Có những người sinh ra để mà nổi tiếng, bất kể là tiếng hay, hay là tiếng dở. Đó là trường hợp Donald Trump. Là người mà cùng một lúc ôm cả hai thứ. Với hệ quả là người ghét rất ghét, người mê rất mê Trump. Người Mỹ nói chung thường là ít khi tranh cãi về các vấn đề chính trị và chỉ giữ riêng quan điểm của mình. Họa hoằn có trao đổi thì thường ngưng lại ở chỗ đồng ý với nhau rằng có khác biệt ý kiến. Nhưng đến thời ông Trump từ năm 2016 đến nay thì bênh Trump và chống Trump luôn luôn là tạo đấu đá quyết liệt. Hiện tượng này có thể thấy hàng ngày trên truyền thông.
Ngày thứ ba 25 tháng 9/2018 trong bài diễn văn đọc trước đại hội đồng Liên hiệp quốc tổng thống Trump đã biểu lộ trọn vẹn cái đặc thù của ông. Ông nói “Tôi đứng trước đại hội khoáng đại Liên hiệp quốc để chia xẻ sự tiến bộ phi thường mà chúng tôi đã đạt được. Trong chưa đầy hai năm, chính phủ của tôi đã thực hiện được nhiều hơn hầu như bất cứ một chính phủ nào trong lịch sử của nước chúng tôi.” Khi ông thêm mấy tiếng “và thực như thế” thì tiếng cười nín nhịn lao xao trong hội trường bật to lên. Ông ngưng lại, rồi mỉm cười. Nói “Tôi không chờ đợi một phản ứng như thế. Nhưng mà OK!” Nhìn hình ảnh ông lúc đó loan đi, nhiều người cho là một cái cười ngượng nghịu. Ngược lại, những người ủng hộ ông thì cho là một nụ cười có duyên dễ thương. Sau đó, lúc truyền thông hỏi rằng ông cảm thấy ra sao khi các nhà lãnh đạo thế giới đã bật cười, ông Trump trả lời “Đó là cốt để chọc cười. Nhưng mà thật thú vị”.
("Well, that was meant to get some laughter, but it was great.”
Rõ ràng ông Trump có tài tỉnh bơ độc đáo, hay nói cách khác là không biết xấu hổ.
Ngoài cái chi tiết này mà có nhiều người cho rằng là thêm một dấu chứng thiếu khả năng làm tổng thống của ông Trump, khách quan mà nói, bài diễn văn đã liệt kê đầy đủ các quan điểm mà ông Trump chủ trương và đã ít nhiều áp dụng. Đồng thời cho người nghe nhận ra các đối tượng trong nước và ngoại quốc mà ông muốn tranh thủ, qua những ngôn từ và sự việc được dùng. Có tranh thủ được hay không, thi hành được hay không, có sự đồng ý hay không đồng ý, là chuyện khác không đề cập ở đây. Nhưng mà bao trùm tất cả bài diễn văn là mục đích quảng cáo cho thành tích của ông, cho khả năng điều đình và chủ động nắm tình hình của ông, dù có nói quá hay nói sai không sao. Tuy rằng sự nói quá này đã làm ông nhận được trận cười ồ trước đại hội đồng LHQ, chỉ vài chục giây sau khi mở miệng.
Không lãnh tụ nào mà không phô trương khoác lác trước đại hội đồng Liên hiệp quốc. Ông Trump làm không khác. Nhưng nỗi thôi thúc thường trực ôm tất cả vào mình, quảng cáo cho mình đã khiến ông không giống ai, làm cho người nghe phì cười, nhưng cũng làm cho có người thích.
Cụ thể là khi khoe thành tích chính phủ và sức mạnh của Mỹ, nói đến chủ nghĩa ái quốc, đến sự độc lập không tùy thuộc vào các cơ chế quốc tế, ông Trump khích động đám quần chúng bảo thủ đã nhắm mắt theo ông vì khẩu hiệu America first, và Make America great again. Bởi đơn giản đó là điều họ thích nghe, là điều họ tin thế và muốn thế, nay được nói ra trước các lãnh đạo toàn thế thế giới, thì hẳn là chắc như bắp.
Ông Trump chủ yếu nhằm củng cố lòng tin của nhóm quần chúng đã ủng hộ ông khi khẳng định “Quân đội của chúng tôi không bao lâu nữa sẽ mạnh hơn trước đây. Nói khác đi Hiệp chủng quốc Hoa kỳ sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và giầu hơn trước khi tôi nhận chức. Chúng tôi đứng thẳng bảo vệ cho nước Mỹ và dân Mỹ”. Còn đối với các nước không phải là thù cũng chưa là bạn, frenemies như Nga Tầu, và các nước khác có ít nhiều tự chủ, sự khẳng định này chỉ có giá trị tương đối, nhiều hay ít, không cần xét.
Trong một đoạn khác, ông Trump nói “Nước Mỹ sẽ luôn luôn chọn sự độc lập và hợp tác thay vì sự điều hành, kiểm soát và thống trị toàn cầu”. Và “. Mỹ quốc do người Mỹ tự cai trị. Chúng tôi bác bỏ tư tưởng toàn cầu. Chúng tôi theo chủ nghĩa ái quốc”. Nghe thế sẽ bật ra câu hỏi rằng nước Mỹ là một đại cường giầu có hạng nhất thế giới, mà tại sao ông Trump lại nói đến hai chữ độc lập? Có người sẽ cho rằng là vì Mỹ phụ thuộc vào Do Thái. Nhưng sau đó với những câu “Chúng tôi không bao giờ giao nộp chủ quyền của Mỹ cho một cơ chế thư lại toàn cầu không được bầu ra, không có trách nhiệm, Mỹ quốc do người Mỹ cai trị. Chúng tôi bác bỏ chủ thuyết toàn cầu. Chúng tôi ôm chắc chủ nghĩa ái quốc” thì người ta hiểu được rằng quan điểm này vừa nói lên khẩu hiệu Mỹ trước hết, mà cũng giải thích thái độ Mỹ bất chấp các quy lệ và cơ chế quốc tế. Cụ thể như giảm đóng góp tiền cho LHQ, rút ra khỏi Ủy ban nhân quyền LHQ, dọa sử dụng các biện pháp chế tài đối với tòa án hình sự quốc tế (ICC) nếu không chấm dứt điều tra Do Thái về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại vân vân. Nhìn từ phía thế giới Mỹ có thể bị coi như là lấy thái độ kẻ cả nước lớn. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng là Mỹ từ bỏ vai trò sen đầm thế giới như từ trước đến nay. Nhìn từ mặt nội bộ, thì tác dụng vẫn là củng cố sự ủng hộ của quần chúng của ộng, đáp ứng chủ trương quay về lo cho nội bộ trước của một thành phần quan trọng quần chúng Cộng hòa thủ cựu. Tóm lại đây là một khẳng định bỏ ngỏ cho ông Trump có thể chọn lựa nhiều biện pháp trong tương lai..
Ông Trump đã dành một thời lượng lớn của bài diễn văn để đánh vào Iran. Ông kêu gọi thế giới đi theo chiến dịch của Mỹ “áp lực kinh tế” lên “chế độ độc tài thối nát” Iran để chấm dứt “nghị trình đẫm máu” của Iran ở Trung Đông. Ông “kêu gọi cô lập” Iran chừng nào nước này còn chủ trương xâm lấn, đe dọa Do Thái, tạo bất ổn ở Syria và Yemen. Ông quyết liệt chống kế hoạch võ khí hạt nhân của Iran và nói “Chúng ta không thể để nước đứng đầu bảo trợ khủng bố thế giới có võ khí tàn hại nhất thế giới”. Cụ thể, ông đã đơn phương rút ra khỏi hiệp ước về võ khí hạt nhân Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức (JCPOA) ký với Iran năm 2015. Hiệp ước này đã bị Do Thái chống đối quyết liệt từ đầu. Người ta hiểu ngay rằng tất cả là để làm hài lòng thế lực vận động chính trị Do Thái vô cùng quan trọng cho cái ghế tổng thống thường xuyên bị đe dọa từ khi đắc cử tháng 11/2016. Những lý do ông Trump đưa ra thì nhiều, nhưng ấn tượng chung cho thấy kế hoạch này khó bán được trọn vẹn nói chung cho thế giới và cho các lãnh đạo Âu châu nói riêng, vì không có tính thuyết phục cao và thực tế là cái áp lực kinh tế tài chính của Hoa kỳ lên khối Âu châu hiện không có tính áp đảo.
Một cách tổng quát đối với các nước trên thế giới, ông nói “Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề viện trợ Mỹ cho ngoại quốc để xem các nước nhận tiền và được sự bảo vê của chúng tôi có quan tâm đến vấn đề quyền lợi của chúng tôi không. Trước mắt, chúng tôi chỉ viện trợ cho những nước tôn trọng chúng tôi, và nói thẳng ra, là bạn của chúng tôi. Ông ca tụng Do Thái là nước Dân chủ mới kỷ niệm 70 năm thành lập ở vùng đất Thánh. Ông đã hết lời khen ngợi Ả Rập Saudi, UAE, Qatar là những nước tay em của Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc ra thi hành chính sách Mỹ Do Thái ở Trung đông. Nhưng không nhắc nhở gì bao nhiêu đến các đồng minh kỳ cựu Âu châu như Anh Pháp Đức…, chưa kể là có những thái độ không thân thiện, đặc biệt là với Đức. Đây là điều làm một số người cho rằng ông đang tính thay thế khối NATO Liên Minh Bắc Đại Tây Dương thời chiến tranh lạnh và đang èo uột bây giờ bằng một liên minh mới, có tiền, và sẵn sàng nhận lệnh từ trục Do Thái Mỹ, gồm có Ai Cập và các nước Ả Rập vùng vịnh mà đứng đầu là Saudi Arabia, UAE để làm đối trọng với Iran, Nga, Syria.
Có thể nói chiến lược Mỹ chuyển trục sang Á Châu Thái bình Dương thời Obama kể như chấm dứt. Với nhà mại bản Trump trở thành tổng thống, các điều đình chỉ mang tính dịch vụ món. Thí dụ như Kim chính Ân được o bế cùng với Moon Jong-In. Hay là bán võ khí cho Đài Loan. Với Trump thì chuyển trục nếu có là chuyển về Trung Đông, giữ quân bình với thế lực địa lý chính trị Nga Syria và Iran đang định hình, được sự hỗ trợ chừng mực của Trung quốc. Quan điểm rút về lo Mỹ trước của Trump sẽ phải thich ứng với xu hướng toàn cầu của chủ nghĩa Tân bảo thủ (NeoConservative) đã nắm chặt chính sách Mỹ từ cuối thập niên 1960 và đang lấn sâu vào hệ thống chính quyền của ông Trump, qua hai nhân vật chủ chốt là cố vấn hội đồng an ninh quốc gia John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo.
Donald Trump không phải là không có khả năng làm tổng thống như những người ghét ông nói. Ông biết cái nguồn quyền lực và cái nút mở ở đâu.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 28 tháng 9/2018