Trong một bài viết phóng đi mới đây bởi đài Á châu tự do (RFA) của Mỹ nhan đề “Thực dân Pháp tốt hay xấu”, người viết bắt đầu bằng câu “Chúng ta ngày nay đều biết rằng Mỹ hoàn toàn không phải đế quốc thực dân đi xâm chiếm khai thác bóc lột nước khác như lời Cộng sản tuyên truyền, nhưng ngay cả những “thực dân” thực thụ như nước Pháp có thực sự xấu xa?”. Trả lời câu hỏi người viết đã kể ra hai đóng góp lớn của Pháp tại Việt Nam. Một là những công trình xây dựng, như nhà cửa đường xá. Hai là chữ quốc ngữ lập ra bởi giáo sĩ Alexandre de Rhodes và chủ nghĩa nhân đạo. Để mà kết luận rằng đảng và nhà nước Cộng sản chẳng làm được cái gì so sánh được với Pháp thực dân cả. Đi xa hơn nữa, người viết kể thêm rằng ngay tình trạng VN bây giờ có đường nhựa, cầu cống, nhà cao tầng…. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, xe ô tô, xe máy, máy bay, nhưng đó đều là sản phẩm của nền văn minh phương Tây, VC chẳng có công cán gì trong đó.
Nhìn từ xa ai cũng thấy rằng không cần viện chủ nghĩa thực dân ra để so sánh thì một chủ nghĩa Cộng sản với con số ngót nghét 100 triệu người, từ Liên sô tới Trung cộng, tới Việt nam tới Âu châu và những nước tiểu nhược trên toàn thế giới, bị giết bởi những biện pháp bạo lực trấn áp để thiết lập chuyên chính vô sản, hay bởi những cuộc chiến tranh du kích được gọi là giải phóng, đủ để nói rằng trong lịch sử nhân loại không có chế độ nào tàn bạo hơn thế. Đem thực dân Pháp ra để so sánh với chế độ VC là điều không cần thiết. Đặt câu hỏi “thực dân Pháp tốt hay xấu” lại càng gây ngộ nhận.
Không mấy ai trên thế giới mà lại có thể khen cái ý tốt của chủ nghĩa thực dân. Tự cái tên của nó với nghĩa đi khai thác các nước nghèo nàn lạc hậu để biến thành đất của mình đã không nói lên cái gì tốt rồi. Chủ nghĩa này đã bị vất vào thùng rác lịch sử. Hay nói cho đúng hơn thì nó đã biến thái, với những mầu mè son phấn mới. Mới như thế nào, mầu mè như thế nào, điều này không nói ở đây. Cái luận cứ Pháp đến khai hóa dân Việt Nam chỉ là của những người hợp tác với Pháp để mà sống yên thân, chưa nói đến cái tâm địa tay sai, không thuyết phục được đa số quần chúng. Giữa chuyện phải chấp nhận sự đô hộ của Pháp và chuyện tình nguyện làm tay sai phục vụ cho chủ nghĩa thực dân của Pháp có một khác biệt rất xa. Từ chỗ nhìn ra cái bản chất chiêu bài khai hóa của Pháp, và biết rõ cái thế yếu kém nhiều mặt của dân tộc mình, mà đã nẩy ra cái quan điểm của cụ Phan Châu Trinh chấp nhận chế độ cai trị Pháp nhưng lờ đi cái ý xấu chiêu bài của chủ trương khai hóa để mà có thể đòi hỏi Pháp thi hành thực sự chuyện khai hóa, cho dân mình có điều kiện tiến bộ và rồi vùng lên. Nó khác xa với thái độ của triều đình Huế tay sai, chỉ cốt được ban cho võng lọng nghênh ngang ngồi trên đầu trên cổ dân. Chính vì thế mà cụ Phan châu Trinh đã bị triều đình trấn áp, bắt bớ. Cũng trong tinh thần tương tự, ông Nguyễn An Ninh đi du học Pháp đậu luật sư về nước mà không hành nghề kiếm sống. Ông đã vào gặp thống sứ Nam Kỳ yêu cầu áp dụng những nguyên tắc tư do, dân chủ mà ông đã thấy và hưởng ở Pháp. Ông đã ra báo La cloche fêlée (cái chuông nứt) và sau đó làm báo La lutte (Tranh đấu) để kêu gọi dân chúng tranh đấu. Ông bị chính quyền bắt bò tù 5 lần. Lần chót thì chết trong tù Côn Đảo lúc 43 tuổi, vào năm 1943.
Nói đến cái công ơn lớn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã chế ra chữ quốc ngữ với 25 chữ cái la tinh và năm dấu để người VN dùng và bớt lạc hậu thì là điều cần quan tâm suy xét. De Rhodes là giáo sĩ giòng tên (Jesuites) gốc Do Thái. Ông chế ra chữ quốc ngữ vì nhu cầu truyền đạo cho những người Việt mà ông tả trong báo cáo cho Dòng là “nói như chim”, thời Trịnh Tráng. Ông đã cải đạo được cho khá nhiều người VN, Vì thế chúa Trịnh nghi ngờ gian ý chính trị của ông và trục xuất ông năm 1630. Ông cũng là người vận động thành lập Hội truyền giáo ngoại quốc Paris mà nhiều nhà sử học cho là công cụ bành trướng chủ nghĩa thực dân Pháp. Nói nhờ chữ quốc ngữ mà VN bớt lạc hậu thì cũng có thể có phần đúng. Nhưng mà vai trò chữ quốc ngữ thực sự ra sao trong việc khiến VN tiến bộ thì cũng nên đặt câu hỏi rằng tại sao người Nhật không xử dụng chữ cái la tinh mà vẫn tiến bộ, có phần là rất xa hơn Việt Nam. Tương tự như thế là tiếng Hàn quốc. Còn Trung quốc cho tới nay vẫn dùng Hán tự, tuy là giản thể, nhưng vẫn còn rắc rối khó học. Thế mà Tầu đã trở thành một cường quốc kinh tế tài chính hạng nhì sau Mỹ trong vòng 3 thập niên, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường. Thành ra, một cách đúng mực thì có thể nói sự xử dụng chữ cái la tinh chắc chắn là có giúp cho việc học tiếng Việt nhanh chóng. Nhưng mà đó không phải là chủ trương khai hóa của de Rhodes, mà là chủ trương truyền giáo, được Pháp tán đồng thực hiện. Nhắm mắt ca tụng de Rhodes cũng không khác gì nhắm mắt ca tụng thái thú Tích Quang và Nhâm Diên cai trị nước ta thế kỷ thứ nhất, lúc đó gọi là các quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Không thể chối cãi rằng Tích Quang Nhâm Diên là hai quan cai trị biết dùng các biện pháp ôn nhu để giữ ổn định dân bị trị Việt nam. Chắc chắn là có người Việt thời đó biết ơn hai người này rồi và sử Việt cũng có văn tắt ghi lại môt cách công bình rằng chính sách Tích Quang Nhâm Diên là tốt đẹp.
Nhìn lại nước ta vào giai đoạn 1940-1945 toàn quyền Pháp Jean Decoux đã cải thiện chính sách đối xử với người Việt như gia tăng thành phần dân bản xứ trong hội đồng thành phố và áp dụng ngạch lương bổng đồng đều cho công chức người Việt và người Pháp. Decoux đã thổi mạnh phong trào thể thao, khuyến khích cho dân Việt tham dự thể thao, thi lực sĩ đẹp, say mê cái thú đá bóng, đua xe đạp đường trường Nam Bắc, đấu võ quyền Anh vân vân…Với những biện pháp này không tránh khỏi có người khen Decoux thực tâm khai hóa, đối xử bình đẳng với người Việt. Nhưng nếu biết lúc đó quân Nhật ở Việt Nam, rất kỷ luật và đối xử với người Việt rất nghiêm chỉnh đứng đắn, trong chính sách Đại Đông Á người Á châu đoàn kết với nhau để chống thực dân Tây phương, thì sẽ nghĩ rằng Decoux chẳng tốt lành gì. Mà chỉ nhằm cạnh tranh ảnh hưởng của Nhật. Chủ yếu chỉ là lôi thanh niên vào vui hưởng để quên đi chính trị, và giảm bất mãn đối với thái độ chủ ông khinh thường của dân Pháp hàng ngày đối với người Việt qua những tiếng mắng mỏ cu soong (cochon =con lợn), la vache (con bò), và những cái bợp tai hay đá đít người dân thường hàng ngày khi không vừa ý.
Cũng thế, ngày nay chế độ VC biến thái đã thả lỏng cho người trong nước ăn hưởng nhậu nhẹt rượu chè, sì ke ma túy, chăm chú say mê thể thao các loại, và các chương trình giải trí đủ kiểu khiêu dâm khích dục, thì cũng đã được một số người cho là nhà nước cởi mở. Nhưng thực chất đó là để cho người dân ngụp lặn vào trong cái đồi trụy sa đọa mà quên đi cái tức tối triền miên do cuộc sống thường trực bị trấn áp và bị coi rẻ bởi những bọn quyền chức từ trung ương tới địa phương.
Muốn thấy bằng cớ của chính sách khai hóa Pháp, hãy cứ lấy Sàigòn, thành phố được người Pháp ca tụng là Hòn ngọc Viễn động, thủ phủ của Nam Kỳ tự trị, vùng đất cưng của người Pháp: Năm1954 sau hội nghị Génève Sàigon có một trường trung học công lớn Việt Nam là Petrus Ký, một trường trung học Tây là Chasseloup Laubat. Học sinh lớp đệ nhất tức là tú tài hai gồm ba ban ABC lúc đó cả hai trường cộng lại không quá 300. Nếu biết tỷ số học sinh thi đậu thời đó là chừng 25%, thì tổng số học sinh trung học đệ nhất cấp không trên 1000 là bao nhiêu. Những con số này tự nó nói lên chính sách khai hóa ra sao của Pháp đối với một nước Việt nam lúc đó là 23 triệu người. Và miền Nam khoảng 10 triệu người.
Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa thành lập bởi tổng thống Ngô đình Diệm khi Pháp rút khỏi VN, và tiếp đó là đệ nhị VNCH trong tình trạng bất ổn vì chiến tranh Hò chí Minh chính thức mở ra năm 1960 với sự thành lập Mặt Trận Giải phóng miền Nam và trận đánh Tây Ninh, đã đào tạo được trên 2000 bác sĩ - chỉ nói riêng từ đại học y khoa Sàigòn, có đủ trình độ để tiếp tục hành nghề ở ngoại quốc sau khi bỏ nước tị nạn Cộng sản. Vì thế, chính sách gọi là khai hóa và mở mang của Pháp chủ yếu là để phục vụ sự vận hành của chế độ cai trị thực dân. Sau khi Pháp ra đi năm 1956, nếu mà miền Nam có thể khá lên được là nhờ cái tinh thần tiềm ẩn muốn vùng lên trong mỗi người Việt, khi có dịp. Và nhờ cái tinh thần tự chủ mình muốn là mình.
Ở dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc, cái tinh thần này đã bị tận diệt hay là làm cho thui chột vì bạo lực trấn áp cuồng tín của CS Hồ chí Minh và đồng đảng. Để mà như Văn Cao, sự dồn nén này quá lắm thì được thốt ra sau mấy chục năm phải im tiếng, bằng bài hát Mùa Xuân Đầu Tiên một cách dè dặt luồn lách ,với câu “Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”. Những người có đầu óc bị dồn nén khác thì nói ra được như trong Thiên đường mù, trong Nỗi buồn chiến tranh. Hay như kẻ hoang tưởng phản chiến Trịnh Công Sơn được đãi ngộ an ủi bằng những chai rượu mạnh của Võ Văn Kiệt sau khi chiếm được miền Nam, rên rỉ
Tôi ơi đừng tuyệt vọng
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Tóm lại, nếu không để ý suy nghĩ để nhìn ra bản chất vấn đề, không hiểu rõ thân phận mình như là phó sản của chủ nghĩa thực dân thì dễ trở thành vong bản mà không biết. Vì thế mới có người mà ngôn ngữ, văn hóa Mỹ Pháp Tầu vân vân không rõ bao nhiêu, nhưng yêu và ca tụng Pháp Mỹ Tầu hơn người bản xứ. Người mình có câu “bảo hoàng hơn vua” là vì thế. Điển hình nhất của loại này là tư thái của Hồ chí Minh mô tả trong tập sách nhỏ “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” do chính họ Hồ viết dưới bút danh Trần Dân Tiên. Họ Hồ kể rằng khi đọc luận cương Lê nin một mình ở trong phòng bên Pháp thập niên 1920 đã cảm động và lòng như hừng hực muốn hét lên trước đám đông quần chúng: “đây là con đường của chúng ta”.. Rõ ràng là một thứ mặc cảm nhược tiểu và bất lực dẫn đến cuồng tín dựa vào sức người để trấn áp những người không cùng suy nghĩ với mình trong cái hoang tưởng có thể thực hiện tham vọng của mình. Cái thái độ dựa vào người tiếc thay còn thấy đầy rẫy ngày nay, nghĩa là chòm chèm 100 năm sau.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 31 tháng 5/2018)