Tháng 10 năm nay (2019), người Việt tỵ nan tại Hoa Kỳ, cũng như trên toàn thế giới, đều chấn động và cảm thương cho hai cái chết tập thể, vô cùng thảm khốc , và hết sức thương tâm của người VN. Hai cái chết giống nhau vì đều do tai nạn, các nạn nhân đa số trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng khác nhau vì xảy ra dưới hai chế độ chính trị khác nhau, trong hoàn cảnh và mục đich khác nhau, nên tác dụng lên tâm lý quần chúng cũng khác nhau.
Vụ thứ nhất, khởi đầu lúc 1 giờ 05 phút sáng,ngày 23/10, khi cơ quan cứu thương tại hạt Essex, Anh quốc, được cấp báo của một người tài xế xe hàng, về cái chết của 39 người, nằm chung trong một thùng chứa của một chiếc xe chuyển hàng từ Bỉ sang Anh quốc. Chiếc xe đang đậu tại khu công nghiệp Waterglade, tại thi trấn Grays. Khi tới nơi, họ chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: thi thể của 39 người, gồm 30 người đàn ông, 8 người đàn bà, và một thiếu niên nằm chồng chất lên nhau trong một chiếc thùng của xe chở hàng. 39 người này đều đã chết ngạt và chết cóng, do thùng chứa hàng bị đóng kín mít, và nhiệt độ được đặt -25 độ C. Các tử thi đều đã co cứng, chứng tỏ họ đã chêt từ vài giờ trước, nhiều người phanh cả quần áo, và có nhiều vết máu xung quanh một số tử thi và ngay cả trên đáy thùng. Các nhân viên y tế kết luân là: các nạn nhân đã cố vùng vẫy trong tuyệt vọng để thoát ra ngoài, gây thương tich cho mình và những người xung quanh. Họ là những người nhập cư lâu vào nước Anh bằng xe chở hàng.
Vì các nạn nhân không mang theo giấy tờ tùy thân, nên thoạt đầu, cơ quan công quyền Anh cho rằng họ là người Trung Quốc, vì 19 năm về trước, vào tháng 6 năm 2000, thi thể của 58 người Trung Quôc nhập cư trái phép, cũng được phát hiện trong một thùng xe tải ở Dover, Hòa Lan.
Câu chuyện thương tâm được loan truyền trên hệ thống truyền thông toàn thế giới. Thủ Tướng Boris Johnson của Anh quốc đã đọc diễn văn bày tỏ lòng thương cảm cho những cái chết đau thương này, và đặt vòng hoa tưởng niệm. Nhà thờ Anh quốc đã có buổi lễ cầu hồn cho 39 nạn nhân. Khi đó, vài gia đình của các nạn nhân tại Nghệ An và Hà Tĩnh bắt đầu lên tiếng xác nhận rằng có con em của họ trong số những người chết . Sau cuộc điều tra phối hợp giữa chính quyền Anh quốc và Việt Nam, kết luận là 39 người chết đều là người Việt Nam, đa số đều xuất phát từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngay 23 tháng 2, Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc và các lãnh đạo đảng, đã về Nghệ An để chia buồn, an ủi, và hứa hẹn sẽ giúp đỡ các tang gia.
Chính quyền Anh đề nghị, nên thiêu các tử thi, và chuyển các hũ tro cốt về VN cho gia đình. Như vậy, gọn, nhẹ, và đỡ tốn kém. Vì chuyển thi thể, cần giữ trong các thùng kẽm hàn kín , và giữ nhiệt độ âm trong suốt cuộc hành trình dài, và mỗi máy bay chỉ chở được tối đa là 4 thùng kẽm. Như vậy, việc chở thi thể rất phiền toái, và tốn kém. Chính phủ VN cũng không muốn sự hiện diện của 39 chiếc quan tài nằm hàng dẫy trong phi trường Nội Bài, đánh dấu một bằng chứng, không thể chối cãi về sự thất bại của chính quyền trong việc ổn định đời sống của nhân dân, và cũng là một hình ảnh không đẹp với quốc tế. Hơn nữa, về tới VN, các quan tài còn phải chuyển từ phi trường Nội Bài về tới Nghệ An và Hà Tĩnh, với giá chuyên chở tốn kém khoảng 100 triệu đồng cho mỗi chuyến. Ai là người sẽ chi trả những phí tổn này? Nguyện vọng của thân nhân các nạn nhân, là muốn được chuyển thi thể con em về quê để họ được nhìn mặt lần chót, trươc khi an táng, và hơn nữa, họ cũng e ngại việc nhầm lẫn tro cốt khi thiêu tập thể và trong diễn tiến chuyển giao. Về chi phí, các tang gia cứ khăng khăng trông cậy vào sự giúp đỡ của chính quyền. Tuy nhiên, ngày 18/11, chính quyền VN đã chính thức thông báo là chính quyền sẽ tạm ứng cho chi phí di chuyển vế VN, nhưng thân nhân phải làm giấy cam đoan sẽ bồi hoàn lại, tùy theo yêu cầu đem tử thi hay đem tro..
Dư luận của người Việt Nam trong và ngoài nước, thì vô cùng phân hóa. Có người tỏ lòng thương xót cho những cái chết thảm khốc này. Ho lý luận, vì con người, ai cũng mơ ước một cuộc sống tươi đẹp hơn, nên dùng câu "nghĩa tử là nghĩa tận", để cầu nguyện cho họ. Có nhiều người phân tích rạch ròi, những người ra đi, đều từ các gia đình có máu mặt ở Nghệ An và Hà Tĩnh, vì số tiền phải trả cho mỗi chuyến đi không phải là nhỏ ( khoảng từ 30,000 tới 50.000 đô la). Một số trong các nạn nhân đã từng là "dư luận viên" cho chính quyền, làm tai mắt cho chế độ, và thẳng tay đàn áp những người biểu tình hoặc bất đồng chính kiến. Họ ra đi, nếu thành công, thì đem quyền lợi vật chất cho cá nhân và gia đình họ. Nay, thất bại, họ không nên đòi chính quyền dùng tiền thuế của dân để chi phí. Đó là sự bất công! Có người lại kết án chính quyền CSVN đã không lo được cho dân một đời sống ổn định, để họ phải tìm đường "tha phương cầu thực" bằng cách nhập cư lậu. Dù cho thế nào, sự việc xảy ra đã khiến cho CSVN phải mất mặt với quốc tế, và xấu hổ với nhân dân trong nước.
Chỉ 3 ngày sau cái chết của 39 người nhập cư lậu vào Anh quốc, ngày 26/10, tại Little Saigon, di cốt của 81 chiến sĩ nhảy dù thuộc Đại Đội 72, Tiểu đoàn 7, quân lực VNCH, đã được long trọng an táng tại nghĩa trang Westminter, Nam Cali. Một buổi lễ vinh danh trang trọng, với sự có mặt đầy đủ các chức sắc chính quyền, các đại diện tôn giáo, và đông đảo người tỵ nạn VN tham dự, và cầu nguyện . Sau đó, các buổi lễ cầu siêu đã được cử hành tại các nhà thờ, và các chùa chiền tại Nam và Bắc Cali.
Ngược dòng lịch sử, ngày 11/12/1965, Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, quân lực VNCH vừa xong nhiệm vụ tại chiến trường cao nguyên, chuẩn bị về Saigon, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 đi đánh giải vây cho Sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn tại Tuy Hòa. Chiếc máy bay C-123 chở Đại Đôi 72, thuộc Tiểu Đòan 7, vì sương mù, đã lâm nạn trên một vùng núi Trường Sơn, khiến phi hành đoàn gồm 4 quân nhân Hoa Kỳ và 81 binh sĩ Nhảy Dù VNCH tử nạn.
Mãi tới năm 1974, người ta mới tiếp cận được nơi máy bay rớt, nhưng khi đó, hài cốt các nạn nhân đã trộn lẫn vào nhau, nên phải liệm chung vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã dùng thử nghiệm DNA để xác nhận được 4 quân nhân Hoa Kỳ, đem về an táng tại nghĩa trang Arlington, Virginia. Các hài cốt của 81 quân nhân Nhảy Dù VN được chuyển về phòng giảo nghiệm của Quân đội Mỹ tại Hawaii, để giảo nghiêm danh tánh, và lưu giữ tai đây cho tới nay, vì chính quyền CSVN không cho phép được chôn trong các nghĩa trang tại VN, và cũng không đủ tư cách pháp lý để chôn cất trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ngày 16/11, tại nghĩa trang Westminter, hài cốt của 81 người lính nhảy dù anh dũng, bỏ mình trong một chuyến chuyển quân, giữa giai đoạn ác liệt của chiến tranh VN, đã được chôn tập thể trong một ngôi mộ chung, giữa miền đất đầy những tình cảm nồng ấm và nặng lòng tri ân của đông bào VN tỵ nạn CS . Từ đây, các anh đã được an nghỉ trong một đất nước tự do và dân chủ, đúng như lý tưởng mà các anh đã từng chiến đấu cho.
Xin kính cẩn cúi đầu cầu nguyện cho hương hồn 81 người lính Nhảy Dù được an nghỉ thảnh thơi nơi chốn vĩnh hằng, và cũng xin thành thật cám ơn Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, người đã tận tâm, can thiệp, và xúc tiến viêc tìm chỗ an táng cho 81 người quân nhân VNCH.
Hai cái tang "máu chảy ruột mềm" của người tỵ nạn, đã xảy ra dưới hai chế độ khác nhau: dân chủ tự do, và độc tài Cộng Sản, đã làm mọi người tuy thương cảm, nhưng cũng phải suy nghĩ về sự mỉa mai của những cái bánh vẽ "ấm no, hạnh phúc" , và " của những người Cộng Sản.
Đan Tâm
11/2019