Nhân đọc bài "Liệu có nhầm không" của GS Nguyễn Đình Cống
Hà Sĩ Phu - Bauxite VN
Thưa GS Nguyễn Đình Cống (NĐC) cùng quý vị độc giả,
Cuốn sách “Chia tay Ý thức hệ” (NXB Tự do) là thiện ý của bạn bè ở hải ngoại từ năm 2012 muốn có một cuốn sách ghi lại làm kỷ niệm 3 bài viết đã cũ của tôi từ 20 năm trước. Sau 3 bài cơ bản ấy tôi đã viết và trả lời phỏng vấn hơn 200 bài khác, phản ánh sự phát triển nhận thức của tôi kịp dòng thời sự. Vì thế tôi đã đề nghị ghi vào đầu sách mấy dòng như:
Đôi lời với bạn đọc 2012
Ba bài tiểu luận này bắt đầu viết từ 1988 đến 1995, đến nay đã trên dưới 20 năm. Tình hình thế giới và đất nước đã bao thay đổi, nhận thức của tác giả (HSP) cũng được bổ sung nhiều. Nếu được viết lại chắc chắn phải sửa đổi một số ý, đặc biệt là đánh giá kết quả giành Độc lập của mấy cuộc chiến tranh, cùng với Hồ Chí Minh và những nhân vật lịch sử thời ấy, cũng như nguyên nhân dẫn đến nguy cơ “Bắc thuộc kiểu mới” hiện nay, từ đó càng thấy rõ thêm những tác hại của một học thuyết sai lầm đối với Tổ quốc chúng ta.
Tôn trọng thời điểm lịch sử của bài viết, chúng tôi vẫn giữ nguyên văn, nên gặp những điểm còn ấu trĩ lúc ban đầu mong người đọc rộng lòng lượng thứ…
Hà Sĩ Phu - Tháng 12-2012
**
Trong những điều tôi đã biết là cần viết lại cho rõ hơn thì chủ yếu là cái câu ngắn gọn “Ta biết ơn chiếc thuyền nan đã đưa ta qua sông” (mà GS NĐC đã trích ra), khi tôi khuyên ĐCS phải biết từ bỏ “con thuyền Đảng trị Mác-Lê” khi đã qua sông.
GS NĐC là người đồng cảm với tôi một cách hết sức sâu sắc trong những nhận thức về triết học và xã hội, nên trong mấy trăm trang sách mà ông rất đồng tình, ông đã thấy “gợn” ngay lên một chút gì đó cần phải minh định trong cái câu ngắn gọn “ta biết ơn” ấy (biết ơn chủ nghĩa Mác-Lê đã giúp dân ta giành độc lập). Thực ra trong ba chữ “Ta biết ơn” ấy” thì chỉ một chữ “Ta” là quan trọng, vì tùy theo “VN ta”,“đảng ta”, hay “dân ta” thì sự cảm ơn kia sẽ là đúng hay sai.
Thực ra ngay từ đầu, trong bài “Dắt tay nhau…” năm 1988 tôi đã thấy thân phận khác nhau giữa “anh lái xe” và đoàn người trên xe (tức thân phận khác nhau giữa ĐCS và nhân dân) trên con đường Mác-Lê vạn dặm.
Chủ nghĩa CS đã trao cho người lái xe, tức ĐCS “một phương tiện quá đặc biệt, một chiếc xe mà trên đó có đủ lương thực (và quyền lợi) đến mức anh ta ăn cả đời không hết, thì chỉ cần đi một quãng là anh ta bắt đầu thay đổi ý định: cứ ngồi lì trên xe mà tọa hưởng, chứ dại gì xông pha mưa gió đến nơi xa xôi nọ! Dẫu có đến nơi thì cái phần mà anh sẽ được chia chắc gì đã bằng cái phần mà anh đang có sờ sờ trên chiếc xe này? Thế là anh lái xe biến luôn cái PHƯƠNG TIỆN chung kia thành MỤC ĐÍCH. Anh ta 'đến đích' một mình, đến 'thiên đường' rất sớm, còn mọi người thì chẳng ai được 'xơ múi' gì cả. Khi chiếc xe chỉ nổ máy, chữa máy giữa đường mà không đi nữa thì người lái xe đâu cần phải biết lái xe! Cái anh ta cần biết bây giờ là kỹ thuật gây ảo giác và làm tê liệt khả năng phản ứng của mọi người.
Ngay từ 1988 tôi đã thấy người cầm lái trên “chuyến xe CS” nhất định sẽ vì lợi quyền trong tay mà phản lại mục đích ban đầu, mà chống lại khát vọng của nhân dân, trở thành lực lượng đối lập với nhân dân, chuyên lừa bịp và đàn áp. Chủ nghĩa CS đã chủ trương một con đường cực đoan khác biệt, chống lại những phương thức điều hành dân chủ nên đã trao cho ĐCS một quyền lực tuyệt đối nên khi đã cầm quyền thì dần dần họ đối lập với nhân dân.
Vấn đề khiến tôi lúng túng trong cách diễn đạt là: để khuyên ĐCS phải từ bỏ con đường CS, tôi đã ví von như kẻ lữ hành khi đã qua được sông rồi thì vứt con thuyền ở lại chứ đừng vác thuyền trên vai mà đi! Sự ví von đó có phần không thích hợp, vì người du hành cảm ơn con thuyền đã giúp mình vượt qua con sông, chứ VN dùng con thuyền CS thì vượt qua được gì? Chẳng những không giúp VN giành độc lập mà ngược lại đã dẫn dắt VN từ một nước đã có độc lập (chính phủ Trần Trọng Kim) đến chỗ trở thành ngôi sao nhỏ thứ 6 trên lá cờ Trung quốc, như thân phận 4 chư hầu khốn khổ Mãn-Hồi-Mông-Tạng vậy! “Đảng ta” phải cảm ơn học thuyết Mác-Lê là đúng, vì nhờ học thuyết ảo tưởng phi khoa học nhưng đầy hấp dẫn đó nên lôi cuốn được số đông đầy cảm tính và chiếm được ngôi chúa tể trong xã hội, chứ “dân ta” thì được gì mà phải “cảm ơn”?
Hình ảnh qua sông vẫn vác con thuyền trên vai là dành cho một anh ngu đần ngớ ngẩn trong chuyện tiếu lâm, chứ không đúng trong trường hợp ĐCS kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, vì trong mục tiêu giành quyền lực độc tôn thì ĐCS không hề ngớ ngẩn mà tinh khôn vào bậc nhất.
ĐCS tinh khôn vẫn vác con thuyền trên vai mà đi khiến tôi đã đặt câu hỏi “anh giấu cái gì trong đó?” (tức là đã nghi ngờ có mưu mô gian dối bên trong), nhưng năm ấy tôi chưa dám tách “VN ta” thành hai thành phần đối lập “đảng ta” và “dân ta” nên cứ lúng túng và mâu thuẫn trong cách diễn đạt, và đúng như GS NĐC nhắc nhở: điều mập mờ lúng túng này đến hôm nay nhiều trí thức chúng ta vẫn không tránh khỏi.
Về lý luận công khai, việc tách ĐCS thành một nhân tố khác biệt và đối lập với nhân dân quả là điều vô cùng khó khăn, nhất là tôi bắt đầu viết từ khi mà sự toàn trị của ĐCSVN vẫn còn rất yên lành. Để che đậy sự khác nhau, ĐCS đã luôn một mực tuyên bố quan hệ mật thiết máu thịt với nhân dân “ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân đảng ta không có lợi ích nào khác”, ai nói khác đi là chia rẽ đảng với nhân dân, là tội tày đình. Tôi chỉ có thể vạch ra cái ý phải cảnh giác với “anh lái xe” hay “anh lái thuyền”, tức bộ phận đang dẫn đường và lèo lái dân tộc, vì những kẻ dẫn đường này có lợi quyền đặc biệt và có mưu mô. Mặc dù đã khéo léo như vậy tôi vẫn bị số đông tránh né vì coi là “phần tử chống đối-phần tử cực đoan”. Tôi đã phải viết thư ra hải ngoại, từ chối một giải nhân quyền, xin đừng trao giải cho tôi vì việc đề cao tư tưởng của tôi sẽ làm nhiều người lúc bấy giờ hoảng sợ mà xa lánh tôi. Ấy là vào những năm đầu của thế kỷ 21.
Nhưng rồi tình hình dân chủ tiến triển, số trí thức và các bạn trẻ, trong đó có nhiều đảng viên đã đọc các bài viết của những trí thức dân chủ, đã hiểu dần ra và mạnh dạn phản biện, mạnh dạn bộc lộ nhu cầu dân chủ, nhất là các bạn trẻ giàu sáng kiến. Tôi mới dần dần bộc lộ ngày một rõ hơn những điều trước đây mình chỉ hé lộ. Chủ yếu là mấy điều sau đây (tất cả đã đăng trên các trang Web dân chủ công khai):
1/ Mọi thắng lợi đều do truyền thống yêu nước và lòng hy sinh cao cả của dân tộc
Sự nghiệp giữ gìn nền độc lập tự chủ cho Tổ quốc luôn lấy sức mạnh từ truyền thống yêu nước dũng cảm và thông minh hàng nghìn đời của nhân dân VN. Chủ nghĩa CS đã ký sinh vào nguồn sức mạnh ấy, đã khai thác nó, tận dụng nó để giành thắng lợi. Vậy ĐCS phải cảm ơn cội nguồn nhân dân vĩ đại ấy chứ không phải điều cảm ơn ngược lại, rằng “nhờ có chủ nghĩa CS mà VN giành được độc lập”! ĐCS Trung Quốc ranh ma lại mượn con đường CS để xâm chiếm nước ta một lần nữa, như vậy tác hại của chủ nghĩa Mác-Lê đối với nhân dân VN lại được “lũy thừa”.
2/ Cần làm rõ khái niệm Nội xâm
Gọi Tham nhũng là giặc Nội xâm chỉ là sự ví von, nhằm đánh lạc hướng. Tham nhũng là tội kinh tế, nội xâm tức xâm lược là tội chính trị. Đảng cầm quyền độc tài chiếm mất quyền làm chủ đất nước của người dân mới chính là kẻ Nội xâm, dân bị mất nước vào tay người trong nước nên mới có chữ “Nội xâm”.
3/ Hai khái niệm “Việt Nam” trong nhận thức và lý luận
Lâu nay nhiều ý kiến muốn vạch lối Việt Nam nên thế này, VN nên thế kia, đó là những câu nói chưa rõ chủ từ. Vì Việt Nam nào chứ?
Hiện nay có hai cái đều gọi là VN: Việt Nam “B” là một VN với danh nghĩa chính thức, do nhà cầm quyền CS đại diện trước quốc tế và toàn quyền điều hành trong nước. Một Việt Nam “A” là VN của nhân dân VN, mang hồn cốt của dân tộc VN mà đại diện là tầng lớp Dân chủ và quần chúng tiến bộ ngày nay. Đó là 2 VN khác nhau, đối lập đến mức Sinh lộ của anh này là Tử lộ của anh kia, lối thoát của anh này thì anh kia chống lại. Không có lộ trình nào là chung cho cả A lẫn B để có thể dùng chữ “chúng ta” hay Việt Nam một cách chung chung.
4/ Muốn Thoát Trung phải Thoát Cộng, mà CS là thứ không thể “thoát ra” bằng cách sửa chữa và cải tạo (như nhận định của Boris Yeltsin)
Nội xâm là CSVN độc tài toàn trị. Ngoại xâm là CS Đại Hán Trung quốc. Ai rước cả hai kẻ “xâm lược” ấy vào đất nước VN thì người đó là chính phạm gây đại họa cho VN. ĐCS và các TBT về sau, dù phải được CS Trung quốc duyệt y theo một tiêu chuẩn quan trọng là nguyện nhượng bộ cho Tàu thì cũng chỉ là những kẻ tòng phạm, vì họ chỉ là những kẻ lái tàu trên một đường ray đã thiết kế sẵn. Điều đó giải thích vì sao cả kẻ Nội xâm lẫn Ngoại xâm đều bám chặt vào nhân vật HCM, chẳng qua là đễ giữ nguyên cái đường ray đã được thiết kế, trên đường ray ấy thì mọi chuyển động dù phức tạp đến mấy cũng vẫn dẫn đến cái đích đã được thiết kế, mà có thể người thiết kế cũng tưởng đấy là cái đích huy hoàng (?). Lại có ý kiến quyết trừng trị kẻ tòng phạm để được trở về với kẻ chính phạm thì thật là luẩn quẩn nực cười.
Chủ nghĩa CS tuy sai lầm ở tính độc tài và tính ảo tưởng nhưng một thời đã làm khuynh đảo cả thế giới bởi đó là một “thể lừa” hoàn chỉnh. Cái lý thuyết giàu khả năng lay động và các hành động giàu khả năng chiếm lĩnh cứ gắn bó chặt chẽ với nhau một cách hữu cơ, có tính bù trừ và tương sinh, trong những kế hoạch chiếm lĩnh từng bước liên hoàn, khi tiến khi lui, cho nên muốn thoát khỏi CS mới buộc phải thoát từ gốc và thoát triệt để! Chỉ cần dính một chút vào đầu chiếc kim tiêm đã dính HIV là cơ thể ta sẽ nhiễm đúng bệnh HIV, bệnh CS cũng gây hoại tử từ trong gien, từ trong cấu trúc DNA của con người như thế. Mọi phương án nhằm sửa chữa cải thiện một chế độ CS cuối cùng chỉ bị CS đồng hóa để làm cho CS mạnh thêm và khó thoát hơn. Sự trỗi dậy của con ác thú CS Đại Hán thời Tập Cận Bình là một bài học điển hình đắt giá cho cả thế giới về cái ảo tưởng muốn cải tạo chủ nghĩa CS một cách nhân ái lý tưởng như vậy.
Thưa GS Nguyễn Đình Cống,
Chúng ta sở dĩ có được những suy nghĩ rành mạch là nhờ một trái tim dòng giống Lạc Hồng mà cha ông ta để lại, được hỗ trợ bởi phương pháp tư duy rành mạch của khoa học tự nhiên. Có hai thứ đó thì sớm muộn, người trước kẻ sau cũng gặp nhau cả. Câu mạn đàm số 1 của GS trong bài VIẾT LẠI CHO RÕ trong cuộc luận đàm về Biển đông vừa qua đâu có khác gì ý kiến của tôi về hai khái niệm Việt Nam A và B đã nói ở trên? Tôi nhớ GS đã nói đại ý rằng “… thay cho từ CHÚNG TA nên phân biệt nhân dân và lãnh đạo. Kêu gọi “chúng ta” chung chung thực chất chỉ là kêu gọi trống không”!
Nhưng những ý kiến đúng cũng chỉ có hiệu quả thực tế nếu được sự tiếp sức của những nhà hoạt động chính trị có tài có tâm, có năng lực vận động và tổ chức quần chúng, là cần những tố chất hành động chính trị quý báu mà chúng ta không có, nhưng trong dân tộc 94 triệu người này nhất định phải có.
Tất cả vẫn còn ở phía trước, trong cái lãnh địa thiêng liêng của hồn thiêng sông núi và hồng phúc dân tộc.
Đà Lạt, 16/19/2019
H.S.P.
Tác giả gửi BVN