Quyết định rút quân ra khỏi Syria của tổng thống Trump đã tạo phản ứng mạnh mẽ của các dân cử hai đảng Dân Chủ và Cộng hòa. Hạ viện mà đảng Dân chủ chiếm đa số đã ra một nghị quyết chống việc rút quân ra khỏi Syria với số phiếu 354-60. Số 60 phiếu chống là thuộc đảng Cộng hòa. Sau cuộc bỏ phiếu này, các lãnh tụ quốc hội đã được mời họp với tổng thống Trump ở Bạch cung. Nhưng cuộc họp đã không đi tới đâu. Phía Dân chủ đổ cho sự nóng nảy của ông Trump. Phía Cộng hòa đổ cho chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi là người không chịu nghe. Cả hai bên đều gọi đó là “sự nóng chẩy của lò nguyên tử”.
Thượng nghị sĩ Chuck Schummer, lãnh tụ khối thiểu số thượng viện nói với các phóng viên rằng “Ông ấy (Trump) đã sỉ mạ, đặc biệt là đối với chủ tịch Hạ viện. Còn bà ấy thì bình tĩnh, nhưng ông ấy nói rằng bà ấy là một “chính khách hạng ba”. Ông Schummer mô tả cuộc gặp gỡ là: “Không phải là một cuộc thảo luận, mà là một cuộc tấn công hằn học chua cay, tàn tệ. Không tập trung vào các sự kiện. Bà Pelosi nói “Điều mà chúng tôi chứng kiến nơi tổng thống là sự “nóng chẩy của lò nguyên tử.” Thật buồn mà phải nói như thế”
Ngược lại, thư ký báo chí Bạch cung Stephanie Grisham trong một bản tường trình gửi cho truyền thông nói tổng thống Trump là “chừng mực, cụ thể và dứt khoát, trong khi quyết định bỏ đi ra của chủ tịch hạ viện Pelosi là gây bối rối, nhưng không làm ngạc nhiên. Bà chủ tịch không có ý định muốn nghe hay đóng góp cho một buổi họp quan trọng về những vấn đề an ninh quốc gia. Trong khi các lãnh đạo đảng Dân chủ quyết định ào ra đến trước các máy thu hình để than van thì mọi người khác tiếp tục ở trong phòng họp để làm việc cho đất nước”.
Lãnh tụ thiểu số Cộng hòa ở hạ viện Kevin McCarthy, cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ, gọi buổi họp là “có kết quả” và tổng thống Trump nói rõ rằng ưu tiên chính của ông là “làm Hoa kỳ an toàn”. Ông McCarthy nói: “không may là bà chủ tịch đã cố chính trị hóa mọi sự. Những phát biểu của bà không đem lại kết quả nào cả. Nhào ra khỏi cuộc họp, như tôi đã từng chứng kiến trong những cuộc khủng hoảng khác, không phải là phương cách một vị chủ tịch nên hành xử”.
Cái tình trạng liên tục “sư nói sư phải vãi nói vãi hay” này đã trở thành quy luật thảo luận kể từ khi Donald Trump trúng cử tổng thống. Bắt đầu từ buổi lễ tuyên thệ nhận chức của ông Trump. Truyền thông kỳ cựu tường thuật rằng người tham dự không nhiều. “Truyền thông tin khác” của cố vấn Kellyanne Conway của ông Trump thì bảo rằng người có mặt ủng hộ thật là đông đảo.
Những người chống quyết định rút khỏi Syria coi đó là hành động bỏ rơi, phản bội người Kurds, là bật đèn xanh cho Thổ nhĩ Kỹ tấn công vào Syria. Mà hệ quả sẽ là làm mất niềm tin ở Mỹ, sẽ khiến Mỹ không thể nào có bạn đồng minh trong tương lai. Ông Trump, ngược lại biện luận rằng người Kurds biết chiến đấu ra sao, và rằng Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền cho người Kurds chiến đấu. Trong cuộc họp với tổng thống Ý Sergio Matarella ở phòng Bầu dục Bạch cung ông nói với các phóng viên rằng “nếu mà Thổ nhĩ kỳ tiến vào Syria thì đó là chuyện giữa Thổ nhĩ Kỳ và Syria”. Và ông thêm rằng “đó không phải là chuyện giữa Thổ nhĩ Kỳ và Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, như là nhiều kẻ ngu xuẩn muốn các bạn tin như thế”. Những nhà chính trị chống việc rút quân mạnh mẽ như thượng nghị sĩ Lindsey Graham nghe thế hẳn bực mình ghê gớm. Nhưng quần chúng bình thường thì thấy tuyên bố của ông Trump cũng có điều hợp lý.
Tại sao mà lại có dư luận chính trị chống quyết định rút quân của ông Trump đến như vậy? Thực tình thì chẳng có mấy ai ở Hoa kỳ, vốn đã bù đầu với việc kiếm tiền và bận rộn với việc giải trí, biết người Kurds hình thù ra sao và ở chỗ nào trên thế giới? Quá lắm thì có thể biết rằng người Kurds sống đâu đó ở Trung Đông. Quả thực như thế, người Kurds không có quốc gia, sống ở vùng núi non nằm lọt giữa Thổ nhĩ kỳ ở phía bắc, Syria phía tây, Iraq phía nam, Iran phía đông. Họ không có chung một ngôn ngữ, và theo nhiều tôn giáo khác nhau, mà đa số là Hồi giáo Sunni. Họ đã từng bị Thổ nhĩ Kỳ coi là thù địch vì có một nhóm sống trên đất Thổ nhĩ Kỳ chủ trương ly khai khỏi Thổ nhĩ Kỳ. Tùy từng thời kỳ mà người Kurds bị những xu hướng chính trị khác nhau sử dụng, từ Nga đến Mỹ Do Thái đến các nước Ả rập và Iran. Trong giai đoạn chiến tranh Syria họ được Mỹ và Do Thái hỗ trợ để chống đánh Syria và ISIS. Đối với ông Trump, người Kurds như một loại lính đánh thuê trong một khuỷnh nhỏ chừng 22 dặm vùng biên giới Thổ nhĩ Kỳ và Syria. Số quân Mỹ ở đó chừng trên dưới một ngàn người không nói rõ là làm gì nhưng người ta dư biết là giữ nhiệm vụ quan sát, điều hợp, tiếp trợ các loại hoạt động quân sự, an ninh, tình báo. Bây giờ chiến tranh Syria đã kể như xong, vì có Nga nhẩy vào từ tháng 9/2015, bằng những can thiệp không lực, giúp cho chính quyền Assad còn nguyên đó cho tới nay. Lời tổng thống Obama tuyên bố “Assad phải đi” để mở đầu cuộc chiến Syria dưới chiêu bài “giúp dân Syria giành tự do dân chủ” năm 2011 và nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã bị bỏ sang bên sau khi Nga chính thức ra mặt ủng hộ Assad theo lời kêu cứu của ông này khi sắp bị lật đổ. Căn cứ Nga được củng cố ở Latakia trên đất Syria, bên bờ Địa Trung Hải, đồng thời với việc viện trợ cho Syria hệ thống phòng không tối tân S300 và S400 để đối phó với những tấn công tùy tiện của không lực Do Thái, trong đó có cả loại phi cơ phản lực mới nhất của Mỹ là F35.
Nếu Mỹ rút đi thì ảnh hưởng tiêu cực đè nặng lên Do Thái. Vì thế cho nên những tiếng nói chống đối quyết định rút quân nhao lên từ các nhân vật chính giới hai đảng ở Mỹ, mà người ta biết rằng rất gắn bó với Do Thái. Thủ lãnh khối đa số thượng viện là thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell tuyên bố rằng “rút quân khỏi Syria là làm lợi cho kẻ thù Hoa kỳ - tức là Iran, Nga và chế độ Assad”. Ông Connell né không nói đến Do Thái, vì nói ra như thế thì người không để ý vấn đề thời sự sẽ hỏi kẻ thù Do Thái mà tai sao Mỹ phải lo. Thực vậy, Iran là kẻ thù của Do Thái, vì là lực lượng đối trọng không để cho Do Thái một mình một chợ Trung Đông. Chế độ Assad là cái gai cho Do Thái vì Syria trong tay Assad kể như là bỏ ngỏ cho Iran tùy tiện thả chốt gần vùng Do Thái trấn giữ. Nga là sức mạnh chặn Do Thái, giúp cho Assad khỏi bị bứng đi từ cuối tháng 9/2015, như người ta đã biết, và dần dần thu hồi lại hầu hết những phần đất đã bị bấu xấu chiếm lĩnh bởi những lực lượng nổi loạn mọc lên nhờ các nước Ả rập tay chân của Mỹ và Do Thái, gộp chung lại dưới một tên ISIS bởi truyền thông thế giới.
Cho nên, ngoại trưởng Pompeo ngay sau khi có quyết định rút khỏi Syria của ông Trump đã cùng với đặc sứ Mỹ phụ trách Trung Đông đi sang Do Thái để gặp thủ tướng Netanyahu, khẳng định Mỹ không coi nhẹ Do Thái.
Sự lo ngại bị bỏ rơi đã khiến báo Do Thái Jerusalem Post ghi lại đầy đủ những biện giải của ông Trump về quyết định Syria trong bài tường thuật ngày 13 tháng 10/2019 nhan đề “ông Trump đã thề trung thành với Do Thái khi chỉ trích những cuộc chiến tranh kéo dài ở Trung đông” qua bài diễn văn đọc trước hội nghị thường niên về giá trị cử tri (Values Voters conference ở Washington, DC). Xin lược trích vài điểm chính ở đây:
“Ông nói bất cứ một can thiệp quân sự nào mà chúng ta gửi thanh niên nam nữ của chúng ta vào chỗ chết thì phải có mục tiêu rõ ràng, những quyền lợi quốc gia sinh tử và một chương trình thực tế chấm dứt chiến tranh” Và “Tại Syria, chúng ta tính ở đó 30 ngày và rút cục là chúng ra đã ở đó 10 năm. Những cuộc chiến như vậy, không bao giờ chấm dứt. Chúng ta phải mang quân đội chúng ta ra khỏi những cuộc chiến không bao giờ chấm dứt đó.”
“Chúng ta đã tiêu 8 ngàn tỉ ở Trung Đông, nhiều ngàn binh sĩ đã tử trận, hàng chục ngàn bị thương. 4 ngàn tỉ tiêu ở Iraq, và bây giờ Trung Đông ít yên ổn thiếu an ninh hơn trước. Iraq là sai lầm lớn nhất mà nước ta đã phạm phải khi đến Trung Đông”
”Ông nói ông biết rằng trong vấn đề biên giới Thổ nhĩ Kỳ-Syria, ông là “một hải đảo một người” trong khi có nhiều người chống đối quyết định của ông. Cái giải đất 30km – 22 dặm- đó người Kurds tính rút đi. Thế là tốt. Để cho họ có biên giới của họ. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta phải ở đó 50 năm nữa để canh giữ biên giới Thổ nhĩ Kỳ và Syria khi chúng ta không thể giữ biên giới ngay trong nước chúng ta”..
Và:
“Ông Trump nói Mỹ đã chi rất nhiều tiền cho người Kurds trong nhiều năm. Và “đừng quên rằng họ chiến đấu cho đất của họ, họ đã không giúp chúng ra chiến đấu cho đất chúng ta”
Ông còn tweet thêm “Những người đã đưa chúng ta vào bãi lầy Trung Đông, 8 trillion đô la và nhiều ngàn sinh mạng (nhiều triệu nếu tính cả phía bên kia) đang tranh đấu để giữ chúng ta ở đó. Đừng nghe những người không hiểu gì cả. Họ đã chứng tỏ là không có khả năng”.
Nhiều người đã chê ông Trump vì cung cách ăn nói bặm trợn của ông. Và nghĩ rằng người như thế không thể nào có những suy nghĩ chín chắn. Nhưng qua quyết định rút khỏi Syria, khách quan mà xét, ông Trump đã có quyết định đúng. Nhưng phải nói luôn rằng ông cũng chịu nhiều áp lực lắm. Vì sau chót thì bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã nói rằng quân Mỹ sẽ không rút về nước, mà sẽ sang đóng tại Iraq. Ngoài ra, cũng vào dịp này người ta còn thấy ông Trump phát biểu “phải đạo” nhân cái chết của dân biểu Elijah Cummings, chủ tịch ủy ban Canh chừng và cải thiện (House Oversight and Reform Committee) của Hạ viện, là người không ngại ngần chỉ trích chính phủ Trump. Và ông Trump cũng từng công kích thậm tệ ông Elijah và đơn vị ông đại diện là Baltimore.
Có lẽ sau chót thì ông Trump cũng đã học được phần nào cách ăn nói sau ba năm ngồi ở phòng bầu dục Bạch cung chăng?
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 21 tháng 10/2019)