Chuyến công du Pháp vào hạ tuần tháng 3/2018 của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, đã được tóm tắt bằng một bài viết trên đài Tiếng Nói Á Châu (RFA) với nhan đề “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Pháp, một chuyến đi không có gì”. Để biện minh cho khẳng định trên, bài báo đã dẫn ra ý kiến của một số nhân vật. Người thứ nhất là Phạm chí Dũng, sống ở trong nước, có một số bài viết phê phán chế độ và nhân vật VC, từng được các chương trình phát thanh tiếng Việt ngoại quốc như BBC, RAF, RFI, gọi là tiến sĩ, là nhà báo tự do, nhà nghiên cứu báo chí. Ông Phạm Chí Dũng nói với RFA ba ngày trước chuyến đi của ông Trọng rằng mục đích lớn nhất của chuyến đi là sớm thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam Châu Âu (EVFTA). Chuyện này đã không thành. Người thứ hai là Nguyễn Gia Kiểng nhà lý thuyết chính trị của nhóm Thông Luân với lập trường hòa hợp hòa giải dân tộc từ cuối thập niên 80, bị dư luận phản đối mạnh mẽ, và đã từng thì thụt về VN. Ông Kiểng cho rằng Nguyễn Phú Trọng chẳng có gì để có thể trao đổi với Pháp và Âu châu trong hậu trường,vì tình trạng nhân quyền đã xấu đi. Sau chót đài Á châu tự do RFA đưa ra một số chứng minh gián tiếp “về chuyến đi không có gì” của Nguyễn Phú Trọng, là:
1/những tờ báo lớn của Chính phủ Việt Nam cũng không đăng tải nhiều về chuyến đi Pháp của ông Tổng Bí thư. 2/trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, cho đến cuối ngày 27/3 không có tin tức và hình ảnh nào của ông Trọng tại Pháp.
Về phía Anh quốc, ngày 27 tháng 3 chương trình BBC tiếng Việt loan tin kết quả chuyến đi Nguyễn Phú Trọng với bản tin tựa đề “Pháp-Việt ký nhiều hợp đồng hàng tỷ USD.” Với những chi tiết như sau:
“Tập đoàn Bouygues vừa ký hợp đồng 1,5 tỷ euro để xây dựng và vận hành một tuyến metro cho Hà Nội nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng”.
“Tin từ Phủ Tổng thống Pháp đưa ra chiều 27/03 cũng nói một tập đoàn khác của Pháp là EDF đồng ý tham gia tổ hợp xây dự án nhiệt điện chạy bằng khí đốt trị giá 1,5 tỷ euro ở Sơn Mỹ, theo Reuters.”
“Cùng ngày, cũng hãng Reuters đưa tin từ Paris cho hay nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phúc Trọng, hãng hàng không VietJet của Việt Nam và Tập đoàn Safran - CFM của Pháp đã ký biên bản ghi nhớ về cung cấp động cơ và các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho máy bay của hãng trị giá 6,5 tỷ USD, theo báo chí Việt Nam”.
“Tập đoàn GECAS của Pháp cũng ký hợp đồng leasing để VietJet nhận về sáu chiếc Airbus 321 loại mới, theo thông tin từ VietJet.”
“Vẫn về quan hệ thương mại trong ngành hàng không, Air France KLM hôm thứ Hai 26/03 cũng ký hợp đồng trị giá 500 triệu USD với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam để bảo dưỡng máy bay cho phía Việt Nam”.
Với những tin như trên, một người bình thường mà nghe đài ngoại quốc thì làm sao mà biết đúng sai?
Câu trả lời sẽ chẳng có gì khó nếu mà không tin vào các tựa đề tóm tắt. Chỉ cần suy nghĩ một chút thôi. Nếu như Nguyễn phú Trong đi Pháp chỉ để vận động ký EVFTA (hiệp định tự do thương mại VN và Âu châu) như đài RFA nói thì thất bại là đúng rồi. Nhưng nghĩ xa hơn chút nữa, rằng khi không có hiệp định mà ký được một số giao kèo thương mại nhiều tỉ đô la thì cũng không thể nói là “không có gì”. Dù cho rằng những giao kèo này chẳng có lợi ích gì cho dân tộc mà chỉ đem lại một số tiền hoa hồng để bỏ túi cũng như củng cố quyền lực cho cá nhân và phe nhóm, như đã từng xẩy ra trong những chuyến Nguyễn tấn Dũng đi Mỹ trước đây. Ngoài ra, khi Pháp chấp nhận trải thảm đỏ tiếp đón Nguyễn Phú Trọng tuy chỉ là tổng bí thư của đảng mà không phải là người đứng đầu nước hay chính phủ, thì có nghĩa rằng Pháp sẵn sàng chấp nhận cái cơ chế quyền lực của VC để mà có thể làm ăn buôn bán. Cũng như Mỹ tiếp Nguyễn phú Trọng trước đây.
Những cây viết trong nước mà có nhận định dè bỉu về chuyến đi của NPT thì không thể không có một chỗ dựa đàng sau, thí dụ như là tay chân xa gần của Nguyễn Tấn Dũng, hay là của một nhóm quyền lực khác, cho nên không sợ sự trấn áp của Nguyễn Phú Trọng. Không để ý đến các điểm này thì dễ dàng nhào vào một phía VC, như nhiều người đã từng làm đối với những luận điệu ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Vì đơn giản cho rằng ai chống kẻ đương quyền thì người đó là bạn. Và vì đã bị nhồi vào đầu cái ý nghĩ từ ngoại quốc rằng Nguyễn Tấn Dũng là người trẻ tiến bộ, muốn thay đổi, rồi bỏ qua tuyên bố nhắc đi nhắc lại cũa NTD rằng y ta chỉ là một đảng viên CS, một lòng thi hành lệnh đảng. Và quên mất rằng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh có bị Nguyễn Phú Trọng trấn áp thì cũng chỉ là VC đánh VC. Nghĩa là chẳng hơi đâu hùa theo một bên. Chẳng hy vọng gì Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền trở lại mà khá hơn xưa. Bởi lẽ chỉ cần nhìn trước mắt, thì thấy ngay rằng thời NTD nắm quyền đã có:
1/ tình trạng im lặng để cho TC chiếm đất lấn biển và dân Tầu ra vào VN không cần giấy nhập cảnh, ở đâu cũng được thành làng thành xóm tùy thích
2/những trấn áp không ngần ngại các tiếng nói can đảm vì quyền lợi dân tộc hay là để bảo vệ quyền lợi chính mình,
3/sự tham nhũng thối nát cũng như những tệ trạng xã hội ở mức mà hiện nay chưa có thấy dấu hiệu bị bắt kịp.
Cho nên mới thấy tình trạng khôi hài là không thiếu gì kẻ sót xa thương Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng các tay tham nhũng lớn nhỏ khác. Để mà đổ cho rằng tất cả chỉ là vì đấu đá tranh đoạt quyền lợi.
Thái độ đứng ngoài cho chúng đánh nhau này, chỉ có một một mối nguy, Là nếu như Nguyễn Phú Trọng dẹp được tham nhũng thối nát, lạm dụng quyền hành, chặt được những tham nhũng gộc để cho dân thỏa lòng, chứ không phải là diễn trò mị dân, dơ cao đánh khẽ, thì cái cơ chế độc đoán có thể tồn tại chưa biết bao giờ dứt. Dù sao thì đó cũng chỉ là thuần túy lý luận. Bởi vì ca dao thời nay đã có câu:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời VC có thương dân mình.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 6 tháng 4/2018)