Chương trình tiếng Việt BBC ngày 21 thang 11/2019 loan một tin rằng:
“Một nhà báo tự do ở Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, vừa bị cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ, khởi tố hình sự hôm 21/11/2019.”
Đi vào chi tiết, BBC chép tin trên trang mạng của Bộ Công an cùng ngày như sau
"Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc khởi tố để điều tra đối với Phạm Chí Dũng là rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Phạm Chí Dũng được Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ."
Ngày hôm sau 22 tháng 11, BBC tiếng Việt chạy một lô tin về các phản ứng quanh vụ bắt bớ này. Bắt đầu là từ các phản ứng ngoại quốc. Như tổ chức Theo Rõi Nhân quyền (Human Rights Watch), theo thông lệ:
"EU (Liên hiệp Âu châu) cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người chỉ đơn giản kêu gọi châu Âu yêu cầu cải thiện thực sự trong tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) Âu-Việt,
"Bằng cách bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang thể hiện sự không khoan dung có tính chất đàn áp đối với bất kỳ tiếng nói bất đồng nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực thúc đẩy một nền báo chí độc lập trong nước. EU (Liên hiệp Âu châu), Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng khác nên yêu cầu phóng thích ông Phạm Chi Dũng ngay lập tức và vô điều kiện và gỡ bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ông,"
Kế đến PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và quan sát xã hội dân sự người Mỹ, nhưng không xuất sắc lắm vì đã than trời là hoàn toàn ngạc nhiên khi Donald Trump thắng cử năm 2016. Jonathan được giới thiệu là từng theo dõi tình hình ở châu Á và Hong Kong trong nhiều năm, nói với BBC News Tiếng Việt rằng:
"Ông Phạm Chí Dũng là một người đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng của báo chí Việt Nam. Từ lâu đã có nhiều căng thẳng xoay quanh anh Dũng. Chúng tôi chỉ hy vọng là mọi người có thể thấy rằng anh ấy đã nỗ lực để đóng góp một cách nhất định đến phát triển của báo chí ở Việt Nam.
Về phia nhân vật VN, có Luật sư Trần Quốc Thuận, và nhà bất đồng ý kiến có môn bài Nguyễn Quang A. Ông Thuận thì đưa ra những dữ kiện cá nhân quan trọng của Phạm chí Dũng, nguyên là cán bộ an ninh nội chính thành ủy Sàigon. Ông A thì nói lý thuyết chung chung vô thưởng vộ phạt, như từ hồi mới xuất hiện với tư thế nhà bất đồng có môn bài trên truyền thông tới nay.
Các lên tiếng quanh vụ bắt Phạm chí Dũng đều chỉ nói đến vai trò nhà báo, nhà văn gọi là tự do, độc lập của Phạm Chí Dũng. Không mấy ai để ý đến bản chất của Phạm chí Dũng là một cán bộ an ninh làm việc trong cơ quan an ninh nội chính thành ủy Sài gòn, mà ông bố cũng là một tay gộc an ninh kỳ cựu trong đó. Điều này giải thích tại sao mà Trần quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, tức là một tay quyền lực lớn trong chế độ, nói rằng những bài viết Phạm Chí Dũng “vừa bất ngờ mà cũng vừa không bất ngờ, bởi vì những bài viết của anh đi vào những lãnh vực rất nhạy cảm và có nhiều số liệu không biết lấy từ đâu.”
"Cho nên thường những câu chuyện đó, những cơ quan điều tra nguồn gốc ai cung cấp tư liệu mà biết nhiều như thế, thì đó là câu chuyện mà họ muốn tìm, nhưng mà không có cách gì tốt hơn là nên bắt anh Phạm Chí Dũng để điều tra.
Nói khác đi và cho rõ, dưới chế độ một độc tài, cộng sản hay không cộng sản, thì an ninh dính liền với quyền lực lãnh đạo. Khi lãnh đạo có “vấn đề,” thì an ninh “rớt đài”. Phạm chí Dũng mấy năm trước đây đã bị bắt và sau 6 tháng được thả là vì như thế. Bây giờ bị truy tố trở lại không phải là điều khó hiểu. Nó chỉ là biểu hiện của những đấu đá tranh giành quyền lực diễn ra từng đợt, tùy hoàn cảnh. Nếu đọc bài viết trên đài VOA của PCD ngày 4 tháng 11/2019 nhan đề “Trần Quốc Vượng bắt đầu được cho xuất cảnh” thì hiểu ngay tại sao PCD bị truy tố bây giờ. Để dễ liên tưởng hơn, xin nhắc ở đây rằng TQV hiện nay là nhân vật số hai sau NPT, Ủy viên bộ chính trị, giữ chức thường trực ban bí thư.
Tóm lại, có thể nói rằng nếu chỉ chú ý đến tính nhà báo nhà văn gọi là tự do, độc lập của PCD thì một là không hiểu vấn đề, hai là cố tình đẩy chệch vấn đề sang bên. Đẩy chệch đi có thể là một dụng ý của các thế lực thù địch nhà nước xã hội chủ nghĩa để mà có cớ tấn công sự độc tài của chế độ. Cũng có thể là dụng ý của của hệ thống tuyên truyền nhà nước để tạo ấn tượng là có phần nào tiếng nói độc lập với chính quyền. Nhưng mà nhìn các sự kiện diễn tiến thi đó là phản ảnh thực tế đấu đá của hai phe quyền lực nhà nước. Và như vậy thì tùy theo PCD sẽ bị giam giữ bao lâu, nghĩa là xử phạt thế nào mà người ta sẽ thấy phe đương quyền cứng cựa ra sao.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 26 tháng 11/2019