Cái chết của hàng trăm ngàn người Việt Nam trên biển cả trên con đường vượt thoát chế độ Cộng sản Việt Nam vào đầu thập niên 1980s đã làm thế giới rung động, đưa đến việc nhiều quốc gia trên thế giới đã mở vòng tay chào đón những thuyền nhân Việt Nam đến định cư trên đất nước họ. Hong Kong khi đó không phải là một quốc gia đón nhận người Việt tỵ nạn vào định cư, nhưng là một quốc gia chuyển tiếp cho các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam được tá túc, trước khi những thuyền nhân này được đi sang định cư ở một quốc gia thứ ba. Là một trong những thuyền nhân được Hong Kong đón nhận vào thời điểm đó, ký ức của tôi về Hong Kong là một ký ức trân trọng với những sự đãi ngộ thân thiện và chân tình của người dân Hong Kong đối với những người Việt Nam chạy trốn chế độ cộng sản vào cuối thập niên 1970s đầu thập niên 1980s, và với những người bạn Hong Kong mà chúng tôi những người trẻ thời đó đã quen biết tại các hãng sở Hong Kong sau khi được cho phép ra khỏi trại tỵ nạn để đi làm việc.
Khi trại Kai Tak mở cửa cho người tỵ nạn chúng tôi được tự do ra ngoài, tôi và một số bạn đi chung tầu đã được nhận vào làm tại một hãng điện tử ở Hong Kong. Cô chủ của chúng tôi là một người Hong Kong rất khả ái, xinh đẹp. Không những thế cô rất có thiện cảm với người Việt tỵ nạn. Tôi không bao giờ quên sự kiện rút thăm trong một buổi tiệc mừng lễ Giáng Sinh vào cuối năm 1979 tổ chức cho toàn nhân viên của hãng. Cả 6 người Việt Nam chúng tôi trong hãng đều được trúng giải thưởng. Tôi thì được nhân một bộ mỹ phẩm trang điểm rất đẹp và có giá trị. Khi đó chúng tôi rất vui mừng vì nhận được món quà đầu tiên trên đất nước tự do. Chúng tôi đã đơn giản nghĩ rằng đó là do chúng tôi may mắn. Nhưng giờ đây khi nghĩ lại thì những may mắn đó thực ra là đã đến từ một sự sắp đặt trước của Ban Tổ Chức, dưới sự điều hành của cô chủ đáng yêu của chúng tôi.
Ngoài cô chủ hãng, chúng tôi cũng có được những tình cảm chân thiết của các người bạn bản xứ. Các bạn trẻ làm chung trong hãng của chúng tôi rất là tử tế. Họ đã thường xuyên tổ chức những buổi du ngoạn cuối tuần, dắt chúng tôi đi xem thắng cảnh của Hong kong. Họ mời chúng tôi tham dự các sinh hoạt ngoài trời với những thực phẩm họ tự làm lấy, trong đó có món thịt bò ướp gia vị và mật ong nướng than tại chỗ ăn rất ngon. Họ chụp cho chúng tôi những bức hình đẹp để chúng tôi nhớ về Hong Kong khi sang định cư tại nước thứ ba. Và họ cũng tặng cho chúng tôi những món quà lưu niệm để kỷ niệm tình bạn giữa họ và chúng tôi.
Phải nói những ngày tháng tỵ nạn ở Hong Kong là những ngày tháng đáng nhớ, đáng trân trọng trong ký ức mà tôi không bao giờ quên được. Cám ơn những hãng xưởng Hong Kong đã nhận chúng tôi, những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam vào làm việc trong những ngày tháng đó. Những công việc làm tạm bợ trong thời gian chờ đợi được định cư ở một nước thứ ba đối với chúng tôi rất là ý nghĩa. Nó tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài và hòa nhập vào những sinh hoạt của người dân bản xứ, được ăn những món ngon từ những xe đẩy bên đường, dọc theo các trạm ga xe điện dẫn đến trại Kai Tak vào những chiều tan sở. Đi làm, chúng tôi lại có tiền để mua quà và hàng hóa để tiếp tế cho những người thân đang trong cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Những năm sau đó, số lượng thuyền nhân đến Hong Kong ngày càng nhiều và phức tạp, không chỉ vì lý do chính trị. Có những thuyền nhân đã đến từ miền Bắc. Vì không đủ chỗ cho tất cả các thuyền nhân, và cũng vì số lượng người tỵ nạn được các quốc gia tự do đón nhận vào đã giảm đi, chính quyền Hong Kong bắt đầu đưa ra những chính sách thâu nhận thuyền nhân khắt khe hơn. Những thuyền nhân đến Hong Kong sau những năm 1980 đã bị chuyển vào những trại cấm để chờ đợi thẩm vấn và thanh lọc trước khi cho đi định cư ở nước ngoài. Những thuyền nhân này đã không được phép ra ngoài để đi làm như chúng tôi trước đó. Xem ra thì chúng tôi đã thật may mắn vì đến với Hong Kong khi chính sách nhân đạo dành cho người tỵ nạn chưa thật sự khép chặt.
Cuối tháng giêng năm 2019 tôi đã trở lại thăm Hong Kong sau 40 năm định cư tại Hoa Kỳ. Qua cuộc thăm viếng này, Hong Kong với tôi vẫn là một đất nước thân thiện tuy náo nhiệt hơn với số lượng người đông đảo thường xuyên qua lại trên đường phố, trong đó đa số là những người trẻ.
Sang đến tháng 6/ 2019 thì xẩy ra những cuộc biểu tình của sinh viên thanh niên chống đối lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc của chính quyền Hong Kong. Theo người Hong Kong dự luật này nếu được áp dụng, nó sẽ dẫn đến sự triệt tiêu quyền dân chủ của họ. Cuộc đấu tranh khởi đầu từ sinh viên chỉ là chống đối dự luật dẫn độ, nhưng sau 6 tháng tiếp diễn và bị đàn áp tàn bạo, phạm vi của cuộc chiến nay đã trở thành của mọi người dân Hong Kong chống lại chính quyền vốn được chỉ định bởi Bắc Kinh. Cuộc đấu tranh ngoài ra cũng chuyển sang một mục tiêu lớn hơn đó là tranh đấu đòi lại quyền tự do dân chủ mà người dân Hong Kong vốn phải được hưởng cho đến năm 2047 theo hiệp ước ký kết giữa Anh và Trung Quốc vào năm 1997.
Chung một hoài bão đấu tranh cho tự do dân chủ dân tộc, lại hòa lẫn trong tình cảm hướng về Hong Kong, nơi đã dung chứa tôi, một thuyền nhân tỵ nạn cộng sản, trước khi tôi đi định cư, đã dễ dàng cho tôi có được sự chia xẻ chân thiết cùng với người dân Hong Kong trong cuộc đấu tranh gian nan đối đầu Trung Quốc. Trong suốt 6 tháng qua, máu nhiều người dân vô tội đã đổ, nhiều sinh mạng đã bị mất đi, cùng với hàng trăm người dân bị thương tật, và hàng ngàn người dân bị bắt. Nhưng người Hong Kong vẫn không lùi bước bởi vì họ hiểu rằng nếu họ lùi bước, thì cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ sẽ bị dập tắt, cơ hội được sống với quyền tự do dân chủ mà họ vốn được hưởng sẽ bị tướt đoạt đi vĩnh viễn.
Cuối tuần qua đã xẩy ra những cuộc chạm trán dữ dội của những sinh viên Hong Kong tại Đại Học Bách Khoa với lực lượng cảnh sát Hong Kong được huấn luyện để trấn áp không nương tay. Bằng những phương tiện như vòi rồng phun chất hóa học làm da rát nhức, với vũ khí nhiễu âm có thể làm thủng màng nghe nếu bị tiếp xúc gần, với súng bắn đạn cao su có thể gây thương tích và lựu đạn cay, cảnh sát đã tấn công thẳng vào sinh viên đang cố thủ trong trường đại học. Hình ảnh từ các nhà báo cho thấy nhiều người dân và phụ huynh của các sinh viên Hong Kong đã ngồi tọa kháng biểu tình ở nhiều nơi cùng lúc để lôi kéo các lực lượng cảnh sát Hong Kong đến giữ trật tự, hầu làm mỏng số lực lượng cảnh sát tấn công vào trường Đại học Bách Khoa, tạo cơ hội cho các con em sinh viên của họ rút lui. Cũng có những đoàn xe của người dân Hong Kong lái hướng tới trường đại học Bách Khoa, bất kể nguy hiểm với mục đích có thể đưa các sinh viên tại đây thoát ra khỏi vòng vây của cảnh sát, vân vân. Những hình ảnh nói trên cho thấy cuộc đấu tranh hiện nay tại Hong Kong đã không còn là cuộc đấu tranh của giới trẻ đối đầu chính quyền, mà là một cuộc đấu tranh chung của người Hong Kong cho tự do dân chủ dân quyền.
Muốn có hòa bình thì phải có chiến tranh. Tự Do Dân Chủ nếu không đòi sao có. Những câu nói trên thật là có ý nghĩa. Tại hải ngoại những tổ chức cách mạng của người Việt tỵ nạn cộng sản vào thập niên 1980s của các vị Lê Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh đã đi về quốc nội để đấu tranh và đã thất bại vì nhiều lý do, nhưng nếu không có những quyết tâm này thì hải ngoại đã không là một hải ngoại đấu tranh, kiên định với tâm thức dẹp bỏ chế độ độc tài CS biến thái buôn dân bán nước, để hỗ trợ cho những con người bất khuất trong nước liên tục đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc, cho phẩm giá con người.
Tuy chế độ VC bạo ngược và thối rữa vẫn còn đó, nhưng sự tiêu vong của nó là tất yếu. Bởi ngoài lòng dân đã quyết đấu tranh, ta còn thấy những thành phần thống trị cùng với tay chân các loại đang âm thầm đem tiền bạc ra hải ngoại, tìm chỗ nương thân khi hồi chuông báo tử vang đổ.
Vinh quang cho Hong Kong và Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam!
Tuệ Vân
Ngày 24 tháng 11 năm 2019