Việt Nam ta gọi tháng cuối năm âm lịch là tháng chạp, còn Nhật gọi là “sư tẩu” (shiwasu-師走) hay “Cực Nguyệt” (Gokugetsu 極月). Bây giờ dù Nhật đã theo dương lịch nhưng vẫn gọi là “sư tẩu”. “Sư” ở đây mang ý nghĩa “tăng lữ”, cứ vào dịp cuối năm thì sư rất bận rộn khác hẳn với ngày thường, ngoài giờ “hành chánh” sư còn phải “zangyo” (overtime) chạy đôn chạy đáo để tụng kinh gõ mõ…. Tóm lại, là vào những ngày cuối tháng chạp thì mọi người từ dân đến quan đều phải chạy ngược, chạy xuôi, chạy đôn, chạy đáo để thanh toán, để thu xếp sao cho hết nợ hết nần, để “3 ngày tết vui cười no say” dù cho “sang năm thì ta lại kéo cày”. Dân thì chạy cơm, chạy việc, chạy tiền.... còn quan thì (xin hiểu quan ở đây là nội các chính phủ) “vất vả” hơn cả dân vì phải chạy sao cho “trong nhà” có được đối sách thích hợp thời buổi thiên tai như cơm bữa này, sau khi Nhật Bản lãnh mấy trận lở đất, bão lụt thảm khốc vào những tháng của năm qua, như Chiba chẳng hạn, dù với tất cả tận lực, cũng phải mất 2 năm mới trở lại tình trạng cũ.
Còn “ngoài ngõ” thì cũng chả có gì là sáng sủa, chính phủ phải giải quyết một cách uyển chuyển trước những dở chứng ương ương của ông gìa tỷ phú tóc vàng khật khùng, nói sau khác trước, của sự nổi chứng bất tử của kẻ thân cận sát bên, Hàn quốc, thay đổi “tư duy” tùy theo ông thời Tổng Thống, có lúc đã vui vẻ xí xoá tất cả những tội trạng của nhau năm 2015 sau một hiệp định như đính đóng cột: “sẽ không nhắc lại chuyện cũ giữa hai nước Nhật Hàn”, nhưng đến cái ông hiện tại thì “tư duy” lại quay một cái rụp, đổi sang đường lối thù nghịch, chuyện gì cũng chống đối, tẩy chay hàng Nhật, hỏi tại sao thì mấy ông này giải thích; “chúng tôi không muốn thế nhưng dân tôi muốn thế”, Chưa hết còn ông cái tên mặt thịt Kim Young Un (bên cạnh còn có hai ông Nga và Trung Cộng gài độ nữa thi cứ hăm cứ dọa, tặng quà giáng sinh linh tinh cả lên. Kết quả ngày sau sẽ ra thế nào thì bố ai mà biết, độc giả theo dõi trên báo chí hàng ngày, chung cư Phây sẽ biết một phần nào chi tiết còn nó ra sao thì trời mà biết.
Riết rồi không muốn nhắc đến, nên mình sang chuyện khác vui hơn và gần với mình hơn: chuyện gì? Cũng ba cái chuyện ăn mà mấy hôm nay phải “sầu não”. Bắt đầu nhé.
---------------
Hôm nay ngoài trời đang nắng đẹp, tuy hơi hơi lạnh, mùa Đông mà, nhưng vẫn khuyến khích cơn lười, chả muốn đi đâu, sáng dậy mắt mở thao láo mà đầu óc nghĩ miên man đủ chuyện. Chợt thấy cái quẹt quẹt bên cạnh bật sáng, và một cái flyer anh em Hiệp Hội hiện ra giới thiệu đầy đủ món ăn ngày Tết. Đọc đi đọc lại mấy lần mà chả thấy hình bóng “em” thường hiện ra như suốt từ mấy chục năm nay. Có một chút não nề!
Đang mơ mơ màng màng thì
Mẹ cháu nhắc nhở: “Trưa nay tất cả ở nhà cúng ông bà.
Đứa con gái nhanh nhẩu:
- Mẹ làm bánh cuốn đi.
- Trời! Tết với Nhất mà bánh cuốn? Mai mốt đi
Thế rồi lại có dịp tương tư một một đĩa bánh cuốn với một ly cà phê bốc khói mà đã lâu lắm rồi không có dịp thưởng thức. Tự nhiên lại lang thang sang chuyện bánh cuốn, độc gỉa thông cảm, lỡ viết và tương tư nó rồi nên đành phải…..
---------------------
Luận về món ăn sáng của Việt Nam ta thì nhiều vô kể, tôi không dám lạm bàn vì quả tình mình không thông hết. Ở đây chỉ xin được trình bày một it “kiến thức nửa vời” của mình về bánh cuốn, một trong những món quà sáng tôi thích nhất (đương nhiên Phở đối với tôi vẫn là nhất trên đời).
Trước hết, bạn muốn ăn bánh cuốn kiểu nào: kiểu Bắc hay kiểu Nam. Kiểu Bắc là thế nào và Kiểu Nam thì ra sao?
Bánh cuốn tráng theo kiểu Bắc là loại bánh được cuốn tại chỗ và ăn ngay được gọi là bánh cuốn Thanh Trì. Bột để tráng bánh là loại bột gạo nguyên chất được xay nhuyễn với nước. Xay xong những phần lắng lại được dùng làm bột để đổ bánh, có nhiều nơi sau khi xay xong lớp bột thứ nhất họ đem phần bột lắng được phơi khô và làm lại y như thế lần thứ hai hay lần thứ ba. Dụng cụ để tráng bánh gồm có một khung tre được cuộn tròn ôm sát lấy miệng nồi, ở trên đó người ta phủ một lớp vải trắng như mặt trống. Nước trong nồi lúc nào cũng phải sôi sùng sục thì bánh mới có thể chín được, trên cùng là một cái nắp khung hình tròn được đậy khit để hơi nước không thoát ra ngoài. Bước qua giai đoạn tráng bánh cũng là cả một nghệ thuật, bột hòa với bánh tráng được trải đều trên mặt vải rồi đậy nắp lại trong một thời gian nhất định, đừng để lâu quá hay ngắn quá, xong dùng một chiếc đũa lấy bánh ra rồi trải đều lên một khay tròn, cho vào một ít nhân. Nhân bánh gồm thịt bằm, nấm mèo đã được xào sẵn rồi ta bắt đầu cuốn. “Mà phải cuốn cho khéo nhé, nhớ phải để phần nhân thịt nổi ra ngoài trông mới hấp dẫn, tuyệt đối đừng để nhân lòi ra ngoài rất khó coi”. “Trời ơi sao khó khăn quá vậy bác”, “Muốn ăn ngon phải cầu kỳ chứ cậu”, Đâu đã hết, chỉ có bánh cuốn không coi sao được, một vài tép mỡ hành trải đều trên mặt, một ít dưa leo được chẻ mỏng và một ít rau thơm xếp xung quanh, dăm miếng chả lụa cắt vừa đủ để 4 góc (đúng ra thì chỉ ăn với rau thơm, nhưng sau này biến chế ăn chung với chả lụa hay chả quế) và bây giờ mới là vấn đề: nước mắm, không khéo pha thì bánh cuốn có được đổ công phu tới đâu cũng vô ý nghĩa. phải vừa ngọt vừa cay, đủ tê tê đầu lưỡi, có người còn cho thêm vài giọt cà cuống nhưng đừng cho nhiều quá nước mắm sẽ bị nồng khó ăn. Nước mắm được tưới sâm sấp lên mặt đĩa bánh để khi ăn vừa hết bánh thì phần nước mắm cũng được thanh toán gọn. Cầu kỳ quá phải không các bạn?
Bạn có nhiều thì giờ không? Nếu có thì theo tôi đến tiệm bánh cuốn Thăng Long (kế tiệm bánh mì Hà Nội) ở đường Nguyễn Thiện Thuật để thấy được cái sự háo hức của những người yêu thích bánh cuốn. Quán có khoảng chừng 5 cái bàn nhỏ và khoảng 20 cái ghế, khách đợi ăn lúc nào cũng đông. Rất nhẩn nha, thư thái, bà chủ làm từng cái, từng cái một khiến khách hàng rất “bực” vì phải chờ đợi lâu, nhưng ai cũng muốn đến vì bánh cuốn quá ngon, hoặc tiệm bánh cuốn tại đường Nguyễn Cảnh Chân, cũng rất tới mức, bán không nhiều vì đến 9 giờ sáng là hết sạch, không bán nhiều hơn vì “như vậy là đủ sống, đủ vui rồi, cần gì phải bon chen nữa cậu”. Ngoài ra, một tiệm bánh cuốn khác cũng rất nổi tiếng nằm ở đường Trần Quốc Toản đối diện với Ủy Ban Liên Hợp bốn bên. Tiệm này ngon vì bánh được cuốn với rất nhiều nhân, ăn nhiều lắm cũng chỉ tới 2 đĩa là cùng, nước mắm ở đây cũng hết xảy. Sau này ở đường Lê Văn Duyệt gần Quân Vụ Thị Trấn ngày xưa có thêm một “đơn vị” bánh cuốn nữa. Đó là bánh cuốn Lạng Sơn, đến đây người sành điệu không những được thưởng thức bánh cuốn ngon lành mà nếu muốn có thể làm thê tô bún mọc, loại bún đặc biệt của miền Bắc.
Ở Nhật, tôi nhớ có lần hình như tại Hội Xuân 1984, có quầy bánh cuốn thứ thiệt 100%, do mẹ của người bạn cùng 3 cô con gái “chủ trương”. Bánh ngon lắm, khách du xuân xếp hàng dài thườn thượt. Một anh bạn rao hàng rất có duyên, lúc nào cũng to mồm kêu gọi, hối thúc khiến bà cụ cứ quýnh quáng vì làm không kịp. “Cho thêm 3 đĩa nữa”, “Lâu quá người ta đòi vô cuốn kìa” hoặc “Thôi để.... thẳng luôn khỏi cần cuốn” khiến mọi người cười sằng sặc.
----------------------
Sang đến bánh cuốn kiểu Nam còn được gọi là bánh ướt. Loại bánh này rất phổ thông, nó hiện diện khắp mọi nơi: trường học, công sở, các quán bên đường trên đường phố. Bột để đổ loại bánh này cũng tương tự như bột đổ bánh cuốn kiểu Bắc, nhưng lát bánh thì to và dày hơn ăn chung với bánh tôm khô, loại bánh này cũng được chế biến từ bột gạo trộn với đậu xanh nhưng cần nhất là phải có con tôm nổi trên mặt, được chiên thật giòn trong một chảo mỡ thật nóng giống như lúc chiên chả giò. Khi ăn chung với nước mắm cay nó sẽ đem lại cho người ăn những vị ngon thật khó tả (người cầu kỳ còn đòi hỏi phải cho thêm một chút nước dừa vào nước mắm). Ta có thể tìm lại những loại bánh ngon nổi tiếng này tại Ngã Sáu Sài gòn, trước cửa trường Tân Văn, hay trước cửa rạp Đại Đồng, Cao Thắng. Tôi nhớ là vào mỗi tối khi học thi Tú Tài (năm 1970), hàng bánh cuốn là một trong những người bạn quen thuộc nhất của anh em tụi tôi, ăn một đĩa là có thể gạo bài tới sáng.
Bánh xếp, bánh giò cũng có thể xếp như những loại tương cận, chẳng cần chả lụa, chẳng cần phải thêm gì cả nhưng vẫn được nhiều người chiếu cố.
Tiếng điện thoại reo ngang cắt ngang những suy nghĩ của tôi, đầu giây bên kia tiếng Đạt oang oang:
- Nhớ đến nhà thờ Fujisawa đi, có một ban phục vụ riêng cho chú đó. Ê hề chú ơi!
Biết rồi nhưng tôi vẫn hỏi tới:
- Có Phở hay bánh cuốn không?
- Không có phở, không có bánh cuốn, …nhưng có bánh căn, chè trôi nước, nem nướng, bánh mì, cháo lòng….
Linh đình quá chứ!
Dù không có món mình yêu thích nhưng tôi vẫn quyết định đi để gặp lại….. tình yêu và cuộc sống.
Cám ơn anh các cô, các chú trong Hiêp Hội đã tất bật cả mấy tuần nay để “mâm cơm ngày Tết” Fujisawa khá thịnh soạn. Bà con cô bác tham gia nhé.
Tsukaresama
Vũ Đăng Khuê
PS: Nhưng Nhớ nhe, sang năm thế nào cũng phải có “nó” đó nhe, Hứa đi.