Đắc đạo không nhất thiết là bắt đầu từ tu sinh lên tới đại đức, thượng tọa, hòa thượng, hay tăng thống. Đó là những cấp bậc đặt ra do yêu cầu tổ chức thế tục. Trước đây, dứới mắt người dân thuờng miền Bắc, cấp bậc trong các chùa được xếp hạng theo thâm niên ở chùa: từ tiểu, đến sư chú, sư bác sư ông, sư cụ. Trình độ đắc đạo, theo tiêu chuẩn này, là tùy thuộc ở thâm niên. Tuy nhiên tiêu chuẩn lượng giá thâm niên này không hẳn là chính xác.
Để hiểu tại sao, thì trước hết phải hiểu hai chữ đắc đạo có nghĩa là gì. Đắc đạo là được đạo, mà được đạo, hay đạt đạo, tới được con đường, tức là giác ngộ. Giác ngộ có nhiều trình độ. Vì thế, trong kinh sách Phật giáo đại thừa, người ta nghe nói đến các bậc thanh văn giác, độc giác,.. mà mức cao nhất, tuyệt đỉnh là đức Phật Thích Ca.
Giác ngộ là hai chữ Hán Việt, có nghĩa là tỉnh ra mà biết, là hiểu rõ. Nhưng người ta lại nghe thấy trong nhiều kinh sách tán tụng rằng đạo cao thâm không thể nghĩ bàn, thì không khỏi nẩy ra câu hỏi rằng nếu đã không nghĩ bàn nổi thì làm sao hiểu ra được mà gíác ngộ. Hoặc là cho rằng chỉ có trình độ học thức cao mới giác ngộ. Còn người ít học quê mùa thì chẳng thể nào hiểu đạo. Nghĩ thế cũng không hẳn đúng, vì học thức cao không nhất thiết là hiểu đạo, mà người vô học không vì thế mà không hiểu đạo. Tại sao lại dám khẳng định như thế?
Tại vì lục tổ Huệ Năng là người nhà quê đất Lĩnh Nam, ít học, đốn củi để sinh sống và nuôi mẹ, chỉ vì nghe được người ta đọc kinh Kim Cuơng mà hiểu đạo, và nghe danh ngũ tổ Hoằng Nhẫn mà đến xin học đạo. Ngũ Tổ đang cần tìm truyền nhân thấy Huệ Năng là người có căn cơ hiểu đạo nên đã truyền y bát, bỏ qua cao đồ Thần Tú là người học thức, tu tập chuyên cần lâu năm. Huệ Năng trở thành sáng tổ của giòng thiền Nam Tông truyền lại nhiều đời về sau, trong khi giòng Bắc Tông của Thần Tú thì èo uột, tiêu mòn không phát triển. Từ chuyện này, người ta nhận ra rằng sự hiểu đạo đã đành là do tiệm ngộ (tức là nghiên cứu tu tập tìm hiểu dần dần mà thấy) nhưng cũng có thể là do trực giác, trực nhận lập tức (đốn ngộ). Có thực rằng người ta có thể hiểu đạo ngay, hay là chỉ có thể hiểu đạo dần dần thì là chuyện sẽ tính sau.
Trở lại với câu hỏi làm sao đắc đạo, và chuyện Thần Tú với Huệ Năng, thì lại thấy rằng nếu mà chỉ thuộc kinh sách, và hiểu rõ ý nghĩa kinh sách nói gì, chưa hẳn đã gọi là đắc đạo. Thuộc kinh sách và tụng niệm thường xuyên như vẹt cũng chưa hẳn là đắc đạo. Bởi kinh Pháp Cú, được cho rằng là ghi lại chính những lời đức Phật nói ra, có dậy rằng tụng niệm nhiều lần kinh kệ chỉ để cho có con số, thì không khác gì là người chăn bò đếm bò cho người, không được hưởng những lợi ích nhiều mặt của bò và sữa.
Bởi vì hiểu ra mà để đó, giữ yên không nghĩ tiếp để thực hành, áp dụng, tức là không có tu, thì không thể đắc đạo. Vì thế đắc đạo là kết quả của tiến trình hiểu và hành. Nói khác đi, hiểu và biết khiến người ta đến được con đường, Nhưng có hành, có tu, tức là đi theo con đường đó thì mới đắc đạo được. Cả cái tiến trình này có thể tóm gọn trong ba chữ là văn (nghe), tư (suy nghĩ) và tu ( sửa đổi).
Làm sao để biết một người tu hành là đắc đạo?
Một thí dụ là chuyện kể một thiền sư Nhật Bản ngày nọ có người con gái ôm đứa bé mới sinh đến chùa nói với ông rằng con ông đây, ông nuôi nó đi. Nhà sư trả lời “thế hả”. Rồi giữ đứa bé, nuôi trong chùa. Một thời gian sau, người thiếu phụ trở lại nói đứa bé hồi nọ tôi đưa vào chùa là con tôi, nhưng vì hoàn cảnh không nuôi được. Bây giờ tôi muốn xin lại để nuôi nó. Nhà sư nói “thế hả” rồi trả lại đứa bé. Một chuyện khác, tương tự. Là có một nhà sư nọ nổi tiếng cao tăng đắc đạo pháp thuật cao cường vân du hành đạo cùng một thiền sinh. Đến đâu cũng có người đi theo cầu học. Chiều ngày nọ, khi tới một khúc sông rộng vắng vẻ thấy một cô gái mặt mày ủ rũ ngồi chờ ở đầu một chiếc cầu nhỏ đã bị nước sông dâng cao chẩy cuồn cuộn phá sập. Hỏi mới biết rằng cô gái chờ từ sáng không một bóng thuyền qua. Nhà sư bèn ngồi xuống tĩnh tọa nói cô gái ngồi lên vai ông cho vững. Đoạn ra lệnh cho cô nhắm mắt lại, rồi thi triển pháp vượt sông cùng người đệ tử. Qua bờ bên kia, sư để cô gái xuống, tiếp tục hành trình. Người đệ tử thấy chuyện như vậy không khỏi thắc mắc suy nghĩ tại sao một bậc đại sư như thầy mình mà lại cho cô gái ngồi lên vai như vậy. Đến tối thầy trò tá túc ở một miếu hoang nhưng người đệ tử không ngủ được suốt đêm, ngay cả tính chuyện bỏ thầy. Sáng sớm, sư thức dậy tụng kinh và sửa soạn lên đường. Người đệ tử nhịn không được, phải nói với thầy tình trạng thắc mắc suốt đêm không ngủ. Sư điềm đạm hỏi “Ta đã bỏ cô gái từ lúc qua sông chiều hôm qua mà sao ngưởi để cho cô ta ám ảnh hoài như vậy? Trong chuyện, nhà sư đầu óc tĩnh lặng không tạp niệm. Người đệ tử thì chưa ra khỏi cái nhìn thường nhân. Trong cả hai chuyện, đắc đạo hay không thì chỉ có mình mình biết.
Các tiêu chuẩn lượng giá con người đặt ra có thể chỉ là phiến diện về mặt nội dung, hay là dựa trên hình thức bề ngoài. Nếu xét đoán trên những tiêu chuần này thì chẳng khác gì nghĩ rằng những đại sư đạo cao đức trọng trong phim ảnh cũng là những cao tăng ngoài đời. Bởi lẽ những tài tử đóng vai những đại sư gây kính nể nơi người xem phim chẳng hề là những tu sĩ ngoài đời, cũng chẳng hề là những tu sĩ đắc đạo. Đó là lý do tại sao nhiều nhân vật lãnh đạo tôn giáo tác phong tư thái rất là gây ấn tượng uy nghi đạo mạo cho quàn chúng, nhưng đã phạm những giới cấm nặng nề, như một kẻ thường dân, nếu không muốn nói là những kẻ vô đạo đức, cho tới khi các bằng cớ lộ ra không thể chối cãi. Những chuyện này chẳng phải chỉ thời nay mới xẩy ra, mà là đã có từ xưa. Vì thế, hai chữ mạt pháp đã có từ lâu lắm.
Nhìn một cách thuần lý, Tu hành, trong Phật giáo, là để được thân tâm an lạc. Không như thế thì kể là chưa đắc đạo. Nếu trong lòng còn bị quấy động bởi thất tình lục dục thì kẻ tu hành đạo mạo bề ngoài chỉ như một diễn viên đóng trò. Tu hành trong trường hợp này không thể gọi là hành đạo, tức là thực hiện đạo, đi theo con đường đạo. Mà là “lãnh đạo”, cầm đầu đạo, cầm đầu giáo chúng theo mình. Nói khác đi là hành nghề tôn giáo.
Trần Thiên Ân
(ngày 22 tháng 5/2018)