thái độ của người trẻ hôm nay thế nào cho đúng với chủ đạo dân tộc?
1. Sự hình thành dân tộc Việt theo thần thoại
Dân tộc cần có một chủ đạo, điều đó là hiển nhiên. Đối với những dân tộc có lịch sử lâu đời, chủ đạo dân tộc thường bắt đầu từ truyện thần thoại giải thích sự hình thành dân tộc, nói cách khác là sự tích về các thần tổ tiên; rồi đến giai đoạn ngoại sử: về các vua tổ tiên, về các anh hùng dân tộc cổ đại, lý giải về các đặc điểm văn hoá đặc thù; sau đó mới đến dòng chảy lịch sử chính thống. Hiện nay hầu hết người Việt bị lẫn lộn giữa thần thoại và chính sử.
Bỏ bớt những điều rườm rà, hầu hết người Việt ngày nay đều chấp nhận "nguồn gốc" con Rồng cháu Tiên của dân tộc mình. Cụ thể, truyền thuyết kể rằng: rồng thần Lạc Long Quân kết hôn với chim tiên Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Một trăm người này cưới vợ sinh con và phát triển thành một trăm dân tộc cùng gốc Việt, thường gọi là Bách Việt. Thực tế: có nhiều nhóm dân cư tiền sử cư trú khắp vùng nam sông Dương Tử China tới tận đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, có nhiều đặc điểm giống nhau về nhân chủng và văn hoá, có cùng tên gọi kết hợp với hậu tố "-Việt", như: Mân Việt, Điền Việt, Âu Việt, Lạc Việt... Người Việt ở Việt Nam ngày nay chính là Lạc Việt khi xưa.
Ngoài ra, người Lạc Việt còn truyền thuyết nói rằng con trai cả của thần Lạc Long Quân và tiên Âu Cơ lên ngôi làm vị vua đầu tiên, đặt tên nước là Văn Lang, lấy hiệu là "vua Hùng". Vua Hùng là vua tổ tiên của người Lạc Việt. Điều này chỉ có nghĩa truyền thuyết cổ xưa của người Lạc Việt nhận mình là anh cả của Bách Việt. Mô-típ tự tôn dân tộc này xuất hiện ở hầu hết các dân tộc trên thế giới. Không thể dựa vào truyền thuyết này để làm căn cứ xác nhận chính xác sự tồn tại của vị vua Hùng thứ nhất là con của thần Lạc Long Quân như một sự thật lịch sử khách quan.
Tuy nhiên, xét theo khía cạnh chủ đạo dân tộc, chúng ta tin truyền thuyết về tổ tiên của mình. Dân tộc Việt được sinh ra từ một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa sức mạnh và vẻ đẹp, giữa đại dương và đất liền, giữa nông nghiệp và ngư nghiệp... Truyền thuyết, chỉ cần tới chỗ này là đỉnh điểm, không cần thêm thắt về các đời ông đời cha của Quốc Tổ và Quốc Mẫu làm chi. Thật hết sức nhảm nhí khi mà diễn tả cho bọn trẻ về tổ tiên của dân tộc là Rồng và Tiên, Quốc Tổ là rồng thần dưới biển, Quốc Mẫu là chim tiên trên núi, rồi lại dẫn giải lê thê nào Đế Minh Đế Nghi nào Đế Lai Lộc Tục, rốt cuộc dẫn tới ngọn nguồn tiên tổ của chúng ta là một vị vua trong truyền thuyết của China (aka. Viêm đế Thần Nông), thực là điều kỳ cục của sử cũ! (xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Văn Hưu, phần Ngoại Kỷ; xem Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán - triều Nguyễn, phần Tiền Biên, quyển I)
2. Vậy thì thời đại vua Hùng là sao?
Một dân tộc có vĩ đại hay không, không nằm ở lịch sử dài hay ngắn. Những đất nước có lịch sử lâu đời như Ai Cập hay Hy Lạp... trong hiện tại đều không có gì đáng tự hào, thậm chí họ còn phải đáng thẹn với bề dày lịch sử của mình. Ngược lại, Hoa Kỳ mới chỉ lập quốc mấy trăm năm, mà luôn đứng đầu thế giới về kinh tế và sức mạnh quân sự. Đời sống người dân và tiềm lực quốc gia trong hiện tại mới chính là điều mà người dân nên lấy làm vui. Lịch sử nhiều ngàn năm, cùng lắm chỉ là những phế tích và sẽ mục nát với thời gian. Luân lý dân tộc được từng người dân tôn trọng và làm theo, già trẻ bé lớn đều cư xử tốt với nhau, cộng đồng có niềm tin và có chủ đạo, đó mới là điều đáng tự hào, dù lịch sử có non trẻ đến mấy. Ngược lại, nhận nước mình có bốn ngàn năm văn hiến, trong khi đó người dân mơ hồ hoặc hoàn toàn mù tịt về chủ đạo dân tộc, cả nước mê tín lú lẫn, thì thà không có lịch sử còn hơn!
Về thời đại vua Hùng, không thể dựa vào tư liệu sách vở khi nói mười tám đời vua Hùng cai trị hai ngàn sáu trăm sáu mươi hai năm, mỗi vua cai trị hơn trăm năm mươi năm, như vậy quá vô lý. Nhưng chúng ta không có bản văn nào khác, vì thế, hãy tạm thời để đấy, và lật ngược lại sử sách. Cũng có giả thuyết nói mười tám đời vua là mười tám dòng họ, nhưng thuyết này cũng chỉ là suy luận, không cần tốn nhiều thời gian. Tới thời vua Thục Phán đánh Văn Lang và lập nước Âu Lạc là tương đối gần với lịch sử, năm 267 TCN. Di chỉ thành Ốc và tên đồng đã khai quật được, xác nhận sự tồn tại lịch sử của vua Thục Phán. Như vậy, trước vua Thục là vua Hùng cuối cùng, ta có cơ sở để xác định điều này. Vậy vua Hùng đầu tiên cách đó bao lâu? (sách đã dẫn, như trên)
Con số 18, nếu xét theo triết học Đông Á, nó là một huyền số, là hai lần 9. Số 9 tượng trưng cho quẻ Kiền. Hai lần 9 tức hai quẻ Kiền chồng lên nhau, được quẻ Thuần Kiền là quẻ đầu tiên trong kinh Dịch. Kiền là Trời, là ngôi chí tôn, có đức lớn, là Cha, sinh ra muôn vật, là hình tượng Rồng... (xem Kinh Dịch, bản dịch Ngô Tất Tố, quẻ Kiền). Chính vì thế, rất có thể cách nói "mười tám đời vua Hùng" chỉ là cách nói bóng bảy mang nhiều hàm nghĩa, hơn là con số thực tế.
Trong các truyện thần thoại: Thánh Gióng, An Tiêm, Bánh Chưng Bánh Dày, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Trầu Cau... Đều có bối cảnh là trong triều đại của một vua Hùng nào đó, các yếu tố giải thích thiên nhiên còn hỗn mang (Sơn Tinh - Thuỷ Tinh), sự hình thành tục lệ (Trầu Cau, Bánh Chưng Bánh Dày), chiến tranh vệ quốc (Thánh Gióng). Riêng truyện Thánh Gióng có một chi tiết khá thú vị là có nói khi này là thời Hùng Vương thứ 6 và giặc Ân đánh nước ta. Khảo cổ học hiện đại đã xác định lịch sử China đến thời Ân-Thương, niên đại từ năm 1766 - 1122 TCN. Trong kinh Dịch còn có quẻ Ký Tế có nói về việc vua Cao Tôn (1324 - 1264 TCN) nhà Ân đi đánh nước Xích Quỷ, tức nước ta theo cách gọi của người China thời đó, đánh ba năm khó nhọc mà không được gì. Nếu quả thật truyện Thánh Gióng là ký ức dân tộc, thì ta có: vua Hùng thứ 6 vào khoảng năm 1324 - 1264 TCN. Tất nhiên, đây chỉ là con số tham khảo cho vui. Cũng như các sách China chép việc người nước ta sang phương Bắc lạy lục triều cống rùa thần và chim trĩ vào các thời Đường Nghiêu (2357-2258 TCN) và năm 1110 TCN thời nhà Chu (*). Sự việc quá cổ xưa, còn sử sách lại viết sau mấy ngàn năm, không đáng tin.
Nếu ta lấy mốc vua Thục Phán trở về trước, thì thời đại vua Hùng trùng với thời đại Đông Sơn. Khi này, dựa vào các hiện vật khảo cổ, có thể thấy người Việt đã có thành tựu văn hoá khá rực rỡ, đời sống vật chất và tinh thần đều phong phú.
Trở lại với lập trường ban đầu của bài viết này, nếu ta xác định việc vua Hùng thứ nhất là thần thoại (con trai cả của Rồng và Tiên), thì về thời đại vua Hùng thực sự, ta có các giả thiết:
- có nhiều vua lấy hiệu là "Hùng" hơn con số 18
- có một vua triều đại tiền sử tự nhận là con của cha Rồng và mẹ Tiên; Rồng và Chim chính là totem vật tổ của dân tộc này (aka. Lạc Việt, Rồng có thể là Cá Sấu); vị vua này xưng là vua Hùng
- thời vua Hùng kết thúc khi bị Thục Phán đánh chiếm, nhưng có thể bắt đầu muộn hơn năm 2879 TCN mà sách vở đã ghi
- các chi tiết: ăn trầu, xăm mình, trồng lúa, bắt cá, làm bánh chưng bánh dày, chế thuyền đi biển... trong các truyền thuyết kể trên đều có thật
Vậy thì, khi kể lại huyền thoại hình thành dân tộc, trước tiên cần phải chuẩn hoá câu chuyện Quốc Tổ Quốc Mẫu, bỏ đi đoạn rườm rà từ cha của Quốc Tổ trở về trước. Một cách đơn giản hoá: Ngày xửa ngày xưa, Quốc Tổ Lạc Long Quân là rồng thần dưới biển, gặp Quốc Mẫu là chim tiên trên núi, hai người kết hôn với nhau và sinh được một bọc trứng, nở ra một trăm con trai. Sau đó, để mở mang bờ cõi, Quốc Tổ dẫn năm mươi con đi về vùng biển, năm mươi người còn lại theo Quốc Mẫu lên vùng núi. Những người con lại toả đi khắp nơi, mỗi người phát triển thành một chi tộc Việt. Người con trai cả đi theo mẹ, phát triển thành tộc Lạc Việt, rồi ông lên ngôi vua, lập nước Văn Lang, xưng là vua Hùng, dạy dân các phương pháp cày cấy, tổ chức triều chính, đặt ra văn hiến, đời đời truyền ngôi cho người tài giỏi, đều lấy hiệu là vua Hùng, đất nước hưng thịnh mấy nghìn năm, Lạc Việt phát triển thành một dân tộc lớn đông đúc, lập ra đạo Mẫu để tôn thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Cùng lúc đó người Âu Việt cũng phát triển hùng mạnh ở phía Tây. Đến khi vua Âu Việt là Thục Phán thấy tiềm lực nước mình đủ mạnh, thì xua quân đánh vua Hùng và chiếm được nước, lập ra nước mới, gọi là Âu Lạc.
Thời đại vua Hùng là thời đại chuyển giao giữa huyền thoại và chính sử, không nên minh nhiên khẳng định tính xác thực dựa vào những sử sách mà chính những sử sách này cũng không đáng tin, cũng không nên hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của nền văn hoá Lạc Việt tiền Bắc thuộc mà những di chỉ và hiện vật vẫn sờ sờ ra đó. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một thời kỳ lịch sử phát triển rực rỡ của tổ tiên, cũng như có quyền từ khước và bài bác những thứ hổ lốn tô vẽ tuỳ tiện vào lịch sử. Và việc tin tưởng cũng như tưởng niệm về triều đại huy hoàng này của dân tộc là điều hoàn toàn chính đáng và cần thiết trong thời đại ngày nay, khi mà những giá trị tinh thần của dân tộc ngày càng mai một.
3. Thay lời kết
Trong tác phẩm "Betonamu kara kangaeru" của mình, Shiba Ryotaro (1923-1996) - một tác gia trứ danh và chính thống của Nhật Bản - từng nhận định: "Những nước Á châu, nếu muốn ổn định phải có một 'Nhà nước dân tộc chủ nghĩa'." (từ gốc: "minzokushugi kokka", xem sách trang 93)(**).
Trên thực tế, có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều nhà nước thể hiện dân-tộc-tính rất đậm nét ở châu Á. Có vẻ như nhận định của Shiba Ryotaro đúng. Nhưng còn trường hợp Việt Nam và China hiện tại, với nhà nước lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam, một thứ chủ nghĩa ngoại lai và phủ nhận tính dân tộc, những nước này có thực sự là đang hưng thịnh và ổn định một cách chân thực?
Nhiều năm trước, những người cộng sản ở hai nước này cho rằng những gì mang tính dân tộc đều là phản động và cần phải bị bài xích cực đoan, thậm chí tiêu diệt. Cuộc cách mạng văn hoá ở China là đỉnh điểm cho thái độ này. Tại Việt Nam, sự bài xích văn hoá dân tộc thời điểm đó tuy chưa rầm rộ bằng China, nhưng sự sắt máu và khắc nghiệt không hề kém cạnh.
Ngày nay, khi nhận thấy việc huỷ diệt văn hóa dân tộc là một hành vi tự sát, cộng sản bắt đầu nỗ lực tô vẽ trở lại một thứ văn hoá dân tộc với "định hướng xã hội chủ nghĩa". Và tất nhiên, sản phẩm có cái đuôi ngốc nghếch đó chẳng ra làm sao cả, bởi một lý do giản đơn là không ai biết chủ nghĩa đó cụ thể là cái quái gì, một ông có bằng tiến sỹ Xây dựng Đảng (cộng sản) và chức tước rất cao cũng chẳng hình dung nổi chủ nghĩa xã hội là sao, phải ngậm ngùi tuyên bố "đến cuối thế kỷ này không biết chủ nghĩa xã hội xuất hiện ở Việt Nam chưa?" (https://thanhnien.vn/…/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bi…).
Tán hươu tán vượn ra ngoài lề như vậy, để thấy ngay cả một thứ chủ nghĩa phủ nhận các giá trị quốc gia dân tộc, mà còn phải lần mò quay về tìm hiểu và chắp vá theo hướng đầu cơ có lợi cho mình. Vậy thì, những người Việt chân chính và phi cộng sản, càng phải hiểu rõ chủ đạo của dân tộc mình, ngõ hầu góp sức bảo tồn và truyền lại các giá trị đó cho mai sau, có khi còn giúp ích cho đất nước.
---
(*) xem Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường; Thông Chí của Trịnh Tiều; Sử Ký của Tư Mã Thiên...
(**) Suy nghĩ từ Việt Nam, Shiba Ryotaro