Ngoài nhân tố di truyền trong sự phát triển của mỗi cá nhân, ngày nay các nhà nghiên cứu khoa học cũng xác định rằng những kinh nghiệm, tốt hay xấu, mà trẻ em tiếp nhận trong 5 năm đầu sau khi sinh ra, đã tác động quan trọng đến hướng phát triển não bộ của các em một cách tích cực hay tiêu cực. Những tác động này có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, khả năng học hỏi, và sự thành công của các em ở trường học cũng như trong cuộc sống hiện tại và về sau.
Vài khái niệm căn bản về não bộ trẻ em:
1/Lúc bào thai năm tháng, đã có 80 tỉ tế bào thần kinh trong óc tức là tổng số tế bào thần kinh trong phần vỏ não
2/Trong tám tháng đầu tiên, những nối kết thần kinh được thành lập nhiều hơn là số bị hư hại
3/Sự phát triển đòi hỏi không những những mối nối thần kinh mà còn cần phải có những hủy bỏ chọn lọc, nói khác đi là những “xén tỉa”
4/ Chấn thương và căng thẳng có tác động tai hại lên bộ não đang phát triển
Khi mới sinh, não bộ của một em bé chỉ lớn khoảng ¼ não bộ trung bình của một người lớn. Não bộ của em bé được tăng trưởng gấp hai khi bé được 1 tuổi, và tiếp tục phát triển đến 80% não bộ của người lớn khi bé được 3 tuổi. Đến 5 tuổi thì não bộ của bé gần như là hoàn toàn phát triển với kích thước 90% não bộ của một người lớn.
Khi chào đời, não bộ của một đứa trẻ có vào khoảng 100 tỷ tế bào não và những tế bào này sẽ tồn tại trong suốt cuộc sống của em. Nhưng để tạo điều kiện cho các em có thể di chuyển, suy nghĩ, nói chuyện, vân vân, thì não bộ của các em cần đến sự nối kết của các tế bào não. Những sự nối kết tế bào não này rất quan trọng trong những năm đầu tiên của bé, vì vào những năm đầu tiên, sự nối kết giữa các tế bào não của các em phát triển rất nhanh, ít nhất là một triệu nối kết mới xuất hiện trong mỗi giây, nhanh hơn cả những giai đoạn về sau trong cuộc đời. Trong mỗi vùng não với những nhiệm vụ khác nhau (như vùng não dùng cho sự vận động, ngôn ngữ, nhận định và xúc cảm, vân vân,) tốc độ phát triển của mỗi vùng não có sự khác nhau. Ngay cả sự nối kết giữa các tế bào não cũng rất phức tạp. Khi các em được 3 tuổi thì sự nối kết giữa các tế bào não là vào khoảng 100 ngàn tỷ. Sau 3 tuổi, não bộ của các em bắt đầu đi vào sự hoàn chỉnh. Những sự nối kết cần thiết cho những năng khiếu quan trọng hầu như được hình thành. Thí dụ như những năng khiếu thúc đẩy sự tham gia, năng khiếu tự điều chỉnh, năng khiếu giải quyết sự việc, năng khiếu trò chuyện, năng khiếu tự chủ và tự trọng, vân vân. Tới 4 tuổi các chức năng thuộc về giác quan như sờ và nhìn, và các năng khiếu căn bản cho sự vận động đều được xây dựng. Những nối kết giữa các tế bào não được thường xuyên xử dụng sẽ trở nên mạnh mẽ, trong khi những nối kết mà không được dùng thường xuyên thì sẽ mất đi. Điều này giúp cho não bộ trở nên hữu hiệu hơn. Tương tự như khi luyện tập bắp thịt. Tập luyện thường xuyên thì bắp thịt săn cứng. Không tập luyện thường xuyên thì bắp thịt sẽ mất đi sự săn cứng của nó. Sự nối kết của các tế bào não nếu không xẩy ra trong 5 năm đầu tiên trong cuộc đời của một trẻ em thì sẽ khó hình thành hơn trong những năm về sau.
Chức năng não trái: khả năng phân tích, lập luận (logic), ngôn ngữ, biện giải, khoa học và toán, chữ viết, đếm số, kiểm soát tay phải.
Chức năng não phải: khả năng hiểu biết nghệ thuật, âm nhạc, tính sáng tạo, sự tưởng tượng, trực giác, khả năng nhìn sâu sắc, tư tưởng toàn diện, khả năng nhìn ba chiều, kiểm soát tay trái.
Một điều đáng mừng là phụ huynh hay những người chăm sóc trẻ em, qua những sự hướng dẫn và tiếp xúc tích cực hàng ngày với các em, có thể giúp cho các em, hình thành lên được những sự liên kết giữa các tế bào trong não bộ, những sự liên kết cần cho sự phát triển thành công của các em trong cuộc đời. Trẻ em từ lúc sinh ra đã có khuynh hướng tạo liên hệ với cha mẹ và những người chăm sóc các em qua những cách riêng biệt. Các em bập bẹ, cười, khóc, đòi ăn, đòi bế, vân vân. Mỗi một cách bầy tỏ sự liên hệ với người lớn của các em là một cơ hội để một người lớn hoặc đáp ứng hoặc không đáp ứng tới nhu cầu liên hệ của các em. Quá trình liên hệ và đáp ứng này là một nền tảng cần thiết cho sự hình thành những nối kết giữa các tế bào não và đưa đến hướng phát triển tích cực hay tiêu cực lên não bộ của các em. Đây là lý do quan trọng để cha mẹ và những người chăm sóc các em nên nói chuyện, hát, đọc sách, chơi đùa với các em, để các em có những cảm nhận an toàn, vui vẻ, ổn định, nơi những môi trường chung quanh ngay từ ngày đầu các em mới sinh.
Hình chụp cho thấy não chịu những căng thẳng độc hại thì có ít mối nối kết hay là mối nối kết kém phát triển trong những vùng não quan trọng nhất cho sự thành công học hỏi và cho cung cách hành xử ở trường và nơi làm việc.
Não bình thường (normal): Tế bào thần kinh điển hình - nhiều mối nối kết
Não căng thẳng vì độc hại (toxis stress): tế bào thần kinh hư hỏng - ít mối nối kết
Hình chụp não bộ của hai trẻ em ba tuổi. Bên trái là não bộ của một em được nuôi dưỡng với sự quan tâm, chăm sóc. Bên phải là não bộ của một em được nuôi dưỡng trong sự bỏ bê.
Trẻ em phát triển những mối liên kết giữa các tế bào trong não bộ các em qua hai cách. Một là qua sự lắng nghe những bài hát ru em đầy tình yêu thương ngọt ngào và qua những cảm nhận sự an toàn hạnh phúc trong sự chăm sóc của những người thân hay người giữ trẻ hay từ các cô giáo hướng dẫn các em. Hai là qua sự dùng giác quan của các em khi giao tiếp với thế giới bên ngoài, chẳng hạn như qua sự xử dụng những món đồ chơi hay qua sự tiếp xúc với các bạn cùng lứa tuổi. Mỗi một sự tác động hay kích thích lành mạnh lên các em từ những ngày đầu tiên của cuộc đời, những tuần, những tháng và những năm sau đó sẽ giúp các em xây dựng nên những sự nối kết cần thiết khác nhau nơi não bộ. Và tất cả những sự tiếp xúc an toàn, hạnh phúc, tích cực, đều cần thiết cho sự phát triển và thành công tốt đẹp của các em nơi hiện tại và sau này.
Ngược lại nếu các em tiếp nhận những sự đối xử độc hại, và ngược đãi (tinh thần, thể xác) trong những năm đầu đời, sự nối kết cần thiết giữa các tế bào não trong não bộ của các em sẽ không tạo ra nhiều. Điều này khiến một số các năng khiếu trong não bộ các em sẽ không có cơ hội phát triển và gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài tới trí tuệ và sức khỏe của các em về sau. Xa hơn nữa, những trẻ em mà thường xuyên tiếp xúc với những môi trường độc hại như các trường hợp bị đánh đập, ngược đãi tinh thần thể xác, bỏ bê, thiếu ăn, bỏ đói, sẽ lớn lên với sự yếu kém sức khỏe lâu dài và có những dấu hiệu của sự căng thẳng tâm trí như nóng nẩy, hung bạo, chán nản, buồn phiền, lo lắng, thiếu tập trung, kém trí nhớ, vân vân.
Hình (bên trái) PET scan não bộ một trẻ khỏe mạnh: những vùng mầu đỏ là vùng hoạt động mạnh; những vùng xanh và đen là vùng ít hoạt động. Lúc mới sanh, chỉ có vùng cuống não (ở giữa) là hoạt động đầy đủ; ở những vùng như thùy thái dương (temporal lobes (ở trên)) những kinh nghiệm tuổi thơ đưa đến sự hình thành những mạch nối kết.
Hình (bên phải) PET scan não bộ một trẻ thơ bị ngược đãi (trẻ mồ côi người Romanian) bị bỏ trong viện mồ côi ít ngày sau khi sanh: cho thấy tác dụng của sự thiếu thốn cùng cực lên óc. Thùy thái dương (ở trên) là nơi điểu chỉnh cảm xúc và tiếp nhận từ các giác quan gần như hoàn toàn yên lặng. Những trẻ em này có những vấn đề về cảm tính và nhận thức.
Tóm tắt, yếu tố di truyền đưa ra bản thiết kế cho não bộ, nhưng môi trường chung quanh và kinh nghiệm của một đứa trẻ qua những sự tiếp xúc với cha mẹ, những người thân, và những người chăm sóc các em, lại chính là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển lâu dài trong não bộ của các em. Do trong 5 năm đầu não bộ của trẻ em phát triển nhanh hơn là trong những giai đoạn về sau và sự cấu tạo não bộ của các em gần như hoàn chỉnh, phụ huynh và những người có trách nhiệm chăm sóc các em cần nên quan tâm đến sự phát triển của các em trong những năm đầu tiên của các em.
Kết luận, qua kinh nghiệm nghề nghiệp giáo dục các trẻ em trước khi vào mẫu giáo (kindergarten), đối chiếu với những hiểu biết sách vở, người viết bài đã nhận thấy được những khiếm khuyết phát triển khả năng nhận thức hay tình trạng bất thường trong tác phong tư thái ở một số trẻ em mà nguyên do chỉ vì cha mẹ không để ý đến nhu cầu dậy trẻ từ lúc còn thơ, vì không biết đến những khái niệm rất căn bản kể trên, và chỉ nghĩ đơn giản rằng cho con ăn no mặc ấm là đủ để con có thể phát triển bình thường. Do đó mới có bài viết này để mong có sự lưu tâm.