Chuyến công du Ấu châu tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO của tổng thống Mỹ Donald Trump đã là vấn đề được chú ý đặc biệt trên truyền thông Hoa kỳ trong hơn một tuần qua. Bởi vì người ta đã biết ông Trump than phiền rằng các nước trong khối Minh Ước Bắc Đại Tây dương NATO không đóng góp đủ theo như quyết định là 2% tổng sản lựơng quốc gia, và rằng khối NATO đã lỗi thời. Cho nên đã có nhiều bình luận về số phận sẽ có của NATO sau chuyến đi của ông Trump, về phản ứng của các chính khách Âu Châu đối với thái độ bình thường bặm trợn của ông Trump, và về cuộc gặp gỡ tổng thống Nga Putin cuối chuyến công du. Trước khi đi, vào ngày thứ năm mồng 5 tháng 7, trong buổi vận động quần chúng ở tiểu bang Montana ông Trump đã nói đến vấn đề đóng góp ít cho NATO của các nước Âu châu và hé dọa rằng Mỹ có thể thay đổi vị thế quân sự cho nên lại càng tạo chú ý. Bây giờ, sau những ồn ào trong suốt thời gian buổi họp, NATO vẫn còn đó cho nên có người cho rằng tất cả chỉ là chiến thuật của ông Trump để tạo quảng cáo cho chuyến đi của ông theo kiểu tải từ Hollywood. Nghĩa là làm đủ điều, nói đủ cách, kể cả những chuyện thường tình kể là chướng tai gai mắt.
Sự suy diễn này không hẳn là vô lý. Nhưng mà cũng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng là cách hành xử và ăn nói đột ngột bất ngờ của ông Trump cho nên mọi người đều thấy rằng ông Trump là người nói năng bặm trợn, theo hứng. Thực thế, trong buổi họp có ăn sáng do tổng thư ký NATO tổ chức, ông Trump đã phát biểu chê bai không nể vì thủ tướng Đức. Ông đã chỉ trích việc Đức sử dụng đường dẫn khí đốt từ Nga, cả tì đô la, và tuyên bố rằng Đức là nước bị Nga chiếm đóng (captive). Khiến ngay cả chánh văn phòng Bạch cung, tướng Kelly, đã mặt xị, nhấp nhổm ngồi không yên, được thấy rõ trong video bữa ăn được theo rõi rộng rãi. Và phát ngôn viên Bạch cung Sarah Huckabee Sanders đã phải giải thích cho qua, nhưng khó chấp nhận, rằng thái độ của tướng Kelly là do không hài lòng vì ông chờ đợi một bữa sáng đầy đủ nhưng thực tế chỉ có bánh và cheese.. Bà Angela đã không bỏ qua chỉ trích này của ông Trump mà trả lời rẳng bà đã sống ở Đông Đức trong tình trạng kiểm soát của Liên Sô và đã trở thành người lãnh đạo nước Đức thống nhất tự do dân chủ. Nhưng sau cuộc họp riêng với thủ tướng Đức buổi chiều thì ông Trump đã nhận rằng là bạn của bà Angela, và nói mọi sự tốt đẹp. Còn bà Merkel thỉ chỉ nói rằng đã có cơ hội để hai bên trao đổi ý kiến. Nhân chuyện này, truyền thông và các nhà chính trị Mỹ đã không tiếc lời chê bai ông Trump và cho rằng mối quan hệ của ông Trump với bà Angela Merkel chưa bao giờ xuống thấp đến thế
Cung cách hành xử và lời ăn tiếng nói của ông Trump đã được tóm tắt khá linh hoạt bởi một hình nộm ông Trump như là đứa con nít mặc tã đang la hét, được cho bay lên cao khi ông Trump đến thăm nước Anh ngày thứ sáu 13 tháng 7. Tin tức cho biết rằng ông Trump đã được mời đến Anh như là một cuộc họp làm việc, nhưng không phải là với tư cách quốc khách (state visit). Sự chống đối ông Trump của dân chúng Anh, ít nhất là tại London được mô tả như là lớn nhất từ trước tới nay, tính từ cuộc biểu tình chống tổng thống Bush con mở ra cuộc chiến Iraq. Ông Trump đã được tiếp đãi thảm đỏ và đến họp với bà thủ tướng May ở nhà của bà tại Chequers ngoài thủ đô London, rồi sau đó được mời uống trà buổi chiều với nữ hoàng Elizabeth tại lâu đài Windsor, cũng ở ngoài London. Bất kể biểu tình lớn chống đối, ông Trump đã tuyên bố thản nhiên rằng ông được đa số nhân dân Anh ủng hộ, và cũng không ngần ngại chỉ trích thị trường London, ông Sadiq Khan là người dở, làm việc tồi tệ. Tưởng cũng nên nhắc ở đây rằng trước khi họp với bà May ông Trump đã chê chủ trương Brexit của bà May trong một cuộc phỏng vấn với báo The Sun. Ông nói rằng bà đã không nghe lời khuyên của ông, đã đi ngược lại, và coi đó là có thể “giết chết” giao thương giữa Anh với Mỹ. Ông cũng nói Boris Johnson người chống chủ trương của bà May và mới rởi bỏ nội các, là người đáng làm thủ tướng. Thế nhưng sau khi gặp gỡ bà May thì ông Trump đã tuyên bố ngược lại, ca tụng bà May hết lời, và kết án tin loan đi trên báo the Sun là tin giả, dầu rằng bản thu âm cuộc phỏng vấn đã được báo The Sun công bố. Ông kết luận “Chúng tôi đang ở điểm đặc biệt cao nhất”, Ông nói chuyện điểu đình thi hành chủ trương Brexit (quyết định rút Anh ra khỏi Liên hiệp Âu châu) là “một hoàn cảnh khó khăn nhất” và rằng “điều độc nhất tôi hỏi Theresa là liệu hai nước có thể giao thương với nhau không”, Ông xác định “ chúng ta mong giao thương với Anh và Anh mong giao thương với Mỹ”.
Sau những tin tức quanh cuộc họp thượng đỉnh NATO và chuyến thăm Anh quốc, một số người đã nghĩ rằng một điều có thể thấy rõ rằng là đừng tin những gì ông Trump nói mà hãy xem những gì ông Trump làm. Vì những thay đổi trong phát biểu và ứng xử của ông Trump đã thật nhanh chóng và được phóng ra một cách tự nhiên, bất ngờ. Sau cuôc gặp gỡ chính thức, ông Trump và bà Melania sẽ bay đi nghỉ cuối tuần ở Turnberry Golf Resort mà ông sở hữu ở Scotland. Có người đã cho rằng chuyến đi đến Turnberry này là một cách quảng cáo cho cái cơ sở thương mại này và đã nêu vấn đề này lên để cảnh báo. Khách quan mà nói, đó chỉ là một trong nhiều tấn công chính trị vào ông Trump. Sau đó, thứ hai 16 tháng 7, ông sẽ gặp Putin ở Phần Lan.
Khi được hỏi về Putin, ông Trump nói rằng. “Ông ta không phải là kẻ thù của tôi. Ông có phải là bạn không? Không. vì tôi không biết ông rõ lắm. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ giao tiếp được tốt đẹp. Ông ấy đại diện cho nước Nga. Tôi đại diện cho nước Mỹ. Trong một ý nghĩa nào đó, chúng tôi là cạnh tranh với nhau. Không phải là vấn đề bạn hay thù. Ông ấy không phải là kẻ thù của tôi. Và hy vọng rằng, một ngày nào đó, có thể ông ấy sẽ là bạn. Điều này có thể sẽ đến”
Phát biểu này đã bị thượng nghị sĩ John McCain đang bị ung thư não gần chết chỉ trích mạnh mẽ McCain nói : “Putin không phải là bạn của chúng ta cũng không phải chỉ là một người cạnh tranh. Ông ta là kẻ thù của chúng ta. Không phải là vì chúng ta mong như thế mà là ông ấy chọn như thế. Ông ấy đã chọn xâm lăng Ukraine và xát nhập Crimea. Ông ấy đã giúp Assad để tàn sát dân Syrians. Ông ấy đã chọn tấn công bầu cử của chúng ta và phá hoại các thể chế dân chủ trên thế giới”.
Về việc can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump nói “ Ông ấy có thể chối… và tất cả những điều tôi có thể nói là “ông có làm không?” và “Đừng làm nữa , nhưng ông ấy có thể chối.”
Về việc xát nhập Crimea, ông Trump nói “Đó là việc xẩy ra thời Obama. Việc không xẩy ra thời Trump trách nhiệm. Tôi có cho phép việc đó xẩy ra không? Không. Tôi không cho việc đó xẩy ra. Nhưng ông ấy đã để xẩy ra như thế, tức là quyết định của ông ấy như thế..Việc gì sẽ xẩy ra từ vụ Crimea? Tôi không nói được. Nhưng tôi không vui về vấn đề Crimea”.
Những câu trả lời trên không cho thấy cái bặm trợn thường lệ của Trump, mà chỉ cho thấy rằng ông này nói thẳng điều ông ấy nghĩ, và có tính toán để nhằm cái gì, một cách không văn vẻ. Như chê rồi lại nịnh bà May, bà Merkel, hay ca tụng Kim chính Ấn một cách thản nhiên không xấu hổ. Đó chỉ là tác phong của một thương nhân, một salesman, một người bán xe hơi, một lái trâu ở VN thế kỷ trước. Người ta cũng không ngạc nhiên về chuyện McCain chỉ trích Trump. Hai người là thù nghịch với nhau. Từ khi McCain chống đối việc Trump ra tranh cử tổng thống và Trump quạt lại đả kích cái nhãn anh hùng được gán cho McCain. Ông Trump nói làm tù binh không phải là anh hùng.
Ngoài ra thì luận cứ Nga chen lấn vào cuộc bầu cử tổng thống để ủng hộ Trump chỉ là điều mà phía Dân chủ khai thác tiếp tục sau thất bại cay đắng của Hillary Clinton và đảng Dân chủ. Chuyện này đã tiếp tục kéo dài từ bấy đến nay chưa dứt khoát ngã ngũ. Kết quả ra sao sẽ tùy thuộc vào cái xu hướng chính trị nào, chống Trump hay bênh Trump, thắng thế. Khách quan mà nói, nó không làm hạ giá cái thắng của Donald Trump cũng như không làm tăng giá trị của Hillary Clinton. Nhưng mà cho tới nay thì mặc dầu những cò cưa đấu đá qua lại, Trump sẽ chẳng sao, nghĩa là dù có sự len lấn của Nga đi nữa thì cũng chẳng phải vì thế mà mất chức tổng thống. Nó chỉ cho thấy rằng sự phân rã chính trị Mỹ ngày càng trầm trọng. Về căn bản thì người ta biết rằng vấn đề các thế lực chính trị ngoại quốc chen vào những cuộc bầu cử bằng cách này hay cách khác không phải là điều bất thường. Gần đây nhất, Mỹ can dự vào Ai Cập, vào Saudi Arabia. Xa hơn nữa năm 1963, Mỹ lật đổ tồng thống Ngô đình Diệm ở Việt nam. Người ta nói đến Clinton Foundation nhận mấy trăm triệu đô la từ các nước Ả Rập. Chẳng có câu hỏi và điều tra nào cả. Vấn đề chỉ là có ngăn ngừa được những điều này hay không? Và sự can dự, ảnh hưởng nếu có vào cuộc tranh cử có hợp pháp hay không? Làm gì được thế lực muốn ảnh hưởng? Làm gì với kẻ được hay chịu ảnh hưởng? Trả lời khá là rắc rối, nhất là khi ở Mỹ vấn đề vận động sư ủng hộ chính trị (lobby) là hợp pháp.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 13 tháng 7/2017