1/ Ngọc Dung. Xin kính chào quý vị thính giả. Kính chào bs TXN, thưa bác sĩ, từ hơn hai tháng nay, chúng ta đã đưọc nghe nhiều tin tức nóng bỏng ở VN. Từ dự luật đặc khu kinh tế, cho đến luật an ninh mạng, rồi các cuộc biểu tình nổ ra, rầm rộ, ở trong nước cũng như ngoài nước. Tiếp theo lại đến nạn lụt lội khắp nơi, từ Bắc chí Nam, có thể nói là... kinh niên, khiến ngưòi dân cũng phải nhiều phen điêu đứng. Về tin tức thời sự thì chuyện Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy thức, là những tù nhân lương tâm, đã tuyệt thực nhiều ngày để phản đối chế độ đối xử bất công của nhà tù CS. Chuyện Việt Nam thì như thế, ở Bắc Mỹ, kể cả Canada, thì nạn cháy rừng khủng khiếp đã trở thành...truyền thống. Nhìn vào cục diện toàn cầu chẳng khác nào “bức tranh vân cẩu”...
Hôm nay, để cho tinh thần đỡ căng thẳng, vì những tin trên, NDung muốn tìm thưởng thức một chút nhạc êm diụ tiền chiến, cho tâm hồn nhẹ nhàng thư thái, thưa bác sĩ...
2/BS TXN: Kính chào quý vị thính giả, Chào Ngọc Dung. Tôi thì không căng thẳng gì cả vì đã trai lì với những “chuyện dài ngàn lẻ một đêm xã hội chủ nghĩa”VC từ lâu. Nhưng mà có dịp nghe nhạc nhẹ nhàng thì dĩ nhiên không từ chối. Và thế thì Ngọc Dung định cho quý vị thính giả thưởng thức bản nhạc tiền chiến nào đây?
3/ND: Thưa bác sĩ, bản nhạc mà ND định đề cập đến hôm nay là một bản nhạc rất xưa, ND rất thích, mà đã lâu lắm chẳng thấy ai hát cả. Đó là bản Cô Lái đò. Hình như bản nhạc này đã có một thời được nhiều người biết đến. Bác sĩ hẳn cũng đã nghe qua?
4/TXN. Tôi có biết bản này. Nói về âm nhạc, hội họa, nghệ thuật thì mỗi người một ý thích. Khó mà giống nhau được. Theo tôi khi người ta thích một bản nhạc xưa thì có thể là nó gợi nhớ một khung cảnh không gian thời gian đặc biệt, hay là thích cái âm điệu, cái nhịp điệu của nó, thích cái lối trình bày hay giọng ca của người ca sĩ vân vân.. Thời buổi ngày nay thì trong nhiều trường hợp người nghe thích một bản nhạc là vì thích cái bộ dạng, cái hình thề (mà tiếng trong nước gọi là ngoại hình) hay lối ăn mặc hấp dẫn.của ca công. Trong trường hợp của tôi sau tháng 4/1975 lúc mới vào trại Cải Tạo ở Trảng Lớn, buồn và thất vọng không tả được. Buổi tối không làm gì. Thế nhưng cái tổ của tôi có một anh chàng giáo sư trung học, nhạc sĩ nghiệp dư, có chơi đàn, muốn lấy điểm là tiến bộ, là biết bài hát “cách mạng” cho nên đến tối chế chuyện ra tập cho cả tổ hát nhạc cách mạng. Tôi bực lắm. Muốn điên. Vì đã buồn nôn với những bài nhạc Mặt Trận giải phóng nghe eo éo trên radio sau 30 tháng tư như “vùng lên Nhân dân VN anh hùng”, Hay là “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”vân vân. Riêng có một bài tôi và nhiều người, không rủ nhau nhưng có vẻ như đều thích là bài Tiến về Sài gòn nên dã hát một cách hăng say. Đối với tôi thì vì nó có câu “Tiến về Sàigon, ta quét giặc thù. Tiến về Sài gòn, ta tiến về thành đô”. Không ai bảo ai mà bài đó cứ hát đi hát lại hoài. Và hai câu đó thì hát thật to. Rồi các tổ bên cạnh cũng hát. Thế là sau đó chỉ một thời gian ngắn vài ngày, chúng tôi được lệnh cấm hát nhạc cách mạng vì chưa học tập tiến bộ. Dù sao thì tôi thì trong lòng đã thỏa được cái mặc cảm Vi Tiểu Bảo tức là một kẻ ở thế yếu bị trấn áp nhưng đã “chơi” lại được kẻ hung đồ VC mà nó không làm gì được mình. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn khoái bài hát đó, hay nói cho đúng, khoái mấy câu hát đó. Còn cô, cô thích bản Cô Lái đò là tại sao? Tại tất cả những lý do tôi nói, hay là tại một trong các điều trên. Thí dụ như cô đã nghe bài Cô Lái đò trong một buổi đi chơi với người thương chẳng hạn.
5/ND: Bác sỉ nói nghe có vẻ ...thi vị quá! Ước gì lúc đó ND lớn đủ, để có dịp “đi chơi với ngưòi thương” như bác sĩ nói, thì hay biết mấy. Thực ra, hồi đó ND còn chưa sinh ra đời, ....(thì) đâu đã có chuyện thương ai, hay được “ai thương” ạ? Nhưng, vừa rồi, bác sĩ có kể hồi đi tù "cải tạo", các tù nhân đều phải hát bài "Tiến Về Sàgòn", mà khi hát đến câu “Tiến về Sàigòn, ta quét sạch giặc thù..” thì cả tổ cùng hát vang lên thật hăng say. ND thấy thú vị quá, vì có thể hiểu được thân phận tù đày, cùng cái tâm trạng bất mãn, không lối thoát của những người sĩ quan, công chức VNCH lúc ấy. Bị bắt đi tù rõ ràng; nhưng lại được gán cái mỹ danh là “đi học tập cải tạo”...Cho nên, khi gặp được cơ hội nói lên cái uất ức của mình thì, không ai bảo ai, cùng hát vang lên...theo cái ý nghĩa riêng. ND thấy đó cũng là một hình thức phản kháng nhẹ nhàng, trong một hoàn cảnh bị “ức chế” về mọi mặt.
Còn về bản Cô Lái Đò, vì sao ND thích, thưa bác sĩ, rất dễ hiểu, vì...nó hay. Hay lắm. Cái hay dễ nhận ra ở bản nhạc này, là về giai điệu, lời ca và giọng hát...Tất cả đều hay. Cả ba yếu tố hoà vào nhau, dễ đi vào cảm xúc, khiến người nghe cảm thụ dễ dàng. Một kỷ niệm đáng ghi nhớ nữa, là ND được biết bản nhạc này, đầu tiên, là vào lúc còn nhỏ, được nghe bố hát hoài. Mỗi buổi sáng mùa Đông, khi còn đang cơn ngái ngủ, thì nghe tiếng ông bố cất tiếng hát khe khẽ, trong lúc ru con (Lúc ấy cậu em nhỏ mới sinh được mấy tháng), cụ bế con, vừa rung đùi vừa hát "Xuân...đã đem mong nhớ trở về, Lòng cô lái ở bến sông kia ...". Cụ hát bằng một giọng trầm và tha thiết lắm. Nhất là hai câu cuối: "Vắng ...bóng cô em từ dạo ấy...Để buồn... cho những khách... sang... sông”. Nghe thật là buồn, vì như nói lên mối tình dang dở giữa cô lái đò và ngưòi khách tình quân nào đó mà cô đã có dịp gặp gỡ. Cái âm điệu ấy nó làm ND nhớ mãi
Vì thế mà ND đã biết thích bản nhạc này... từ dạo ấy.
6/TXN. Bài Cô Lái đò thì tôi đã được nghe lần đầu tiên lúc trên10 tuổi. Trên đường đi từ Vinh là nơi ba tôi làm, nhưng lúc đó thất nghiệp rồi vì đường xe lửa ngưng chạy. Phải về làng ông nội tôi ở Hà nam để sống. Gia đình tôi có ba tôi nhúc nhích được, mẹ tôi hậu sản ốm nặng không đi được, và một em trai hai em gái, cô em út lúc bấy giờ tuổi gần 6 tháng. Chuyến đi dài trên 200 km có lúc đi xe kéo, có lúc đi thuyền. có lúc đi xe hơi phía sau có đeo một bình than phải quạt lò lên cho hồng rồi mới chạy được (tôi không có dịp hỏi ai lúc đó và bây giờ vẫn không hiểu làm cách nào để xe chạy vì lúc ở Hà nội thì không thấy có xe nào chạy như thế để hỏi). Tôi còn nhớ trong đoạn đi thuyền, nói chính xác là chiếc sà lúp, thì từ chiều qua suốt đêm. Đến chiều tối có tiếng hát bài Cô lái đò nổi lên từ chỗ có cặp thanh niên nam nữ ngồi cạnh nhau bên một chiếc cửa sổ. Người đàn ông có tiếng hát rất hay. Anh ta cứ hát đi lại bài đó mãi. Có thể nói đó là bài hát tình tứ đầu tiên tôi nghe trong đời. Nhà tôi ba tôi rất nghiêm. Chỉ có muốn các con chú tâm học, Không có nói chuyện trai gái. Các bạn ba mẹ tôi đến nhà tôi chơi, có người nói đùa “Lớn rồi, bao giờ lấy vợ đây, cho bác ăn cỗ” Thì ba tội nghiêm mặt nói “Cháu nó còn nhỏ, bác để cho cháu nó học”. Cho nên tôi khi thấy hai người nam nữ ngồi cạnh rồi lại hát tình tứ thì cứ lo ngay ngáy là ba tôi mà cấm nghe hát thì không biêt làm sao. Chả lẽ phải bịt tai. Và cũng sợ ba tôi sẽ nói anh ta đừng hát nữa vì mấy đứa con tôi còn nhỏ, thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Nhưng mà ba tôi đã yên lặng. Và anh ta cứ hát tôi không nhớ tới bao giờ Nhưng mà chắc chắn là hát nhiều đến độ tôi còn nhớ đến bây giờ. Mấy câu:
Xuân đã đem mong nhớ ....trở về....
Lòng cô gái ở bến sông kia ...
Tôi nhớ bài hát từ hôm đó vì nghe đi nghe lại nhưng, mà nhất là vì cái hoàn cảnh nghe hát.Thấy nó hay và thấm thía vì người ta đang sung sướng hạnh phúc trong lúc cả nhà tôi đang lao đao khốn khổ trên đường về quê, không biết tương lai ra sao. Những năm về sau lớn lên, có vài lần nghe lại đươc bài hát này thì mới biết tên nó là Cô Lái đò, Nhưng không có lần nào gợi lại cho tôi được cái cảm xúc mênh mang khó tả của một thằng bé 10 tuổi nghe lần đầu tiên bài hát tình tứ trên chiếc sà lúp chạy với tiếng máy nổ kêu lụp bụp trong đêm.
7/ND: Vâng, quả là một kỷ niệm đáng ghi nhớ, của tuổi mới lớn. Và thế đủ biết trong cuộc đời, con ngưòi có những cảm xúc thật là sâu đậm, khó quên. Và có những giây phút ...chạnh lòng; chỉ cần một vài câu thơ, một tấm ảnh hay một bài hát quen thuộc cũng đủ làm gợi nhớ lại cả một thời quá khứ, với những kỷ niệm buồn vui.
Theo ND được biết, bài hát này xuất xứ là một bài thơ, với tên là “Cô lái đò”. Thi sĩ Nguyễn Bính sáng tác bài thơ này vào năm 1942; và được nhạc sĩ Nguyễn đình Phúc phổ nhạc, sau đó ít lâu. Mà ND nhận thấy, thơ phổ nhạc là rất khó...hay. Nó phải chuyển được ý, mà lời cũng phải giữ hầu như trọn vẹn. Đặc biệt, bài thơ phổ nhạc này, lại rất thành công. Ở chỗ nhạc phổ vaò thơ rất khéo và tự nhiên, vừa hay, vừa phù hợp vơí chất thơ và lối dùng chữ mộc mạc, bình dân của nhà thơ Nguyễn Bính. Bình dân, nhưng lại được đa số nguời trí thức ưa thích. Thơ ông không cầu kỳ với lối dùng chữ lênh đênh lãng đãng, để tạo ấn tượng lôi kéo. Bài thơ 7 chữ này thuộc loại thơ mới, với cách dùng chữ giản dị, không gò bó tí nào; tình ý diễn tả rất chân thật, điệu nhạc phổ vào cũng rất nhẹ nhàng, đơn giản; nhưng lại giàu cảm xúc.
Nếu bài hát này được hoà âm kiểu nhạc trẻ, chú trọng đến âm thanh dồn dập, thì chưa chắc đã truyền cảm. Hay nếu trình bày như một bản tân nhạc phòng trà bình thường khác, kèm theo ngâm kiểu thơ mới... cũng không hẳn đã thành công.
Bây giờ Ngọc Dung xin mời quý vị và bác sĩ Ninh thưởng thức một đoạn trong bản Cô lái Đò do Ngọc Bảo hát sau đây...
Clip Nhạc Ngọc Bảo
8/TXN. Nhận định của cô về thơ phổ nhạc đúng lắm. Trình bầy tối hảo thơ phổ nhạc là diễn tả được cái nội dung, cái tình cảm và cái đối tượng, đề cập tới trong thơ. Ngọc Bảo đã làm được tất cả những điều này qua bài Cô Lái Đò mà cô mới cho nghe. Cái giọng Ngọc Bảo, cái lối trình bày, nhấn mạnh hay để nhẹ chữ thật tự nhiên mà gây ấn tượng. Theo tôi là bởi vì Ngọc Bảo ở cái lứa tuổi có thể hiểu được cái tâm sự của thanh niên thời Cô Lái Đò. Cái tuổi lớn hơn tôi mươi năm. Tuổi đã thành niên khi tôi còn là một thiếu niên nhỏ nhít. Thực ra thì phải nói rằng cũng có những ca sĩ hiểu xuất xứ bài thơ Cô Lái Đò, cho nên khi trình diễn đã mở đầu bằng ngâm mấy câu thơ để mà dẫn vào bài hát. Như là Hoàng Oanh. Nhưng mà theo tôi, tuy giọng hát có sắc và hay mà hòa âm kèm theo không giúp thêm gì để diễn tả tình ý, vì nó chỉ làm cho bài thơ giống như một trong nhiều bài hát khác trình bày nơi phòng trà.
Xin mời quý vị thính giả nghe thử một đoạn nhạc Hoàng Oanh trình bày xem sao.
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/co-lai-do-nguyen-dinh-phuc-nguyen-binh-hoang-oanh.iQ1FvqQg3h.html
9/ND. Nghe Hoàng Oanh hát bài Cô Lái Đò, ND mới có dịp so sánh hai cách hát của hai ca sĩ. Thực ra, phải công nhận là Hoàng Oanh có giọng hát ngọt ngào, trong và cao. Ngày trước, qua đài phát thanh, ND cũng có dịp nghe Hoàng Oanh hát nhiều loại nhạc lắm. Thời trang có, trữ tình có, và cả nhạc Tiền chiến nữa. Nhưng riêng trong bài này, có lẽ vì là bài thơ phổ nhạc khá đặc biệt, không giống như những bài thơ phổ nhạc khác. Vì nó đòi hỏi một sự luyến láy, ngân nga, phù hợp với giai điệu nửa tân nửa cổ, có chỗ như kiểu ru em hay ngâm thơ (với tính cách đặc biệt điạ phương miền bắc). Cho nên cũng khó để có thể truyền cảm xúc cho ngưòi nghe, nếu không thấu hết cái hồn của bản nhạc.
10/TXN. Nếu nghe lại bài Cô Lái Đò một lần nữa thì tôi thấy phải dùng hai chữ “mượt mà” mới nói hết được đặc điểm của lối trình bày Ngọc Bảo và ban nhạc.. Ngọc Bảo đã diễn tà dược tinh thần bài thơ, bài hát bình dân mộc mạc này một cách tuyệt hảo,- Ngọc Bảo đã hát thật dễ dàng, tự nhiên, như là nói như là ngâm. Vì theo tôi ông cảm với bài thơ. Ông hiểu cái âm thanh chân chất bình dân mà tai người bình dân có thể thưởng thức. Ngọc Bảo hát cho mình. Ông đã thêm một vài chữ để cho câu hát thêm duyên dáng (Lòng cô gái ở ở bến sông kia ). Hay là ..(không về với với bến sông) Ông đã bỏ nhẹ một vài chữ. Như trong câu “cô lái đò kia đi lấy chồng”, ông bỏ nhẹ chữ “kia” để gây ra một cái “hẫng nhịp” của kỹ thuật đảo phách. Để mà nhấn mạnh, ba chữ cô lái đò. Chắc là cô Ngọc Dung dư biết rằng nhịp “đảo phách” này thường được dùng trong các bài nhạc nhẩy, trong các phòng trà, để giảm sự đơn điệu, gây cái hứng nhún nhẩy.. Các ban nhạc cung văn của ta đánh cho các bà các cô ngồi dồng mà tôi lúc nhỏ được nghe cũng thường dùng đảo phách như vậy. Để gợi hứng cho các bà các cô uốn éo lúc bóng nhập. Trong giới xẩm xoang tức là giới nghệ sĩ đường phố, thì kỹ thuật này được sử dụng tùy hứng của người trình diễn và tùy theo ý nghĩa cũng như nội dung bài hát. Trong bài Cô lái đò mà chúng ta vừa nghe, phần nhạc dạo trước khi NB hát lần thứ hai cũng tương tư như cái lối nhạc của các ban nhạc cung văn, gây hứng thú cho người nghe. Cho nên theo ý tôi thì kỹ thuật trình bầy bài Cô lái đò của NB và ban nhạc hòa theo kể là siêu, chẳng mấy ai hiện nay sánh được.
11/ND. Vâng, chính vì thế mà bài hát cô Lái Đò trở nên đặc biệt. Sau khi nghe, người thưởng thức còn thấy một chút gì lắng đọng trong tâm. Và, cho đến sau này, người ta chỉ còn nhớ tên bài hát “Cô Lái Đò” và người hát là ca sĩ Ngọc Bảo, chứ không để ý ai là tác giả của bản nhạc. Bài hát buồn, nhưng hay. Có người lại bảo nếu không buồn thì...không phải nhạc Việt Nam!.. ND thì hơi...lạ; nhưng về điểm này, ND thấy hình như... có lý. Tuy nhiên những nhận định trên đây cũng chỉ là tương đối, vì còn tuỳ theo người thưởng thức, thuộc lứa tuổi nào, cảm quan và khuynh hướng âm nhạc ra sao nữa...
12/TXN. ND nói rất đúng rằng cảm quan của một người đối với một bản nhạc là tùy theo người, Và đây cũng là điều tôi nói khi mới bắt đầu vào chương trình hôm nay. Cho nên tôi mới kể chuyện trong trại cải tạo Trảng Lớn tôi thích bài Tiến về Sài gòn, hay là nói cho đúng tôi thích mấy câu “tiến về Sàigòn, ta quét sạch giặc thù”.
Ngọc Dung lại vừa nói nhạc không buồn không phải VN. Cũng có phần đúng. Vì hoàn cảnh sống. Vì văn hóa. Có lẽ mình sẽ phải có lần nói về chuyện này.
13/ND: Vâng, ND nghĩ đó cũng là một ý kiến hay. ND xin cảm ơn bác sĩ đã kể cho nghe những mẩu chuyện hay. Những câu chuyện này lồng vào khung cảnh đất nước và hoàn cảnh xã hội VN, quả là có ý nghĩa. ..
Đến đây, Ngọc Dung xin tạm ngưng chương trình, để mời quý vị thuởng thức lần nữa, trọn vẹn hơn, bài hát “Cô Lái Đò”, để thấm thiá hơn với tiếng hát tuyệt vời của cố ca sĩ Ngọc Bảo, như là một lời chào tạm biệt. Xin cảm ơn quý vị đã theo rõi Câu Chuyện Nhân Văn của chúng tôi hôm nay. Trân trọng kính chào quý vị và kính chào bác sĩ Trần Xuân Ninh.
14/TXN. Trước khi nghe trọn vẹn bài Cô Lái Đò do Ngọc Bảo trình bầy, tôi xin phép kính chào tạm biệt toàn thể quý vị thính giả, và cô Ngọc Dung và xin hẹn gặp lại tất cả trong một kỳ tới.
Clip nhạc Cô Lái Đò với Ngọc Bảo.