Nhân có việc đến quận Cam, tôi đã có chút thì giờ nói chuyện với người bạn chí thiết, hỏi han trao đổi tình hình địa phương để xem có những gì lạ trong cái khung cảnh nhộn nhịp đủ loại hoạt động xã hội chính trị tôn giáo của thủ đô tị nạn. Rồi nhờ dẫn đi thăm hòa thượng Thích Chơn Thành và Thích Quảng Thanh mà trong quá khứ tôi đã có duyên gặp gỡ. Bắt đầu là chùa Liên Hoa, nhưng hòa thượng Thích Chơn Thành không có mặt vì phải đi Phật sự bên ngoài. Tôi đến chùa Bảo Quang vào xế trưa chiều thứ bẩy. Chùa vắng lặng. Người bạn thiết dẫn đường đưa tôi đến thẳng tịnh xá cuối sân nơi hòa thượng trụ trì ở. Tôi nói với vị Phật tử lớn tuổi trong căn tịnh xá là từ xa đến, nhân tiện ghé chùa muốn thăm chào thầy Thích Quảng Thanh. Vị Phật tử nói hòa thượng đang sửa soạn dùng bữa, nhưng vẫn vào trong thông báo. Vài phút sau, hòa thượng Quảng Thanh đi từ trên gác xuống. Nét đã khác so với lần đầu tôi gặp cách đây chừng chục năm, khi chùa mới dựng. Lúc đó, tôi đến chùa không hẹn trước, cũng do người bạn thiết đưa đi một vòng xem các chùa, thì gặp thầy đang “làm lao động,” xốc vác ngoài sân chùa còn lộn xộn đủ thứ. Tôi ngạc nhiên khi thấy một nhà sư, một ông thầy trụ trì làm việc tay chân. Tôi được dẫn đi xem chùa, kể là tương đối to rộng nhưng còn cần nhiều tu bổ mà sân đậu xe cũng chưa xong. Cuộc nói chuyện buổi đó không dài nhưng ấn tượng rất tốt đẹp về hình ảnh một nhà sư làm lao động, dọn chùa. Và tự nhủ khi có dịp trở lại Quận Cam thì sẽ ghé thăm chùa, thăm thầy để xem tiến triển ra sao. Xin nói ngay rằng tôi không phải là một Phật tử đi chùa thường xuyên, nhưng là người tìm hiểu Phật giáo tính ra cũng đã trên hai thập niên. Rồi một lần khác, người bạn trong vùng đến hỏi thầy xin mượn phòng họp trong chùa vài tiếng đồng hồ để cho tôi nói về Bát nhã ba la mật đa tâm kinh cho một số bè bạn chừng vài chục người. Thầy đã thuận ngay, không han hỏi. Lần đó thầy tặng cho tôi quyển thơ và hình Dấu Ấn Nghệ Thuật II (Signature of Art II).
Và thế rồi thôi. Nay có dịp qua quận Cam, muốn ghé lại thăm nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà tu, và chùa đế xem những gì thay đổi trong cái không khí chùa to tượng lớn và sư mô nở rộ.
Mở đầu, thầy hỏi ngay rằng đến có chuyện gì, có cần gì… Tôi trả lời là đơn giản chỉ đến thăm thầy, không có chuyện gì. Chỉ vì cái ấn tượng đẹp về nhà tu hành làm lao động, và nhớ quyển thơ và ảnh Dấu Ấn Nghệ Thuật II được thầy tặng cho cách đây mấy năm, xem ngày nay ra sao. Và cũng nói luôn chùa bây giờ bề thế hơn xưa gấp bội. Thì được cho biết rằng vẫn một tay thầy phác kiểu, vận dụng, xếp đặt tiến hành thực hiện dần dần, từ cách trang hoàng cầu thang đến các cửa kính. Để ý dưới nền trai phòng, tôi thấy mấy túi đựng tràng, đục, búa của sư để vất một góc.
Mau mắn, hòa thượng dẫn đi xem chùa, nay đã trở thành Trung Tâm Văn hóa Phật giáo - và phòng trưng bày tàng trữ các nghệ phẩm. Chỉ mới bước vào phòng là tôi đã giật mình choáng ngợp vì các nghệ phẩm đủ loại san sát nhau, trên tường trên nền nhà. Của sư sáng tạo, trình bầy, chen lẫn với các loại sản phẩm dân tộc khác được tặng dữ. Đây là những tác phẩm thư họa, điêu khắc, chạm trổ. Kia là những hình vẽ, hình chụp. Mầu sắc cũng như đen trắng. Tranh phóng bút linh hoạt vẽ sáng tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma cạnh bức họa tuyệt diệu Sóng Dậy Biển Đông cho người nhìn thấy được khả năng tài tình diễn tả của tác giả, tạo ấn tượng- dù bằng nét sổ, đường cong, nét ngang đơn giản hay những tảng mầu vô dạng đậm nhạt lớn nhỏ khác nhau. Một số tác phẩm đặc biệt được sư lôi ra và giải thích rẽ ràng: tượng Phật để cạnh các cây khô đẽo gọt uốn nắn cầu kỳ; các kiểu ghế xưa mà sư gom góp… Tuy trên căn bản là nơi tàng trữ, nhưng cách xếp đặt căn phòng không thiếu chất nghệ thuật nói chung và từng khuỷnh nói riêng. Xem hết căn phòng tôi mới nhận ra đây là nơi tôi đã được cho xử dụng làm nơi thảo luận về Tâm kinh Bát nhã mấy năm về trước. Khi đến cửa ra, cạnh cửa là một chiếc trống lớn, đặt trước một bức họa gắn trên tường. Sư ngừng lại cầm hai dùi lên, biểu diễn cho tôi nghe một bài trống.
Trở lại trai phòng, sư đi thẳng vào bên trong. Ngồi một mình, tôi chợt nghĩ đến bài viết Thực nghiệm và thành đạt trong cuốn Dấu Ấn Nghệ Thuật II. Để trả lời câu hỏi có người thắc mắc “giờ nào ngủ, giờ nào xây dựng chung quanh chùa, giờ nào sáng tác thi ca nghệ thuật”, hòa thượng Thích Quảng Thanh đã viết đại khái là “Tôi có một tiền kiếp hiến dâng”. Và cũng nhớ trong bài tác giả nói rằng việc dự tính hay việc chợt đến mà ích lợi cho tha nhân thì không bỏ qua, và chỉ mong người khác hiểu cho “bằng năng lực tinh thần có óc sáng tạo”... Tôi đã cho rằng đó là lối viết tùy bút nghệ sĩ, và lý thuyết như một đoạn khác trong bài có câu “Những ai có trình độ thiền thì có lẽ nhu cầu vật chất dần dần giảm đi và đến độ xem thường mọi thứ xa hoa không cần thiết. Mỗi chúng ta bớt nhu cầu vật chất thì trái đất này được nhẹ nhàng hơn”. Nhưng đến hôm nay thì tôi được thấy nhà sư, người nghệ sĩ không chỉ có “nói” mà quả thực đã “làm”, đã áp dụng cho chính mình những điều hiểu biết. Quý vị có thể không tin bao nhiêu nhận định này của tôi. Nhưng tôi có chứng cớ và hình ảnh. Kèm theo bài viết này. Đó là khi hướng dẫn tôi xem phòng tàng trữ nghệ phẩm, sư đi trước tôi đi sau. Do đó tình cờ tôi thấy được quần vàng sư mặc có một chỗ rách vì vải mòn, che khuất bởi gấu chiếc áo vàng phía trên, khi bước hay khom lưng thì mới lộ ra. Rõ ràng là nhà tu này chẳng để ý gì đến những thứ vật chất mà hầu như mọi người ở đời này đều bị trói buộc vào. Điều này làm tôi nghĩ đến một câu khác trong quyển Dấu Ấn Nghệ Thuật II sư viết “Giáo điển đức Phật có câu ‘Phật pháp bất ly thế gian giác’, lấy ý từ bài kệ 4 câu tôi đã có dịp nghe:
Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế nhập niết bàn
Tức như tầm thố giác
mà tôi hiểu đại ý là Phật pháp ở tại đời này, không phải rời cõi đời để hiểu. Rời cuộc đời để hiểu (nhập niết bàn) thì giống như đi tìm sừng thỏ.
Trần Xuân Ninh (ngày 29 tháng 12/2018)