Cuộc đảo chánh tính lật đổ chính phủ Nicolás Maduro ở Venezuela do chủ tịch quốc hội Juan Guaidó, 35 tuổi khởi động ngày 23 tháng 1/2019 khi tuyên bố tự xưng là tổng thống lâm thời tính đến nay đã là 1 tháng mà chưa tới hồi kết cục. Đảo chánh thông thường thì ngã ngũ trong vòng vài ngày. Với hoặc là kẻ đương quyền, hoặc là kẻ nổi loạn bị giết, bị bắt hay chạy trốn. Cho nên không quá đáng nếu nói rằng cuộc đảo chánh Venezuela là bất thường, nhất là phe chống đối được cả tổng thống Trump lẫn phó tổng thống Pence mạnh mẽ tuyên bố ủng hộ ngay lập tức bằng mọi cách, kinh tế cũng như ngoại giao, không loại trừ biện pháp quân sự. Mỹ đã kêu gọi các nước trên thế giới tiếp tay, và nhanh chóng có được 11 nước đồng minh Âu châu và một số nước châu Mỹ La tinh hưởng ứng. Phía công khai ủng hộ chính phủ Maduro từ đầu thì ít hơn, chỉ có Nga Tầu Thổ Nhĩ Kỳ Uruguay, Mexico vân vân… Ngoài sự ủng hộ Guaido từ phía chính giới ngoại quốc, những hình ảnh đông đảo dân chúng biểu tình chống đối Maduro nhiều ngày, cộng với những tin tức về sự đói khổ, nghèo nàn của đa số dân Venezuela kéo dài dưới chế độ Maduro cũng làm cho kẻ bàng quan không khỏi nghĩ rằng sự sụp đổ của chính phủ Maduro là không tránh khỏi. Chưa kể tin cho biết Nga phải đưa sang 400 nhân viên an ninh đặc biệt để bảo vệ Maduro, hàm ý rằng Maduro không còn thể tin hệ thống an ninh của chính ông ta. Bên cạnh đó là báo điện tử Bloomberg của tỉ phú Do Thái Bloomberg nguyên thị trưởng New York đang cân nhắc ra tranh cử tổng thống chống Donald Trump, loan tin cho biết rằng đã có những thảo luận riêng tư giữa một số nước liên quan để xem nước nào có thể cho Maduro tá túc khi rời chức vụ. Không chỉ có những tin tức chiến tranh tâm lý và lời nói xuông, Mỹ đã ra những quyết định chế tài đối với công ty dầu hỏa chính phủ PdVSA đem lại 90% nguồn lợi tức của Venezuela, và đối với các nhân vật chính trị thân cận với Maduro. Mặt khác Mỹ cho Guaido bổ nhiệm ban giám đốc mới điều hành công ty dầu hỏa Citgo hoạt động ở Mỹ để Guaido có tiền điều hành. Tóm lại tất cả đều là những biện pháp quyết liệt bóp cổ chính phủ và dân Venezuela. Nhưng Maduro nhờ sự hỗ trợ của Nga với Tầu và sự ủng hộ quyết liệt của quân đội nên vẫn tại vị và tuyên bố sẵn sàng điều đình, nhưng Guaido từ chối. Với khoảng 50 nước công nhận Guaidó theo kêu gọi của Mỹ, Elliott Abrams phụ tá bộ trưởng ngoại giao phụ trách vấn đề Venezuela tuyên bố rằng Mỹ “hy vọng và tin tưởng rằng Maduro sẽ phải ra đi, nhưng không định được trước là bao giờ. Và Mỹ sẽ tiếp tục áp lực có thể vài tuần hay vài tháng…”
Nhìn vào bản chất cuộc đảo chánh Nicolas Maduro, với những lý cớ đưa ra, khó mà không nói rằng nó bắt đầu từ Mỹ. Thứ nhất, tình hình kinh tế suy sụp khó khăn, dân chúng nghèo đói trong mấy năm gần đây vì tham nhũng thối nát theo như truyền thông Mỹ loan đi, thì khách quan mà nói phải do dân Venezuela lo tính chứ Mỹ không có trách nhiệm gì trong đó. Thứ hai, Juan Guaido kết án Maduro gian lận bầu cử, chiếm đọat quyền hành, dân Venezuela không có tự do dân chủ cho nên đã theo hiến pháp tự xưng tổng thống lâm thời. Điều này nghe không suôi tai, khi cùng dưới một chính quyền, cuộc bầu cử kết quả đảng Guaido thắng cử và Guaido được bầu làm chủ tịch hạ viện thì không bị chê bai còn Maduro thắng cử thì coi là bị gian lận chiếm đoạt quyền hành. Thứ ba, từ nắm 1999 Hugo Chavez thắng cử lên làm tổng thống thi hành chính sách xã hội chủ nghĩa, dùng tiền dầu hỏa để giúp đỡ dân nghèo và cải thiện hạ tầng cơ sở thì đã làm mất quyền lợi của các nhóm quyền lợi trong chế độ Venezuela thuộc ảnh hưởng Mỹ. Vì thế các giới này liên tục chống đối, dưới mọi hình thức, với sự hỗ trợ của Mỹ để giữ nguyên Venezuela trong vị trí các nước “gọi là sân sau” của Mỹ ở châu Mỹ La tinh. Trong tình hình chính trị này, Venezuela đã tồn tại tới nay nhờ thân gần được với Nga và Tầu để làm chỗ dựa nhờ có kho tàng dầu hỏa lớn nhất thế giới. Và hai cuộc nổi loạn 2014 và 2017 đã thất bại. Do đó, cuộc đảo chính Guaido-Maduro bản chất là một cuộc chiến cục bộ ủy nhiệm giữa một bên là Nga Tầu và phía kia là Mỹ với sự đóng góp ít nhiều của các đồng minh Âu châu và một số nước châu Mỹ La tinh. Tuy quyết liệt, tương tự như cuộc chiến Obama mở ra ở Syria, nhưng giải pháp quân sự cho tới nay đã bị để sang bên, theo như lời đặc sứ Elliott Abrams nói trước Ủy ban ngoại giao hạ viện. Lý do sâu kín là vì không có một nước châu Mỹ La tinh đủ khôn ngoan và quyết tâm như Do Thái và những nước Ả Rập tay chân giàu có sẵn sàng chi tiền dầu hỏa để mua vũ khí và không có mâu thuẫn quá khích tôn giáo để khai thác khích động. Quá lắm thì là một cuộc chiến tranh gồm những hoạt động phá hoại đặc công mà căn cứ địa chủ yếu là từ Columbia thân Mỹ kết hợp với các phương tiện kỹ thuật quân sự tối tân. Một lý do khác là theo như lời nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga Zakharova thì trong một cuộc điện thoại với ngoại trưởng Mỹ Pompeo, ngoại trưởng Nga Lavrov đã cho biết Nga chống những can thiệp quân sự từ ngoài vào nội tình tranh chấp Venezuela và sẵn sàng giúp đỡ trong các cuộc đối thoại giữa hai bên. Từ chi tiết này, người ta thấy cái khác nữa giữa Syria và Venezuela là tại Syria, Nga ngồi yên lúc đầu cho Obama mở chiến tranh, còn tại Venezuela, Nga lên tiếng chống can thiêp từ đầu. Nhìn lại lịch sử hiện đại, nếu họa ra mà có đánh nhau thì tình hình bản chất không khác gì mấy trường hợp các nhóm du kích Contras chống chế độ Sandinista ở Nicaragua xã hội chủ nghĩa thời thập niên 1980, dẫn tới vụ trung tá Oliver North trung gian bán võ khí Do Thái cho Iran để lấy tiền ủng hộ Contras.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 22 tháng 2/2019)