Bài viết thứ 9 của Lê Thiệp trong Tạp Ký “Ung Thư ơi chào mi” nhân buổi ra mắt sách của Tủ sách Tiếng Quê Hương ngày 24/3/2013 tại Virginia, cũng có thể là bài nói chuyện hoặc coi như lời trăng trối cuối cùng trước mọi người, khi anh đang trên đường “chuẩn bị” về cõi ấy, Anh chỉ nói 2 điều: một điều về anh ngắn gọn trong 4 giòng, và điều thứ hai thì cả trăm giòng để nói về Tủ Sách Tiếng Quê Hương và ước mơ của một “Cancer Suvisor”: nhà văn Uyên Thao, người mà anh và tôi hay gọi là Anh Cả.
Tôi được biết anh Cả qua Lê Thiệp nhưng chưa một lần gặp mặt. Nhớ có một lần, hình như đang ở nhà anh Cả, LT gọi cho tôi thông báo: “ông Thao vừa cho biết là bị dính ung thư”, Tôi ngẩn người và thú thật chả biết phải làm gì ngoài vài lời cầu nguyện.
Trong khi Anh Cả kiên cường tiếp tục “đánh nhau” với ung thư thì ông trời lại gọi Lê Thiệp đi trước. “Đúng ra chú ấy phải lo việc hậu sự cho mình như đã tính toán mà bây giờ ngược lại mình phải ngậm ngùi tâm tình trước di hài của chú vào ngày 11 tháng 7 năm 2013”:
“...Anh chỉ muốn nói với em rằng anh thấu hiểu tâm sự của em và em hãy tin rằng khi nào anh còn hơi thở, dù chỉ là một giờ, một phút thì tâm nguyện của em vẫn luôn ngời sáng trong tâm não anh cùng hết thẩy bạn bè của chúng ta.”
Anh Cả bàng hoàng và đau lắm khi mất một “thằng em”, rồi bạn bè, các thằng em khác của anh cũng lần lần rơi rụng. Có lẽ vì thế mấy tháng trước anh đã thư cho tôi bằng những giòng chữ chán chường ít thấy nơi anh:
Ngay lúc đó, tôi đã trả lời anh nhưng chỉ là một vài ý nghĩ phản xạ có sẵn trong đầu, hôm nay thì thêm vài giòng cho trọn ý:
Nhận sách cả tuần rồi. Cám ơn anh nhiều lắm. Thấy anh gói, viết và vẫn còn ngồi máy liên tục... trước ngưỡng cửa của tuổi 90 chứng tỏ là anh vẫn còn minh mẫn, hơn rất nhiều người khác, trong đó có cả những thằng em anh đã đi xa hay vẫn còn vật vờ tại thế. Anh cứ nói thế chứ, “hạt mưa” mà anh cho là “buồn rơi rớt” đó đã làm tươi mát bao người đấy, không phải như anh nghĩ đâu.
Em mượn ý của anh Vũ Ánh khi nói với Lê Thiệp lúc đang vật nhau với bệnh:
Cuộc chiến gian nan nhiều mặt mà anh đang phải đối đầu vẫn chưa ngã ngũ, nhưng thằng em tin chắc phần thắng sẽ về Anh.
“...mai này khi trở lại quê hương, chúng ta sẽ có không chỉ vài chục mà vài trăm hoặc có khi cả vài ngàn cuốn sách để anh em, đồng bào có dịp nghe, nhìn, đọc thấy một lịch sử do những người Việt đích thực viết về một lịch sử đúng như những gì đã và đang diễn ra”.
------------
Trong bản cáo phó, gia đình Lê Thiệp đã ghi rõ:
“Cáo phó này thay thế thiếp tang riêng. Tiền phúng điếu, hương hoa xin đóng góp vào quỹ Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Xin chân thành cảm tạ.
Đây cũng là một tiếp sức cuối cùng của LT dành cho Tủ sách Tiếng Quê Hương “như hòn than truyền lại lửa sống cho Tủ sách” (lời trích dẫn). Nhưng không chỉ là như thế đâu, em tin là bạn bè LT, những hạt mưa từ nhiều nơi khác cũng đang âm thầm tiếp tục làm anh “mát mặt”.
Xin anh bớt buồn, và lẽ dĩ nhiên sẽ chẳng có ai “dám” quên hạt bụi. Kính anh.
----------------
Mời bạn ta nghe bài nói chuyện dưới đây của một “cậu Thiệp”, lè phè, coi trời đất chả ra chi.... dù gần đất xa trời mà cứ vung cứ vít, nhưng vẫn ngẩng cao đầu tự tin. Bằng hữu chơi với anh đều phải công nhận: tấm lòng của cậu Thiệp với bạn bè, đất nước vẫn là số một.
Vũ Đăng Khuê
UNG THƯ VÀ ƯỚC MƠ SÁCH VỞ
Kính thưa quý vị,
Thật là may mắn cho tôi và có thể cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương khi tôi còn đủ sức đứng đây để thưa chuyện cùng quý vị.
Điều đầu tiên xin được khai báo là tôi vừa được chẩn trị và bác sĩ sau nhiều lần thử nghiệm đã xác nhận tôi bị ung thư gan tới thời kỳ cuối.
Bệnh tật, một trong tứ khổ Sinh, Lão, Bệnh, Tử là điều trong chúng ta không ai thoát khỏi.
Điều thứ nhì ai cũng biết là người thành lập và điều hành nuôi sống Tủ Sách Tiếng Quê Hương cũng là một Cancer Survivor. Ông Uyên Thao bị bệnh và đã kiên cường chiến đấu để tồn tại đến ngày hôm nay.
Tôi có lần đùa với ông rằng:
– Cả đời tranh đấu, cả đời viết lách, nhưng nay anh mới được bà con biết đến và nổi danh như cồn nhờ uống lá đu đủ mà thoát tay của tế bào ung thư.
Hai điều trên dẫn đến một câu hỏi rất giản dị: Tủ Sách Tiếng Quê Hương sẽ tồn tại đến bao giờ trước tế bào ung thư?
Hơn một chục năm trước, khi đón anh từ Việt Nam qua ở phi trường Reagan, anh nghiêm mặt nhìn tôi bảo:
– Tao nghe tụi nó nói mày chỉ lo mạt chược, rượu chè, không thèm cầm lấy cây bút phải không?
Vốn là đứa ngang bướng tôi nói với ông:
– Anh ở Việt Nam đói khát về đủ mọi phương diện từ ăn uống cho đến chỗ ở và nhất là bị công an chế độ hoạnh họe, rình rập. Tôi biết anh có nhiều bức xúc cần viết ra, nhưng ở dưới chế độ đó, anh bó tay. Tôi xin cam đoan với anh nước Mỹ sẽ lo cho anh cơm áo đầy đủ, tắm nước nóng, ngủ giường nệm, nhà có thảm, có máy sưởi, có máy lạnh. Vậy thì đương nhiên anh sẽ vung bút viết về số phận con người, của gia đình anh, bản thân anh và của cả dân tộc. Ngày mai tôi sẽ đem văn phòng tứ bảo đến tặng để anh bắt đầu viết lại.
Ông trầm ngâm, không nói gì.
Có thể vì viễn tượng đời sống Mỹ do tôi vẽ ra. Có thể vì lời thách đố, không chỉ với chính ông mà cả với những người cầm bút ở hải ngoại.
Y hẹn, hôm sau tôi ôm đống bút, giấy, sách vở tới và nói:
– Anh nên bắt đầu ngay khi còn nóng sốt, để lâu nó nguội giống như tôi.
Loanh quanh một dạo, qua sự giúp đỡ tích cực của bà Khúc Minh Thơ, đời sống ổn định, nhưng khi đề cập đến chuyện viết thì ông trầm ngâm, không trả lời. Quen biết ông từ hơn nửa thế kỷ, tôi biết chắc ông không ngồi yên.
Tôi bình tĩnh chờ đợi một “biến động” nào đó.
Điều không ngờ là ông quyết định làm xuất bản và Tủ Sách Tiếng Quê Hương ra đời với sự đóng góp của bằng hữu, kẻ 500, người 1000 và vốn khẳng khái, ông không mở rộng đóng góp cho quần chúng.
Tôi là người phản đối vụ in và xuất bản kịch liệt.
Tiền in cao, giá bưu điện đắt đỏ, độc giả đếm trên đầu ngón tay. In ra bán ở đâu? Bán cho ai?
Ông Uyên Thao trong cách xử thế rất cứng rắn, nhưng lại là người mơ mộng.
Ông không trả lời được các câu hỏi, nhưng bảo:
– Tao chỉ cần 300 độc giả là đủ. Cái quan trọng là phải có phương tiện cho anh em có chỗ tập trung, có chỗ trao đổi. Mày có tin rằng trước sau gì Cộng Sản cũng thua, và nếu tao với mày còn sống thì đem về Việt Nam được những gì?
Rõ ràng và minh bạch, ông muốn sẽ có dịp đem những cuốn sách chúng ta đang cầm trên tay về xuất bản tại quê hương.
Để làm gì?
– Mày không thấy à? Cộng Sản bằng mọi giá muốn lịch sử phải được viết dưới lăng kính, dưới nhãn quan Lê nin nist. Họ phải tìm đủ mọi cách xóa bỏ những thực tại của lịch sử, nếu không thì bóp méo mọi dữ kiện trái với quan điểm của họ. Điều này rõ ràng không cần chứng minh gì nữa. Vấn đề còn lại là của tao, của mày, của những anh em mình.
Vấn đề còn lại đó, với tôi, nó mơ hồ và viển vông. Với ông Thao, tôi cùng dăm ba anh em liệu có làm nổi việc đó chăng?
Liệu có đủ sức, đủ tài và tiền bạc cùng thì giờ để làm việc đó chăng?
To lớn quá. Đại ngôn quá.
In sách để hậu thế có một phản diện ngược lại với cả một chính sách mà đằng sau là guồng máy tuyên truyền khổng lồ với tài chính không giới hạn?
Có lẽ tôi là người duy nhất chống đối việc tạo dựng Tủ Sách Tiếng Quê Hương ngay từ phút đầu.
Và với bản tính ham vui, ham chơi, tôi lờ tịt không nói với ông Thao về cái Tủ Sách Tiếng Quê Hương đầy viễn mơ đó.
Thế mà ông Thao làm thật.
Thế mà ông cũng lôi kéo được khá đông anh em, trong đó hai nạn nhân nặng ký nhất là ông Trần Phong Vũ và bà Lê Thị Nhị.
Bẵng đi ít lâu, sau khi Tủ Sách Tiếng Quê Hương in được độ một chục đầu sách, ông Thao nghiêm túc nói với tôi:
– Mày vừa thôi. Tao bị ung thư sắp chết mà vẫn cố lo chuyện chung. Mày chỉ phè phỡn, uống rượu, mạt chược, tán dóc. Hẹn mày một tháng nữa đưa tao bản thảo. Không thì không còn anh em gì nữa.
Tôi quả có xấu hổ và trong một lúc hứng sảng, tôi nói hai tháng đi cho chắc.
Hai tháng sau, tôi có quyển sách đầu đời sau hơn nửa thế kỷ cầm bút.
Có lẽ chính tấm gương can đảm của anh, miệt mài không quản ngại gì ngoài Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã khiến không phải những người cầm bút từ lâu xắn tay đóng góp. Ông còn chiêu mộ được những ông bạn của tôi, trong đó có Hoàng Xuân Trường vào con đường viết lách và in ấn.
Đến nay, những thành công của Tủ Sách Tiếng Quê Hương không còn chối cãi được.
Nhưng từ nay về sau thì sao?
Sự thật không thể chối cãi thì chỉ cần đếm đầu sách, chỉ cần thấy phản ứng của Hà Nội và hơn hết là độc giả trong và ngoài nước đã dành cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương nhiều cảm tình, nhiều biệt nhãn.
Nhưng tương lai thì sao?
Tôi đang cố gắng hoàn tất bản thảo của cuốn sách thì ung thư ập tới. Ung thư thời kỳ chót.
Nhìn sang phía các vị niên trưởng thì đã có dăm ba vị giã từ chúng ta, không hẳn chỉ là cuộc sống và hơi thở mà còn kiệt quệ vì tuổi già sức yếu.
Hôm nay chúng ta nên có một khoảnh khắc nho nhỏ để nhớ đến Vương Đức Lệ, đến Mai Trung Tĩnh, đến Ma Xuân Đạo, tác giả Tần Trung Tác.
Hoặc xin cùng hướng về ông Minh Võ, cầu xin cho ông còn đủ sức để mai mốt cầm viết trở lại.
Nhưng quan điểm bi quan của tôi bị ông Uyên Thao gạt phăng.
– Không có tao, không có mày, không có thằng Lệ thì còn biết bao nhiêu anh em khác. Mày coi Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã in bao nhiêu tác phẩm đầu tay của anh em?
– Tôi là thằng con buôn. Làm thì phải có lời. Ông và Tủ Sách Tiếng Quê Hương có lời đồng xu, cắc kẽm nào không? Tôi không biết ông Trần Phong Vũ đã refinance nhà mấy lần để lo cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Tôi không biết bà Lê Thị Nhị cứ bao lâu lại đè con cái ra lấy tiền mua tem? Đấy là chưa kể lâu lâu những đứa như tôi, như Hoàng Xuân Trường lại cầm lòng không đậu.
Nói tới thì nói lui.
Nói gì thì nói, vấn đề then chốt gom lại hai điểm.
Xa là sẽ có ngày sách của chúng ta sẽ in và phổ biến tại Việt Nam. Đây là cái ước vọng đã khiến ông Uyên Thao còn ngắc ngoải tới bây giờ.
Gần là làm sao có tiền để in và in xong thì làm sao phổ biến?
Cái ước vọng xa rồi thế nào cũng sẽ đến.
Cái ước vọng gần e rất khó hoặc rất dễ tùy theo cái nhìn của mỗi chúng ta.
Hiện tại Tủ Sách Tiếng Quê Hương có trên hai mươi bản thảo chờ in.
Chất liệu đã có.
Mỗi cuốn in tốn khoảng trên 5000.
Tiền cước phí cũng cỡ đó. Tằn tiện lắm thì tổng chi vào khoảng 8 đến 10 ngàn đô la.
Mẹ ơi, lấy đâu ra mà nhiều tiền thế?
Đánh nhau với ông Thao không thắng thì tôi chọn giải pháp theo ông với ý nghĩ giản dị rằng ông Thao hơn tôi một giáp, đánh nhau với Tủ Sách Tiếng Quê Hương và bệnh ung thư cả thập niên mà nay vẫn hăng như thuở đầu.
Khi biết mình bị ung thư, tôi gặp ông Thao báo tin.
Chị Hàng Ngọc Hân đưa tôi lá đu đủ và biết tính tôi, chị bắt tôi thề sẽ uống thứ thuốc kỳ diệu này.
Tôi xin chị Hân đừng giận.
Cho đến nay, sau hơn ba tháng, tôi chưa mở gói lá khô đó ra.
Nhưng hôm đó tôi có hứa với ông Uyên Thao:
“Thôi được, ba tháng nữa tôi sẽ giao bản thảo cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương.”
Lời cuối là lời kêu gọi thống thiết.
Xin tất cả quí vị hiện diện hôm nay ở đây hoặc vì hoàn cảnh không dự được nhưng nếu có tình cờ cầm một cuốn sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương, xin quý vị hãy tiếp tay với ông Uyên Thao và Tủ Sách Tiếng Quê Hương với cái ước vọng rằng mai này khi trở lại quê hương, chúng ta sẽ có không chỉ vài chục mà vài trăm hoặc có khi cả vài ngàn cuốn sách để anh em, đồng bào có dịp nghe, nhìn, đọc thấy một lịch sử do những người Việt đích thực viết về một lịch sử đúng như những gì đã và đang diễn ra.
Xin cám ơn quý vị.
LÊ THIỆP
Bài nói chuyện ngày 24/3/2013 trong buổi ra mắt sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương tại Virginia.
Trích trong “Ung Thư ơi Chào Mi” do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản
Địa chỉ liên lạc:
P.O. Box 4653 Fall Church VA 22044 USA
Email: uyenthaodc@gmail.com & uyenthao174@yahoo.com