Tinh thần chống chế độ Việt cộng của người Việt Nam hải ngoại không phải là một sự cực đoan hay thành kiến quá khứ. Tinh thần này đến từ những nhận thức về tội ác của Việt Cộng đối với dân tộc và đất nước, không phải là kéo dài từ thời toàn trị chuyên chính vô sản mà là vì những tội ác liên tục từ sau ngày chiếm được miền Nam cho tới nay. Bởi lẽ những nạn nhân CS thời toàn trị do Hồ chí Minh lập nên kể như đã chết gần hết. Thiểu số còn sống chẳng còn bao nhiêu, hay nếu còn thì ở tuổi “mũ ni che tại”, chẳng nghe được nhiều, chẳng thấy bao nhiêu, chẳng còn sức bao nhiêu mà phản ứng.
Một vài cụ thể về những tội ác từ sau ngày chiếm được miền Nam cho tới nay của VC là những hiệp định nhượng đất nhượng biển sau những cuộc điều đình ở Thành Đô mà nội dung giữ kín của chế độ ký với Trung Quốc đã đưa đất nước đi vào vòng lệ thuộc TQ và thái độ chính quyền thụ động im lặng trước những khẳng định chủ quyền của TQ trên vùng lãnh thổ dâng hiến, đã không thể nào được dân đồng tình. Tham nhũng và bất lực quản trị từ thượng tầng đến hạ tầng trong guồng máy chế độ khiến tài nguyên đất nước rơi vào tay ngoại bang không thể được ai tán thành. Tài sản của người dân bị chiếm đoạt, cưỡng chế nhân danh phát triển bởi cán bộ đảng các cấp, không thể không gây căm phẫn. Bốn mươi ba năm dưới sự cai trị bởi những đỉnh cao trí tuệ của đồ đảng Hồ chí Minh và tay chân đưa xã hội Việt Nam vào tình trạng suy đồi, gia đình, đạo lý băng hoại mà ít ai có thể làm gì được.
Có người cho là đáng buồn vì hiện nay những người vì đất nước dấn thân ở Việt Nam có quá ít. Cho dù như thế, thì nghĩ cho cùng thỉ đó chỉ vì không mấy ai đủ can đảm dám thách thức, coi thường sự khủng bố trấn áp của chế dộ. Chẳng khác gì thời quân Minh xâm chiếm nước ta, mà cụ Nguyễn Trãi đã viết trong bài Bình Ngô Đại Cáo “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có..” Và “Tuấn kiệt như sao buổi sớm. Nhân tài như lá mùa thu…”
Sách Việt Sử Tân Biên, cuốn số 7, Việt Nam Kháng Pháp Sử, của sử gia Phạm Văn Sơn có kể về câu chuyện yêu nước của một thanh niên trẻ Việt Nam 18 tuổi, tên là Phạm Tất Đắc, học sinh trường Trung Học Bảo Hộ (Lycée du Protectorat – Trường Bưởi). Tư chất thông minh từ lúc nhỏ, chàng thanh niên Phạm Tất Đắc đã suy tư nhiều về hoàn cảnh của đất nước, và đã phẩn uất trước sự cai trị của ngoại xâm. Khi cụ Sào Nam Phan Bội Châu bị Pháp bắt thì chàng thanh niên này đã luôn đi đầu trong những cuộc vận động xin ân xá cho cụ. Bài thơ Chiêu Hồn nước đã được chàng trai trẻ Phạm Tất Đắc viết trong giai đoạn này và được nhà in Thanh Niên tại Hà Nội cho xuất bản.
Sau khi bài thơ Chiêu Hồn Nước được phổ biến vài ngày thì cả Phạm Tất Đắc và chủ nhà xuất bản đã bị sở mật thám Pháp bắt và truy tố ra tòa với cáo trạng: “xúi dục dân chúng phá rối trị an.”
Trước tòa, khi viên chánh án người Pháp hỏi:
- “Anh có biết rằng bài thơ này có tính cách xúi dân làm loạn hay không?”
Một cách dõng dạc, chàng thanh niên Phạm Tất Đắc đã trả lời:
- “Nếu nước Pháp thật tình khai hóa dân thuộc địa làm nhiều điều ơn ích, thì dù tôi có làm một trăm bài “Chiêu Hồn Nước” cũng chẳng ai theo.”
Biết lập trường của Phạm Tất Đắc rất vững cho nên viên chánh án Pháp đã hết lòng chiêu dụ, và đề nghị nếu Phạm Tất Đắc hối cãi thì sẽ được chính phủ Pháp khoan hồng. Tuy nhiên Phạm Tất Đắc vẫn một mực từ chối xin sự khoan hồng vì cho rằng đã tự vấn lương tâm và thấy rằng không có làm điều gì sai trái.
Trước sự cứng rắn của Phạm Tất Đắc, người Pháp đã quay sang thân phụ của Phạm Tất Đắc để dọa dẫm, nhưng thân phụ của chàng trai Phạm Tất Đắc cũng khẳng khái trả lời: “Con tôi ở nhà thì thuộc quyền dậy bảo của tôi. Nay nó theo học trường của nhà nước, hay dở thuộc quyền dậy dỗ của chính phủ.”
Dọa nạt không được cho nên người Pháp đã bắt giam Phạm Tất Đắc cho đến năm 21 tuổi thì trả tự do. Nhưng vì mất sức lực do những cuộc tra tấn trong tù, chỉ 3 năm sau thì Phạm Tất Đắc qua đời, để lại cho hậu thế những lời tâm huyết thiết tha:
… Cũng nhà cửa cũng giang san
Thế mà nước mất nhà tan hỡ trời!
Nghĩ lắm lúc đang cười hóa khóc
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang
Vạch trời thét một tiếng vang
Cho thân tan với giang san nước nhà
Đồng bào hỡi! Con nhà Đại Việt!
Có thân mà chẳng biết liệu đời
Tháng ngày lần lữa đợi thời
Ngẩn ngơ ỷ lại vào người ai thương?
Nay sóng gió bốn phương càng dội
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào chút giọt máu đào
Thương ôi nào có ai nào xót đây?
…………….
Non sông vẫn non sông gấm vóc
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi
Người xem cũng có dáng người
Cũng tai cũng mắt ở đời khác chi
Cảnh như thế, tình thì như thế
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì
Nước non đến thế còn gì nước non!
…………….
Hồn hỡi hồn, con Hồng cháu Lạc!
Bấy nhiêu lâu đói khát lầm than
Bấy lâu thịt nát xương tan
Bấy lâu tím ruột bầm gan vì hồn
Hồn hỡi hồn! Kìa non nước cũ
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày chau
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi hồn!
Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc
Ngẫm năm châu khôn khóc nên lời
Đêm khuya canh vắng yên trời
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về!
(Phạm Tất Đắc – Chiêu Hồn Nước, 1927)
Bài thơ dài của Phạm Tất Đắc thực là thấm thía, nhưng mà thấm thía nhất là mấy câu mà ngày nay, 90 năm sau, thấy còn vẫn đúng:
Đồng bào hỡi! Con nhà Đại Việt!
Có thân mà chẳng biết liệu đời
Tháng ngày lần lữa đợi thời
Ngẩn ngơ ỷ lại vào người ai thương?
Đọc sử ngày nay thì biết như thế, nhưng cái tên Phạm tất Đắc được mấy người biết và để ý lúc đó? Chẳng khác gì những tên như Trần thị Nga, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Viết Dũng, Vũ Văn Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người khác đơn lẻ đòi hỏi tự do phát biểu cho mình, cũng như cho quyền lợi chung, sẵn sàng chấp nhận bị trấn áp tù tội.
Xưa và nay, hồn nước còn thì dân tộc vẫn còn. Dân tộc bị khốn khổ thì đấu tranh vẫn tiếp diễn. Ngày xưa anh hùng Nguyễn Trung Trực đã trả lời giặc Pháp khi chúng tìm cách mua chuộc ông khi ông vì hiếu phải nạp mình cho giặc: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây.”
Ngày nay người hải ngoại cũng trả lời Việt Cộng: Dân tộc còn khốn cùng thì người hải ngoại vẫn còn đấu tranh chống Việt Cộng biến thái. Mỗi cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một thành trì mà Việt cộng phải đương đầu. Các thế hệ Việt Nam sẽ không ngừng công cuộc đấu tranh mưu cầu hạnh phúc cho giống nòi cho đến khi đất nước thật sự có tự do dân chủ. Hình ảnh những người trẻ trong các sinh hoạt đấu tranh đa dạng chống chế độ VC là những dấu chứng không chối cãi được của hồn nước miên viển truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tuệ Vân
Ngày 20 tháng 5 năm 2018