Con người là kết quả của nền giáo dục nơi họ sinh sống. Điều này gần như là một quy luật và giải thích ít nhiều vì sao lại có sự khác biệt giữa con người ở các quốc gia khác nhau. Một trong những ví dụ tiêu biểu là thanh niên Hong Kong và Việt Nam.
Trong tuần vừa qua ở Hong Kong, các bạn trẻ tuổi học sinh sinh viên đã liên tục xuống đường biểu tình để phản đối sự bành trướng của một chính quyền độc tài ở lãnh thổ họ.
Từ việc áp đặt người đại diện cho đến sự can thiệp vào cơ chế điều hành. Mặc dù chưa đến năm 2047 nhưng Hong Kong gần như đã không còn được tự do theo thoả thuận “Một đất nước, hai chế độ” như được cam kết trước đây.
Những bạn trẻ chấp nhận mất việc làm, thu nhập, học tập và tính mạng. Vì họ biết rằng mặc dù nỗ lực đó có thể không có tác dụng nhưng phải để cho thế giới biết thay vì im lặng để ai cũng nghĩ rằng họ bằng lòng. Họ mặc kệ cuộc sống hiện tại vì nếu với đà này thì Hong Kong sẽ không còn tương lai.
Trong khi đó, ở đất nước được cho là “hạnh phúc nhất thế giới” thì người dân lại háo hức dồn hết công sức vào hai trận bóng thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2022. Tuần rồi khi Đội Tuyển Việt Nam ghi một bàn vào lưới UAE, cả nước cũng xuống đường. Nhưng khác với những bạn trẻ Hong Kong, thay vì đòi tự do, những bạn trẻ ở đất nước này lại ăn mừng một trận bóng.
Họ mang cờ, họ lướt phố trên chiếc xe máy. Tay vẫy mạnh và hô tô “Việt Nam vô địch” như thể mình đã chinh phục cả thế giới. Họ bất cần những thứ xa vời khác. Cuộc sống của họ là những trận bóng, những buổi ăn với bạn và những hàng giờ tám dóc. Họ thèm khát cảm giác chiến thắng, còn tự do hay dân chủ là điều mơ hồ cho nên chẳng ai bận tâm đến.
Cùng một thế hệ nhưng lại hai con người khác nhau. Về văn hoá và tư duy. Suy cho cùng, tất cả đều vì giáo dục và cơ chế.
Thanh niên Hong Kong lớn lên trong di sản của đế chế Anh. Từ cơ chế thị trường của Adam Smith, khái niệm tư pháp độc lập cho đến sự tối thiểu của nhà cai trị. Tất cả cộng lại hình thành một dân tộc yêu mến sự tự do và chủ nghĩa tư bản. Khi những giá trị tinh thần đó, vốn đã biến một hòn đảo hoang sơ thành một trung tâm tài chính, đang bị đe doạ và dần bị đánh mất, thì những người dân nơi đó nổi dậy để đòi lại.
Khác với bạn trẻ ở xứ tự do đó, học sinh sinh viên Việt Nam thì lại lớn lên trong một thể chế toàn trị. Ở trường thay vì được dạy những bài học về tự do thì họ lại bị tẩy não để sùng bái lãnh tụ, tổ chức và coi hai cái đó là tổ quốc. Trong đầu họ, đó là sự yên bình, còn những gì đang diễn ra ở Hong Kong là sự bất ổn không cần thiết. Họ không hiểu tại sao con người ở nơi kia vốn đang sống trong giàu sang thì lại “Đánh bỏ nồi cơm” của mình để làm những chuyện tào lao như biểu tình.
Người dân Hong Kong được dạy rằng chính quyền được thành lập bởi người dân để phục vụ họ như bài học của John Locke. Ngược lại, người dân ở đất nước 96 triệu dân lại được dạy rằng phải tuân thủ và làm theo những gì chính quyền dạy, đừng bao giờ hoài nghi hay thách thức đường lối.
Một bên lớn lên trong đất nước có tự do ngôn luận, nên họ tự nhiên khám phá lịch sử và tự tìm hiểu. Còn một bên thì được nuôi trong một trại tù yên bình, nơi quan điểm trái với nhà nước là “phản động” và những ai tìm hiểu những gì truyền hình không nói là những thành phần bất mãn.
Dần dần, thời gian kèm cơ chế hình thành những con người khác biệt nhau tuy lớn lên cùng thời. Một bên xuống đường đòi tự do, một bên xuống đường ăn mừng bóng đá. Một bên dấn thân vì tương lai nơi mình sinh sống, một bên chìm đắm trong bia rượu. Một bên được thế giới ngưỡng mộ, còn một bên thì liên tục bị nhục mặt vì những tai tiếng trên thế giới.
Nên trách hay lên án, nên buồn hay vui, nên bực hay bỏ qua, nên quan tâm hay mặc kệ. Phải nói gì khi người dân ở đất nước này đang tự hào vì thắng vài trận bóng. Biết làm gì khi họ đã bất cần những thứ người khác đang đấu tranh. Nên đổ lỗi hay tự nhận trách nhiệm về mình.
Càng ngưỡng mộ những bạn trẻ Hong Kong bao nhiêu thì càng đau buồn cho thế hệ CHXHCNVN bấy nhiêu. Cơ chế tự do sinh ra những con người can đảm đầy nghị lực. Còn chế độ toàn trị sản sinh ra những con người không não vô cảm.
Những con chim Việt đang bị nhốt trong lồng thì nghĩ rằng bay lượn là căn bệnh. Sống trong nô lệ nhưng nghĩ mình đang yên bình. Một thế hệ, hai con người.
[20.11.2019]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa