Ngày 23/6/2014 cách đây 4 năm trước, tôi đã nhận từ chị Phương Mai, hiền nội Lê Thiệp tạp ký: “Ung Thư ơi Chào mi” cùng với hàng chữ:
“Kính biếu - Bản của anh Khuê và gia đình. Qua Thiệp, tôi được biết những ngày tranh đấu, biểu tình bên Nhật với các anh em là những ngày ý nghĩa nhất của một phần đời cậu Thiệp.
Phương Mai và các con”.
Tôi đã ngấu nghiến đọc ngay sau khi nhận sách vì trong đó.... có bài của mình, nhưng lại lãng đãng quên ngay vì “tài khoản” dành cho ký ức mà ông trời dành cho mình cứ mỗi ngày mỗi hẹp.....lại. Mấy hôm trước lục lại bài viết “Giã Từ Chế Độ” (cũng của Lê Thiệp trong “Chân ướt Chân Ráo”) để giới thiệu với quân ta thì tìm thấy “nó”. Tôi chậm rãi đọc lại “toàn tập” và cảm thấy có quá nhiều nỗi niềm: hỉ, nộ, ái, ố dàn trải trên mấy trăm trang sách, định “âm mưu” viết một bài về “nó”, nhưng vì “chữ nghĩa” của mình còn hạn hẹp chưa đủ trình độ để bình để luận, nên chỉ dám viết vài hàng... ngăn ngắn gửi đến bạn ta.
Tạp ký do Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành, 288 trang, gồm 3 phần: phần thứ nhất là “báo cáo” của đương sự, phần thứ hai là “chia sẻ” từ những người đồng cảnh ngộ, phần thứ ba là “tâm tình” của bằng hữu. Nội dung của tập sách đã được nhà văn Uyên Thao mà tụi tôi vẫn gọi là ông anh cả tóm gọn trong phần “Trước khi vào sách”:
Cuốn sách ghi rõ tên tác giả và nêu rõ chủ đề, tuy nhiên phải nói cuốn sách có nhiều tác giả và biểu hiện một chủ đề khác. Đó là “tấm lòng dành cho nhau của con người trong cuộc sống”. Có thể nói đây mới là chủ đề đích thực của cuốn sách, dù Lê Thiệp đặt tựa đề cho cuốn sách là Ung Thư Ơi, Chào Mi! Bởi Lê Thiệp chọn chủ đề bệnh ung thư không do lực đẩy nào khác, ngoài tấm lòng vị tha.
Lê Thiệp dự tính thu gom tiếng nói của nhiều bệnh nhân ung thư để gửi tới các bệnh nhân ung thư khác như một cách trao đổi kinh nghiệm đối đầu với chứng bệnh nan y này.
Lê Thiệp đã không hoàn thành dự tính vì chỉ có hai người bạn kịp đáp ứng trong khi chính Lê Thiệp còn loay hoay với các trang viết nháp về các điều sẽ phải nói.
Dù vậy, cuốn sách vẫn biểu hiện chủ đề với sự góp mặt của nhiều người. Tất nhiên mọi người chỉ bày tỏ tình cảm bạn bè riêng tư với Lê Thiệp, nhưng không thể nói khác rằng tất cả đã mở ngỏ nỗi lòng trên căn bản vị tha chân thành trọn vẹn.
Dự tính hoàn thành một tác phẩm chuyển tải tiếng nói vì đời của Lê Thiệp đã bị chứng bệnh ung thư cắt đứt, nhưng số phận khắc nghiệt của Lê Thiệp lại chính là động lực thúc đẩy tiếng nói đó đồng loạt cất lên từ hết thẩy bạn bè. Lê Thiệp không còn cơ hội viết nên những trang sách thể hiện tâm tư nhưng sự giã từ cuộc sống của anh đã khơi dậy chính tâm tư đó nơi bạn bè đồng cảm....
--------------------------
Qua 65 trang giấy khổ nhỏ (148 x 210mm) của phần 1, với lối hành văn cố hữu: mạch lạc, rõ ràng, sôi nổi... tưng tửng như con người Lê Thiệp, với 9 bài viết, anh đi từng chủ đề một: khởi đầu từ “Phát giác địch quân, bày binh bố trận”, “Cuộc chiến bắt đầu”, “Cuộc chiến tử sinh”, “Phát giác triệu chứng”.... cho đến “Ung Thư và ước mơ sách vở”. Khi đọc đến chủ đề thứ tám thì tôi “khựng” lại, đọc thật chậm rồi lại đọc lại, tự nhiên cảm thấy hơi phơi phới... yêu người, yêu cảnh vật xung quang... hơn một chút, dù lòng vẫn còn luẩn quẩn ba cái lăng nhăng phiền muộn.
Nhân một cuộc “gặp gỡ tình cờ” và chỉ qua một câu nói vẩn vơ, trong chủ đề này, trải qua chỉ 14 trang, LT tóm gọn rất khéo những phần đời đáng sống của mình và có vẻ như anh đã “ngộ” ra và tìm thấy một niềm lạc quan tin tưởng chứ không còn là cái tính “rất Lê Thiệp” chả coi chuyện gì là quan trọng: “Có cái đéo gì mà phải lo, phải nghĩ”. Cuối cùng anh kết luận: “..... Phải chăng tôi đang trên đường đi tìm cái tôi đích thực, cái tôi ban đầu? Nếu quả như vậy thì những chuyện khác, kể cả chuyện ung thư cũng chỉ là thứ yếu”.
Câu nói ra sao và anh tìm thấy điều gì vậy? Mời bạn ta cùng đọc chủ đề thứ tám có cái tên nghe rất là réo gọi: Ca Khúc Khải Hoàn
Vũ Đăng Khuê
---------------------
Buổi sáng Xuân, trời trong xanh, vơ vẩn vài cụm mây trắng. Cây cối đã đâm chồi nẩy lộc, cả vùng quanh nhà trông như những tảng xinh non ngon ngọt. Nắng chưa lên cao hẳn, trời khá ấm.
Tôi thấy vui vui và vớ chiếc áo lạnh mỏng bước ra đầu phố. Chủ Nhật mọi sự êm và vắng. Khi đến ngã tư đèn đỏ, thấy một ông già da đen, tóc râu trắng tua tủa. Khó mà đoán tuổi nhưng có lẽ cũng trạc bằng tôi. Ông đứng hơi nghiêng dựa vào chiếc gậy chõng. Tôi giơ tay chào, miệng nói “A beautiful day.” Ông ta nhìn tôi và chào lại:
– Ya, a beautiful day. But the day will be more beautiful and even more meaningful if you know how to enjoy it.
Đèn xanh. Ông gật đầu giơ tay chào và lững thững băng qua đường. Bóng ông đổ nghiêng trên mặt lộ. Ông tuy phải chống ba toong, nhưng bước vẫn dài và lưng vẫn thẳng.
Tôi nhìn ông và bỗng nhiên như bị một quả thôi sơn trúng giữa ngực. Tôi hơi lảo đảo phải đưa tay vin vào cột đèn, cố đứng vững, mắt vẫn dõi theo ông già da đen.... more meaningful if you know how to enjoy it...
Khi đã hoàn hồn, tôi bước lảo đảo quay trở về.
Cái câu chào ngoài môi, chót lưỡi “a beautiful day” và có lẽ hơn nữa là cái thái độ hững hờ không mảy may để tâm vào câu nói hoặc có khi cái vẻ mặt không biểu lộ niềm vui của một ngày đẹp trời, hoặc là gì nữa tôi không biết đã khiến ông bạn da đen trả lời bằng một câu dài dòng.
Lạ chứ!
Cái mẫn cảm trong người tôi đã khiến tôi thấm ngay, cái trực giác lúc nào cũng sẵn sàng để có phản ứng thích hợp đã làm tôi run lên.
Lết về, tôi ngồi xuống sưởi nắng ở bậc tam cấp.
Nắng đã lên cao, có hơi chói chang.
Nhưng bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu, lòng dạ bồn chồn, tôi đành bước vào trong nhà…
-------------------
Tôi bước vào cuộc đời qua nghề báo, hoặc hạn hẹp hơn nữa là một phóng viên, một người săn tin và viết tin. Ai cũng hiểu nghề báo chia ra rất nhiều nhánh nhỏ, có vị chuyên về phiếm luận, về bình luận hoặc phân tích thời cuộc, tỉ mỉ tìm từ ngọn ngành cho đến kết thúc một biến cố để đưa ra những nhận xét. Một khía cạnh đặc biệt nhất là những vị ký giả đó không bị yếu tố khách quan và đôi khi cả trung thực trói buộc như vai trò của người viết tin. Bài học vỡ lòng là phải khách quan và vô tư.
Khi đã đi sâu vào nghề tôi mới thấy ông Từ Chung nói đúng. Mọi sự tương đối vì cùng một sự việc xảy ra, chỉ cần nhấn mạnh, đưa lên lead một khía cạnh nào đó của câu chuyện là đã mất tính vô tư và khách quan. Trong suốt những năm làm báo, tôi vẫn cố giữ tính vô tư và khách quan. Tôi tách tôi ra hẳn phía ngoài, phân tích, tìm những dữ kiện phía sau và cố nhìn những ảnh hưởng có thể có của biến cố.
Kim chỉ nam vẫn rất giản dị. Five Ws and the H.
Tính tập thành.
Ngày một ngày hai thói quen nghề nghiệp nhiễm sâu vào suy nghĩ, vào cái nhìn để lúc nào không rõ, nó trở thành bản năng của tôi. Kiểm lại tôi thấy từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn cái vòng kim cô đó càng ngày càng xiết chặt đầu tôi. Đi ăn tiệc ở một nhà mới quen, bước vào cửa liếc mắt coi cách bài trí, ghi nhận cung cách chủ nhà đón tiếp vào sau đó là bàn ghế, bát đĩa, rượu và đồ ăn, nhất là cách thức dọn ăn, tôi đánh giá đối phương ngay.
Đi ra phố gặp ông bạn quen chèo kéo ngồi cùng bàn với dăm ba người không quen biết. Chỉ khoảng một lúc sau tôi khung từng ông một. Cái tôi của ông ngồi trước mặt to. Ông ngồi xế tuy ăn uống nhồm nhoàm, mỗi lần uống nước thì xúc miệng sùng sục, nhưng tính hồn nhiên, lòng dạ ngay thẳng.
Lần nào cũng vậy, tôi gói những nhận xét lại, nhét vào đâu đó trong đầu để khi cần có thể moi ra xài trong nghề nghiệp. Cứ thế, tôi bỗng trở thành người đứng bên lề nhìn mọi sự chung quanh. Cứ thế, tôi rút vào ốc đảo của tôi, xử dụng thói quen nghề nghiệp để đối phó với đời sống.
Mới đây, một ông bạn chí thân bỗng can dự vào một cuộc vận động của một tổ chức gì đó. Tất nhiên theo ông là đầy chính nghĩa. Ông thuyết phục tôi, đem tình bằng hữu hơn nửa thế kỷ để cố lôi tôi vào cuộc.
Sau cùng ông bạn kết luận:
– Tao chơi với mày lâu, vẫn nghĩ như vậy, nhưng nay tao biết chắc tao nghĩ đúng. Mày là thằng non engagement.
Không can dự!
Hình như vậy. Tôi sợ tổ chức. Tôi sợ đồng phục.
Tôi không muốn là con ốc trong guồng máy.
Đúng ra có một lần tôi đã khoác đồng phục, nhưng rồi lại ra được.
Khi tôi vượt biên được tàu Nhật cứu.
Trong lúc ở trại tỵ nạn, tôi quen và nhất là rất nhanh thân với anh em tổ chức Người Việt Tự Do. Tôi cảm phục họ vì ngay sau 30/4/1975 các anh em đó đã đủ can đảm hiên ngang đứng lên chống Cộng Sản và tuyên bố cuộc chiến đấu chưa dứt vì còn những người trẻ như họ.
Do những thân tình từ Việt Nam, Ngô Chí Dũng đã tâm sự rất nhiều và tôi hoàn toàn đồng ý với anh.
Trước ngày tôi lên phi cơ đi Mỹ, Ngô Chí Dũng, Vũ Đăng Khuê và Phạm Thanh Linh, ba cột trụ của tổ chức mời tôi đi ăn. Sau vài hũ Sake, Ngô Chí Dũng chính thức yêu cầu tôi gia nhập tổ chức và đề nghị tôi phụ trách trông coi và phát triển chi bộ ở Mỹ. Họ nghiêm trang. Họ thành khẩn. Họ thua tôi cỡ chục tuổi và coi tôi như anh.
Trước cái thâm tình đó, tôi tấn thối lưỡng nan, đành nói:
– Tôi thực sự cảm động về sự tín nhiệm của tổ chức nơi tôi. Thật ra nhìn chung, tình thế khó khăn chưa thấy lối thoát và cá nhân thì tôi sẽ phải đối phó với đời sống mới của một thuyền nhân. Vậy tôi chỉ xin hứa cùng các anh là bất cứ lúc nào tình thế thực sự cần, các anh chỉ hô một tiếng là có mặt tôi.
Lời hứa đó vào năm 1979 đã đẩy tôi vào một khúc quanh của cuộc đời.
Tôi đến Mỹ định cư ở Connecticut lạnh giá, gần như ở ẩn, lo cuộc sống bằng đủ thứ nghề, từ đẩy xe trong siêu thị, trông coi vệ sinh trường học, cán sự xã hội, bán thịt gà KFC…
Cuộc sống nhàm chán, nhưng vì tương lai lũ em, lũ cháu, tôi cắn răng nằm im cho đến khi điện thoại reng. Ngô Chí Dũng từ đầu kia nói:
– Anh hứa với tụi tôi năm năm trước hễ cần thì anh có mặt. Tụi tôi sống nay, chết mai mà anh vẫn lo cố hội nhập vào đời sống Mỹ ...
Phải cỡ năm phút sau những xúc động ban đầu, chúng tôi mới nói chuyện đầu đuôi mạch lạc.
Tôi vì không có báo Việt Nam nên không hay biết tin tức gì về sinh hoạt của người Việt kể cả cái tin nay đã có Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do hai tổ chức Lực Lượng Quân Dân và Người Việt Tự Do phối hợp thành lập từ cả năm trước do Đề Đốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo.
Mặt Trận có tờ báo Kháng Chiến phát hành 7000 số mỗi kỳ. Mặt Trận đã lập được chiến khu ở biên giới Thái – Lào với ông Lê Hồng chỉ huy và hiện đã xây dựng xong đài phát thanh để phát thanh hướng về quốc nội.
Tôi như người trên trời rơi xuống.
Ngô Chí Dũng cho tôi hai tuần sửa soạn để cùng ông đi Thái Lan và còn lập lại lời hứa danh dự của tôi trong bữa Saké.
Không còn chọn lựa nào khác, tôi thu vén mọi sự, dặn dò ba đứa cháu cố gắng tự lo, nhất là vấn đề học hành, rồi bay về San José. Tôi yên chí là sẽ cùng Ngô Chí Dũng về Thái Lan rồi làm một anh du kích có lẽ cầm M16 thay vì AK47.
Nhưng mọi sự khác hẳn với dự tính cá nhân. Tổng Vụ Quốc Nội hẹn cùng Tổng Vụ Hải Ngoại đề nghị tôi chấn chỉnh tờ Kháng Chiến và giữ chức Tổng Ủy Tuyên Vận. Tôi ớ người.
Sau khi suy nghĩ kỹ tôi đành nhận tờ Kháng Chiến và từ chối chức vụ Tuyên Vận với lý do rất buồn cười:
– Tôi bạn bè đông, nhất là dân báo chí, tôi lại trống mồm, e không giữ được bí mật của tổ chức.
Kiểm điểm báo Kháng Chiến quả có in 7000 số, nhưng chỉ phát hành được 3000 số. Số còn lại chất thành đống, máy móc không có, sổ sách lung tung. Tôi phải khởi sự từ đầu, lập tòa soạn và ban trị sự, tách hai cơ phận riêng vì kinh nghiệm cho biết tài chính là khởi đầu của mọi tai tiếng và rắc rối.
Bây giờ mọi sự đã là quá khứ.
Khi cuộc tranh chấp giữa đề đốc Hoàng Cơ Minh và đại tá Phạm Văn Liễu không còn chỉ ở nội bộ cấp cao mà trở thành công khai, Mặt Trận tan vỡ.
Tôi rời khỏi tờ Kháng Chiến, giao toàn bộ hồ sơ tài chính và sổ sách ngân hàng cho ông Tuyên Vận Nguyễn Xuân Nghĩa.
Tôi có tiếc, có hối hận gì không?
Không! Chính trong ba năm đó, tôi đã có dịp gặp gỡ những người Việt Nam có lòng nhất với đất nước, với cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho dân tộc và đặc biệt với rất nhiều người trẻ tuổi cho đến giờ vẫn thân quí tôi và có vài anh em vẫn sát cánh cùng tôi trong nhiều chuyện, kể cả chuyện mưu sinh.
Đây có lẽ là một quyết định lớn trong đời mà tôi không xử dụng Five Ws and The H.
Ừ nhỉ. Giá mà tôi không bị buộc vào lời hứa với anh em Người Việt Tự Do, giá mà tôi tìm hiểu sự việc và phân tích thì liệu tôi có theo lực lượng kháng chiến không?
Có khi là do cái số cũng nên vì đã có lần chắc chắn tôi sẽ mặc đồng phục cả đời. Đồ lính!
Tôi được miễn dịch vì lý do nghề nghiệp, nhưng không hiểu khi viết lách, đụng chạm sao đó, viên phụ tá bộ trưởng Dân Vận Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã mời tôi lên và chìa cho tôi cái giấy gọi nhập ngũ. Bạn bè tôi lính tráng hết và đến tận giờ này tôi mới phải đi cũng là vừa.
Trình Diện Quân Vụ thị trấn thì gặp ông Phạm Hùng, hai đứa cười hà hà.
Vào Thủ Đức, tôi vốn mảnh khảnh nên tập phờ người vẫn lẹt đẹt đằng sau. Trông thấy ông huynh trưởng thì chết khiếp. Không phạt kiểu này thì phạt kiểu khác. Huấn nhục mà. Giáng Sinh năm đó đại đội tôi được lệnh về tăng cường, gác ở các ngã tư. Một hôm đang lớ ngớ ở ngã tư Lê Thánh Tôn và Tự Do thì ông Nguyễn Văn Ân trông thấy, xà xe vào hỏi:
– Hả, sao cậu lại phải đi lính?
– Thì Bộ Quốc Phòng không cho hoãn dịch chứ sao.
– Cậu con một của góa phụ trên 60 phải được hoãn chứ.
Chính ông thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Ân đã đến nhà tôi lấy giấy tờ khai sinh, sổ gia đình lung tung và thân chinh đi can thiệp.
Tôi thú thật không rõ ông này giở võ gì.
Ông là thượng nghị sĩ thuộc liên danh Dân Chủ thân chính thế lực đầy người. Tôi chỉ biết một hôm đang bò tập bắn đại liên thì có giấy gọi về trại. Ông đại đội trưởng nhìn tôi bảo:
– Ông nhà báo thế lực dữ. Chính bộ trưởng bộ phủ Thủ Tướng ký giấy cho ông xuất ngũ. Ông lo trả đồ quân trang ngay rồi về kẻo tối.
Tôi nhớ một ông huấn luyện viên từng mắng chúng tôi:
– Các anh sẽ là rường cột của quân lực. Để huấn luyện, chính phủ phải chi mỗi anh trên một triệu đô la. Tính ra đô la vì đó là viện trợ Mỹ, họ tính từ đôi vớ cho đến cái mũ sắt. Cái gì cũng qui ra tiền viện trợ. Mình yếu, mình nhược tiểu, cái gì cũng phải nhờ Mỹ. Các anh chính là niềm hy vọng của cuộc chiến thắng để Việt Nam có thể vươn lên. Tôi mong các anh để tâm trí vào việc học tập vì những lý do vừa nói.
Trong suốt thời gian ở Thủ Đức, có lẽ đây là bài học lớn nhất cho tôi. Dẫu sao thì tôi trở lại nghề báo cho đến 1975.
Chả cần nhắc lại làm gì nhưng mỗi người trong chúng ta đều vẫn còn hằn sâu những kỷ niệm đau buồn. Mọi sự càng lúc càng tuyệt vọng. Lũ nhà báo chúng tôi có lúc gần cả trăm mạng tụ họp ở trụ sở Thượng Nghị Viện. Tin tức lung tung và có vẻ như ông Nguyễn văn Thiệu đã phải quyết định bỏ của chạy lấy người. Lũ chúng tôi xem ra cũng bàng hoàng và mất định hướng như mọi người. Đi hay ở lại? Tại sao đi? Tại sao ở lại? Và cả chục câu hỏi tiếp đó.
Nhỏ hẹp trong tòa soạn Chính Luận. Ông Đặng Văn Sung xem ra cũng không biết quyết định thế nào.
Có tin là Chính Luận đã liên lạc với tòa đại sứ Mỹ để bốc tất cả nhân viên đi. Song song lại có tin là Chính Luận đã điều đình mua một chiếc tàu lớn để di tản. Ông Thái Lân thẫn thờ, lúc nào cũng như người mất hồn.
Tôi cười nói với ông.
– Nó cũng Mít. Mình cũng Mít. Nó bảo nó yêu nước, chống Mỹ cứu nước. Mình cũng yêu nước, chống Cộng Sản. Để nó vào xem sao. Có gì mà xếp lo quá vậy?
Ông Lân nhìn tôi nhẹ nhàng trả lời:
– Ông không bao giờ sống với Cộng Sản nên nói thế. Nó mà vào đây, những đứa như tôi đi tù lập tức, con cái ba đời không ngóc đầu lên được. Ông không sợ, nhưng tôi sợ. Tôi thật sự sợ, cho tôi, cho gia đình tôi, và cho cả miền Nam. Ông chưa sống với Cộng Sản muốn nói, muốn nghĩ gì cũng được, nhưng đợi đến khi vào gông thì không thoát được đâu.
Tôi như bất cứ người dân miền Nam nào, bối rối, không định hướng trước những biến động quá nhanh, quá lớn của đất nước. Nhưng thăm thẳm trong đáy lòng tôi là ước mong được chứng kiến lịch sử, có mặt trong một sự kiện đáng gọi là vĩ đại của Việt Nam.
Nhìn lại, tôi vẫn không dám khẳng định đây có phải thật sự là lý do khiến tôi thờ ơ với những rủ rê di tản từ tàu bay, tàu thủy, hay ghe chài. Nhưng biến cố vĩ đại của lịch sử đã phản bội tôi. Hồi bé khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội tụi thiếu nhi nhóc tì như tôi được dạy hát:
Trùng trùng quân đi như sóng,
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời.
Chúng ta đi cho dân tộc tự hào,
Cờ máu đào tung bay trước gió.
Hay:
Năm cửa ô đón mừng
Đoàn quân tiến về, Như đài hoa xuống dần,
Hà Nội đầy tiếng quân ca.
Ngày 30 tháng Tư cả Sài Gòn đổ ra đường, nhưng không phải “Như đài hoa xuống dần” nở bung ra để đón đoàn quân giải phóng.
Kẻ bại tò mò nhìn những người lính Bắc Việt quần áo bèo nhèo, dép râu mũ cối, súng dài hơn người. Cái quân đội với những người lính thấp lủn chủn, mặt mày xanh mét, ngơ ngác nhìn thành phố Sài Gòn, gặp gì cũng trố mắt lên nhìn. Cái quân đội đó so với người lính VNCH thật khác xa một trời, một vực.
Đối với tôi cái ước mong được chứng kiến lịch sử là một cảm giác thất vọng não nề. Đại Thắng Mùa Xuân như người Cộng Sản lớn lối quả không thể ghi vào lịch sử dân tộc với cái tên mạo xưng đó.
Chúng ta đều biết những gì xảy ra ở miền Nam.
Kinh tế mới. Tù cải tạo. Đánh tư sản mại bản. Tiêu diệt tàn dư văn hóa Mỹ, Ngụy. Đổi tiền.
Cùng là người Việt, nhưng kẻ thắng đã đối xử với dân chúng miền Nam như kẻ thù. Đâu đó lởn vởn trong đầu tôi câu hát “Giặc từ miền Bắc vô Nam. Bàn tay nhuốm máu anh em.”
Bọn văn nghệ sĩ ký giả chúng tôi sau mấy ngày được lệnh tập trung ở số 2 Nguyễn Du. Tôi bò tới thấy cả vài trăm ông, có ông quen, có ông cả đời chưa gặp. Vài ông nằm vùng hoặc Cách Mạng 30 xớn xác ra vẻ ta đây. Tôi thấy dăm ông cán bộ trông cũng chưa hoàn hồn sau Đại Thắng Mùa Xuân.
Đảo qua, đảo lại, tôi thấy Nguyễn Ngọc Lương làm cho New York Times bèn bấm nhau lỉnh đi. Tôi đã đọc một số sách về Đức Quốc Xã âm mưu tiêu diệt dân Do Thái và KGB của Nga bắt bớ, thủ tiêu cả chục triệu người không cần lý do.
Suy đi, nghĩ lại tôi quyết định lặn sâu, lặn kỹ. Tôi né không gặp mấy ông nhà văn, nhà báo. Tôi không gia nhập hội Ký Giả Yêu Nước, những người dự được phát đường, phát sữa hộp. Tôi xông ra chợ trời, buôn đầu phố, bán cuối phố. Tôi buôn vàng, buôn thuốc tây, buôn đồ cổ.
Hầm bà làng, có gì mua được là bán được.
Tôi lôi toàn bộ tủ sách của tôi cùng Hùng Phong bày ra vỉa hè Lê Lợi bán.
Loại sách bán chạy nhất là loại sách chuyên về “kỹ thuật” như Radio. Ồ sao mà Giản Dị. Điều tức cười là vào thời điểm 75 thế giới đều xài transistor, không ai còn để ý đến bóng đèn trong các dụng cụ như Radio nữa. Bắt được mánh tôi đến nhà mấy ông bạn ôm cả chồng loại Mechanic Popular và bán như tôm tươi.
Loại thứ hai là tự điển. Có một vụ tôi nhớ tới bây giờ. Hùng Phong lôi ở đâu ra một bộ toàn tập của Alexander Dumas, từ Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ cho tới Hai Mươi Năm Sau. Sách có lẽ của một gia đình thế phiệt bỏ đi Mỹ, đóng gáy mạ vàng. Có một ông Bắc Kỳ già trông dáng thư sinh ngồi lật và mân mê bộ sách. Tinh ý tôi biết ngay và hết sức tán dương Dumas. Khi ông hỏi, tôi đòi 30 đồng. Ông ngẩn ngơ.
Hôm sau ông trở lại.
Tự nhiên tôi nhớ đến Hà Nội và hỏi:
– Thế bác có bao nhiêu tiền trong túi?
– Tôi chỉ có 15 đồng.
– Bác đưa 10 đồng và ôm sách lè lẹ cho tiện việc sổ sách.
Giữa ông già hom hem và trí thức của Hà Nội ngày xưa với cụ Dumas hẳn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Mọi sự thay đổi hẳn sau vụ nổ bom ở Công Trường Con Rùa. Công an bảo vụ này dính dáng đến bọn văn nghệ sĩ phản động. Bạn bè anh em tôi bị bắt rạt gáo. Sáng ra hỏi thăm xem thêm những tên nào bị bắt. Tôi lặn không đi buôn len, không ra chợ trời mà chui vào chợ Bến Thành bán bún mọc. Cuộc sống thấp thỏm lúc nào cũng như ngồi trên lửa cho đến lúc Văn Chi (*1) bị bắt thì tôi hết chịu nổi.
Nay ngủ chỗ này, mai ngủ chỗ khác, tôi tổ chức vượt biên. Đây là quyết định mười chết một sống. Một toán 48 người không biết gì về biển cả leo lên một chiếc thuyền mong manh để mưu sống tự do.
Sau hơn nửa tháng lênh đênh, thuyền chết máy, thực phẩm không còn thì may mắn chúng tôi được một tàu Nhật vớt. Nếu phải vượt biển lại lần thứ hai tôi có dám không?
Đến Mỹ tôi cũng lại ở đáy của xã hội, làm đủ thứ nghề. Cán sự xã hội. Đẩy xe trong siêu thị. Bán thịt gà KFC. Làm vệ sinh trường học. Tôi âm thầm sống ở Bắc Mỹ lạnh thấu xương, cố nhắm mắt quên dĩ vãng cho tới khi ông Ngô Chí Dũng nhắc lại lời hứa năm xưa.
Hình như tôi vừa tóm tắt cuộc đời tôi, nhưng suốt chiều dài của cuộc sống như một bản năng thứ hai đã ăn sâu vào trong óc, lúc nào tôi cũng nhìn vấn đề và hành xử theo cảm quan của một phóng viên. Nó hiện hữu trong tôi một cách tự nhiên. Chưa bao giờ tôi đặt vấn đề với tôi. Nó hòa nhập vào tôi. Cái vòng kim cô êm ái đó hướng dẫn tôi, định hướng cuộc đời tôi cho đến buổi sáng đẹp trời và câu chào hờ hững: “A Beautiful day.” Tình trạng bệnh tật của tôi lâm vào ngõ bí.
Những chỉ số về gan lên cao quá.
Bilirubin total 5.7 trong khi bình thường là 0.3/0.7.
Bilirubin Direct 3.46 trong khi bình thường là 0.03/0.18.
Chỉ số gan AFP của tôi là 146092.60 trong khi ở người bình thường là 0.0/6.13
Bác sĩ bệnh viện John Hopkins lắc đầu nói không thể hóa trị tiếp vì cơ thể sẽ không chịu nổi.
Không thể nói là không lo lắng, không thất vọng.
Nhưng buổi sáng với ông bạn da đen khiến tôi nhìn đời khác hẳn. Ừ nhỉ, tại sao tôi luôn luôn sống bên lề cuộc đời, lững thững quan sát thiên hạ, ghi nhận các biến cố để rút ra những nhận xét và cố đi tìm một câu trả lời khách quan của một phóng viên? Tại sao tôi không lăn xả vào cuộc sống, hiểu nó để thấy nó đẹp, nó có ý nghĩa hơn và từ đó thưởng thức chính cuộc sống với đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống?
Bỗng nhiên mọi sự òa vỡ trong tôi.
Bệnh tật nay lui vào hàng thứ hai.
Nó đó. Tôi chiến đấu với nó với tất cả nỗ lực. Gia đình, vợ con tôi lúc nào cũng sát bên tôi.
Nhưng chắc chắn còn một cái tôi khác quan trọng hơn mà tôi quên đi, cái tôi khác bị cái tôi phóng viên đè ép không xuất hiện trong đời sống tôi.
Tôi suy nghĩ tới, lui. Đã đến lúc dù muộn, vẫn phải trở lại cái tôi nguyên thủy, cái tôi từ lúc lọt lòng mẹ, cái tôi Nhân Chi Sơ. Những câu nói tưởng như sáo ngữ trở nên đầy ý nghĩa. Vạn vật Đồng Nhất Thể. Từ Bi. Bồ Tát Hạnh.
Cái bản án của ung thư gan có thể sẽ đến rất sớm, hoặc biết đâu tôi sẽ khỏi bệnh, nhưng dù sao nó cũng đã trở thành thứ yếu so với điều mà tôi đang cố gắng làm: Sống đích thực với tôi.
Cũng chưa biết thế nào là đích thực, nhưng nhất định tôi sẽ quăng năm chữ Who Where When What Why và chữ How vào một xó.
Tôi sẽ cố sống với những suy tư mới.
“The day will be more beautiful and even more meaningful if you know how to enjoy it.”
Câu nói từ nay sẽ là kim chỉ nam cho cuộc đời tôi. Tự nhiên tôi thấy vui hơn, thấy cuộc đời trong sáng hơn, mọi sự có ý nghĩa hơn và nhất là ai cũng đáng yêu cả. Phải chăng tôi đang trên đường đi tìm cái tôi đích thực, cái tôi ban đầu? Nếu quả như vậy thì những chuyện khác, kể cả chuyện ung thư cũng chỉ là thứ yếu.
6/15/2013
Trích trong “Ung Thư ơi Chào Mi” do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản
Địa chỉ liên lạc:
P.O. Box 4653 Fall Church VA 22044 USA
email: uyenthaodc@gmail.com uyenthao174@yahoo.com
------------------------
(*) Lời người trích dẫn: “Văn Chi” là một nhân vật khá đặc biệt, bạn của Lê Thiệp, đã được tác giả viết hẳn thành một bài viết có tên “Mày là thằng hèn” đã được đăng trên trang này để thấy rõ hơn Lê Thiệp: con người luôn sống với bằng hữu chan hòa đầy tình cảm.
http://www.buctranhvancau.com/new-blog/2017/4/9/my-l-thng-hn-l-thip
Khuê