Những tin tức loan truyền từ mấy tuần qua về việc Quốc Hội Việt Cộng sẽ biểu quyết việc để Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trở thành 3 đặc khu cho thuê 99 năm đang là một vấn đề lớn, gây chú ý cho dư luận người Việt trong ngoài nước, mà đại đa số ý kiến từ người dân là không đồng ý. Được biết dự thảo luật cho thuê 3 đặc khu đã được Quốc hội VC thảo luận từ kỳ họp cuối năm 2017 với khá nhiều vấn đề. Sang đầu tháng 4 vừa qua dự thảo luật đặc khu được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (Vneconomy.) Giữa lúc những tranh cãi còn đang được trao đổi qua lại, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng ngày 16/4, trong buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã làm sửng sốt mọi người khi tuyên bố rằng: dự thảo cho thuê 3 đặc khu nói trên với thời hạn 99 năm đã được Bộ Chính trị kết luận rồi, không trái Hiến pháp và nay chỉ còn bàn ra luật để thực hiện. Nghe phát biểu trên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, những ai có quan tâm tới an ninh và vận mệnh của đất nước Việt Nam không thể không bật lên suy nghĩ: “Chúng đang hợp thức hóa việc bán nước!”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Saigon khi chia xẻ ý kiến cũng đã nói lên sự lo ngại này của ông:
… thời hạn cho thuê đất 99 năm này thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến, trong khi có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ tài nguyên của nước khác thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ, họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, thậm chí chi phối chính trị, an ninh... (báo Tuổi Trẻ Online, ngày 24 tháng 5 năm 2018).
Quốc gia mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa ám chỉ trong câu nói trên tuy không chỉ thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu là Trung Quốc, một quốc gia mà số lượng người dân Trung Quốc đang đổ sang Việt Nam để mua nhà tại Đà Nẵng, Nha Trang và các tỉnh miền Trung ngày càng đông. Trung Quốc cũng là quốc gia khẳng định chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam nằm trong phân đoạn Lưỡi Bò 9 khúc do họ đưa ra. Trung Quốc cũng là quốc gia mà lãnh đạo Việt Cộng đã giữ kín những cam kết tại hội nghị Thành Đô vào tháng 9 năm 1990, đưa đến 3 hiệp ước Việt Nam– Trung Quốc được ký kết vào các năm 1999 và 2001, mà theo ông Đỗ Việt Sơn, một đảng viên với 54 năm tuổi đảng, các hiệp ước này đã nhượng cho Trung Quốc “trên mặt biển mất đến 11.000 cây số vuông, còn trên đất liền thì mất vào khoảng 800 cây số vuông.” Thông tấn xã AFP dẫn những nguồn tin ngoại giao tại Hà Nội, cho biết rằng Hà Nội đã phải nhượng cho Trung quốc hầu hết những cao điểm chiến lược mà họ chiếm trong cuộc chiến năm 1979. Ngoài ra Hà Nội cũng phải nhượng cho Trung quốc một số những vùng đất ruộng phì nhiêu.
Đại biểu Dương Trung Quốc của Đồng Nai thì đưa ra khuyến cáo: “chúng ta (tức là các đại biểu Quốc Hội khác,) phải luôn luôn tư duy về địa - chính trị, nhất là khi 3 đặc khu được coi là "mặt tiền" của đất nước án ngữ trước biển Đông. Ông nói thêm: “Tôi xem truyền hình tuyên truyền ủng hộ cho dự án này bằng những con số rất cụ thể nhưng đấy chỉ là trên giấy. Nếu cộng tất cả lợi ích đó, tôi cho là con số rất nhỏ với túi tiền của thiên hạ. Người ta sẽ tung tiền để mua. Tôi rất muốn các đại biểu của các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hòa... nói xem bao nhiêu nhà cửa người Trung Quốc mua rồi? Tệ hại ở chỗ, chính người Việt Nam tiếp tay cho họ lách luật". (Báo Người Lao Động, ngày 25 tháng 5 năm 2018).
Tham vọng đô hộ, biến đất nước Việt Nam thành một quận lỵ của Trung Quốc đã có từ ngàn xưa. Ông cha ta đã phải trải qua bao gian khổ, đổ biết bao xương máu mới giữ được độc lập cho nước nhà, nay lãnh đạo Việt Cộng qua Hiệp Định Thành Đô 1990, và 3 Hiệp Định Việt – Trung ký vào năm 1999 và 2001, đã và đang tiếp tay cho Trung Quốc từng bước xâm lấn đất nước Việt Nam mà không cần đổ máu. Cụ thể, qua Hiệp định biên giới đất liền, Việt Cộng đã cắt giao cho Trung Quốc Ải Nam Quan, 1/2 Thác Bản Dốc và nhiều địa danh nữa. Theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam được 53,23 phần trăm diện tích của Vịnh, tuy nhiên đường phân chia lãnh hải hai bên chỉ cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 15 hải lý trong khi đường ranh Brévié năm 1887 dành cho Việt Nam một nửa phần biển giữa Bạch Long Vỹ và Hải Nam. Hiệp định hợp tác ngư nghiệp giữa Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ đã dành cho Trung Quốc quyền khai thác phần lớn hải sản tại vùng Vịnh trong khu vực đánh cá chung. Điều đáng lưu ý tuy nhiên, là khu vực đánh cá chung này lại được thành lập ngay trong khu diện tích vùng Vịnh của Việt Nam.
Chứng cớ về chủ trương VC bán mình cho TC không thiếu:
Một, từ năm 2005 các ngư dân Việt Nam bị Trung Cộng xua đuổi, bắn giết khi đang đánh cá trên vùng biển của cha ông để lại đến nay trong khi các hải quân và cảnh sát biển của Việt Cộng làm ngơ. Hai, lãnh đạo Việt Cộng cho công an trấn áp những người can đảm lên tiếng báo động về nguy cơ Trung Quốc đối với đất nước từ năm 1990 cho đến nay. Ba, đảng và nhà nước Việt Cộng nín thinh trước những cấm đoán của Trung Quốc không cho phép thi hành các giao kèo ký kết với nước ngoài khai thác tài nguyên trong vùng biển của Việt Nam. Bốn, đảng và nhà nước Việt Cộng lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trên các mặt kinh tế, sản xuất, chính trị và ngay cả xã hội. Mới đây nhất, là quyết định của Bộ Chính Trị Việt Cộng biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thành 3 đặc khu cho TQ thuê 99 năm, đã làm ngạc nhiên ngay cả những thành phần cán bộ và quần chúng theo đảng, vì tính chất bán nước rõ ràng của nó.
Thực thế, bản chất tay sai trong khối Liên sô Trung Cộng thời chiến tranh lạnh đã được che dấu bằng chiêu bài đấu tranh giải phóng, bằng lý tưởng chấm dứt bóc lột giới vô sản công nông và nghĩa vụ quốc tế vô sản, nay đã không còn cách nào biện giải, hay ngụy trang. Ngay cả những đại biểu, tức là những tay chân công cụ của chế độ mà có muốn bênh vực cho chủ trương đặc khu, được kể là “lớn”, nghĩa là chiến lược của đảng, thì cũng chỉ nêu ra những lo ngại của quần chúng có thể vượt qua được bằng thời gian giải thích, hay những thắc mắc chung chung về an ninh mà không cần trả lời, hay trả lời cách nào cũng được. Người ta còn nhớ trước đây đã có những nhân vật VC cao cấp nêu ra các vấn đề an ninh khi lãnh đạo đảng quyết định cho thuê rừng đầu nguồn, cho khai thác mỏ bauxite ở cao nguyên vân vân mà chẳng đi tới đâu, vì lời nói rơi vào khoảng không.
Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng nếu để thảo luận kéo dài thì tai hại gia tăng không thể nào tránh khỏi cho bộ chính trị. Cho nên chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân mới phải đột ngột cắt ngang và ra lệnh thảo luận vào chi tiết, mà lãnh đạo có thể dễ dàng lách bằng ngôn từ văn bản đã được cân nhắc kỹ lưỡng viết ra. Nghĩ cho cùng, chuyện đặc khu kinh tế này nếu được đem ra cho thảo luận công khai thì chỉ là do rút kinh nghiệm các hiệp ước dâng biển nhượng đất bắt đầu với những thảo luận Thành Đô. Giữ bí mật những điều khoản này đã gây khó cho VC tới tận bây giờ. Bởi vì một mặt là khi đã dấu lâu như thế thì không thể công khai những dâng nhượng, trừ khi đảng bị mất quyền. Mặt khác là không thể không chấp nhận thiên triều thi hành những điều kiện hiệp ước đã ký. Cho nên VC tử bấy đến nay cứ lúng búng như các cụ ta nói “chó ngậm hột thị”.
Chỉ còn lại một câu hỏi: Dân tộc ta sẽ ra sao? Có vẻ như không có câu trả lời lạc quan lắm. Bởi vì giới lãnh đạo thỉ đã chủ trương bán nước để có quyền có lợi mà tiếp tục ăn trên ngồi trốc, hay khi lỡ phải về vườn thì bình yên sống đời dư giả ở ngoại quốc. Dân thường thì vì nghĩ chẳng làm gì được, nên chỉ mong cho chuyện chóng xong để hy vọng có thêm phương kế kiếm ăn, dầu chỉ là làm công ở đợ ngay trên đất nước mình.
Hợp thức hóa chuyện bán nước bằng đem ra thảo luận vấn đề 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã ký nhượng với Tầu xem ra là một quyết định có tính toán. Chấm dứt thảo luận ngang xương cũng là một chiêu số có hạng. Khi ván đã đóng thuyền rồi, nghĩa là khi đặc khu thành lập cụ thể thì vấn đề còn lại cho người dân ở các đặc khu này chỉ là cư xử sao cho phải dạo của một kẻ bị trị. Vì “phải đạo” thì có miếng cơm manh áo. “Không phải đạo” thì bị trấn áp tù đầy. Hệ thống hành chính được “cải tổ cho tinh gọn” để phục vụ yêu cầu của đặc khu chỉ là cách nói để che dấu tính chất thư lại thừa hành, tay sai cho giới tài phiệt chủ ông trong đặc khu.
Một chua chát nhỏ là có người cắc cớ hỏi nếu hành chánh sửa đổi tinh gọn để tạo điều kiện dễ dàng cho đặc khu phát triển thì tại sao một nhà nước tự nhận là vì dân do dân lại không toàn diện cải tổ tinh gọn cho cả nước, ngay từ bây giờ?
Tuệ Vân
(ngày 7 tháng 6/2018)