Câu Chuyện Nhân Văn kỳ 1: Vấn đề ĂN (Ngọc Dung & Bác sĩ Trần Xuân Ninh)

Minh Phương

Minh Phương

Lời Giới Thiệu: Minh Phương xin kính chào quý vị thính giả. Kính mời quý vị theo rõi CÂU CHUYỆN NHÂN VĂN với sự đóng góp của nhà giáo Ngọc Dung, bác sĩ Trần Xuân Ninh và ban biên tập Bức Tranh Vân Cẩu.

 

1/Ngọc Dung: Ngọc Dung xin kính chào bác sĩ TXN. Xin kính chào quý vị thính giả. Thưa bác sĩ Ninh, đưọc bác sĩ cho phép, ND cũng xin hân hạnh tham gia vào Chưong trinh mạn đàm, với “Câu chuyện Nhân Văn”. ND xin được dài dòng một chút ở đây...

Vấn đề “Nhân Văn” là một vấn đề khá rộng. Bàn về vấn đề này cũng sẽ rất... mênh mông. Vì... có thể bao gồm không gian, thời gian, ngưòi, cũng như việc. Và, nhân văn cũng có thể “chạm “ vào những khía canh khác của đời sống. Hay, cũng có thể liên quan đến một vài khía canh về xã hội, văn hoá, giáo dục hay tâm lý. v.v... Nói chung, là tất cả những gì hay và tốt cũng như xấu nữa, hoặc không xấu không tốt, nghĩa là thuộc con người, đông cũng như tây. Hôm nay là buổi đầu tiên, mà ND lại là “lính mới”, nên còn bỡ ngỡ, xin bác sĩ mở đầu ạ.

2/TXN: Xin chào nhà giáo Ngọc Dung. Kính chào quý vị thính giả. Cô giáo nói tôi mở đầu thì dân cờ bạc sẽ nói là cô “bán cái”đấy. Vả lại tôi mà mở đầu thì chán chết, vì méo mó nghề nghiệp mà sẽ chỉ biết nói đến bệnh và tật, Hay quá lắm là giống như nhiều đồng nghiệp, nói đến thể thao giải trí, hay là thị trường chứng khoán xem tiền lên xuống, túi đầy vơi. Thôi xin nhà giáo cứ tự nhiên ra chiêu trước dùm đi cho, nhe.

3/Ngọc Dung. Vâng, Thôi thì bác sĩ đã hỏi thì phải xin thưa. Ca dao có câu “Một liều ba bảy cũng liều...”, thì hôm nay ND cũng xin đánh liều một ...chuyến vậy. Vì, nếu không liều thì làm sao học hỏi được, để rút kinh nghiệm. Phải không ạ? Nói đến học hỏi,  tự dưng ND lại nhớ đến các cụ ngày xưa thường dạy con gái, là...phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Khởi đầu bằng chữ “ăn”. (Ăn thì ai mà chẳng phải ăn, chẳng biết ăn,  phải không ạ? Thế mà... cũng phải học cơ chứ). Như vậy đủ biết, “ăn” quan trọng như thế nào. Nhưng mà sao các cụ lại cũng dạy con cái rằng “Miếng ăn là miếng xấu”. Thế mới thật là phức tạp quá !  Cho nên ND nghĩ rằng nếu mà buổi đầu câu chuyện nhân văn hôm nay mình nói về Ăn thì có lẽ là nên lắm. Vì bây giờ ND vẫn chưa hiểu  rõ lắm là tại sao mà các cụ lại bảo phải “học ăn”.

Ngọc Dung

Ngọc Dung

4/.TXN:  Cái câu học ăn học nói học gói học mở thì bà nội tôi cũng dậy như vậy và mẹ tôi lúc còn sống cũng nói như vậy. Tôi còn nhỏ thấy vô lý nhưng mà các cụ rất đúng khi nói phải học ăn. Vì không ai để ý rằng trẻ con mới đẻ không biết ăn mà chỉ biết bú sữa. Dần dần mới biết nuốt nước đổ vào miệng bằng muỗng. Rồi ăn cháo, ăn bột, rồi đến cơm vân vân..Và nếu mà ai có nuôi con nhỏ thì cũng biết rằng trẻ con lúc mới bắt đầu cho ăn bột, ăn cháo thì lè ra. Sau mới đến nhai cơm và nuốt cơm. Nhai nuốt thì cũng phải học đàng hoàng chứ không phải là ăn nhai như heo, như chó. Tôi lúc còn nhỏ đã từng bị mẹ mắng khi không biết ăn vì nhai hai hàm như heo. Nói rộng ra thì Ăn là một vấn đề văn hóa, dân tộc. Khi cộng đồng VN mới hình thành ở hải ngoại. Những buổi gặp gỡ nhau thường là từng nhóm mấy gia đình nấu thực phẩm VN để khỏi quá ngán vì hamburger, hot dog, donut … Tình trạng này kéo dài khá lâu. Do đó, lúc tôi sang Mỹ định cư năm 1980 còn được dự những buổi này vào những cuối tuần. Các bà thổi xôi bắp, làm xôi vò, tráng bánh cuốn bằng chảo không dính, đổ bánh xèo, bánh tôm, làm rượu nếp, làm giò chả, ngày Tết thì làm bánh chưng… Tầm quan trọng của cái ăn đã làm cho các bà, các cô sang Mỹ định cư giỏi nghề nấu ăn hẳn ra, ngoài chuyện đi làm kiếm tiền để lo gia đình; mà chồng lo không xuể, hay không lo được. Tôi nói điều này thì có người buồn nhưng sự thực là như thế. Khi số người được định cư tăng lên nhiều thì nẩy sinh ra nhiều quán ăn VN. Tuy nhiên, chuyện nhớ những món ăn dân tộc này không chỉ riêng nơi người VN mà là chung cho mọi sắc dân. Vì thế, ở những thành phố Mỹ lớn với dân mới nhập cư nhiều thì các tiệm ăn đủ sắc tộc không thiếu,  kể cả những dân lạc hậu. Từ Lào, Cam bốt đến Ethiopia, đến Nga, đến Ấn độ, Afghanistan, Columbia, Mễ Tây Cơ, vân vân. Có lần tôi vào một tiệm ăn Guatemala thấy có món cháo lòng, mới tò mò thử xem sao, thì hôi quá không nuốt nổi. Cho nên cô giáo mà đề nghị bắt đầu chương trình Câu chuyện Nhân văn với vấn đề Ăn là đúng lắm. Mình sẽ có rất nhiều điều để nói dài dài.

                 Học ăn (bốc). Nguồn internet

                 Học ăn (bốc). Nguồn internet

5/Ngọc Dung: Thưa bác sĩ Ninh, Ngọc Dung vừa hỏi một câu, mà bác sĩ đã dẫn ra bao nhiêu vấn đề quan trọng.Và lại dính líu đến nhiều khía cạnh, từ khiá cạnh xã hội, đến khía cạnh văn hoá, truyền thống.  Từ vấn đề hội nhập đến vấn đề đa văn hoá; và lại liên quan cả đến khía cạnh sức khoẻ nữa...Thế thì hi vọng đề tài này không những không nhàm chán, mà lại còn phong phú nữa là khác. Vâng, nghe bác sĩ nói thì ND cũng đỡ ngại bị chê rằng chuyện “ăn” không có gì đáng nói. Trái lại, rõ ràng: Ăn, là một vấn đề thực tế. Chả thế mà chúng ta thường nghe nói “Có thực, mới vực được đạo”. Vậy thì, bây giờ chúng ta cứ thử bắt đầu bằng vấn đề ĂN, xem sao. Phải không ạ?

steak.jpg

6/TXN: Thế là tôi …trúng mối rồi. Cái nghề y khoa của tôi dư sức qua cầu với vấn đề Ăn mà cô giáo đưa ra. Tôi xin nói ngay rằng người ta ăn để mà sống. Muốn sống khỏe mạnh thì phải có thực phẩm quân bình bao gồm đủ năm nhóm gồm chất bột, chất đạm, chất béo, rau quả, sinh tố và các muối khoáng chất. Các chất này hiện hữu ở những tỷ lệ khác nhau trong các loại thực phẩm thiên nhiên. Như chất đạm có nhiều trong thịt cá nhưng cũng có trong rau trái như các loại đậu, quả...Vì thế có nguyên cả môt chuyện khoa dinh dưỡng để nghiên cứu tìm hiểu và hướng dẫn ăn uống. Thiếu ăn thì suy dinh dưỡng hay bệnh hoạn mà chết. Đó là những trường hợp các nước nghèo lạc hậu. Nhưng dư ăn thì cũng sinh bệnh hoạn mà chết. Đó là hoàn cảnh các nước tư bản giầu có Âu Mỹ. Với các bệnh do ăn uống quá đáng và không đúng cách sinh ra như béo phì, tiểu đường, cao áp huyết, cao mỡ trong máu và các bệnh tim mạch. Bằng chứng trước mắt và cụ thể tôi biết là các chứng bệnh này là những bệnh rất nhiều và thông thường trong những người Việt Nam tị nạn tại Mỹ là nơi tôi hành nghề y khoa, nhưng lại có rất ít ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây.Thành ra nếu ăn để mà sống, thì cũng vì ăn mà chết luôn...

7/Ngọc Dung: Thưa, bác sĩ lại vừa đề cập đến một vấn đề quan trọng mà ngày nay rất nhiều người quan tâm: tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ trong máu v.v...

Như vậy đủ thấy nếu ăn uống không cẩn thận thì có thể sinh bệnh và nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Câu “bệnh tòng khẩu nhập” thật đúng trong trường hợp này, phải không ạ? Và, như thế đủ biết, vấn đề ăn uống không chỉ đơn thuần là ăn để sống, hay ăn để cho no. Mà còn là ăn sao cho lành mạnh nữa, chứ ạ?

113japan.JPG

8/TXN: Cô giáo nói Bệnh tòng khẩu nhập làm tôi lại chợt nhớ đến cái thái độ tự tôn nơi một số vị là khen thuốc ta, khen cụ Hải Thượng Lãn Ông. Bởi vì các cụ ta cũng biết nhiều bệnh do miệng mà sinh ra. Thông thường thì là bệnh đường tiêu hóa như tiêu chẩy, trúng thực. Nhiều bệnh mà ở VN ngày xưa các cụ giải thích là tại ăn phải thứ đồ lạnh hay thứ đồ nóng, là âm hay là dương. Nhưng mà, vấn đề ăn cho lành mạnh thì theo tôi nghĩ không mấy ai để ý lúc thiếu ăn, hay lúc trẻ. Bởi lẽ thiếu ăn thì có thứ để mà cho vào đầy bụng là ăn thôi. Gần đầy nhất thì tôi còn nhớ lúc bị VC bắt tập trung cải tạo thì nhiều người tôi thấy ăn cả chuột chù, chuột cống.

Cá nhân tôi, thì tôi không ăn các thứ đó. Và tôi còn nhớ hồi năm đói tháng 3 Ất dậu năm 1945, nhà tôi bắt đầu biết ăn rau má. Mẹ tôi có lần  mang về nhà một rổ rau má to tướng để ăn với cơm và  nước mắm chanh ớt, đôi khi thì ăn với riêu cua. “Riêu” là tiếng Bắc để gọi canh chua ở miền Nam. Tôi ăn vào thấy đắng nghét lè ra thì mẹ tôi bảo ấy rau má mát vả bổ lắm. Cả nhà chỉ có mẹ tôi ăn rau má còn bố tôi thì cũng ăn qua loa. Vài năm sau lớn lên chút nữa mới hiểu là mẹ tôi nhặt rau má về ăn là để độn cho được đầy bụng. Vì nhà không có đủ cơm. Lại càng thương khi biết là mẹ tôi đi nhặt rau má mọc hoang ở gần nhà. Biết thế nên tôi thương mẹ tôi vô cùng, và hiểu ý nghĩa sâu sắc của những bài viết về mẹ VN, và phụ nữ VN. Thực tế bây giờ trong cộng đồng VN ở Mỹ thì vấn đề ăn cho lành mạnh chỉ là vấn đề được chú ý bởi những người không còn trẻ. Vì đó là kinh nghiệm hành nghề của tôi. Những người hỏi về vấn đề ăn làm sao cho bổ là những người đứng tuổi hay là già. Và vì chú ý đến ăn uống cho bổ quá thì lại sinh ra bệnh, vì ăn không đúng, ăn không cần thiết.

Nạn đói Ất Dậu (1945)

Nạn đói Ất Dậu (1945)

9/Ngọc Dung: Vâng, thưa bác sĩ Ninh. Qua những nhận định của bác sĩ, ND có ghi nhận hai điểm sau đây:

- Bác sĩ vừa đề cập đến một vấn đề mà ND thấy đáng chú ý, là trường hợp bà cụ thân sinh ra bác sĩ đã có lần hái rau má cho cả nhà ăn. Cho đến sau này, bác sĩ mới cảm thấy thấm thía sự hi sinh, nhẫn nại của bà cụ cho gia đình trong hoàn cảnh đất nước xảy ra nạn đói khủng khiếp năm ấy. Điều này đã gợi cho ND nhớ lại những gì mà ngày trước, khi còn sinh tiền, các cụ thân sinh thường hay kể cho con cái nghe. Đó là nạn đói năm 45. Hay còn gọi là nạn đói năm Ất dậu. Hình như nạn đói này xảy ra vào thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, hay là lúc...Nhật đầu hàng Việt Minh gì đó, phải không ạ?  Nghe nói dân ta phải trải qua một giai đoạn vô cùng đói khổ. Đói đến nỗi đã xảy ra trường hợp người ta gói bánh chưng, bánh giò, mà bên trong có cả ngón tay người !!! ND thì tuy chỉ nghe người lớn kể lại, chứ không được chứng kiến bao giờ.

Rõ ràng, đây cũng là trường hợp cái ăn được điều kiện hoá bởi hoàn cảnh xã hội (nạn đói kém) mà sinh ra như vậy. Phải không thưa bác sĩ?

Rau má

Rau má

10/TXN: Trong điều kiện bình thường, ít ai nghĩ tới sự liên hệ giữa ăn và hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sống. Trường hợp ăn thịt người năm Ất Dậu không khác gì trường hợp một số thuyền nhân tị nạn VN trôi giạt trên biển nhiều ngày đã ăn thịt người chết. Tôi có một bệnh nhân như thế mà sinh ra khật khùng.

Thời nạn đói Ất Dâu thì tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng nhớ nghe người lớn nói chuyện xử dụng thịt người chết gói bánh như cô nói. Nhưng mà thực tình không biết thực hư ra sao. Năm Ất dậu là năm 1945. Thời đó quân Nhật ở VN lấn át chính quyền thực dân Pháp.chứ khộng phải thời chiến tranh Việt Pháp xẩy ra.

Nhật không đầu hàng Việt Minh. Bởi VM nổi lên chiếm chính quyền tháng 8/1945 trong khoảng trống chính trị từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 10 tháng 8/45 đến ngày 2 tháng 9 ký văn kiện chính thức đầu hàng trên chiến hạm Missouri.Trong cái khoảng trống chính trị này, quân Nhật ở miền Bắc VN thì chờ quân Tưởng giới Thạch đến giải giới. Ở miền Nam VN thì quân Pháp đi theo quân Anh vào giải giới, nhưng bản chất là đề chiếm lại VN làm thuộc địa. Và chiến tranh Việt Pháp nổ ra ở miền Nam đầu tiên vào lúc đó. Đó là vài nét lịch sử.

Tướng Leclerc, tư lệnh quân viễn chinh Pháp theo lực lượng Anh vào giải giới quân Nhật,  đang duyệt binh trên đại lộ Thống Nhất (Norodom) Sàigon

Tướng Leclerc, tư lệnh quân viễn chinh Pháp theo lực lượng Anh vào giải giới quân Nhật,  đang duyệt binh trên đại lộ Thống Nhất (Norodom) Sàigon

11/Ngọc Dung: Dạ vâng xin cám ơn bác sĩ. Nói về chiến tranh Việt Pháp thì ND còn nhỏ lắm chỉ nghe người lớn kể và nhớ lõm bõm. Bây giờ thì có thể nhớ lại chút xíu là chiến tranh lúc đó là Nhật đầu hàng Đồng Minh chứ không phải Việt Minh. Chỉ nghe lõm bõm thôi. ..

Điểm thứ hai mà bác sĩ vừa nói là vấn đề người cao tuổi thường hay lo lắng cho sức khoẻ của mình. Và vì thế, trong khi người trẻ thường ăn uống ...”vô tư”, thì người già lại hay để ý chọn những thức ăn gọi là bổ dưỡng. Thế còn trường hợp những ngưòi trẻ ăn uống dễ dàng, “vô tư” như ND vừa đề cập lúc nãy, thì hẳn là lại cũng “có vấn đề”.  Điều này chắc là bác sĩ biết rõ hơn ai hết ?

3090C7A100000578-0-The_study_found_children_who_watched_junk_food_adverts_ate_more_-a-32_1453742786325.jpg

12/TXN: Vấn đề ăn “vô tư”ở người trẻ VN ở Mỹ thì  theo tôi nghĩ là do cái “văn hóa” quảng cáo và dư thừa ở Mỹ. Trên Truyền hình truyền thanh đầy rẫy các quảng cáo đồ ăn vặt. Hình ảnh mầu sắc âm thanh hấp dẫn các loại chip, bánh ngọt, kẹo…mà ấn tượng để lại cho người xem là ăn, ăn và ăn. , ăn không ngừng được. Ăn cho nhiều. Cho nên bây giờ ở Mỹ trẻ con 2 đến 19 tuổi  mập phì là 18.5%, trẻ con Mỹ gốc Á châu mập phì là 11%. Và con số này sẽ gia tăng nữa vì các đồ ăn ở các trường học. Có rất nhiều chất béo cheese, butter, vân vân. Thành ra ăn các đồ đó thì không thể nào không mập được, cộng với các thứ đồ ăn người ta gọi là junk food tức là đồ ăn rác rưởi, ăn chơi, được quảng cáo thường trực ở trên truyền hình truyền thanh.

13/Ngọc Dung: Ngoài ra, thưa bác sĩ, như bác sĩ có đề cập ở lúc đầu, rằng: Ngoài nhu cầu ăn để sống , còn là cái khuynh hướng ăn các món ăn thuần tuý VN... để khỏi nhàm chán với những món ăn của Mỹ.

Điều này rất chính xác, nhất là đối với vấn đề hội nhập lúc ban đầu, khi chưa có món ăn VN nhiều.Và càng chính xác hơn, trong trưòng hợp ăn uống không có người cùng thưởng thức: Nếu khi uống rượu chỉ một mình, người ta cảm thấy cô đơn, vì nỗi “rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền, không mua”...(trường hợp cụ Nguyễn Khuyến xưa). Thì khi ăn cũng vậy. “Ăn một mình cực thân”, như người ta thường nói. Như vậy thì đủ biết, khía cạnh tình cảm cũng đóng phần quan trọng trong “công việc ăn”. Và các phong trào hội ngộ bây giờ, gặp nhau không chỉ để ăn uống. Hình như cũng không ngoài lý do tình cảm ấy phải không cơ? Trong môi trường xã hội mới, người xa quê hương cùng nhau chia xẻ niềm vui, nỗi buồn. Do đó người ta họp mặt để trò chuyện, ăn uống, mà hội ngộ là chính.

eatinghabit3.jpg

14/TXN: Cô giáo nói sang tác động tâm lý của sự ăn rồi. Ăn một mình cực thân mà cô nói thì tôi thấy đúng lắm, với nhiều người, già hay trẻ gì cũng vậy, nhất là những người sống một mình. Trong tình trạng “phòng không lẻ bóng” đó. Sống một mình thì ít khi nấu nướng. Chỉ mua thực phẩm làm sẵn ở tiệm fast food (KFC, McDonald, hay là đi ăn tiệm…). Cũng có nhiều người không mua thực phẩm làm sẵn mà ăn lặt vặt, các thứ mà người Mỹ gọi là junk food, rồi thôi. Cuối tuần thì “go out”, tức là ra ngoài ăn cơm tiệm, thường là có rất nhiều dầu mỡ chất béo. Từ tiệm Mỹ tới tiệm ta cho tới  tiệm Tầu chứ không phải chỉ riêng tiệm Tầu như người ta thường nói đâu.Và đó cũng là những yếu tố sinh bệnh nữa. Nhưng mà thôi, tôi không nói nữa. Bởi vì tiếp tực thì là méo mó nghề nghiệp như đã nói lúc đầu mà tôi muốn tránh.

15/Ngọc Dung: Vâng, thưa bác sĩ.  Đây cũng chính là vấn đề đáng lưu ý; và là một khía cạnh khác của đề tài “ĂN”- thuộc về lãnh vực “Dinh Dưỡng” ( Nutrition) và  “An Toàn Thực Phẩm” (“Food Safety”) - mà chúng ta không đi sâu vào. Tuy nhiên, đến đây, ND lại chợt nghĩ ra một điều xem như có vẻ đối nghịch với ý nghĩ trên, là quan niệm “Sống để mà ăn” của một số người. Theo họ, thì sống là phải biết...hưởng thụ; biết thưởng thức những món gì mình thích. Hình như quan niệm này được đặc biệt chú ý từ khi …có điện thoại thông minh và facebook thì phải.

Nếu ND không lầm, đây có vẻ như là một phong trào với những màn quảng cáo rầm rộ, đề cao các món ăn ngon, đẹp, hấp dẫn...bằng cả audio, lẫn video?

16/TXN: Cô nói có phần đúng rằng là một phong trào. Từ khi có điện thoại “khôn” (smart phone) và face book, thì tôi thấy người ta hay chụp hình các bữa ăn, các món ăn khi ở nhà hay đi chơi, để chuyển cho nhau xem. Có lẽ đây là một cái lối đua nhau. Đối với tôi thì chẳng thấy hay ho gì. Lần đầu tiên tôi thấy chụp hình món ăn là hôm tôi với một thanh niên đi ăn ở một tiệm ăn trendy ở Seattle, cách đây cũng đã lâu, nghĩa là gần chục năm. Chàng thanh niên này đưa tôi đến chứ tôi chẳng biết các loại tiệm “trendy” này. Tôi chỉ nhớ là món ăn chẳng ngon lành gì, và đông người, lại đắt. Từ đó thì tôi đã nhiều lần ngồi ăn và chứng kiến sự chụp hình các món ăn mà tôi không thấy gì là ngon lành hay đặc biệt. Có thể sự chụp hình cũng là một cách khoe “thành tích” là đã ăn món này món nọ với bè bạn. Vân vân...

17/Ngọc Dung: Vâng ND cũng thấy có những trường hợp món ăn được đưa lên FB . Và theo ý kiến của bác sĩ, thì đó là một lối “khoe thành tích”, đối với bạn bè...Điều này cũng đúng lắm. Nhưng, ND lại có nhận xét... hơi khác với bác sĩ Ninh một chút: Đó là, ND thấy có trường hợp, người ta chụp hình món ăn lên FB để thông báo cho bạn bè về một cái cơ hội nào trong đời sống. Vì khi đọc những dòng ghi chú, như: Họp mặt sinh nhật, tại nhà hàng này, nhà hàng nọ. Hoặc, tại nhà ông A, bà B..v.v... Trên đó, có ghi rõ ngày, giờ, điạ điểm ...Thì ở đây, cái ăn đựợc nêu lên như một hình thức để hấp dẫn bạn bè và Thông báo, nhắc nhở  buổi họp mặt vui chơi, trò chuyện và xã giao nữa.

 Ngoài ra, bàn về những món ăn với những hình ảnh quảng cáo thật hấp dẫn: trong đó, phẩm màu được xử dụng thoải mái, cốt để trình bày cho lạ mắt, để lôi cuốn thị giác người thưởng thức. Hoặc những món ăn được làm sẵn, đông lạnh, rất tiện, người mua về khỏi phải nấu nướng. Nếu ND không lầm, nhiều món cũng lắm dầu mỡ, bột ngọt...Những người không nấu ăn, thường đi ăn tiệm, khó mà tránh khỏi những món ăn làm sẵn như thế. 

Vậy thì, bác sĩ nghĩ sao về thức ăn kiểu này ạ?

18/TXN:Trình bầy cho đẹp thực phẩm và tạo cho hợp khẩu vị bằng hóa chất không hẳn là cần thiết. Và có thể độc hại như là trường hợp chúng ta thấy loan đi rất nhiều những tin tức về sự xử dụng bừa bãi những hóa chất độc hại ở VN để nhuôm thực phẩm và để làm cho ngọt khẩu vị.Tóm tắt lại, muốn cho khỏe mạnh thì phải biết cách ăn uống. Lý tường là theo những nguyên tắc dinh dưỡng rõ ràng. Mà biết cho hết thì cũng đòi hỏi nhiều công sức học hỏi. Tuy nhiên cũng phải nói rằng không phải là hễ ai biết nguyên tắc thì cũng theo nguyên tắc ăn uống. Cho nên không thiếu gì bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng tôi biết mà mập thù lù.Nghĩa là biết là một chuyện mà làm là một chuyện khác. Thí dụ một người nghèo rách mà lại bảo một ngày cần bao nhiêu gram chất đạm, chất béo, chất bột vân vân thì khó mà có kết quả,. Nếu tiếp tục theo hướng này thì là mình lại chạy sang  chi tiết vấn đề sức khỏe rồi, Ở đây mình chỉ nói về ăn trong khía cạnh nhân văn thôi. Nghĩa là tổng quát...Với các mặt thực tế, sắc tộc, quan niệm, những mâu thuẫn cũng như những tương đồng trong ăn uống, để mà có thể hiểu, thưởng thức sự đa dạng và phong phú trong vấn đề ăn, mà về căn bản bắt đầu chỉ là ăn để sống. Xin cám ơn cô ND và xin chào cô tạm biệt và xin kính chào tạm biệt toàn thể quý vị.

19/Ngọc Dung: Xin cảm ơn bác sĩ Trần Xuân Ninh đã cho ND có hội tham gia vào mục Câu Chuyện Nhân Văn hôm nay. Đây cũng là dịp để Nd có thể chia xẻ cảm nghĩ, từ những kinh nghiệm tiếp xúc, làm việc; và học hỏi thêm những điều mới...Nói chung, là kinh nghiệm sống. Đến đây, ND cũng xin kính chào bác sĩ và kính chào quý vị thính giả. Đồng thời, xin cảm ơn quý vị đã bỏ thời giờ quý báu để lắng nghe Câu Chuyện Nhân Văn của chúng tôi.