Ngày thứ sáu 24 tháng 8/2018 tổng thống Trump viết trên tweet thông báo như sau: “Tôi đã nói ngoại trưởng Mike Pompeo không đi sang Bắc Hàn nữa, lúc này, vì tôi cảm thấy rằng đã không có đủ tiến triển trong vấn đề giảm võ khí hạt nhân ở bán đảo Triểu Tiên”.
“Hơn nữa, vì lập trường cứng rắn hơn đối với Trung quốc trong vấn đề thương mại, tôi không tin rằng họ giúp chúng ta trong tiến trình giải trừ võ khi hạt nhân như là họ đã làm trong quá khứ (mặc dầu các chế tài của Liên hiệp quốc đang còn hiệu lực).”
“Ngoại trưởng Pompeo đang chờ để đi sang Bắc Hàn trong tương lai gần, sau khi các quan hệ giao thương giữa Trung quốc với chúng ta được giải quyết. Trong khi chờ đợi, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt và lòng tôn kính đến chủ tịch Kim. Tôi chờ để hội kiến với chủ tịch sớm”. Bạch cung cho biết rằng ông Trump đã quyết định như vậy khi có mặt ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn hội đồng an ninh quốc gia John Bolton và chánh văn phòng, tướng Kelly, nhưng không có mặt các nhân vật an ninh và tình báo. Trước tin như vậy, có người đã suy đoán rằng đây là một quyết định ngoại giao, chứ không liên hệ đến lý do an ninh. Có người cho rằng khi hủy chuyến đi như vậy ông Trump đã phải gián tiếp xác nhận rằng cuộc họp thượng đỉnh với Kim ở Singapore tháng 6/2018 là thất bại. Bởi lẽ ngay sau buổi họp tháng 6/2018 với Kim Chính Ân mà ông Trump cho là đạt kết quả rất quan trọng vì đã hủy bỏ được mối đe dọa của võ khí hạt nhân từ Bắc Hàn, nhưng thực tế mọi người biết là trong thông cáo chung ông Trump và Kim ký chỉ có xác định tổng quát là sẽ làm viêc để giải trừ võ khí hạt nhân, mà không có một chi tiết hay định hướng thực hiện nào rõ rệt. Điều này càng rõ, khi ngay sau cuộc họp thượng đỉnh Kim Trump, ngoại trưởng Pompeo đã đi sang đông bắc Á châu, thông báo cho các đồng minh Nhật và Nam Hàn về cuộc họp, nhưng đã không thể cho truyền thông biết thêm điều gì khác ngoài khẳng định rằng mọi chi tiết đang được sắp xếp tiến hành. Và ông Pompeo đã phát cáu khi bị hỏi vặn vẹo.
Chuyến sang Bắc Hàn tiếp theo để hy vọng đúc kết chi tiết, đã là một thất bại hoàn toàn vì Pompeo không được gặp Kim Chính Ân, không được cho biết trước nghị trình, không có thông cáo chung và ngay sau khi ông Pompeo ra một thông cáo chung chung về chuyến đi, thì phía Bắc Hàn đã lên tiếng chỉ trích thái độ phái đoàn Mỹ không giúp cho sự việc diễn tiến tốt đẹp.
Một điều rõ ràng là quyết định hủy bỏ chuyến đi này của ông Pompeo được đưa ra một cách đột ngột. Vì chỉ mới ngày hôm trước, thứ năm 23 tháng 8, ngoại trưởng Pompeo mới chỉ định ông Stephen Biegun, phó chủ tịch các vấn đề liên lạc chính quyền quốc tế của hãng Ford làm đặc sứ trách nhiệm về chính sách với Bắc Hàn. Tưởng cũng nói ở đây rằng ông Biegun từng làm việc hai thập niên trong lãnh vực ngoại giao với các dân cử quốc hội cũng như tại hội đồng an ninh quốc gia Bạch cung. Ông Pompeo nói rằng Stephen Biegun sẽ “lãnh đạo những nỗ lực của chúng ta để hoàn thành mục tiêu của tổng thống Trump là giải trừ chung quyết, hoàn toàn và có kiểm chứng võ khí hạt nhân Bắc Hàn, như là đã được thỏa thuận với chủ tịch Kim Chính Ân. Đây là rất đúng lúc cho ông Steve gia nhập với chúng ta. Ông sẽ cùng với tôi đi sang Bắc Hàn tuần tới để đạt tiến bộ ngoại giao hơn nữa trong mục tiêu của chúng ta”.
Có người giải thích rằng sự bất ngờ hủy chuyến đi là do những tin tức của cơ quan Nguyên tử năng quốc tế IAEA khẳng định có sự quan tâm nghiêm trọng về “sự tiếp tục và phát triển thêm chương trình hạt nhân và những tuyên bố liên hệ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”. Nhưng giải thích này không vững vì người ta nhớ rằng tin tức Bắc Hàn tiếp tục chương trình võ khí hạt nhân đã được loan đi không bao lâu sau cuộc hội thượng đỉnh Kim Trump bởi một cơ quan tình báo chuyên theo rõi vấn đề Võ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Nhưng ông Trump đã lờ đi, vì không muốn đám quần chúng tin theo ông thất vọng về cái kết quả không có gì của hội nghị thượng đỉnh mà ông khoe là thành công vĩ đại. Thành ra đúng hơn thì phải hiểu rằng ông Trump thông báo hủy chuyến đi vì không muốn Steve Biegun, một nhà chính trị từng làm việc với các chính quyền trước, mà gần đây nhất là với Condoleezza Rice, cố vấn hội đồng an ninh quốc gia của Obama, thấy rõ bản chất của thỏa thuận Kim Trump là không có gì nhưng đã được ông Trump thổi lên để quảng cáo cho khả năng điều đình của mình.
Ngoài ra khi ông Trump nói không có sự hợp tác giúp đỡ của TQ như trong quá khứ thì đó chỉ là xác nhận rằng cuộc gặp gỡ Kim Trump có được là do TQ thúc đẩy, sau khi ông Trump can thiệp thuận lợi vào vụ hãng Trung quốc ZTE bị chế tài vì tội bán hàng điện tử cho Iran. Nay ngoài những quyết định tăng thuế lên các hàng TQ, mà TQ không ngần ngại gì trả đũa, thì giữa ông Trump và TQ không còn gì để trao đổi nữa. Vấn đề còn lại chỉ là bên nào phải nhượng bộ trước, vì những áp lực nội bộ. Về điểm này thì Tập cận Bình lợi thế hơn Trunp nhờ nắm vững cơ chế chính quyền hơn Trump cũng như kiểm soát chặt chẽ được truyền thông, so với Trump thường xuyên bị phe chính trị Cộng hòa cũng như Dân chủ và truyền thông giòng chính tin giả đánh phá.
Câu hỏi còn lại là tương lai của sự giao thiệp Trump và Kim Chính Ân ra sao? Khi Trump viết trên tweet rằng “ngoại trưởng Pompeo chờ để đi Bắc Hàn trong tương lai gần” và “trong khi chờ đợi xin gửi lời chào nồng nhiệt và lòng tôn kính đến chủ tịch Kim. Tôi chờ để hội kiến với chủ tịch sớm”, thì rõ ràng là Trump không muốn chặn cửa rút cầu. Có người chống Cộng sẽ thất vọng vì Trump không cứng rắn hơn với Kim. Nhưng nếu hiểu được bản chất Donald Trump là một thương lái, thì đó chỉ là thái độ bình thường, và có thể thấy rằng Trump sẽ không thể nào cứng rắn quyết thắng trong trận chiến tranh thương mại mà Trump mở ra với Tầu cả. Cuộc chiến tranh này, nếu muốn gọi là chiến tranh, chỉ là những biện pháp Trump đưa ra để điều đình lại những thỏa thuận đã có, như là Trump đã từng làm trong suốt cuộc đời áp phe của ông từ trước đến nay.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 28 tháng 8/2018)