Chủ tịch nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Trần đại Quang vừa qua đời vào lúc 10 giờ 5 phút sáng ngày 21 tháng 9 tại Bệnh Viện Trung Ương quân đội 108, sau một ngày nhập viện vì tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Tin này đã được ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương công bố cho hệ thống truyền thông trong nước. Theo lời ông Triệu, thì bệnh của Chủ Tịch nhà nước Trần Đại Quang đã được phát hiện từ tháng 7 năm 2017, và ông đã qua Nhật điều trị tất cả là 6 lần. Thời gian gần đây, bệnh ông trở nặng nên được đưa vào Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108 ngày 20 tháng 9. Ông đã được các Bác sĩ Việt Nam và các chuyên gia Nhật cùng khám bệnh, thảo luận, và đưa ra phác đồ điều trị. Tới 3 giờ chiều cùng ngày, ông Quang bắt đầu hôn mê, và qua đời vào lúc 10 giờ 5 phút sáng ngày 21 tháng 9. Theo chẩn đoán của Bệnh Viện, thì ông Trần Đại Quang bị nhiễm virus hiếm và độc hại. Chủ Tịch nhà nước Trần đại Quang hương thọ 62 tuổi.
Trước khi nhậm chức Chủ Tịch nước VN vào tháng 4 năm 2016, ông Trần Đại Quang đã từng giữ chức vụ Bộ Trường Công An, do Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng bổ nhiệm.
Đây là lần đầu tiên ở VN, một lãnh đạo đang tại chức qua đời. Nhà nước quyết định dùng 2 ngày Quốc tang, treo cờ rũ, và đình chỉ các chương trình vui chơi trong nước. Một ủy ban tang lễ gồm 34 người được chỉ định, đứng đầu là ông Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi nhà nước sửa soạn cho ông Quang một tang lễ long trọng, cho xứng đáng với chức vụ của ông, và nở mặt với nước ngoài, thì người dân Việt Nam suy nghĩ ra sao về sự ra đi của ông Chủ Tịch nhà nước, người đã từng cầm đầu ngành công an, hét ra lửa, mửa ra khói, với toàn quyền sinh sát trong tay?
Ngay sau khi tin Ông Quang qua đời được chính thức loan báo trên hệ thống truyền thông trong nước, thì lập tức, trên các hệ thống truyền thông cá nhân như mạng điện tử, face book, và trên cửa miệng của người dân VN, đã có nhiều ý kiến, nhiều bài viết, tỏ ra rất... tàn nhẫn với người chết, với những lời lẽ đay nghiến, hả hê, vui mừng vì cái chết của ông. Có người đòi hỏi nhà nước phải công khai hồ sơ bệnh lý của ông. Họ nghi ngờ là ông, và ông Đinh Thế Huynh, cũng như ông Nguyễn Bá Thanh trước kia, đều bị Trung Quốc đầu độc bằng phóng xạ. Cũng có điều nghịch lý, là các vị lãnh đạo cao cấp của CS VN, khi bị bệnh thì không ai chịu sang Trung Quốc, người anh em kết nghĩa để chữa bệnh, mà lại chạy sang các nước tư bản. Ông Nguyễn Bá Thanh diều trị tai BV John Hopkins, Hoa Kỳ, hai ông Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh thì sang Nhật chữa bệnh. Phóng Viên Mặc Lâm của đài RFA đã diễn tả sự kinh ngạc khi thấy ông Trần Đại Quang vừa nhắm mắt nằm đó, còn chưa kịp tẩm liệm, thì đã mau chóng bộc phát một sự kiện.... trái với bình thường, người chết không được một ai ngỏ lời phân ưu, cầu nguyện, hay cầu chúc cho linh hồn ông được tiêu diêu nơi miền cực lạc! Phóng viên Mặc Lâm đã nhắc lại câu: "nghĩa tử là nghĩa tận", ngụ ý khuyên mọi người hãy rũ bỏ mọi tỵ hiềm, để vong hồn người chết được tiêu diêu thanh thoát,
Điều gì đã đưa đến thái độ mừng rỡ, phấn khởi của người dân VN, trước sự qua đời của một vị lãnh đạo cao cấp, một trong tứ trụ triều đình?
Người ta nhắc lại những tai ách người dân phải gánh chịu khi ông Trần Đại Quang lãnh đạo ngành công an. Ai cũng biết, công an và quân đội là hai cơ quan chống đỡ, là thành trì bảo vệ, cho sự tồn tại của Đảng CS VN. Người dân nghe tới hai chữ "công an" là sợ khiếp vía! Công an trấn áp những người nông dân đi khiếu kiện, đòi lại đất đai. Công an trù dập, đạp giày vào mặt những người dân yêu nước đi biểu tình đòi biển đảo. Công an trong đồn, tra khảo, đánh đập tới mất mạng những người dân chỉ vì những lỗi không đáng kể. Công an gây khó khăn để sách nhiễu tiền bạc, tình dục, hiếp đáp người cô thế. Dưới triều đại của ông Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang, còn có thêm vở tuồng, là sự xuất hiện của những gã đầu gấu, những tay anh chị xã hội đen, mặc thường phục, trà trộn vào đám biểu tình để phá rối, và tiếp tay với công an, theo dõi những người cầm đầu biểu tình. Ở VN, người ta ghê sợ công an như "ác quỷ".
Cái chết của Chủ Tịch nhà nước Trần Đại Quang nhắc nhở mọi người tới cái chết của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông mới mấy tháng trước đây. Ông Nguyễn văn Đông chỉ là một Đại tá của quân đội bại trận, ở tù 13 năm trong trai Học tập cải tạo. Ông chết âm thầm trong một khu bình dân tại Bệnh viện chợ Rẫy. Ngày đưa đám ông, người dân VN không hề quen biết ông, không ai bảo ai, đứng dài mấy block đường chờ linh cữu của ông đi qua, để tiễn biệt. Những người cựu quân nhân, đưa tay chào linh cữu theo nghi thức quân đội. Những chị em phụ nữ nghỉ một buổi bán hàng, thành kính cúi đầu, cầu nguyện cho linh hồn ông được tiêu diêu nơi tiên cảnh, khi linh cữu của ông đi qua. Người ta nói với nhau những điều tốt đẹp về ông, khen ông đã sống hòa đồng, khiêm nhường với những người xung quanh, khi ông là một sỹ quan cao cấp. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông không hề bị tai tiếng gì. Tiền bạc kiếm được, đều nhờ vào tài viết nhạc và những hãng đĩa do ông điều khiển.
Người xưa có câu: "quan nhất thời, dân vạn đại" để nhắc nhở những người đắc thời, leo lên chức quyền cao, nên nghĩ tới một ngày kia, khi mình xuống ngựa, trở về làm dân đen. Làm quan, dù chức lớn tới đâu, cũng có lúc phải về hưu, làm tướng dù lon cao, cũng tới tuổi phải giải ngũ. Trở về sống chung với dân, đó là lúc những ân oán khi xưa được tính toán.
Có lẽ ông Nguyễn văn Đông đã ngộ ra được câu này, còn ông Trần Đại Quang khi đắc thời, ông vận dụng hết mưu mô để phục vụ đắc lực cho một chế độ tàn bạo, thối nát. Ông không biết tới câu thành ngữ này, hoặc là khi ông biết, thì đã quá muộn. Tay đã chót nhúng chàm, gây nên bao nghiệp ác, nên đành phải gánh chịu cái hậu quả của ngày hôm nay.
Tiếc cho ông Trần Đại Quang ! Chết vẫn còn chưa yên !
Giao Tiên
9/2018