Những cuộc biểu tình lớn chưa từng có xẩy ra liên tục từ cuối tuần lễ mồng 9 tháng 6/2018 ở các tỉnh thành khắp nước để phản đối việc quốc hội bấm nút thông qua các dư luật về 3 đặc khu Vân đồn, Bắc Vân phong và Phú quốc đã làm lãnh đạo đảng và nhà nước VC ngạc nhiên, choáng váng. Chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đã tránh dùng chữ biểu tình mà chỉ dùng chữ “tụ tập đông người” để hạ thấp sự quan trọng của vụ này.
Choáng váng vì nhiều lý do. Trước hết là những cuộc biểu tình trước đây chỉ là những phản đối hay kêu xin giải quyết những bất công giới hạn trong phạm vi quyền lợi, có tính cách cá nhân, gia đình, chòm xóm hoặc công ty. Những chống đối hay kêu đòi này cho dù kéo dài, như những vụ nằm vạ khiếu kiện, đã được đối phó hiệu quả bằng sự kiên trì yên lặng của chính quyền. Quần chúng nói chung chẳng có mấy quan tâm hơn là một chút thương hại hoặc nhún vai. Bởi vì mọi người còn phải loay hoay xoay trở trong cái cuộc sống vất vả ngột ngạt chung, mà họ nghĩ rằng không có cách nào chấm dứt, ngoài cách giảm thiểu hệ quả cá nhân, như hình ảnh bịt tai bịt mũi bị miệng trong những đám đông người cuồn cuộn di chuyển hàng ngày trên các nẻo đường thành phố. Thái độ này đã làm nẩy sinh ra danh từ “vô cảm” ở trong nước. Choáng váng, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ toàn trị VC, mọi tầng lớp quần chúng từ già đến trẻ từ tỉnh đến quê tham gia biểu tình phản đối một chính sách, một chủ trương “lớn” đã được bộ chính trị quyết định, với những điều khoản viết sẵn, chỉ cần đem ra cho quốc hội bấm nút thông qua cho có hình thức dân chủ. Choáng váng, vì người ta nhìn thấy những cuộc biểu tình rõ ràng là tự phát, bắt đầu với một số nhỏ người đã được gia tăng đông đảo nhanh chóng bởi những người đi đường nhập cuộc, với những khẩu hiệu nhỏ viết tay ngắn gọn chống đặc khu.
Ngạc nhiên trước sự ngập ngừng không quyết liệt trấn áp những người biểu tình của những cảnh sát công an ở một số nơi. Ngạc nhiên vì có những cảnh sát cơ động như ở Bình Thuận, Phan Rí Cửa, cởi bỏ đồng phục theo kêu gọi của người biểu tình. Tại đây, cuộc biểu tình đã quyết liệt và đông đảo vì những ngày 10, 11, 12 tháng 6 biển động, ngư dân ở nhà. Họ quyết liệt và nói thẳng rằng khi ra biển ngư dân có thể bị TC bức bách phá thuyền giết người bất cứ lúc nào mà nhà nước im lặng không có biện pháp nào giúp đỡ, bảo vệ, từ nhiều năm nay. Bây giờ nhà nước nhượng đặc khu cho Tầu thì thật chẳng còn gì để mất. Nếu bị đàn áp thì không lùi để có chết thì cũng chết trên đất nhà.
Không thể không ngạc nhiên khi có ông già đứng phản đối một mình. Và hàng đoàn đông đảo thanh niên đi xe máy biểu tình với các khẩu hiệu nhỏ chống luật đặc khu. Chống cho Tầu thuê đất, dù chỉ một ngày. Người ta nghe người phụ nữ của chế độ Vũ Thi Kiên ở Thanh Hóa rành rọt đặt câu hỏi cho Nguyễn phú Trong quyền gì mà cho Tầu thuê đất của toàn dân làm chủ 99 năm mà không đem ra trưng cầu dân ý. Có gan sao không cho thuê đủ 100 năm đi. Người ta nghe được những lời sỉ mạ bình dân thô tục của một phụ nữ nông thôn miền Bắc những tên cán bộ công an canh chừng quanh nhà của bà. Chẳng có chút gì sợ sệt. Và còn vô số chuyện khác nói lên một điểm chung là người dân giành lại cái quyền sống bình thường của mình.
Ngày 17 tháng 6 Sài gòn không thể có biểu tình vì lực lượng an ninh đủ loại dàn ra khắp chốn. Nhưng tại Hà tĩnh, giáo dân Song Ngọc biểu tình tuần hành cầu nguyện 30 phút. Tại Vinh, trao đổi với BBC ngày 18/6, linh mục Hoàng Xuân Hường, giáo hạt Văn Hạnh, giáo phận Vinh, cho BBC biết rằng: "Buổi lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình bắt đầu lúc 7:30 và kết thúc lúc 10:30 sáng 17/6, với khoảng 12.000 giáo dân tham gia." Sau thánh lễ, giáo dân tuần hành quanh giáo xứ, tay giơ cao các biểu ngữ "An ninh mạng bóp nghẹt tự do", "không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày"...”Quốc tế hãy cứu giúp VN (Save Vietnam, please)”.
Ngạc nhiên và choáng váng cho nên người trách nhiệm cao nhất của chế độ, Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư đảng VC, đã im lặng trước những chuyển động này, cho tới ngày 17 tháng 6 mới lên tiếng. Nhưng không với tư thế người lãnh đạo cao nhất nước khiển trách hay la rầy hay chỉ đạo, mà ở vị trí giải thích một cách bị động cho cử tri địa phương tại Hà nội.
“Không ai dại dột đi giao đất cho nước ngoài”. Ông Trọng bào chữa, và có vẻ như coi đó là một luận cứ ngắn ngủi vững chãi. Thái độ này đúng đối với người dân thường. Nhưng trong trường hợp quyết định của bộ chính trị thành lập ba đặc khu với những dự luật đặc biệt trao quyền khai thác và điều hành cũng như xét xử cho các thương nhân chủ ông trong đặc khu, mà đa số trên thực tế người dân đã thấy, và bà Phạm Chi Lan cán bộ kỳ cựu và chuyên viên kinh tế của nhà nước đã chỉ ra, là người Tầu, thì bộ chính trị nói chung và Nguyễn phú Trọng nói riêng, không phải là những người dân thường nữa, mà là những kẻ bán nước, dưới mắt người dân. Cái thành tích bán nước này của đảng VC đã được chứng minh ít nhất từ thời hội nghị Thành Đô, mà kết quả cụ thể là VN đã mất đất biên giới như Bản Giốc, Ải Nam Quan… và mất Hoàng Sa Trường Sa và mất biển, không còn chỗ cho ngư dân đánh cá, mất tài nguyên thiên nhiên quan trọng là dầu hỏa và khí đốt, mất trường Sa, vân vân. Nhưng mà chẳng có văn bản gì xác định, vì được dấu kín cho tới nay. Trong vụ đặc khu, thì sự thể rõ ràng.Và là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính. Nhưng NPT đổ cho là vì sự khích động của “những phần tử xấu” và “nước ngoài”. Nguyên văn lời Trọng như sau:
“Kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để mưu các việc khác, làm việc xấu và có bàn tay của phần tử phá hoại, không loại trừ có yếu tố nước ngoài”. Làm sao lại có khích động của nước ngoài được trong những phát biểu nôm na hay rành rẽ như ta đã thấy của những phụ nữ rõ ràng là trưởng thành nung đúc bởi chế độ từ nông thôn.
NPT còn nhận vơ công lao của đảng đã tạo ra tình trạng dân chủ, biểu lộ ra bởi những cuộc biểu tình mà đảng và nhà nước chưa có được biện pháp chặn đứng hiệu quả lúc phát lộ ra. Nguyên văn là: "Vẫn phải khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như thế này, không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội. Không khí dân chủ trong xã hội rất tốt".
NPT có quyền nói như thế, nhưng dân có tin đảng hay không, dân có bỏ được cái nhận định rằng chủ trương lớn của đảng lập ra đặc khu không phải là hành động bán nước hay không, thì những cuộc biểu tình cũng như vô số phát biểu trên các trang mạng facebook đã cho thấy rằng không.
Nhiều người đã cho rằng những cuộc biểu tình này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Nhưng sụp đổ như thế nào thì khó ai có thể xác quyết. Chỉ mơ hồ so sánh với những trường hợp Đông Âu thí dụ như Romania với Nicolas Ceauscescu, hay là như Boris Yeltsin ở Nga năm 1991. Mà động cơ chính lúc đó là yêu cầu tự do dân chủ. Việt nam trong trường hợp hiện nay hoàn toàn khác hẳn. Tự do dân chủ chỉ là yếu tố được các nhà chính trị khai thác hà rầm, mà chẳng có bao nhiêu kết quả cụ thể trừ việc lâu lâu thả cho ra ngoại quốc một số người gọi là bất đồng ý kiến “có môn bài” và “không có môn bài”. Việt nam ngày nay là trong tình trạng lãnh đạo đảng và nhà nước đã tự chứng minh cho quần chúng thấy họ là thành phần phản quốc, bán nước, qua chuyện kiên quyết lập 3 đặc khu Vân đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với quy chế riêng cho những tài phiệt TC tự trị và toàn quyền xét xử, với một bộ máy hành chính gọi là “tinh gọn” mà nói vắn tắt là chỉ có nhiệm vụ thư lại phục vụ những chủ ông đầu tư.
Quyết định ngừng thông qua dự luật gọi là để có thì giờ nghiên cứu tìm hiểu và cải sửa các điều trong dự luật chỉ là kéo dài thời gian để cho quần chúng nguội dần phản ứng đồng thời cho hệ thống thông tin tuyên truyền và các nhà gọi là chuyên gia nêu ra những điểm chi tiết lý thuyết nhằm xí xóa cái mục đích chủ yếu của quy chế đặc khu là bán đi những khoảng đất vàng này của tổ quốc.
Huyền thoại đấu tranh cho giai cấp vô sản của đảng CSVN đã nát rồi, với sự biến thái đi theo kinh tế tư bản biến các lãnh đạo và tay chân trở thành đại gia qua các giao kèo bán nước từng mảnh nhỏ, trong khi đại đa số quần chúng sống trong nghèo đói cùng túng. Chiêu bài đấu tranh cho độc lập tự do dân tộc đã mất rồi vì cái lòng tham không đáy muốn sau nhiều sang nhượng khác nhỏ hơn từng khuỷnh, vớ gọn một chuyến thật to là cái giá bán ba đặc khu. Người Việt nam có thể bị chê là vô cảm trước những xúc động cảm tính hàng ngày, nhưng khó yên lặng trước cái nhục mất nước. Và càng khó yên lặng đối với những kẻ phản bội. Với nhận thức này của dân, rõ ràng là ngày nay lãnh đạo VC đã tự xác định vị trí của một thiểu số thống trị bán nước quyết liệt dùng sức mạnh trấn áp của các thương nhân chủ ông Tầu. Đây là một cuộc chiến đấu một mất một còn giữa thiểu số thống trị có sức mạnh trấn áp đáng sợ và một dân tộc có muôn vàn phương cách tiêu diệt kẻ thù bằng những hình thái đấu tranh đa dạng đa diện từ mỗi người dân Việt không còn gì để mất, trừ có một thứ là niềm tự hào dân tộc truyền lại từ cha ông và đã khiến cho nước Việt tồn tại cho tới nay.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 19 tháng 6/2018)