Én Nhà Trời
Sáng 16/5. Anh em quyết định dựng buồm. Anh Tư kết ba chiếc khăn và chiếc áo cà sa màu vàng của Hiệu thành chiếc buồm lớn. Gió hiu hiu, vải căng ra. "Nhúc nhích anh Tư ơi", "kéo neo lên". " Sắp tới mé rồi anh Tư ơi". Thực sự có lẽ thuyền không đi hoặc đi rất chậm. Đúng ra nó chỉ dạt đi nhưng ai cũng vui. Tôi nghe Bằng ở mũi thuyền ngâm nho nhỏ:
"Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến cô liêu"
Bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương chúng tôi đã học với thầy Ý từ hồi Chu Văn An. Tôi nhìn Bằng:
- Ê mày, nhớ ông thầy Trần Đình Ý không? Bỗng nhiên chúng tôi như coi thường mọi sự. Mấy bà mấy cô đua nhau ra ngồi ngoài sau lái múc nước tắm. Trẻ con thi nhau dội nước lên đầu nhau. Nắng lên dần. Những đồ đạc ướt nhẹp từ mấy hôm nay đem ra phơi. Cảnh tượng chiếc tàu giống như trại tản cư. Chẳng ai buồn cả. Nam ngồi cạnh mạn thuyền bỗng kêu lên.
- Có rắn. Con rắn biển nhỏ mà dài, lưng đen, bụng vàng nhạt lững lờ trong làn nước xanh. - Gặp rắn thì đi, gặp qui thì về. Thế nào mình cũng đến nơi. Tin tôi đi.
Ai cũng tin Nam. Có lẽ sự lạc quan kỳ diệu đã giúp chúng tôi thoát chết. Vả lại, có chết ở đây cũng vui mà. Những con cá nược khổng lồ nhào lên nhào xuống trước mũi thuyền, tha hồ cho chúng tôi ngắm.
Bể khá êm. Nếu đủ lương thực và nước nôi rồi cứ trôi mãi như thế này thì thú quá. Nhưng sự thực phũ phàng là chúng tôi đói và khát. Đâu có thể phung phí được. Tôi dặn kỹ Thái. Cương quyết chỉ phát đúng số khẩu phần đã qui định. Trẻ con khóc cũng đành chịu. Tôi nhìn môi anh Phúc khô nứt ra, lòng xót xa. Tôi nhìn Đàn như muốn lả đi, không biết nói sao. Anh ơi! em ơi! vì tự do chúng ta đã phải bỏ quê hương xứ sở, vì muốn sống kiếp người mình phải ra đi. Đã đi là chấp nhận tất cả. Chết giữa biển cũng vui mà. Tôi dựa vào thành thuyền. Cô bé Oanh lâm râm khấn Đức Mẹ. Một lát Oanh bật khóc. Tôi ngạc nhiên: - Sao vậy?
- Bây giờ cháu thấy thương mẹ cháu. Mọi khi cái gì cũng có mẹ lo. Bây giờ...
- Tầm xàm. Còn bao nhiêu chú bác anh chị đây. Cháu muốn gì?
- Cháu thương mẹ.
- Chú cũng thương mẹ chú. Cụ bây giờ cũng vò võ một thân già. Chú cũng được mẹ chú chiều chuộng. Nhưng mẹ chú phải để chú ra đi. Mẹ cháu cũng chấp nhận cháu ra đi. Những người mẹ đó thương con biết ngần nào, vậy mà họ đã phải cắn răng nhìn con cái ra đi. Phải xứng đáng với lòng hy sinh đó. Chiến đấu đi Oanh. Vui lên. Oanh vui là ở nhà mẹ vui.
Tối hôm đó bụng đói, miệng khát chúng tôi ngắm sao trên bầu trời. Tầu lớn đi lại tấp nập. Chúng tôi đốt lửa kêu cứu nhưng vô vọng. Anh Tư nằm dài cạnh tôi. “Kìa là sao Lưỡi Cày. Chùm đó là chùm sao Tua. Chỗ mờ mờ kia là Sao Khuê”. “Sao Khuê chín cái nằm kề. Thương anh từ thuở mẹ về với cha. Nghĩ ra các cụ ngày xưa tán hay thiệt há ông?” “Tôi có biết tán đâu. Ông già tôi bảo đi cưới thì đi cưới, chớ nào có tán tỉnh gì. Vậy mà giờ nhớ nó ghê. Mấy chục năm ăn ở với nhau mà phải bỏ đi. Thiệt. Sao ông không dẫn bà nào đi?” “Bà nào cũng kẹt hết anh Tư ơi!” Chúng tôi nằm tâm sự vụn đủ thứ và tôi thiếp đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng. Sáng sớm hôm sau, anh Tư lay tôi dậy. Cánh buồm không gió rũ xuống ảo não. Biển sóng nhẹ. Chiếc thuyền bập bềnh như chiếc phao, không di động. Mặt trời chưa lên nhưng phía đông đã hừng sáng. Chắc chắn hôm nay sẽ nắng nữa. Tôi nghĩ đến số nước còn lại mà lo. Anh Tư bó gối nhìn tôi:
- Tính sao chứ như vầy không? Đêm qua, chẳng tầu nào chú ý đến mình cả.
- Bình tĩnh anh Tư, sắp đến mé rồi. Chánh, Nam bò lại chỗ tôi. Phải làm một cái gì đi anh. Tôi gọi mọi người tới nói:
- Chúng ta lâm vào thế kẹt. Hi vọng được tàu vớt quá mong manh. Ai có sáng kiến gì không?
- Làm lưới bắt cá. Hôm qua tôi thấy có cá ở phía sau thuyền. Có cá ăn đỡ lắm. Hiệu đề nghị:
- Tôi đề nghị làm giấy kêu cứu thả xuống biển.
Chúng tôi thi hành cả hai ý kiến. Mẩu tin kêu cứu được viết bằng tiếng Anh đại ý cho biết 48 người trốn khỏi địa ngục Cộng Sản đang trong tình trạng tuyệt vọng, không nước, không đồ ăn, máy hư. Chúng tôi cột thư kêu cứu vào thùng nylon. thả xuống biển. Tất cả sáu cái được gửi đi. Trong khi đang lui cui cùng anh Phúc viết lời kêu cứu thì có tiếng reo hò ở phía sau. Một đàn cá lọt vào lưới. Tổng cộng chúng tôi bắt được 37 con cá to bằng hai ngón tay. Ước gần một kí. Ngoài ra có một con to bằng cổ tay có sọc nhạt. Bàn tính một hồi anh em đồng ý nấu cháo cá. Mỗi người được gần một chén. Tôi húp thật chậm. Chưa có bát cháo nào ngon như vậy. Cháo ngọt lịm, thấm vào tim gan tì phế. Một chú bé bưng chén vào xin thêm. Ai cũng cười. Hết rồi, xương cũng không còn. Đó là đàn cá duy nhất dại dột chui vào tấm lưới bé tí teo của chúng tôi. Bộ lưới hành nghề chính thức trên thuyền đã phải quẳng đi ngay khi ra khỏi đèn phao Cần Giờ. Miếng lưới con con này là của đám ở rừng mang theo, vốn chỉ là lưới tay bắt tôm ở ven sông. Chẳng có ai tin rằng nó lại hữu ích như vậy. Niềm vui vì cá không kéo dài vì nắng mỗi lúc một gay gắt. Hiệu và Nam tìm tôi:
- Tại sao không kết bè. Cử sứ giả đi may ra thoát.
Hai người này đề nghị dùng 4 thùng nylon cột lại và họ sẽ đi để may ra gặp tàu vớt hay tìm được đảo. Họ chỉ xin mỗi người hai gói mì và một nửa lít nước. Tôi hỏi ý kiến anh em. Không ai đồng ý. Sống cùng sống, chết cùng chết. Hiệu và Nam nằng nặc đòi thi hành nhưng không được. Anh Tư trầm ngâm rồi lôi tôi ra một chỗ:
- Tôi nói riêng với ông rồi ông thử hỏi mọi người xem. Không lẽ chịu chết vô lý thế này à? Mình phá ít ván làm chèo thì sao? Chèo mãi cũng phải tới mé chứ?
- Thuyền cỡ này chèo được không?
- Không được cũng chèo! Phải làm cái gì chứ. Cái ý chí quyết sống thật ghê gớm. Tôi đăm đăm nhìn anh Tư. Nắng bể làm anh xẫm như pho tượng đồng đen. Cằm anh vuông toát ra vẻ cương nghị. Con sâu cái kiến cũng muốn sống nữa huống chi con người. Mần ngay anh Tư. Mọi người xúm lại tìm cách làm chèo. Tôi vốn vụng về dốt nát với loại công việc này nên được phép lên canh chừng tàu để kêu cứu. Tôi bật cười vì câu phê phán của anh Phúc trước sự vô tình của những con tàu lớn "Đúng là tình đời". Người trí thức như anh không nặng lời với ai được. Những con tàu vẫn ngược xuôi tứ phía. Tôi hỏi Hiệu:
- Đếm được mấy cái rồi ông?
- Ít nhất cũng 43, chưa kể những cái quá xa thì bỏ.
- Mấy cái hồi sáng đi gần xịt bên mình đề tên tàu gì vậy?
Nhặt tấm gương soi mắt bé tí teo của chị Lan lên, tôi hỏi:
- SOS đánh làm sao?
- Ba ngắn – ba dài – ba ngắn.
Một chiếc tàu đi phía trái. Tôi chớp gương. Hiệu xử dụng cờ trắng vẫy lia lịa. Hai ba người khác thi nhau vẫy. Tầu to, màu trắng, dáng thanh tú, lướt sóng thật đẹp. Bọt nước trắng xóa tỏa từ mũi xuôi xuống hai bên thuyền. Con tàu không tỏ vẻ quan tâm đến chúng tôi và giữ đúng hướng cũ. Trời dịu dần rồi tối lúc nào tôi không rõ. Tôi xuống kiếm anh Tư:
- Xong chèo chưa?
- Sắp. Sáng mai sáu tay chèo lo gì không đến mé.
Gió thổi nhẹ, đủ làm phồng chiếc buồm rộng. Tôi ngả lưng cạnh cu Tí. Trông chú bé sụt hẳn, hai má hết phúng phính. Tôi cười, chú không cười lại như mọi khi. Tôi im lặng nhìn khuôn mặt bé bỏng nghĩ đến những hình ảnh rùng rợn. Thái đã thông báo số nước chỉ đủ cầm cự thêm một ngày nữa. Nếu đói khát thì hẳn là trẻ con sẽ chết trước tiên. Đã có những người cha ăn thịt con. Liệu tôi có... Tôi nhìn chú bé đang nằm liệt, lắc đầu không dám nghĩ tiếp.
Từ sáng đến giờ, mỗi người được một chén cháo lưng và một hớp nước. Cổ họng tôi khô ran, tiếng tôi khàn đi. Tôi nuốt nước bọt đều đều và cỗ dỗ mình vào giấc ngủ. Đêm rồi cũng trôi qua. Chúng tôi đã lênh đênh hơn một tuần và chưa biết số phận rồi sẽ trôi dạt về đâu. Kỳ lạ là không một ai trên thuyền lo lắng hay sợ hãi. Ngay từ mờ sáng, Tư Nhiễn đã hò hét mọi người. Tổng cộng mới làm xong 4 cái chèo nên chúng tôi đồng ý chia ra 4 toán. Mỗi người chèo nửa tiếng. Cang, Tư Nhiễn phải chỉ một hồi, chúng tôi mới chèo đúng kiểu.
- Ê! thuyền đi không?
- Đi dữ dội. Cố lên anh em. Chèo như nô lệ thời Trung Cổ là khá ngay. Có cặp rằng Tư Nhiễn nghe. Anh em cười và cố chèo.
Người nào chưa tới lượt đều phải chui vào khoang để tránh ra mồ hôi. Chúng tôi thi nhau chèo, cùng nghiêng mái, cùng nhún tới lấy đà, ngả nhẹ phía sau, đẩy như một tay chèo nhà nghề. Có vẻ con thuyền có đi. Nhưng điều quan hệ hơn cả là chúng tôi chiến đấu. Biển thật đẹp nhưng chết người vì nắng. Chúng tôi phải dội nước liên tiếp lên sập thuyền, phải chống với cái khát ghê gớm. Thái báo cáo chính xác chúng tôi còn gần 60 lít nước, 40 gói mì và nửa kí đường.
Không đủ một bữa cho 48 người. Tôi dặn đi dặn lại Thái phải cương quyết trong việc phát khẩu phần. Hai nắp nước một ngày. Bốn người một gói mì. Nếu duy trì được như vậy, chúng tôi có thể chiến đấu 4 ngày đêm nữa. Tôi cũng hi vọng trời sẽ mưa.
- Ráng lên, sắp tới nơi rồi anh em ơi. Có một con chuồn chuồn. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn con vật bé bỏng màu nâu đó. Sao nó lại ở chỗ này? Tôi hỏi anh Bé, người có thẩm quyền nhất trong đám tụi tôi. Anh lắc đầu. Một là anh không biết biển có chuồn chuồn không. Hay là gần đây có hoang đảo chăng. Tuy vậy, sinh vật tí hon đó gieo vào chúng tôi niềm hứng khởi.
Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, một con cò lửa nặng nề đáp xuống mũi ghe. Hiệu đang ngồi gần đó trơ mắt nhìn. Con cò có lẽ cũng ngạc nhiên với cảnh lố nhố, gật gù cái đầu rồi vỗ cánh bay. Anh em la lớn:
- Sao không chụp nó.
- Tội nghiệp. Trông nó mệt quá. A! lại thêm một kẻ tội nghiệp, không muốn sát hại cả đến một sinh vật nhỏ bé. Nam tiếc hùi hụi. Con cò đó nuôi tụi mình một ngày đủ đa. Ai cũng cười. Con cò khá lớn, chậm chạp vỗ cánh bay về hướng bắc. Hiệu suy luận:
- Cò bay chậm rì và cũng không bay xa được. Nhất định sắp tới mé rồi. Cố lên anh em. Tôi nhớ câu thơ trong Đằng Vương Các và chưa bao giờ thấy hay như vậy.
Lạc hà dữ cô vũ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
Nắng vẫn lên cao. Mỗi lúc một gay gắt. Vừa đẩy mái chèo, tôi nhìn chị Điển bế con, đầu tóc rũ rượi. Thằng bé cho tới lúc này vẫn còn đủ sữa, toét miệng cười rồi đưa tay hôn gió tôi. Nhìn nó, lòng tôi bùi ngùi. Bé ơi, một mai khôn lớn, nghe mẹ cha tả lại cảnh này, bé nghĩ sao? Lớn lên là người Việt Nam đầy kiêu hãnh nghe.
- Có tàu.
- Thì vẫy tay.
Thực tình chẳng ai tha thiết đến chuyện kêu cứu nữa. Chúng tôi đã thấy trên 50 tầu. Hai chiếc đã kề sát tụi tôi rồi bỏ đi. Một đã từ chối không cho lên, còn lại lờ đi. Tình đời ấm lạnh mà. Anh Tám, người kiên nhẫn nhất cũng đã nản, ngồi ngó chiếc tàu phía xa, chú nhỏ Bình quá mệt, nằm dài ra, đưa một cánh tay èo uột lên vẫy. Chúng tôi vẫn chèo. Hiệu cũng cầm chiếc gương nhỏ nháy qua nháy lại trong tư thế làm để làm. Con tàu sơn xanh trắng đẹp uy nghi đang rẽ sóng phía trước chúng tôi.
Bỗng anh Tám la lên:
- Nó ngừng lại!
- Sức mấy, lo chèo đi. Sắp tới mé.
- Nó ngừng thật mà. Chân vịt nó giảm, nước không cuộn nữa. Nó ngừng mà. Anh nói thiếu điều hụt hơi, có lẽ mệt và đói. Chưa tới giờ ăn mà. Giọng nói của anh làm tụi tôi hơi tin cũng ngó chiếc tàu trước mắt. Có lẽ nó chậm lại. Chúng tôi chăm chú nhìn. Nó ngừng thật, anh em ơi. Lúc đó là 12 giờ trưa 18 tháng 5 năm 1978. Chúng tôi ra sức chèo. Khoảng cách trông thật gần mà sao xa thế. Cố lên coi. Anh Bé giữ tay lái cho vững coi. Ai nấy nhốn nháo. Anh Phúc như tỉnh hẳn. Điển la to “Để tao bơi”. Tôi phải hét lớn “còn xa, từ từ đã”, Điển mới không nhẩy xuống. Tôi một chèo, ba cha con anh Tư ba chèo, cố đẩy chiếc thuyền đi tới. Tôi nghe tiếng hét “Nó bỏ phao xuống”. Trên chiếc tàu thật đẹp đó, thủy thủ đoàn lố nhố và trên đài chỉ huy giọng nói qua máy phóng thanh vang lên nhưng chẳng ai hiểu gì cả.
- Tàu Nhật, tao thấy chữ Osaka - Sun Swallow. Én nhà trời. Thiên Nhạn. Tôi nhìn kẻ dịch chữ Sun Swallow. Ông này dịch hay thế.
Anh Phúc và Điển ôm hai chiếc thùng nylon nhẩy xuống, bơi về phía chiếc phao do tàu ném xuống. Chúng tôi vẫn cố chèo. Chánh thấy tôi thở phì phò, mồ hôi nhễ nhại mới chợt nhớ rằng tôi đứng chèo lâu quá rồi. Chánh bảo:
- Để em chèo. Anh ra lo công việc. Công việc? Tôi biết làm gì vào giờ này.
Chiến bế đứa con nhỏ, hai giòng nước mắt dòng dòng. Oanh nức nở gọi "Mẹ ơi! mẹ". Chị Điển ôm con dựa vào thành cabin mặt nhợt nhạt. Chị Lan xơ xác đưa tay vẫy. Ông Thông khẳng định "Kỳ này chắc chắn mình được cứu!" Tôi gật. Hiệu lại bảo tôi "Nếu nó không cứu, tôi nhẩy xuống biển tự tử. Các ông cố thoát, nhớ loan cho mọi người hay. Tôi chết để thức tỉnh lương tri những ông thuyền trưởng chai đá". Tôi cũng gật. Nghi và Nam lăm le sợi dây. Anh Phúc và Điển cố bơi. Dù xuống nước sau, Điển lại tới trước. Anh Phúc có vẻ đã quá mệt nhưng cũng đến được thang. Chúng tôi thấy Điển được dìu lên rồi sau đó là anh Phúc. Điển thuật lại ngay khi lên anh chỉ nói được một tiếng "Water" rồi xỉu liền. Thủy thủ đưa anh lên cho uống một thứ nước mà anh đoán có bạc hà. Anh tỉnh lập tức. Yêu cầu được cứu. Vị thuyền trưởng hỏi có súng, anh lắc đầu lia lịa:
- No gun, no explosive! Vị thuyền trưởng vừa cho hay đồng ý cứu là Điển "sống lại" chạy băng ra ngoài vẫy chúng tôi. Bốn cái chèo vẫn ngoáy nước. Trên thuyền tiếng khóc như di, nhất là khi thấy Điển xuất hiện giơ tay vẫy. Thủy thủ trên tàu cũng xôn xao chạy tới chạy lui. Họ thả cầu thang thấp chờ đợi. Dần dần chúng tôi cũng cập sát được tàu. Đúng lúc đó, Oanh xỉu, ngã vào tôi. Tôi ôm cô bé, nhìn cảnh thuyền tôi đang kề vào chân thang. Tôi hét lớn:
- Lên từng người một. Lo đỡ đàn bà con nít.
Họ tỏ ra kỷ luật, dìu nhau chầm chậm leo lên. Tôi ghé vai cõng Oanh. Vừa lên đến sàn tàu, tôi gục xuống. Mọi người được uống nước ngay lập tức. Có lẽ do Điển nói trước. Đích thân thuyền trưởng Kim Do Yung đỡ tôi dậy. Tôi được ông hỏi có thể đánh đắm chiếc thuyền không. Ông giải thích để nó trôi giạt rất nguy hiểm cho tàu khác, vả lại nó cũng sắp chìm rồi. Tôi đồng ý ngay. Ông hỏi tôi còn muốn lấy gì ở thuyền nữa không. Tôi lắc đầu. Đích thân ông xuống chiếc thuyền của chúng tôi và một lát sau đi lên. Chiếc thuyền bị đẩy ra xa. Mũi thuyền ngóc lên cao, phía sau lún xuống dần. Mảnh áo cà sa làm buồm màu vàng vẫn cố bọc gió phồng lên. Độ năm phút sau, chiếc thuyền nhỏ bé thân yêu của chúng tôi chìm sâu vào lòng đại dương. Chúng tôi được vớt cách Tân Gia Ba 241 hải lý về phia đông bắc vào lúc 13 giờ chiều ngày 18-5-78 và được tàu Sun Swallow đưa về Chiba, Nhật Bản bảy hôm sau vào ngày 25-5-78.
Ân tình
Phần cuối của lời tường thuật này xin để riêng cảm ơn thuyền trưởng Kim Do Yung và toàn thể thủy thủ đoàn tàu Sun Swallow. Không có lòng hào hiệp của vị thuyền trưởng khả kính cũng như toàn thể thủy thủ đoàn tàu Sun Swallow, chúng tôi đã chết giữa biển cả. Ngay khi nhìn thấy chúng tôi trong cảnh bệ rạc đó giữa biển, họ đã biết chúng tôi là người Việt Nam vượt biển trốn Cộng Sản. Họ cũng rõ những thủ tục do các quốc gia Đông Nam Á cùng nhiều nơi khác đặt ra đẩy họ vào những phiền toái đôi khi đến mất sở làm. Nhưng họ đã ngừng tàu lại để đón chúng tôi ngay sau khi hỏi ý công ty. Tôi xin viết ra đây lời phát biểu đã được chị Nguyễn Hữu Điển đọc nhân bữa tiệc thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tiễn biệt chúng tôi trước hôm chúng tôi lên bờ. Đó cũng là lời kết cho tập viết này. " ... Chúng tôi đã vượt mọi hiểm nghèo và chông gai để tìm Tự Do. Quý vị là những người đã giúp chúng tôi thoát. Khi ngừng tàu lại, hẳn quý vị biết rõ những phiền toái sẽ đến với quý vị, nhưng do tình người quý vị đã cho chúng tôi lên tàu Sun Swallow này. Chúng tôi đã tìm lại Tự Do ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân lên tàu. Bổn phận còn lại của chúng tôi trong những ngày sắp tới là đấu tranh cho tự do cho đồng bào ruột thịt của chúng tôi hiện đang sống tại Việt Nam. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, chúng tôi cũng tâm niệm và rao truyền cho con cháu chúng tôi điều này..."
Lê Thiệp - Nhật Bản ngày 26-6-78
(Trích trong Chân Ướt Chân Ráo do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản)
Địa chỉ liên lạc Tủ sách Tiếng Quê Hương:
P.O.Box 4653 Fall Church VA 22044 USA